Người xưa có bài thơ nói về bốn niềm vui lớn trong đời:
Cửu hạn phùng cam vũ.
Tha hương ngộ cố tri.
Động phòng hoa chúc dạ.
Kim bảng quải danh thì.
Xem chừng, cái vui mừng khi đi xa mà gặp người quen trước kia ở quê nhà, chỉ đứng sau cái vui của hạn hán chín năm gặp trời mưa; và còn vui hơn cả đêm động phòng hay bảng vàng ghi tên. Tôi nghĩ, tùy theo thời theo lúc theo hoàn cảnh, sự quan trọng của những niềm vui này có thể thay đổi thứ hạng. Thí dụ như ở một nước giàu có trong sa mạc, Saudi Arabia chẳng hạn, quanh năm ít mưa, nước ngọt được lọc từ nước biển hoặc được mua và dẫn về từ các quốc gia láng giềng, nước mưa không hẳn là thứ tối cần thiết đối với họ như với những người làm nghề nông; mưa chưa chắc đã gây niềm vui lớn vì thế không thể so với niềm vui của một anh chàng học trò trung học mới được nhận vào Havard hay của một đại gia mới cưới một đại minh tinh. Còn tha phương mà nếu mình đang là một tên ăn mày gặp một cố tri khác cũng là ăn mày giống như mình; thì có lẽ, vui ít hơn tủi phận.
Nói phóng đại như thế nhưng quả tình đi xa mà tình cờ gặp người quen ở cố hương, có gây ít nhiều xao xuyến. Trong đời, tôi đã từng vài lần gặp người quen như thế, lần nào cũng thấy vui vui. Có lần tôi đi bác sĩ ở thành phố lân cận, lái xe trong thành phố với tốc độ chừng ba chục dặm một giờ, cộng với mấy chục cái đèn xanh đèn đỏ độ nửa giờ là đến nơi. Tuy nhiên lần ấy trời ấm, tôi không lái xe mà đáp xe lửa đến Westfield rồi đi bộ chừng hai mươi phút đến phòng mạch. Đi ngang phố chính, buổi sáng nhằm lúc người ta mới mở cửa hàng quán, thấy hai anh nhân viên trẻ đang khệ nệ khiêng hai chậu hoa to tướng ra để trước cửa một nhà hàng rất đẹp. Đi đâu cũng thế, nếu bạn muốn ngắm kiến trúc đẹp cứ đến nhà hàng hay nhà thờ. Hoa trong hai chậu hoa này có vẻ quen thuộc, lá dài thon mảnh, cành nhỏ mà cao dáng dấp ẻo lả giống như loại hoa tôi từng gặp ở quê nhà. Ở đây là xứ lạnh ít khi nhìn thấy hoa nhiệt đới. Đã đi qua tôi quay trở lại ngắm lần nữa thấy đúng là cây trúc đào. Cây này má tôi trồng ở một góc sân gần bụi bông giấy. Cái sân nhà ở Tân Qui Đông nhỏ xíu vậy mà má tôi trồng đủ thứ. Giàn hoa giấy ba màu đỏ tím trắng làm thành cái cổng. Bên cạnh cái bàn thiên có cái đèn trứng vịt tù mù má tôi trồng nghệ gừng củ xả. Xa một chút bên tay mặt là giàn bầu và cây ổi, chen chúc chung quanh bàn thiên là đám cải rổ, mấy bụi vạn thọ, mớ bông móng tay, mấy cây hoa mồng gà. Ở ngay góc bên tay trái gần hàng rào bông giấy là cụm trúc đào. Hoa màu hồng sáng rực trong nắng. Cụm hoa này sang trọng nhất, trong vườn nhà tôi đứng ở vị trí đẹp nhất, từ ngoài sân bước qua cổng là nhìn thấy nó, từ cửa nhà nhìn ra sân cũng thấy nó, thướt tha trong gió. Cây hoa này có chất độc, dây vào có thể chết nhưng hoa của nó thì đẹp tươi mát rạng rỡ làm sao.
Nhìn thấy trúc đào như đi dọc đường có người quen vỗ vai làm tôi xao xuyến. Ở vùng này trời lạnh, ít nhìn thấy trúc đào. Lần đi chơi ở California, đường xa lộ số 5 dẫn đến Sacramento; trúc đào cả hai loại trắng và hồng được trồng ở khoảng giữa xa lộ làm khoảng chắn giữa hai dòng xe ngược chiều để không đụng độ với nhau. Loại hoa sang trọng của má tôi, loại hoa được trồng vào chậu to mang ra khênh vào để trang trí một nhà hàng ăn ở Westfield New Jersey, chỉ có công dụng làm hàng rào ở một tiểu bang khác. Nhưng lần nào cũng thế, nhìn thấy hoa trúc đào làm tôi bâng khuâng, cái bâng khuâng như gặp lại một người quen cũ ở quê nhà. Lần nào tôi cũng nhớ đến bài hát Trúc Đào thơ Nguyễn Tất Nhiên Anh Bằng phổ nhạc. Ông nhà thơ tài hoa bạc mệnh này rất sành tâm lý, đã nói lên sự quyến luyến với mối tình xưa bằng hai câu Quên người nhất định tôi quên. Mà sao gặp lại còn kiên nhẫn chào. Tôi tiếp tục đi đến phòng mạch bác sĩ trong đầu tôi vẫn ngân nga câu hát Người đi biết về phương nào. Bỏ tôi với ngọn trúc đào bơ vơ.
Một lần khác tôi nhìn thấy một người quen khác. Người quen này ở trong quyển Nửa Mặt Trời Vàng. Tôi dịch quyển này gặp chữ bougainvillea, tra tự điển tiếng Anh thấy giải thích là loài hoa nhưng không biết tên tiếng Việt, tôi google và bàng hoàng nhận ra đó là cây bông giấy. Loại hoa này thường bị má tôi mắng đã hữu sắc vô hương mà lại có gai nhọn; giống như con gái đẹp nhưng vô duyên cộng thêm tính dữ dằn. Trai gái hẹn nhau ít khi hẹn dưới giàn bông giấy vì quờ quạng đụng gai của nó là sướt da. Hoa dân giả, bị bà già nhà quê chê như vậy, thế mà qua đến San Francisco nó trở thành loại kỳ hoa dị thảo được dùng để trang hoàng cho những ngôi nhà đắt tiền trong cái thành phố đắt tiền này. Nhìn thấy hoa giấy tôi cũng bùi ngùi như thấy người quen ở cố hương. Nếu có má tôi chắc bà sẽ nói đổi đời đổi chỗ người hèn có cơ hội thành người sang.
Hôm qua nhận được quyển Thư Quán Bản Thảo số 50 của ông Trần Hoài Thư gửi tặng, quyển báo bị mất mấy chục trang, từ trang 39 đến trang 78 nên không biết những bài của Trần Văn Nam, Lê Văn Trung, Phạm Cao Hoàng, Đinh Cường và Võ Phiến nói gì về nhà thơ Nguyễn Đức Sơn. Lật thêm vài trang nữa tôi thấy bài Colombre của Dino Buzzati do Trương Văn Dân dịch. Tôi đọc sơ qua một vài trang và vui mừng chợt nhận ra đây là một truyện ngắn tôi đi tìm đã rất nhiều năm.
Tôi không nhớ tên tác giả, tên người dịch, tên truyện. Tôi chỉ nhớ mấy chục năm về trước tôi có đọc một truyện ngắn về một con quái vật ở biển theo đuổi một thuyền trưởng suốt đời. Con quái vật ấy tên là con K. Truyện ngắn ấy để lại trong cô bé con tò mò nhiều ấn tượng mà vì còn nhỏ quá nên cô không hiểu hết truyện. Bây giờ tình cờ gặp lại con K trong truyện ngắn Colombre thật là rất vui. Bài dịch rất hay. Rất có thể dịch giả này không phải là dịch giả của truyện ngắn tôi đọc mấy chục năm về trước nhưng chẳng hề gì, điều quan trọng với tôi là tôi tìm được người quen năm cũ, cái truyện ngắn nói về con K.
Truyện nói về một chú bé nhìn thấy một con quái vật ngoài khơi mà chỉ có chú nhìn thấy chứ những người chung quanh không nhìn thấy. Gia đình chú bé chuyên làm nghề đi biển. Bố chú bé tin rằng người nhìn thấy con K sẽ mang số mạng hẩm hiu vì con K sẽ giết người nhìn thấy nó. Cậu bé suốt cuộc đời chạy trốn con K. cho đến khi về già biết mình sắp chết quyết định đương đầu với số mạng. Ông lên một chiếc xuồng con ra khơi tìm con K. Khi ông phóng lao chuẩn bị giết nó thì con K. bảo rằng nó không theo đuổi để giết ông như ông lầm tưởng. Nó suốt đời chỉ muốn mang tặng ông viên ngọc quí dành cho người có tài. Viên ngọc chỉ tặng cho người thành công lớn, và nhất là nó mang lại sự yên tĩnh trong tâm hồn.
Lúc còn bé tôi thấy truyện khó hiểu, hoang mang không biết con K. có phải là thần chết đến rước vị thuyền trưởng này không. Rõ ràng con K. không ăn thịt ông ta, vì bộ xương của ông vẫn ngồi trên chiếc thuyền con trôi vào bờ, trên tay vẫn còn cầm viên ngọc quí. Bây giờ truyện làm tôi suy nghĩ. Chúng ta có thể suốt đời trốn lánh số phận của mình, trốn lánh một cách sai lầm vì những thành kiến chúng ta tự mang vào người. Tôi vẫn thường tự hỏi nếu như một ngày nào mình khám phá những niềm tin kiên cố của mình xây dựng lâu đời trong tâm khảm là những niềm tin sai lầm. Thì sao? Thì cũng như ông thuyền trưởng đã suốt đời chạy trốn con K. Nhưng biết đâu chừng, nếu ông đã không chạy trốn con K. suốt đời và là một kẻ thất bại trong cuộc đời lúc ông đối diện với nó, thì nó sẽ ăn thịt ông thay vì trao cho ông viên ngọc? Truyện ngắn hay là truyện để lại dư âm trong lòng người đọc. Dư âm này theo đuổi tôi suốt mấy mươi năm. Gặp lại cố tri trong quyển TQBT số 50 ở tha hương thật là niềm vui lớn.