Cuốn phim Casanova do Hallstrom làm đạo diễn phóng tác từ cuộc đời của Casanova. Phim mở đầu lúc mẹ của Casanova để đứa con trai lại cho bà mẹ nuôi và lên đường theo tiếng gọi của sân khấu. Thời bấy giờ ngay cả Ý, một quốc gia có nền văn hóa rất mở mang, cũng chẳng quí trọng nghề ca diễn. Bà ngoại của Casanova mắng cô con gái của bà “mày là con điếm.” Người mẹ dặn Casanova bao giờ con lớn lên hãy đến Venice tìm mẹ và mẹ con mình sẽ đoàn tụ. Và vì mẹ dặn thế nên trong phim Casanova ở lì trong Venice dù bị người ta lùng bắt. Thật ra Casanova trong đời thật đã có lần bị lưu đày không những chỉ ra khỏi Venice mà ra khỏi cả nước Ý qua tận Pháp. Mãi mười tám năm sau mới được phép của Inquisitor cho quay về.
Năm 1753, Casanova đến Venice, nổi tiếng là người quyến rũ phụ nữ, những cuộc chinh phục của Casanova được kể lại qua những buổi trình diễn bằng con rối ngay trên đường phố và ở các nhà hát. Vị thị trưởng của thành phố Venice tuy yêu mến và che chở Casanova nhưng cũng cảnh báo là nếu Casanova cứ tiếp tục quyến rũ các vị nữ tu dòng kín và cờ bạc đến mức nợ nần ngập đầu thì Giáo hội sẽ cho người cầm tù Casanova. Để tránh hoàn cảnh này Casanova phải cưới một cô con gái nhà lành nếu không sẽ bị đuổi ra khỏi Venice .
Casanova bị lính của Giáo hội đến bắt trong lúc đang tò tí với một vị nữ tu. Chàng vội vã ôm quần áo xách giày nhảy ra cửa sổ trèo mái nhà tu viện rồi chạy trốn vào trường Đại học nơi Francesca Bruni đang giả trang thành một thanh niên cố thuyết phục trường này thu nhận nữ sinh viên. Cảm phục sự thông minh của Francesca, Casanova đem lòng yêu cô gái này, nhất là sau khi đọ kiếm với nàng.
Em trai của nàng, Giovanni Bruni, đã thách thức Casanova đọ kiếm khi hay tin Casanova đính hôn với Victoria, cô gái nhà đối diện, Giovanni thầm yêu đã lâu; Giovanni kém tài dùng kiếm nên Francesca giả dạng em nàng để đấu với Casanova. Francesca là nhà văn đã viết những tác phẩm bênh vực nữ quyền dưới bút hiệu Bernardo Guardi. Để thoát khỏi tình trạng nghèo khó, mẹ của Francesca cố thuyết phục nàng nhận lời cầu hôn của Paprizzio, một thương gia béo phì nhưng giàu có bố nàng hứa gả và nàng có trao đổi thư tín nhưng chưa bao giờ gặp mặt. Casanova lập mưu đón Paprizzio về nhà mình và giam giữ ở đó rồi mạo danh của ông thương gia này đến đưa Francesca đi hội chợ và khiêu vũ. Ở hội chợ Casanova bày tỏ tình yêu và thú nhận vai trò giả mạo. Vào lúc ấy Casanova bị lính của Giáo hội chận bắt vì tội trụy lạc, theo tà giáo (Casanova lường gạt người đời bảo rằng mình có ma thuật), thông dâm với trinh nữ (luật cấm nam nữ gần nhau trước khi kết hôn). Nhà văn Guardi cũng bị Giáo hội ra lệnh bắt và Casanova đã tự nhận mình là Guardi để cứu mạng Francesca. Cử chỉ hy sinh này làm Francesca cảm mến Casanova. Nàng cương quyết nhận mình là Guardi nên hai người cùng bị án tử hình. Tuy nhiên mẹ của Casanova và người chồng diễn viên của bà xuất hiện kịp thời giả danh đức Giáo hoàng tha tội chết cho cả hai. Cả đoàn cùng nhau trốn ra khỏi Venice. Giovanni, em của Francesca chiếm lại được trái tim của Victoria, tình nguyện ở lại giả danh là Casanova. Phim kết thúc với Giovanni, mang tên Casanova, kể lại truyện tình của Casanova và Francesca. Và có lẽ Casanova đã tìm được người đàn bà gói trọn tất cả những hình ảnh đẹp đẽ về tất cả đàn bà nên Casanova chịu dừng chân với chỉ một người đàn bà. Người đàn bà mà ông chịu dừng chân là Francesca còn người đàn bà tượng trưng cho tất cả mọi người đàn bà đã làm ông cảm thấy đầy đủ là mẹ ông. Có mẹ là có cả bầu trời.
Bảo là phim phóng tác cuộc đời của Casanova bởi vì, theo Wikipedia, Francesca đời thật không phải là nhà văn nữ quyền mà là một người thợ may không có học vấn. Mãi đến khi cuộc đời xế chiều bệnh hoạn nghèo khó Casanova mới gặp Francesca chứ không phải lúc còn xuân sắc như trong phim. Tàn tạ, nghèo khó, bệnh tật thế mà ông vẫn được Francesca yêu thương hết mực và vẫn được ông ông nhà giàu đài thọ thuê ông làm quản thủ thư viện nên ông có thì giờ để viết hồi ký mười ba giờ một ngày ròng rã nhiều năm. Ông bá tước thuê ông là người trẻ tuổi không mấy quí trọng ông và bạn bè của ông ta khinh thường Casanova ra mặt làm ông chán đời đến độ có khi muốn tự tử tuy nhiên nhờ viết lách ông lấy lại quân bình trong tâm hồn.
Phim có nhiều điểm rất đáng để bỏ ra gần hai giờ để xem. Ngoài những trang phục xinh đẹp thời thế kỷ mười tám, thành quách và các cây cầu cổ bắt chước kiến trúc ở Venice, khán giả còn được nghe những tấu khúc cổ điển concerto của Vivaldi. Cảnh người mẹ chia tay với Casanova ở đầu phim làm nền cho chiều sâu tâm lý của Casanova. Vì thiếu tình yêu của mẹ nên Casanova muốn bù lấp sự thiếu thốn này bằng tình yêu của nhiều phụ nữ khác. Trong phim, Casanova đã giải thích hành vi “chim gái” của mình là muốn tìm một người đàn bà là tổng thể tuyệt hảo của những người đàn bà khác. Casanova thấy Francesca là người đàn bà vẹn toàn này.
Thật ra quyến rũ phụ nữ không khó mấy. Nhan sắc, tiền, và quyền hành là những yếu tố cần thiết để quyến rũ phụ nữ. Casanova lúc còn trẻ thì đẹp trai, cao lớn và da ngăm đen. Nhưng về già những vết sẹo của bệnh đậu mùa, cái mũi khoằm, và màu da ngăm đen làm ông trở nên xấu xí. Casanova có nhiều tiền nhưng nhiều lần mất hết tiền do cờ bạc. Ông sống dựa vào những người giàu có quyền hành nhờ khéo ăn nói và giỏi tâm lý. Người ta chỉ chú ý đến việc ông dụ dỗ đàn bà chứ thật ra những người đàn ông quí tộc cũng bị ông dụ dỗ mà không biết. Với đàn bà, ông sử dụng chiêu bài tâng bốc, một những mánh khóe cũ kỹ được dùng lại nhiều lần vẫn thành công đó là “em là người đẹp nhất,” “đời anh chỉ có em thôi,” “tôi yêu em nhiều nhất trong tất cả những người đàn bà qua đời tôi,” “em là phượng hoàng còn những bà kia là mấy con gà lôi.” Các người đàn bà trong phim cứ nài nỉ hỏi Casanova có phải em chính là người đàn bà duy nhất mà anh yêu quí không. Casanova đồng ý tất tần tật, người nào cũng là người tình duy nhất của ông ta. Dường như các nàng ấy hỏi nhưng lòng thầm van nài tôi xin người cứ gian dối khi tôi hỏi người có yêu tôi.
Trong phim Casanova bảo rằng bí quyết làm đàn bà mê ông là “tôi không chinh phục, tôi qui phục.” Casanova khuyên Giovanni muốn chiếm lại người đẹp Victoria “trước nhất là đừng có ủy mị khóc sướt mướt,” và sau đó “hãy là ngọn lửa chứ đừng là con thiêu thân.” Thật tình, khó biết Casanova có bao giờ thật sự biết yêu và chữ yêu với ông ta có nghĩa như thế nào. Bản chất Casanova là người lường gạt. Ông ta lấy sự lường gạt làm thú vui với quan niệm là “lường gạt những người ngu muội là một sự bóc lột có giá trị xứng đáng của người thông minh.” Casanova luôn luôn bị chế ngự bởi sự ước ao “nuôi dưỡng bất cứ cơ hội nào để mang đến cảm giác khoái lạc cho bản thân là nhiệm vụ chính trong đời tôi. Tôi chưa hề tìm thấy nghề nghiệp nào quan trọng hơn điều ấy. Tôi cảm thấy rằng tôi được sinh ra cho những người khác phái, tôi luôn luôn yêu thích điều này và tôi làm tất cả những gì tôi có thể làm để được đền đáp bằng lòng yêu thương như thế.”
Một nhạc sĩ đã bày tỏ quan niệm về tình yêu trong một bài hát: “Yêu ai yêu cả một đời.” Casanova cũng yêu cả một đời nhưng không yêu chỉ một người và vì thế ông mới có 122 người yêu. Tôi tưởng tượng, nếu như một nhà văn, nhạc sĩ, hay một thiên tài nào đó qua đời; rồi thì có 12 người, hay 22 người, hay 122 người xuất hiện ở đám tang, cùng một lúc tất cả đều tự nhận mình là người yêu của người vừa qua đời, thì chuyện gì sẽ xảy ra?