Hôm Thứ Bảy chúng tôi, anh Thư, chị Yến, tôi, và phu quân đi Falls Church, Virginia để gặp nhà văn Hoàng Dược Thảo kiêm bà chủ báo Sài Gòn Nhỏ. Năm giờ đồng hồ lái xe, suốt quảng đường mưa dầm dề. Năm nay trời ấm dọc đường ở tiểu bang Maryland đã thấy những cây hoa đào hồng nở rộ.
Con đường xa trở nên ngắn lại nhờ những câu chuyện lý thú do hai ông bà Trần Hoài Thư kể. Chúng tôi cười thú vị khi anh chị nhắc đến những bài biên khảo của ông HBT viết về các luật lệ của vua, ông thường gọi những luật lệ này là đạo dụ không hề biết người bình dân thường nói lái thành ra chữ tục.
Chị Thảo năng động và trẻ hơn tuổi. Chị rất vui vẻ, niềm nở, hoạt bát, duyên dáng, quen nói chuyện trước đám đông. Chị thuộc mẫu người phụ nữ tự tin và thành công, dám nói những ý nghĩ của mình. Ở chị toát ra một vẻ thực tế, thành thật, có uy tín và rất thu hút. Khác hẳn người phụ nữ có cách viết sắc bén trong những bài nhận định ký tên Đào Nương, suốt buổi tiệc ngồi cạnh chị nghe chị nói chuyện thủ thỉ tôi có cảm giác chị là người quen rất thân. Tôi có cảm tưởng là ai nói chuyện với chị xong cũng sẽ tin cậy và muốn cộng tác với chị.
Tôi ngạc nhiên khi biết chị là nhân vật đã gây cảm hứng để nhà thơ Du Tử Lê làm ra những câu thơ để đời nhất là bài Khúc Thụy Du được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc. Tôi đặc biệt yêu thích cái hình ảnh con chim bói cá “bói” ánh trăng ngà, lãng mạn thơ mộng và không kém phần tuyệt vọng. Chị đọc một số câu thơ tự giễu tự trào về cái thời “Thụy lang thang” và những câu thơ xin lỗi con vì tình duyên của chị trắc trở rất duyên dáng nhưng vì tôi không ghi chép lại nên không còn nhớ. Chị bảo e-mail nhắc nhở chị sẽ chép cho nguyên bài nhưng nếu chờ e-mai qua lại tôi sẽ quên mất những điều tôi muốn viết nên hôm nào xin được
những bài thơ của chị tôi sẽ đăng lên sau.
Chị Thảo kể có hai vợ chồng già ở khu vực Sài Gòn Nhỏ. Hai ông bà tuyên bố chia tay sau khi kết hôn mấy mươi năm. Một thời gian sau lại thấy hai ông bà vẫn chung đường chung lối như vẫn còn chung gối chung chăn, hỏi tại sao thì được biết rằng quyết định chia tay nhưng không thể chia chân. Có một ông sư nổi tiếng là chân tu nhưng bị kiện cáo về chuyện tiền bạc. Người đời cười bảo rằng ông sư là người chân tu nhưng tay không tu vì còn bận đếm tiền.
Chị Yến là mẫu người phụ nữ hiếm có. Chị luôn luôn nhỏ nhẹ với chồng, trân trọng đam mê hoài bão của chồng. Phải lì, có nghĩa là chịu đựng và nhẫn nại, lắm mới chịu nổi những công việc “lấy công làm lỗ” của anh Thư. Hai ông bà gửi một hai chục quyển sách để tặng mà không đòi hỏi tiền bạc là chuyện xảy ra rất thường.
Chuyến về chị đã rất mệt mỏi nhưng khi đến chỗ nghỉ anh Thư vì chân bị gout nên đi khập khễnh, tôi nghe chị nói giọng nhỏ như muỗi kêu “anh vịn vai em kẻo té.” Trông bà nhỏ bé liêu xiêu và ông lêu khêu hom hem tôi cảm động với mối tình già này.
Thế là một lần đi xa, với tôi là một hạnh ngộ, được tiếp xúc với hai người phụ nữ thành công đáng nể. Chị Thảo và chị Yến là hai người đàn bà tuyệt vời đã nuôi con nên người. Nhân ngày phụ nữ quốc tế xin viết vài lời chúc mừng hai chị.