Người trong ngăn cách – phần cuối cùng

David Royle
Hôtel Le Pïgeonnier
Aix-en-Provence

Ngày 7 tháng 11, 1998

Hôm nay là ngày giỗ của ba tôi.
Hôm nay tôi mới hiểu là tôi không thể gặp lại em nữa.
Và tôi để tang cha, tang cho em và cho cả ba chúng ta.
Tôi sẽ đi Mỹ lại.
Kay, cái đẹp của tôi, cái ung độc của tôi, cái trắng trinh của tôi, con nhện của tôi.
Kay, tôi yêu em điên cuồng.
Kay, em nhìn quá cao nên tôi đâm chóng mặt, và muốn tự một mình đo tầm sức với đời, đối mặt với biển cả, với Holywood, với cạm bẫy, với những thần tượng giả.
Tình yêu đã trở nên quá đầy…
Nên tôi đã thả lại em trên bến
Cái hèn hạ to nhất của tôi.
Tôi đã nếm thành đạt, chiến thắng, mọi phù phiếm của vinh quang.
Kay, tôi có tất cả nhưng cũng như không vì tôi đánh mất em.
Hãy cho tôi kể, Kay ơi, làm thế nào mà em đã trở lại cùng tôi.
Em thấy không, tôi không hề mỏi gọi tên em…
Để kể cho em nghe mãi.
Ta bám vào quá khứ khi ta không còn chi để sống, khi ta hô “hạ màn” hay “cắt”(ngôn ngữ của đạo diễn khi ra lệnh ngừng quay phim. LCCND) thì ta chỉ còn hai bàn tay không.
Em trở về trên chân của loài ruồi, che mạng, ranh mãnh như cô bé con biết rõ niềm kỳ bí
Em trở về trên trang sách tôi đọc, cuốn phim tôi xem, trong cử chỉ mà em từng có…
Những lọn tóc đen dài quăn mà em cuộn thành lọn trên đầu.
Đôi bàn chân thon hồng mà em thường so với chân tôi. Đôi mắt đen của em lắng nghe đã cho tôi nghị lực để mơ về vương quốc tôi, để xây dựng nó dựa vào em rất mong manh mà cũng rất vững mạnh.
Dáng nữ hoàng em bước coi khinh cõi đời và những ảo tưởng của nó.
Mắt nhìn em vùi lấp mọi vụn vặt
Em đốt cháy mọi thứ kể cả tôi.
Em còn nhớ không, Kay, chúng ta làm tình suốt đêm đến cạn kiệt và sáng sau em đánh thức tôi ra dấu “thêm tí nhé”? Ngón tay cái và ngón tay trỏ khép lại một vòng nhỏ tí, nhỏ tí để tôi bắt đầu lại đắm chìm xác thân và linh hồn…
Có khi em thức giấc nửa khuya, tỉnh táo lay gọi tôi và hỏi “David, ta đã để trong tủ lạnh bánh phó mách chưa, David, nếu không thì hỏng, nó không mềm nữa?” Rồi em ngủ lại và tôi nhón chân tìm xem đã cất phó mách vào tủ hay chưa.
Có khi em tréo hai ngón tay giấu sau lưng để nói dối mà tránh bị trời đánh
Có khi em ru tôi ngủ lại bằng cách đọc Bérénice
Có khi em khuyên tôi hãy nhìn đời David, đừng bỏ qua
Có khi em bảo chính em là đời sống anh đấy David, mà anh không hề biết hoặc anh sẽ nhận ra mai sau khi đã muộn
Em non trẻ nhưng em khôn ngoan. Về lẽ đời.Và em đã thổi hơi sống vào chàng trẻ tuổi chán chường mà tôi thích thú đóng vai trò. Em đã ném tôi vào giòng sống, em đã mang cho tôi ý thích ham sống…
Em luôn luôn ham hố.
Vậy nên khi tôi tìm theo những cô gái xinh đẹp nhất vào giường và nhận thấy tất cả đều đoán trước được hay tất cả đều định sẵn, khi tôi siết vào thân những phần thưởng mà tôi không hề chia cho ai, khi tôi nhét đầy những triệu triệu đồng bạc mà chẳng biết để làm gì, hàng nghìn cuốn sách hàng nghìn cuốn phim trên kệ thì em hiện về với tôi, Kay ạ, với cử chỉ, với giọng điệu, với tiếng khóc, cơn giận, lời kêu xin.
Em về với tôi như bóng ma mà tôi không xua đuổi được.
Tôi tìm chỗ trú ẩn để quên em. Tôi chọn điện ảnh trút bỏ nỗi điên dại. Tôi đã có tất, đã làm tất, nhưng em vẫn không ngừng trở lại.
Máu em chảy trong tôi.
Máu em luôn luôn trong tôi.
Chỉ mới đây, khi nhìn những ngăn tủ, nhìn số tiền trong ngân hàng, nhìn căn nhà ba tầng tráng lệ và cùng lúc cảm thấy bóng ma em vẫn xoay quanh oán trách, tôi quyết định nghỉ ngơi. Để nhìn về cuộc đời, suy xét việc nhỏ việc lớn. Và tôi nhận ra rằng tôi chẳng có gì cả. Tôi chiếm hữu thật nhiều nhưng tôi chẳng có gì. Tham vọng đã thiêu hủy hết.
Khi ta đang trong tham vọng, ta không có thì giờ nhìn ngắm.
Chỉ mất thì giờ.
Tôi dừng lại, tôi thở ra, tập không làm gì cả và do đó mà tất cả đã mở ra.
Và như một điều tất nhiên, tôi tự bảo “tôi sẽ tìm lại em”
Tuy nhiên tôi ngại…
E rằng em đã đổi thay, rằng em đã trở thành một người đàn bà khác không còn giống với Kay nữa.
Lẽ ra tôi phải biết đặt lòng tin vào em, Kay ạ.
Vì vậy tôi mang chiếc mặt nạ giả và chính chiếc mặt nạ ấy đã làm lệch lạc bản diện tôi.
Chiếc mặt nạ ấy hèn hạ đáng thương. Tệ hơn thế, có lẽ chiếc mặt nạ ấy trở nên căn cước mới của tôi.
Tôi sẽ trở về chỗ trú và con đường về Holywood, một ngày nào đó sẽ chấp nhận tôi với cái huênh hoang, với sự từ chối hạ mình trước những bó buộc của nó.
Tôi biết vậy, tôi sẽ chuẩn bị, vì bây giờ tôi cũng chẳng còn gì để mất nữa.

David

* * * @ @ @ * * *

David không bao giờ đẩy cửa hiệu sách ở Fécamp.
Marco thì được an táng trên ấy gần ngôi nhà thờ thánh nữ đồng trinh, bà đã canh giữ thuyền bè ra vào và che chở các thủy thủ.
Kay vẫn ở đấy.
Một đêm tháng một bọn du đảng đã vào đập vỡ tủ cướp hết tiền mang đi.
Kay không cớ bót.
Nathalie vẫn làm việc cho nàng. Riquet đã về lại cùng vợ thề không phạm tội nữa. Cho tới bận sau, Nathalie bảo.
David thôi không thư từ nữa. Họ chỉ biết tin về anh ta qua báo chí mà họ đọc lén vì ngại Kay bắt gặp.
Anh ta tiếp tục làm phim, những cuốn phim ăn khách. Họ biết nguồn thu nhập có đến hàng triệu đô la và lấy làm bằng lòng cho anh ta.
Người ta thấy anh trong tay những người kiều diễm, những ngôi sao khiến ta mơ ước trên màn bạc. Những nàng trẻ nhưng biệt tích rất nhanh như bởi chìếc đũa ảo thuật ; ngay những cô kém trẻ nữa, phải thành thật mà nói.
Trên những bức ảnh, anh ta tươi cười, có vẻ hạnh phúc, nhưng đấy chỉ là những bức ảnh.
Người ta bắt đầu lo âu khi được tin anh ta vào viện để chữa nghiện nơi các tài tử lớn thường vào ở Palm Spring.
Rồi lại nghe tin anh ta xuất viện.
Sau đó thì chẳng còn nghe gì nữa.
Chẳng còn nghe gì nữa
Mà Kay thì chả bao giờ đặt câu hỏi. Tôi trông thấy cô mỗi sáng đạp chiếc xe đạp mầu đỏ, khi vừa mới thức giấc, mặc đồ tắm.
Cô ta tắm bất cứ mùa nào khiến tôi đâm lo. Đôi khi biển động, tôi theo dõi cô trên chiếc xe đạp củ rỉ sét ngược gió và tôi nhìn cô xót thưong, trong cơn sóng đưa cô lên như chiếc nút chai, chặn cô, kéo cô lăn quay, dày vò cô, nuốt chửng cô rồi ném trả cô lên kè đá.
Nhiều lúc cô vào bờ đầy máu me.
Niềm đau cũng tuyệt vời khi ta đã lành được bệnh, khi ta có khả năng biến nó thành thánh thiện.
Cô không hề nhắc đến David nữa.
Chúng tôi tán nhảm với nhau buổi chiều khi cô ta đến uống với nhau ly rượu sau khi đóng cửa tiệm sách. Chúng tôi uống vang trắng. Chúng tôi ăn ốc. Chúng tôi kể cho nhau nghe tin tức. Chúng tôi gắng làm đẹp đời nhau đừng rơi vào những thành kiến sẵn có và tạo dịp may cho mỗi người. Ừa, nhưng đã đến giờ đóng cửa tiệm ăn.
Có hai người đàn ông tự tử tử trên cao kè đá trong vòng hai tuần lễ qua, mùa đông này.
Không ai ngăn được họ.
Tiếc họ không ghé quán ăn chúng tôi uống vài cốc rượu. Có lẽ tôi sẽ tìm cách khuyên can.
Tiếc nữa là tôi chẳng làm thủ tướng Do Thái được…

Gió đã lên, tôi phải nhanh tay. Đèn bên nhà Kay vẫn sáng, chắc cô ấy đang đọc sách.
Chúng tôi sẽ viết một bức thư mà không gửi vào bưu điện.

10 thoughts on “Người trong ngăn cách – phần cuối cùng”

  1. Kết thúc câu chuyện hơi buồn, nhưng được an ủi đôi phần vì họ tự nhủ lòng “làm đẹp đời nhau” (Bác chủ quán và Kay).
    Và bây giờ, những bức thư không gửi vào bưu điện.

    Like

  2. Họ, những con người quá phức tạp nên ko chịu được sự bình an của cuộc sống đời thường, bình an đến chán chường…
    Họ, những con người đầy tham vọng, trong đó có tham vọng khuất phục kẻ khác, bằng tài năng, bằng thông minh bẩm sinh, bằng cái khao khát vượt lên trên, kể cả chính mình… rồi lại tự dày vò mình bằng chính những cái đã đạt được…
    Họ, đôi khi có một chút bóng dáng ta trong đó, trong những dằn vặt, ưu tư đôi khi là quá vô ích cho cuộc đời ngắn ngủi, mà ko biết cách tự thu xếp cho nó vừa với khát vọng, vừa đủ với những cái hiện có…
    Ta thương cho họ như đang tự thương thân!!!

    Like

  3. Với cái kết của câu truyện tình này, Ròm cháu như có cái cảm giác, và sực nhớ “ai đó” đã từng nói câu này chăng?

    – “Sự hài lòng về tình yêu không kéo dài cuộc sống thêm một phút.
    Nhưng, sự thất bại của tình yêu sẽ làm cho cuộc sống thêm ý vị! “

    Like

    1. Ui, ấy chết ròm con..! Bà Tám ơi!
      Ròm con đọc, rồi cảm thấy yêu thích trang nhà của Bà Tám, nên “rón rén” vào chơi, và “cả gan”..gõ còm lung ta lung tung thôi..Bà Tám à! (may mà Bà Tám không dùng..”Đả cẩu bổng”..rượt đánh..gãy cẳng! hihihihihi…)
      Chớ, Ròm con hổng có dám hó hé ho he mon men mơ tưởng..”với thánh địa chữ nghĩa văn chương cao nhã”..đâu Bà Tám ơi…!

      Like

      1. Văn chương có thể cao nhã nhưng không là thánh địa. Ai cũng có thể viết văn, cũng như ai cũng có thể nấu ăn. Tín mồm miệng nhanh nhẹn thế chắc viết là best seller thôi.

        Like

  4. Mình vẫn đọc không bỏ sót bài nào nhưng máy hư nên không tám với Tám được…
    Nhớ Bạn hiền !

    Like

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s