Bạn có thể nhìn thấy màu sắc thu ở nhiều nơi trên thế giới nhưng bạn không thể ngửi được mùi thu, hay nghe được tiếng thu ở nơi khác. Và tôi sẽ kể bạn nghe tiếng thu ở nơi đây.
Thi sĩ Lưu Trọng Lư đã để lại bài thơ Tiếng Thu bất hủ. Em không nghe mùa thu. Lá thu rơi xào xạc. Con nai vàng ngơ ngác. Đạp trên lá vàng khô. Phân tích từng câu thơ thì thấy chẳng có gì đặc sắc, có thể nói là thơ. Tuy nhiên toàn bài mang lại cảnh thu mà dân thành phố ít người được nhìn thấy. Lá vàng còn có chút ít chứ còn nai thì là con vật hiếm quý, chỉ có một vài con được nuôi để trưng bày trong sở thú.
Tôi ở chỉ cách đường xa lộ 22 chừng 350 mét. Đi bộ năm phút là đã đến xa lộ bốn lane. Thế mà chung quanh tôi cây cối rất nhiều, sau nhà tôi nhiều cây đến độ tôi thường khoác lác gọi nó là rừng và nai thì nhiều lắm. Mỗi tối đi bộ tôi thường nghe tiếng nai chạy rộn ràng sau những rặng cây um tùm của nhà hàng xóm. Nai thỉnh thoảng đứng ngó vào cửa sổ nhà tôi. Có nhiều con rất to, có sừng có gạc. Và trong những blog trước bạn đã thấy có cả những con nai bé vẫn còn đốm sao trắng trắng trên lưng. Nai xinh xắn và hiền. Nhiều khi lái xe về nhà trời tối, nai đứng đầy đường ngó ánh đèn rồi như say đèn không biết chạy hướng nào. Nai vàng xuống suối đứng bâng khuâng. Ở đây, mỗi khi mưa nhiều nước chảy thành những con suối nhỏ thoát ra cống ở hai bên nhà. Cũng nghe tiếng róc rách, đôi khi ồ ạt cuồn cuộn chảy trong đêm. Nhà thơ Lưu Trọng Lư không chỉ nghe tiếng bước chân của nai trên lá ông nghe cả tiếng lòng thổn thức của người cô phụ.
Thi sĩ Bùi Giáng cũng nghe, không chỉ tiếng lá rơi Em về mấy thế kỷ sau. Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không. Ta đi còn gửi đôi dòng. Lá rơi có dội ở trong sương mù. Tôi vẫn thường tự hỏi chữ dội ở đây nghĩa là gì. Là chiếc lá rơi xuống chạm mặt đất dội (bounce) lên trên không, tôi tưởng tượng như một khúc phim quay chậm. Hay ông có ý nói tiếng lá rơi vọng lại dội lại trong sương chiều, tôi tưởng tượng như thể âm thanh là cơn sóng lan đụng phải sương chiều mù đặc dội (echo) trở lại gây nên tiếng vọng.
Không là nhà thơ, thiếu tâm hồn thơ, những âm thanh tôi nghe giản dị hơn nhiều. Vì ở gần rừng nên nhiều tiếng chim. Mùa nào cũng nghe được tiếng chim nhưng mùa thu tiếng chim rất khác. Mùa thu là mùa chim thiên di. Những con ngỗng tuyết bay ngang vòm trời để rơi lại tiếng kêu như những lời hứa hẹn sẽ trở về. Chim thiên di vẫn làm tôi nhớ đến thân phận của những người vì thời cuộc vì miếng cơm manh áo phải xa quê hương xa gia đình. Có người mấy mươi năm chưa về lại chốn xưa. Ở blog trước tôi có chụp ảnh đàn quạ. Tôi không biết quạ có bay tìm chỗ ấm không chứ loài sáo sậu cũng bay thành đàn như thế về phương nam. Thỉnh thoảng ngang qua nhà tôi tiếng vỗ cánh nghe như tiếng bão về. Gió của đầu mùa thu cũng rất đặc biệt. Cứ nghe tiếng gió lao xao trên những ngọn cây là biết thu về.
Nhà thơ Adelaide Crapsey, sinh năm 1878 mất năm 1914, trong bài thơ November Night (Đêm Tháng Mười Một) ông viết:
Hãy lắng nghe. . .
Tiếng mơ hồ khô khan.
Như tiếng bước chân của những hồn ma.
Lá, đông vì sương giá, thoát ra khỏi cành cây.
Và rơi.
Dĩ nhiên tôi không thể nghe tiếng một chiếc lá rơi nhưng tôi ước gì bạn có thể nghe tiếng rơi hằng loạt của rất nhiều chiếc lá, tạo thành âm thanh của cơn mưa lá. Lá rơi nhiều dội vào cửa kính nghe như tiếng mưa. Mỗi khi nhìn cơn mưa lá như thế tôi vẫn ước ao có đủ khả năng chụp ảnh hằng trăm hằng ngàn chiếc lá đang đồng loạt rơi, chao đảo trong không gian.
Và dĩ nhiên, nói đến mùa thu thì không thể không nhắc đến những cơn mưa thu triền miên. Người buồn nghe mưa thu chắc là não nuột lắm nhưng nếu không có tâm sự buồn nghe tiếng mưa thu rất êm tai, cuộn chăn ngủ thật ngon. Ở đây mưa liên tiếp mấy ngày. Chung quanh nhà tôi cây đã rụng hết lá. Ông nhà tôi cuối tuần quét lá, gom lại thành những đụn lá thật to chờ thành phố cho người đến thu nhặt lá. Nhìn những cành cây trơ trụi, ngày mai là ngày áp lễ Tạ ơn, thế là mùa thu với những sắc màu rực rỡ đã tàn, đang chờ mùa đông với những cơn bão tuyết mịt mùng. Giá mà chúng ta có thể gom góp hết những bất hạnh bất toàn rồi đổ trút đi, đổ vào hư không, cho sạch sẽ tâm hồn. Bạn nhỉ?
Có cái gì mà không phai tàn? Nhà thơ thiền Sojo Henjo, người Nhật, sinh năm 816 mất năm 890 viết thế này:
Một giọt sương cuối cùng
Hay chiếc lá lóng lánh đầu tiên
mỗi giọt hay mỗi chiếc đều minh họa
trong cuộc đời ngắn ngủi tạm thời này
vạn vật đều chỉ đi ngang qua.
Tiếng thu là cái mơ hồ nhất, không thể giữ được lâu dài, âm thanh trong trí nhớ có dễ dàng bị quên không?