Cằn nhằn

Thu về rồi đó. Người ta có thể nhận ra mùa thu theo cái kiểu bàng hoàng một hôm thức dậy mùa (Hè) vừa đi qua, hay nhận ra lịch đã đến tháng 10, bằng gió reo trên ngọn cây, hay bằng những cơn mưa dai dẳng với bầu trời xám xịt. Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi. Mưa hôm kia, hôm qua, hôm nay. Trời bên ngoài đã lạnh tôi bắt đầu mở máy sưởi khi thấy nhiệt độ trong nhà chỉ 65 độ F. Tôi mặc áo ấm không đủ ấm phải mặc thêm cái áo khoác thường mặc lúc đi bộ. Đi ngủ thì 65 độ thấy chịu được. Nhưng thức giấc thì phải 68 độ F tôi mới chịu được.

Bận bịu những chuyện nho nhỏ thời giờ của tôi bị ngắt đoạn không đủ để tập trung viết một bài blog dù chỉ để chơi. Tôi xem phim Người Tình của Phu Nhân Chatterley. Phim có những cảnh trần truồng để cả mặt trước của đàn ông lẫn đàn bà, nhất là có cảnh chàng và nàng ngắt hoa đính vào hạ bộ, không đến độ có thể bảo là dâm ô hay tục tĩu nhưng cũng hơi . . . khó xem. Tôi nhớ đến phim Short Cut dựa vào một vài truyện ngắn của Raymond Carver, trong đó có cảnh cô đào tóc đỏ (hình như Julianne Moore, bạn có để ý người tóc đỏ da họ trắng khác thường lắm không, trắng hơn cả da trắng nữa) mặc áo không mặc váy, đang cãi nhau với chồng trong lúc ủi cái váy, quay sang chồng (chỗ đặt ống kính thu hình) đứng tô hô tự nhiên. Phim Người Tình của Phu Nhân Chatterley rất đẹp, tôi mê những căn nhà loại stone cottage ở Anh và Scotland. Phim tiếng Pháp phụ đề Anh ngữ, cô đào đẹp nhưng anh người tình thì ngoại dáng của anh làm tôi thất vọng, anh ta hơi béo phệ. Lúc mặc quần áo thì trông khá vạm vỡ như cởi quần áo thì trông ẹ quá. Tôi suy nghĩ không biết tài tử Mỹ ai có thể diễn vai này, may be George Clooney nhưng anh này hơi già so với tuổi của nhân vật. Bratt Pitt và Matt Damon không đủ chiều sâu. Ai có thể thủ vai vừa đầy dục tính vừa có cái chân chất dịu dàng của anh chàng thợ săn Parkin? Kevin Costner? Maybe! Có lẽ phải chọn một tài tử trẻ không tên tuổi.

Buổi sáng tôi ngồi chờ xe lửa trong phòng chờ. Ngó ra ngoài cửa sổ tôi thấy một người đàn ông ăn mặc bảnh bao cao ráo trên tay cầm một xấp giấy tờ tiến đến gần nhiều người chào hỏi mời mọc. Ở xa trong phòng kính tôi không nghe được tiếng nói nên đoán ông là người truyền đạo. Sáng nào cũng có một nhóm người đứng cả hai bên cầu thang dẫn lên đường rầy, ăn mặc chững chạc, tay cầm kinh để mời khách đọc. Đây là những người có tinh thần rất vững chắc vì họ phải chịu sự từ chối ngày này qua ngày khác. Người đàn ông tiến đến gần tôi và hỏi tôi có đi bầu tháng 11 không. Tôi ngỡ ngàng nhưng cũng trả lời có. Ông ta đưa tôi một tờ quảng cáo là ông là người ra ứng cử đại biểu của địa phương. Ông không hỏi tôi thuộc địa phương nào và tôi cũng đã lỡ cầm tờ giấy tự giới thiệu và in rất đẹp của ông. Những người khác từ chối ông thẳng thừng và bảo là họ đi xe lửa nhưng không thuộc địa phương này. Có người không buồn nhìn mặt ông. Tờ giới thiệu bảo rằng ông làm nghề giáo và chuyên ngành về khoa học (có lẽ là kỹ sư nhưng không nói rõ). Trông ông có vẻ thành thật hơn những nhà chính trị chuyên nghiệp nhưng hễ ra ứng cử chính trị là hình như đều bị người dân không ưa. Tôi ngạc nhiên khi thấy các con tôi mê say thảo luận chính trị mà người Mỹ chung quanh tôi lại có vẻ khinh miệt chính trị gia. Bản thân tôi không thích chính trị, ngay cả đi bầu tôi cũng lười và thường bực bội mỗi khi ông nhà tôi ép buộc tôi đi bầu. Tuy nhiên tôi không dám tỏ vẻ khinh lờn người ra ứng cử. Bỗng dưng tôi thấy tội nghiệp ứng cử viên này, ông ta có vẻ nhiệt tình muốn thay đổi những mặt tiêu cực liên quan đến giáo dục. Thành công và có giữ được ý nguyện hay không là chuyện khác.

Từ trước đến nay làm việc cho hãng xe lửa tôi đi làm bằng xe lửa không phải tốn tiền. Sáng hôm qua chúng tôi nhận được thông báo cho biết kể từ đầu năm sau chúng tôi sẽ bị mất cái quyền lợi này. Tiền xe lửa năm nay là 208 đồng một tháng. Người nào ở xa hơn tiền xe lửa sẽ đắt hơn. Có người làm chung tính ra mỗi tháng phải trả tiền vé xe lửa hơn ba trăm đồng. Giới trung lưu xem chừng càng lúc càng nghèo hơn. Tôi thì nghèo hơn gần hai ngàn rưỡi một năm nhưng tự nhủ dẫu sao vẫn  may là còn có việc làm dù không biết đến bao giờ.

Đã lỡ cằn nhằn thì cằn nhằn thêm một chuyện. Trong thành phố chỗ tôi làm việc không hiểu vì vỡ cống hay sao mà mùi hôi thối kinh hoàng đã mấy tháng rồi chưa hết. Lại nhằm ngay nhà ga xe lửa lớn nhất tiểu bang mà hôi thối mới là kỳ khôi chứ.

2 thoughts on “Cằn nhằn”

  1. Vậy là Tám phải cắt giãm chi tiêu các khoãn khác nếu muốn tiết kiệm rồi!. Nếu qui ra tiền VN $208 là một số tiền đáng kể, nhiều hơn 1.5 lần lương căn bản của một công nhân đó Tám.

    Like

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s