Hôm trước có một bạn muốn đọc về kỹ thuật viết của người Mỹ. Tôi hứa sẽ tóm tắt một quyển nếu tôi gặp sách đề cập đến kỹ thuật viết. Tôi mượn quyển How Fiction Works của James Wood ở thư viện về đọc được vài chục trang thấy ông viết cao siêu quá và nêu thí dụ bằng tác phẩm của một số nhà văn tôi chưa đọc. Thấy tóm tắt quyển sách này khá khó khăn nên tôi tìm quyển khác dễ đọc hơn.
Hồi đầu năm hiệu sách Borders bị phá sản nên bán sách hạ giá rất nhiều, tôi có mua một số sách để tham khảo mà chưa có thì giờ đọc đến. Sáng nay lục lọi thấy trên kệ sách có quyển Telling True Stories. Đây là sách của Nieman Foundation thuộc Đại học Havard xuất bản, dùng để chỉ dẫn cách viết cho các cây bút thuộc thể loại nonfiction, do Mark Kramer và Wendy Call biên soạn. Quyển này viết với mục đích phục vụ người viết báo, tường thuật, phỏng vấn, không mấy thích hợp với viết về kỹ thuật và văn học. Tuy nhiên tôi thấy có một bài khá hay, người viết nào cũng có thể dùng được. Quyển sách có nhiều phần, ở phần thứ V: Building Quality into The Work (cách làm tăng chất lượng của bài viết) có một bài ngắn về Voice, giọng văn của người viết, của tác giả Susan Orlean.
“Phát triển giọng của nhà văn là một quá trình cố quên đi những điều mình đã học, tương tự như những bức họa của trẻ em. Trẻ em thường có những bức tranh vẽ rất đẹp, nhưng thường hay bị người lớn bảo, khi bắt đầu vào trường, là những căn nhà thật thì không vẽ như thế. Trong trường hợp ấy, hầu hết mọi người đều đánh mất khả năng sáng tạo về thể loại tranh ảnh. Tất cả những tranh ảnh nổi tiếng đều giữ được phần nào cái nhìn và tình cảm chân thật của trẻ con. Những tác phẩm văn chương danh tiếng cũng thế.
Tự phân tích là điều quan trọng nhất để phát triển giọng văn tốt. Tôi là ai? Tại sao tôi viết? Bản chất, cá tính của bạn và sự hiểu biết về bản thân là yếu tố cần thiết để phát triển giọng văn – nhất là trong những bài tường thuật dài. Hãy tưởng tượng bạn đang kể cho người khác nghe một câu chuyện bạn rất thích thú. Người ta chú ý nghe dù bạn kể vòng vo tam quốc. Cái cách bạn kể chuyện trong bữa ăn tối thật sự thể hiện con người bạn, là người có óc phân tích sâu sắc hay là người khôi hài châm biếm duyên dáng. Ở những lúc như thế bạn không ngượng ngùng xấu hổ, bạn không lo lắng về sự chê bai cắt xén của những ông bà biên tập hay chủ bút.
Bạn không thể sáng tạo ra giọng văn. Bạn cũng không thể bắt chước giọng văn của người khác, mặc dù cố bắt chước cũng là một cách tập viết văn rất tốt. Bắt chước giọng văn của người khác có thể giúp bạn bắt đầu nhận ra bộ máy chứa đựng cách xây dựng giọng văn. Đọc thành tiếng những bài viết của bạn thật to để bạn có thể nghe cách bạn kể chuyện. Lúc bạn đọc, hãy tự hỏi mình: “Nghe có thật không? Tôi có nói bằng cách ấy không? Nếu câu trả lời là không cho cả hai câu hỏi, có thể là bạn đã làm sai cái gì đó. Tôi thấy nhiều khi tôi đọc cho khán thính giả nghe các tác phẩm của tôi, tôi thường bỏ không đọc những đoạn mà tôi cho là nhàm chán. Xong rồi tôi lại tự hỏi, giá mà tôi xóa nó đi từ trước thì có tốt hơn không? Khi bạn đọc to bài viết của bạn, những chi tiết dư thừa sẽ rơi rụng đi. Giọng văn là – như thế giới thường hay bảo chúng ta – cách người viết nói chuyện. Bạn đang nói chuyện với độc giả của bạn. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta phải nghĩ ra một cái gì đó khôn khéo hơn, nhưng khôn khéo không có chất lượng thì chẳng thuyết phục được độc giả.
Mức độ nhanh chậm, cái đúng lúc trong bài viết, có liên quan đến giọng văn. Sự đúng lúc đưa đến quyết định mức độ thành công của sự khôi hài nếu người viết có dụng ý khôi hài. Thay đổi mức nhanh chậm của bài viết có thể làm thay đổi mức độ vui buồn của độc giả. Câu văn dài có thể làm độc giả đọc chậm lại. Câu văn ngắn làm đọc giả đọc nhanh quang cảnh trong truyện. Khi bạn đọc to thành tiếng bài viết của bạn, bạn có thể nghe được cách độc giả đi qua câu truyện ấy như thế nào. Từ đó bạn có thể kiểm soát sự di chuyển nhanh chậm của người đọc.
Cách chọn chữ cũng là một khía cạnh của giọng văn. Khi bạn chọn chữ tương đương để so sánh không chỉ cho độc giả thấy hình ảnh mà còn đưa câu chuyện tiến xa hơn đến một chủ đề lớn hơn. (Ở đây tác giả cho một thí dụ về bàn chân của nhân vật trong một truyện của tác giả có hình dáng của quả chuối, bà suy nghĩ và thay đổi, biến bàn chân giống quả chuối thành bàn chân có hình dáng của cái pontoon – cầu phao, (tôi bỏ bớt vài câu trong đoạn này vì dài dòng).
Còn một khía cạnh khác của giọng văn là giọng của nhân vật. Đôi khi mê mải tường thuật, tôi chìm đắm trong nhịp điệu suy nghĩ của nhân vật mà tôi đang nói về. Đây cũng là bản chất của tôi. Tôi dễ bị lôi cuốn vào thế giới của người khác. Miễn là tôi đừng đi đến chỗ nhại giọng người khác, nói bằng giọng của nhân vật có thể giúp cho bài viết hay hơn. Bạn không nên “chôm chỉa” giọng người khác nhưng có thể dùng đó làm cảm hứng. Đây là dấu hiệu bạn đã hoàn toàn thấm nhập vào một câu chuyện, sống ở trong đó. Tôi viết phân nửa truyện “The American Man at Age Ten” bằng giọng của cậu bé mười tuổi. Tôi đi vào đi ra cái nhân vật ấy suốt truyện này.
Ngay sau khi tôi bắt đầu viết văn, tôi nhận ra rằng tôi rất có tài viết và có thể dùng mẹo vặt để bài viết của tôi có vẻ bóng bẩy. Khi tôi viết già dặn hơn và tự tin hơn, tôi đánh mất cái mà tôi tưởng lầm là giọng văn của tôi. Tôi quay trở lại cách viết đơn giản hơn. Cái lúc cảm động nhất là lúc tôi nhận biết giọng văn của tôi đã đi một vòng tròn trở lại với cách viết tự nhiên, nhạy cảm và bằng trực giác.”
Ghi chú: Susan Orlean là staff writer (người viết thường trực của tờ báo viết về nhiều thể loại) của tờ báo The New Yorker. Tác phẩm của bà gồm có The Orchid Thief (được chuyển thể thành phim Adaptation), My Kind of Place, The Bullfighter Checks Her Makeup, Saturday Night, và Red Sox and Blue Fish. Bà cũng cộng tác thường xuyên với Rolling Stone và Vogue.