Casanova là ai? Thật tình, tôi đúng là một bà nhà quê nên chẳng biết ông này là ai cho đến khi tôi đọc bài của ông Túy.
Theo Wikipedia Giacomo Casanova de Seingalt (1725 – 1798) là người Ý. Ông có chừng hai mươi tác phẩm, nổi tiếng nhất của ông là quyển hồi ký ông viết bằng tiếng Pháp. Quyển hồi ký có tựa đề Histore de Ma Vie (Chuyện Đời Tôi) dài 3700 trang viết tay, được xem là một trong những nguồn tài liệu quan trọng nhất thật nhất trong việc miêu tả phong tục tập quán của xã hội châu Âu vào thế kỷ mười tám. Quyển này còn nổi tiếng về nghệ thuật “chim” gái. Gái ở đây không chỉ là những cô thiếu nữ đang xuân mà bao gồm cả gái điếm, các vị nữ tu, còn các bà nửa chừng xuân từ có chồng đến góa chồng thì … khỏi phải nói. Tổng số phụ nữ mà ông thu nhặt trái tim xỏ xâu làm huy chương gồm có 122 người. Con số này xem ra vẫn còn ít hơn số phụ nữ anh chàng Florentino Ariza trong quyển Love in the Time of Cholera (Tình Yêu Thời Dịch Tả) của Gabriel Garcia Marquez. Chàng Ariza chinh phục 622 người. Nhưng Ariza là nhân vật tưởng tượng, còn Casanova là người thật. Những chuyến phiêu lưu ái tình của Casanova có thật hay không, và nếu thật thì con số chính xác là bao nhiêu, khó mà biết được. Tuy nhiên, đến bây giờ chữ Casanova gắn liền với nghệ thuật quyến rũ đàn bà.
Bố mẹ ông đều là diễn viên đi lưu diễn nhiều nơi nên Casanova phải sống với bà. Cảm tưởng bị cha mẹ bỏ rơi theo đuổi ông suốt thời niên thiếu và nếu tin vào thuyết phân tâm học, hiện tượng Oedipus Complex của Freud, sự thiếu thốn tình yêu của mẹ là nguyên nhân đưa đến sự thèm khát chinh phục phụ nữ không bao giờ thỏa mãn của Casanova.
Cộng Hòa Venice vào thế kỷ mười tám là thời kỳ sung túc được xem là thủ đô của khoái lạc ở Âu châu. Venice nằm dưới quyền cai trị của các nhà chính trị và tôn giáo tuy bảo thủ nhưng bỏ qua những chuyện trụy lạc trác táng và khuếch trương ngành du lịch. Du khách nhất định phải đi Grand Tour, một chương trình du lịch Âu châu rất qui mô sang trọng, là nơi các chàng quí tộc phải đến để đánh dấu tuổi trưởng thành. Các hội chợ vĩ đại, cơ sở đánh bạc qui mô, và các mỹ nữ phục vụ du khách là địa điểm khoái lạc dành cho giới trưởng giả. Hôn nhân giữa các nhà quí tộc thời bấy giờ thường là những dàn xếp có lợi cho cả đôi bên về mặt tài chánh và giai cấp trong xã hội. Tình yêu nam nữ thường không được tôn trọng như bây giờ.
Casanova ở trọ nhà một người tu sĩ cũng là thầy giáo dạy cho ông các môn học phổ thông và chơi đàn violin. Ông rất thông minh và hiếu kỳ. Năm mười hai tuổi ông vào Đại học Padua , trường luật nổi tiếng nhất nhì của quốc gia Ý, và năm mười bảy tuổi ông tốt nghiệp ngành luật. Người thầy đào tạo ông để trở thành luật sư phục vụ giáo hội Công giáo. Ông học nhiều môn như đạo đức học, hóa, toán nhưng nguyện vọng của ông là trở thành bác sĩ. Khi còn là sinh viên Đại học ông bắt đầu nghiện cờ bạc và và đâm ra nợ nần rất nhiều nên bà ngoại của ông bắt trở về Venice. Tuy nhiên máu mê cờ bạc theo đuổi ông suốt đời. Lúc bấy giờ Casanova là chàng trẻ tuổi đẹp trai và đỏm dáng. Tóc của ông luôn được rắc phấn thơm và uốn quăn thành từng lọn. Để cung phụng cho tập quán ăn ngon mặc đẹp, Casanova chinh phục các ông quí tộc để họ mời đến nhà và cho sống trong nhà của họ. Sau đó Casanova không ngần ngại chinh phục luôn trái tim của những người đàn bà thuộc về các ông phú hộ này.
Casanova làm nhiều nghề như nhạc sĩ vĩ cầm, đánh bạc chuyên nghiệp, sĩ quan quân sự, bác sĩ, kịch tác gia, nhà lường gạt, do thám, nhà cách mạng, nhà du hành, dịch giả, kể cả nghề viết thư tình cho một đức Hồng y. Ông vào tù nhiều lần vì thiếu nợ và vì tội hư hỏng vi phạm đạo đức và phản Chúa. Casanova quen biết với nhiều tác giả lừng danh trên thế giới như Voltaire, Mozart, Franklin, Goethe.
Mặc dù những truyện qua lời kể của Casanova nhiều khi lẫn lộn thời điểm xảy ra và thường phóng đại, nhiều người nhìn nhận nhiều chi tiết có thật, nhất là khi ông nói về những tội lỗi và khiếm khuyết của ông. Ông kể về những sự thành công cũng như thất bại của ông rất chân thật và với giọng hóm hỉnh. Nghệ thuật chinh phục phụ nữ của Casanova, theo Wikipedia, là không tấn công lộ liễu hay dùng sức mạnh ép buộc những người thiếu kinh nghiệm, không theo đuổi những người quá khó tính, ông thường chọn những người đàn bà thiếu tự tin, dễ hỗ thẹn, hay không có hạnh phúc vì người yêu của nàng có tính tình thô bạo hay dửng dưng. Ông yêu thích đàn bà thông minh nhưng chê phụ nữ có học vấn cao. Ông chủ trương tỏ tình bằng chữ nghĩa là hành động ngu ngốc, lời yêu thương phải được bày tỏ một cách ngấm ngầm.
Tò mò, tôi tìm trong thư viện gần nhà thấy có hai cuốn phim về cuộc đời của Casanova. Một phim của Fellini do Donald Sutherland đóng năm 1976 và cuốn kia của Lasse Hallstrom đạo diễn Heath Ledger đóng vai chính năm 2005. Tôi cũng tìm thấy quyển hồi ký của Casanova được Willard R. Trask dịch ra tiếng Anh, hai tập số 11 và 12, mỗi tập có mười chương, xuất bản năm 1971. Bìa đã cũ phai màu nhưng những trang sách bên trong mới nguyên dường như không được ai dùng đến.
Casanova mất năm ông 73 tuổi, quyển hồi ký chỉ mới viết đến lúc ông được bốn mươi chín tuổi (1774).