Vợ Nhà Văn

Nguyệt Mai, người cộng tác với anh Trần Hoài Thư trong việc xuất bản Thư Quán Bản Thảo, báo cho tôi biết chị Yến vợ anh Thư bị stroke phải vào bệnh viện. Cuối tuần Nguyệt Mai từ Ohio đáp máy bay đến NJ để thăm chị. Tôi đưa Nguyệt Mai đến bệnh viện JFK. Anh THT đón hai đứa tôi ở phòng tiếp khách. Bình thường trông anh đã gầy gò, bây giờ trông càng xơ xác hơn. Hai mắt anh đỏ ngầu, anh bảo anh mới vừa mổ mắt xong. Tôi ái ngại. Bây giờ mà anh ngã bệnh thì thật là khốn khổ.

Chị Yến trông nét mặt vẫn tươi tỉnh dù bên trái của chị không cử động được. Nguyệt Mai ôm chầm lấy chị mắt đỏ hoe.  Chị Yến lại là người cố gắng làm chúng tôi đừng buồn. Chị kể chúng tôi nghe về bà bệnh nhân ở giường bên cạnh. Bà láng giềng đã 84 tuổi có người yêu tuổi đã 90. Bà cụ cho biết hai người yêu nhau thắm thiết như vẫn còn ở tuổi hai mươi. Một hôm ông cụ đến thăm trễ, bà cụ khóc tồ tồ như trẻ nhỏ.

Gặp chị Yến tôi thường có cảm tưởng như gặp chị của mình. Lần nào gửi báo chị cũng cho tôi món quà nho nhỏ như bánh tráng mè chị mua được của người Việt Nam. Với chúng tôi chị vui vẻ ân cần. Với chồng, chị nhỏ nhẹ, ngọt ngào và săn sóc chồng chu đáo. Người nào mà không được vợ yêu, nhìn cách chị đối xử với với anh Thư, chắc sẽ thấy tủi thân.

Có lần, vợ chồng tôi đưa anh chị THT đi Maryland. Trên đường về chúng tôi dừng lại ở trạm nghỉ ngơi. Trời đã tối  và chị có vẻ mệt nhoài dường như chỉ muốn được nằm. Anh THT bước khập khiễng vì anh bị bệnh gout. Tôi nghe chị Yến nói với anh, giọng chị yếu ớt như muỗi kêu. “Anh vịn vai em mà đi, coi chừng bị té.”

Một lần khác, anh chị chở tôi về nhà. Chị luôn luôn nhắc nhở. “Ba Thoại cẩn thận nha, ba Thoại tối có thấy đường hông?” Chị nói giọng Nam rặc ròng, ba Thoại là ba của Thoại, tên con trai của anh chị.

Chị bị stroke, anh Thư nói về những ngày tương lai với giọng âu lo. Tiền nhà thương và thuốc men. Làm sao săn sóc chị. Có lẽ ngừng xuất bản TQBT.

Hồi anh còn trẻ, độc thân, đi lính quen với cơm hàng cháo chợ hay được mấy cậu lính dưới quyền nấu cơm cho ăn. Từ khi lập gia đình thì chị quán xuyến hết. “Thậm chí chị còn không để cho anh rửa chén vì chị chê anh rửa dơ,” theo lời kể của anh. Nghề của anh là tiếp tục cái ngẩn ngơ của người làm thơ và bỏ tiền túi ra in sách báo rồi đem tặng độc giả.

Tôi vẫn thường tự hỏi cuộc sống của vợ nhà văn ra làm sao? Anna Dostoyevskaya nghĩ gì khi Dostoyevski đánh bạc thua tất cả tài sản, kể cả quần áo và đồ trang sức của bà, khi hai vợ chồng ra khỏi nước Nga để trốn nợ? Anna là phụ tá của chồng. Ngoài việc ghi chép văn bản, gìn giữ bản thảo cho chồng, Anna còn cố vấn chồng về tâm lý nhân vật nữ trong tiểu thuyết của ông. Theo Hemingway, Zelda Fitzgerald chỉ làm trở ngại sự nghiệp văn học của F. Scott Fitzgerald. Người vợ đầu tiên của Solzenytsin đã ly dị ông khi ông trở về từ quần đảo Goulag bởi vì tù nhân như Solzenytsin không được cấp giấy phép tìm việc làm. Tuy nhiên đa số vợ của các nhà văn là những người tích cực hỗ trợ cũng như nuôi dưỡng tài năng của chồng. Hỗ trợ sự nghiệp văn học của chồng có bà Tú Xương và bà Nhất Linh một mình nuôi con để chồng làm thơ, viết văn và làm cách mạng. Nuôi dưỡng tài năng của chồng có Tabitha King, lôi tác phẩm Stephen King đã ném vào sọc rác và gửi đến các nhà xuất bản. Chị Yến lái xe đưa chồng đi đến đại học Cornell hay những vùng phụ cận ngay cả cách xa nhà hằng năm hay sáu giờ lái xe vì anh Trần Hoài Thư mắt rất yếu khó lái xe vào ban đêm. Đã đôi lần hai người gặp tai nạn vì đường tuyết đóng trơn. Hằng mấy trăm dặm ruổi dong chị luôn luôn tháp tùng chồng. Hai người đều đã về hưu, tiền bạc có giới hạn nhưng chị vẫn vui vẻ gửi những quyển truyện và tạp chí để tặng độc giả ở ngoại quốc.

Có lần tôi ranh mãnh hỏi: Anh viết truyện tình mùi như thế chị có giận không. Chị cười bảo chị không giận nhưng bạn bè của chị lại cằn nhằn tại sao chị chịu được những đoạn tác giả cắn yêu người tình bầm tím chỗ này chỗ nọ. Chị bảo chị không thích những truyện anh viết về chiến tranh máu me nhưng chị thích anh viết truyện tình. Nhiều lần chị nói chị mừng là anh có một đam mê nồng nàn như vậy để vui lúc tuổi già.

Nguyệt Mai nói anh Thư sẽ ngừng xuất bản TQBT để thì giờ chăm sóc chị. Chị bảo “Sao lại ngừng, Nguyệt Mai và Hà cố gắng giúp anh tiếp tục làm TQBT nha.”

Anh bảo: “Từ đây anh phải tập làm nhiệm vụ của bà nội trợ.”

11 thoughts on “Vợ Nhà Văn”

  1. đọc đi đọc lại bài của bà chị và bài của chú T nhưng không biết viết chi cho phải phép!!! 😦 Nguyện cầu sức khoẻ của thím T chóng hồi phục.

    Like

  2. HN nhớ ai đó nói đại để rằng đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn thấp thoáng bóng dáng một người phụ nữ. Cám ơn những thông tin văn nghệ này của BT và xin hỏi Tám rằng: “Chồng nhà văn thì sao?”. HN

    Like

  3. Thành thật xin lỗi chủ nhà vì hồi âm comment trễ nhé!

    “Làm sao bạn biết blog này?”
    1/ Đọc, với cá nhân, tự nhiên cảm, và thấy thinh thích “giọng văn” rất có hồn, diễn đạt rất tới của chị, chẳng hạn…một trong những ý ấy:
    “…Tôi cởi đôi ủng, cởi cả bộ quần áo bảo hộ lao động dày cui ngăn cản tôi không thể xoay trở dễ dàng, nhưng hai cánh tay của Scott vẫn còn chông chênh quá. Cái nón bảo hộ của tôi cứ va vào hết nơi này đến nơi kia kêu côm cốp. Cuối cùng, tôi phải ngồi lên vai Scott, anh đứng lên rồi tôi đứng lên vai anh, tay anh đẩy tôi lên rồi cho đến khi tôi có thể nằm lên mặt thép của thành cầu thấp nhất. Trong lúc vất vả như thế cái nón của tôi rơi xuống trúng đầu Scott và tóc của tôi xõa đầy mặt anh. Vốn không quen việc người lạ chạm vào người tôi nghe người mình nóng hổi, tim đập thình thình, mùi kem dùng để cạo râu, hơi thở đàn ông hăng hăng của Scott làm tôi ngây ngất. Chỉ một cái quay đầu là môi sẽ chạm và thân thể sẽ bốc cháy khi những sợi thần kinh đã căng thẳng cực độ vì sợ và hoạt động mạnh…”

    2/ Đọc, tự cảm nhận, và rồi đâm…ngưỡng mộ sự tài hoa của chị.

    http://damau.org/archives/author/NguyenThiHaiHa

    Thế là, tự lùng tìm, và…gặp!
    Quả là…”hữu xạ tự nhiên hương”, vậy đó chị.

    Like

    1. Hihi. Có được người đọc như Trọng thật là may mắn. Tôi phải trở lại với cách viết vô tư như thế này để “câu” độc giả.

      Cám ơn đã đọc. Trân trọng tấm lòng độc giả lắm.

      Like

      1. “Tôi phải trở lại với cách viết vô tư như thế…”

        Chị hứa…rồi đấy nhé!
        Độc giả chúng tôi, chờ sáng tác “viết vô tư”…của chị đấy!
        Nhân tiện, cũng cám ơn chị về bài “điểm sách” này…

        http://www.gio-o.com/NguyenThiHaiHa/NguyenThiHaiHaDocCoiDaVang.htm

        Nhờ đó, mà tôi mới có dịp tìm đọc được một tác phẩm duy nhất thật hay của Nữ văn sĩ Nguyễn thị Thanh Sâm trước 1975 trọn vẹn, ở Phay Van’s blog.

        Like

        1. Cám ơn sự rộng lượng của Trọng. Chẳng biết trẻ hơn tôi hay lớn tuổi hơn nên gọi tên như thế có bất nhã không nhỉ? Quyển ấy hay thật. Giá mà hoàn cảnh cho phép tôi nghĩ bà Thanh Sâm là novelist lỗi lạc.

          Like

      2. Trọng tôi, tự nhiên đường đột vào nhà chị chơi không xin phép, lại “còm lung tung”; được chị “không ghét” và gọi “không trật tên”, thì sao gọi là “bất nhã” nhỉ?
        Phải cám ơn chị chứ!

        – Vâng, tôi cũng nghĩ như chị.
        Bởi, với chỉ một tác phẩm duy nhất, nhưng, người đọc như cảm nhận được cái tầm nhìn và bút lực của bà (khi ấy) thật…thâm hậu, vậy!

        Like

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s