Tân Văn 57 và Thư Quán Bản Thảo 51

Hai hôm nay đi làm trở lại, ngồi xe lửa tôi có dịp đọc hai quyển Tân Văn 57 và Thư Quán Bản Thảo số 51 mới nhận tuần trước. Tờ Tân Văn có nhiều bài rất hay, để lại một ấn tượng rất mạnh. Một số bài trong tạp chí này tôi đã đọc trên mạng nhưng vẫn thích được cầm trên tay đọc lại. Nhật Ký của chị Hoàng Dược Thảo luôn luôn enjoyable. Khi chị viết về tình cảm thì mềm mại ân cần, khi bàn chuyện chính trường thì hiểu biết sâu sắc. Người ta có thể bất đồng ý kiến với chị nhưng phải công nhận chị là người dám nghĩ khác đám đông và dám nói suy nghĩ của mình.

Tôi thích bài Thơ Đường Tứ Tuyệt của Vinh Hồ, Tương Tiến Tửu của Thu Tứ, hai truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư và Tâm Thanh làm tôi xúc động. Nguyễn Ngọc Tư có tài vắt nước mắt độc giả. Một số tác giả quen thuộc được bạn đọc yêu mến như Tiểu Tử, Nguyễn Lệ Uyên, và Phí Ngọc Hùng cũng có mặt trong tạp chí Tân Văn số 57. Còn nhiều tác phẩm khác tôi đọc thấy rất thích, ước gì tôi viết được như thế nhưng nhiều quá tôi không thể kể hết và cũng không muốn kể hết để dành cho độc giả đã có quyển tạp chí nhưng chưa có thì giờ đọc. Quyển Tân Văn không có in quảng cáo ở trang trong, chỉ có hai mặt trong của trang bìa là có quảng cáo.

Thư Quán Bản Thảo số 51 dày 240 trang in rất đẹp, điều này ông chủ báo Trần Hoài Thư phải rất là hãnh diện. Tôi phải nhắc bạn nhớ đây là quyển báo in bằng phương pháp thủ công với những máy in cũ mua lại, cắt xén bằng tay, dụng cụ phụ giúp chuyện in là những cái máy vụn vằn ông Trần Hoài Thư đã pha chế lại. Hai đoạn trong tản văn của tác giả Trần Bang Thạch làm tôi nao lòng đó là đoạn Cầu Bà Nội và Cắt Ruột Thả Xuống Biển Đông. Cả hai đoạn đều nói về người Việt Nam vượt biển. Trong Cầu Bà Nội bà cụ già ở lại chết vì đau khổ mất mát trước khi nghe tin con cháu đến đất liền an toàn. Cắt Ruột Thả Xuống Biển Đông nói về sự chết chóc khi con thuyền lênh đênh ba mươi chín ngày và người trên thuyền lăm le ăn thịt đứa bé còn thoi thóp. Nhắc lại thời ấy thật là kinh hoàng quá.

Bốn mươi ba trang dành cho tác giả Nguyễn Thị Thanh Sâm bao gồm các bài nhận định của văn hữu và trích dẫn chương Ba Mươi Lăm của tác phẩm Cõi Đá Vàng. Bài điểm sách Cõi Đá Vàng đã đăng trên Gió O vào thứ Ba ngày 3 tháng Tư có cả chương Ba Mươi Lăm nếu bạn nào tò mò muốn đọc. Toàn thể quyển sách đã được đăng trên blog Phay Văn với dạng pdf, bạn nào thích đọc có thể down load.

Tám mươi lăm trang dành riêng cho (cố) thi sĩ Giang Hữu Tuyên bao gồm sáng tác của thi sĩ và những nhận định về thơ của văn hữu. Riêng sáng tác của thi sĩ Giang Hữu Tuyên có hai mươi trang bao gồm khoảng gần năm mươi bài thơ. Vì là nhà thơ và người làm báo kỳ cựu ở hải ngoại, bạn bè thương tiếc ông gồm có những cây bút nổi tiếng như Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Mạnh Trinh, Ngô Vương Toại, Lê Thiệp, Trần Văn Nam, …

Cố thi sĩ Giang Hữu Tuyên có những câu thơ rất hay nói về tử biệt trích trong bài Đất Gọi Người Đi


Mai này trong chuyến tàu thiên cổ
Nếu có người thương tiếc tiễn đưa
Xin hãy rắc thêm vào huyệt mộ… 
Chút tình hệ lụy núi sông xưa


Ông còn nhiều bài hay nhưng tôi chỉ xin chép lại vài ba bài


Nói Với Buổi Chiều


Rừng giờ đã thấm hơi sương
Lá giờ đã úa chiều không nơi về
Nếu ngày có chuyến xe đi
Thì đêm tôi chết bên lề đường mưa
Chắc người áo mỏng năm xưa
Cũng buồn đôi chút hương thừa thoáng bay

Sao Đêm Còn Lạ Giọng Cười


Hôm xưa ngồi lại bên hồ
Buồn xưa cũng đã đủ no một đời
Sao đêm còn lạ giọng cười
Của người nào đó dưới trời mưa thưa

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s