Ảnh lấy từ Wikipedia. Chân dung của Gertrude Stein qua nét cọ của Pablo Picasso.
Có thể nói, trong số các nhà văn Mỹ tôi đọc Hemingway nhiều nhất. Lý do vì ông là một trong những nhà văn được đưa vào chương trình học tiếng Anh ở Trung học và Đại học. Thêm một lý do nữa là văn ông viết giản dị, dễ đọc. Truyện đầu tiên tôi đọc là The Snows of Kilimanjaro. Lúc ấy tôi thấy truyện này chán, có lẽ vì lúc ấy còn trẻ, thiếu kinh nghiệm sống, và thiếu vốn ngữ vựng.
Khi nhắc đến Hemingway, người ta thường nhắc thêm Gertrude Stein. Bà là người mở đường đưa ông đến chỗ nổi tiếng, bà lớn tuổi hơn ông, rồi hai người giận nhau đến độ không nhìn mặt nhau, làm tôi cứ ngỡ rằng giữa hai người ắt có một mối tình éo le. Tôi ngỡ vì bà già và xấu nên bị phụ bạc và vì thế họ thù ghét nhau. Té ra không phải thế. Gertrude Stein là người đồng tính luyến ái. Người bạn đời của bà tên là Alice Toklas. Chuyện gấu ó giữa Stein và Hemingway là chuyện gấu ó về văn học. Nhà văn mà, giỏi chữ nghĩa nên khi chửi nhau thì chửi dai chửi dài và rất văn vẻ, in thành sách vở đàng hoàng. Trong văn giới không chỉ riêng Stein và Hemingway gấu ó với nhau, mà còn rất nhiều trận duel khác, thí dụ như Mark Twain với Bret Harte, Sinclair Lewis với Theodore Dreiser, Edmund Wilson với Vladimir Nabokov, Truman Capote với Gore Vidal, và cận đại nhất là Tom Wolfe với John Updike. Hôm nay chỉ nói về Hemingway với Stein thôi nhé.
Tháng Hai năm 1922, khi Stein và Hemingway gặp nhau lần đầu, Stein 48 tuổi và Hemingway được 22 tuổi. Hai người không ai nói gì nhiều về cuộc gặp gỡ đầu tiên nhưng về sau họ có rất nhiều chuyện để nói xấu nhau và những người liên quan cũng có rất nhiều chuyện chẳng đẹp gì để nói.
Stein là con nhà giàu. Anh chị em bà thừa hưởng của cải của bố mẹ; là những người đầu tư vào ngành xe hỏa. Lúc ấy, sống ở Paris vật giá rẻ hơn là sống ở Buffalo, một vùng vắng vẻ của New York Hoa Kỳ, người ta đổ xô qua Paris để sống nhất là giới văn nghệ sĩ vốn không giàu có dư dả. Gertrude và Leo Stein, anh trai của bà, sống ở Paris . Leo Stein đầu tư vào ngành hội họa thành công. Họ trở nên giàu có và rất có thế lực trong giới văn nghệ sĩ. Phòng triển lãm tranh của anh em bà Stein là nơi tựu tập của những người nổi tiếng như Matisse, Cocteau, Eliot, Pound, Bertrand Russell, Picasso, và Sherwood Anderson. Theo lời của Hemingway thì người ta đến phòng tranh của anh em nhà Stein vì nơi ấy luôn có thức ăn và rượu ngon thượng hạng. Stein giới thiệu Hemingway với bạn bè của bà và Hemingway kết thân với đám bạn văn nghệ sĩ nổi tiếng này (tôi còn quên chưa nhắc đến tác giả của The Great Gasby). Người Mỹ luôn luôn quan niệm, sự thành công không chỉ nhờ vào tài năng mà còn nhờ vào sự giao tiếp và móc nối với đúng người.
Mặc dù có nhiều người khen ngợi sự thông minh và văn tài của Gertrude Stein, cũng có nhiều người, Anthony Arthur tác giả quyển Literary Feuds là một, không tin Getrude là người có tài về văn học. Lúc bấy giờ Gertrude có nhiều tác phẩm không xuất bản được. Arthur cho rằng Gertrude chỉ giỏi tự thổi phồng mình. Bà luôn đặt những lời tự khen bản thân vào mồm của Toklas. Chính bà đã cho Toklas phát biểu trong quyển Tự thuật của Alice Toklas xuất bản năm 1933 rằng Toklas có cái hân hạnh được quen với ba thiên tài trong cuộc đời bà đó là Stein, Alfred Whitehead, và Picasso. Stein ưa thích tâng bốc. Những văn nghệ sĩ không tâng bốc bà như James Joyce, Ezra Pound, T.S. Eliot, William Carlos Williams không được bà tiếp đón ân cần hay mời đến phòng tranh. Ngay cả John Malcolm Brinnin, người viết tiểu sử và rất có thiện cảm với bà, đã nhận xét là Stein không mấy chú ý đến tác phẩm của những nghệ sĩ bà không quen biết. Bà chỉ chú ý đến những tài năng đã chết hay cách bà cả thế hệ.
Hemingway lúc ấy là ký giả đang vất vả kiếm sống, ông cưới Hadley Richardson lớn hơn ông tám tuổi, và hai người có một con trai đầu lòng được Stein nhận lời làm mẹ đỡ đầu. Nếu bạn nhìn ảnh sẽ thấy Hemingway là một chàng trẻ tuổi cao ráo, vai rộng, rất đẹp trai, có cặp mắt nâu mơ màng, ăn nói dịu dàng. Nghe đồn rằng khi ông nói chuyện với ai ông tập trung vào người đối diện một cách say sưa và đó là lời khen ngợi gián tiếp. Nhiều người khen ông có cặp mắt đáng chú ý, đáng yêu, rất thú vị. Một trong những truyện ngắn đầu tay của Hemingway được Stein góp ý cắt bỏ những rườm rà vô vị và được Sherwood Anderson chú ý. Anderson, lúc ấy là tác giả của một quyển sách ăn khách, đã giúp Hemingway ký một hợp đồng với nhà xuất bản Boni & Liveright để xuất bản ba tác phẩm của Hemingway.
Hemingway cũng biết ơn sự giúp đỡ của Gertrude Stein. Ông khen ngợi bà hết lời công khai trên tờ báo ông làm ký giả. Ông còn tự tay chép hằng trăm trang bản thảo của bà và đốc thúc Ford Madox Ford xuất bản một phần lớn bản thảo The Making of Americans của Stein.
Hemingway cũng kết bạn với Wilson Edmund, nhà phê bình rất được quí trọng. Edmund khen ngợi một số truyện ngắn của Hemingway trong đó có Indian Camp và Big Two-Hearted River. Wilson cũng so sánh Hemingway với Anderson và Stein, tuy nhiên ông nhấn mạnh Hemingway có tài hơn hai người kia. Hemingway là người rất kiêu ngạo; ông không vui vì lời so sánh này vì ông cho là tài năng của ông hơn hẳn. Mặc dù Anderson là người giúp ông ký được hợp đồng xuất bản ba tác phẩm với Boni & Liveright, Hemingway không vừa ý với sự tiến hành chậm chạp của nhà xuất bản. Để có cớ rút tên ra khỏi hợp đồng ông viết bài chế nhạo diễu cợt Anderson trên báo. Anderson là ngôi sao sáng của Boni & Liveright, vì thế để bênh vực Anderson, nhà xuất bản hủy bỏ hợp đồng. Hemingway ký hợp đồng khác với Scribner, to hơn mạnh hơn nổi tiếng hơn. Hemingway cũng chế nhạo Stein, với cách viết lập lại trong các bài thơ của bà A rose is a rose is a rose.
Mãi đến tám năm sau Stein mới trả lời những câu chế nhạo của Hemingway dành cho bà và Anderson. Vào năm 1933, quyển Tự Thuật của Alice Toklas là sách bán chạy và Gertrude Stein càng nổi tiếng hơn. Stein qua giọng đối thoại với Toklas đã nói về nhà văn nổi tiếng Hemingway “đẹp trai vô cùng nhưng đôi mắt ấy là đôi mắt để ngắm chứ không phải là đôi mắt thông minh.” Theo lời của Toklas, Gertrude luôn luôn nói là “tôi chắc chắn là dễ bị mềm lòng vì Hemingway. Nói cho đúng, vỏn vẹn chỉ có hắn là chú bé đẹp trai đến gõ cửa nhà tôi và hắn quả là đã xui Madox Ford in bản đầu tiên của quyển The Making of Americans.” Nhưng Toklas lại nói thêm vào. Tôi không chắc đấy là công của hắn. Tôi chẳng biết chuyện đầu đuôi như thế nào nhưng tôi chắc là có nhiều lý do khác kèm theo. Những đoạn tiếp theo càng làm cho Hemingway điên tiết. Nào là Hemingway không biết ơn với Anderson , Hemingway trở nên nhà văn nổi tiếng là nhờ Anderson và Stein, cả hai đã sinh ra quái thai và họ vừa tự hào vừa xấu hổ vì sản phẩm trí tuệ của họ. Còn nói về sự độc đáo chủ nghĩa hiện đại của Hemingway thì đó là đồ giả, ông ta giả vờ là nhà văn theo chủ nghĩa hiện đại vì đó là cái vỏ ngoài thích hợp cho ông ta chứ thật ra trong thâm tâm ông ta chỉ là một nhà văn theo lề thói cổ truyền. “Ông ta trông giống người hiện đại nhưng sặc sụa mùi của viện bảo tàng.”
Thế còn cái chuyện Hemingway cổ võ viết sự thật, sự thật sẽ làm cho câu truyện hay. Stein chế nhạo Hemingway không phải là người dám viết sự thật bởi vì sự thật của ông ta chỉ là leo bậc thang, tăng tiến trên đường sự nghiệp. Ông ta không phải là mẫu người hùng, dũng cảm đi săn và đấu bò, ông ta chỉ là những tên đủ sức chống bè trên sông Mississippi như Mark Twain miêu tả. Ông ta không phải là người khỏe mạnh có cú đấm thần tốc như ông ta hằng khoe khoang, ngay cả học trò học quyền Anh của ông ta cũng đấm ngã được ông ta. Gertrude nói ông ta là học trò ngoan, nhưng rất mong manh dễ bị vỡ. Đụng đến là ông ta gãy tay, gãy chân, và vỡ đầu óc (bà nói kháy là phát điên). Rằng hai bà chán không muốn mời ông đến nhà của hai bà nữa.
Chuyện gấu ó của Stein với Hemingway còn dài. Hemingway thì khỏi nói, tài viết văn của ông không cần phải học ở Stein, nhưng bạn cũng thấy là người có máu phản bội. Không chỉ phản bội Stein và Anderson. Cứ mỗi lần ông bắt đầu một quyển sách mới thì ông lấy một bà vợ mới, sang một quốc gia khác. Ban đầu lấy vợ già hơn tám tuổi, rồi sau đó lấy vợ trẻ hơn rồi trẻ hơn. Độc giả nếu tò mò muốn biết thêm chuyện gấu ó của hai nhà văn này xin đọc quyển Literary Feuds của Anthony Arthur. Ban đầu tôi định dịch bài biên khảo này nhưng ngại vi phạm tác quyền và cũng sợ bị lôi ra tẩm quất tội dịch sai dịch dở (nói đùa đấy, bài này dài quá dịch mất thì giờ mà tôi thì đang bận, nếu tôi sợ bị tẩm quất thì tôi đã chẳng dám tự xưng là Lì),vì vậy tôi chỉ tóm tắt một vài ý chính viết để các bạn đọc giải trí. Kê khai nguồn đàng hoàng để các các quan không quở là tôi ăn cắp văn người khác, nhé.