Phần phụ. Trích dẫn để độc giả thưởng thức.
Nhận xét về Cánh Đồng Đã Mất của Thảo Trường, Nguyễn Lệ Uyên viết: “Tất cả như đã biến mất khỏi cuộc đời, y như cánh đồng trước kia mênh mông màu xanh cỏ phủ tràn cùng những bông hoa dại rung rinh trước những cơn gió phất qua, nay đã biến mất. Mùi thơm của hoa cỏ đất trời đã biến dạng. Cánh đồng của sự bình yên đã méo mó, của hoa thơm cỏ mượt xanh đã chìm lấp bên dưới những giao thông hào, vòng rào kẽm gai, như ông sĩ quan già đã bị lấy mất tuổi thanh xuân của chính mình, như tuổi trẻ của Hoán bất chợt đổi thay về số phận và khung cảnh.” Trang 13
Nhận xét về các bài La Ngà 1 đến 5 của Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Lệ Uyên viết: “Ông nhìn nhận cảnh quan theo vẻ đẹp mẫn tuệ nơi ông đã đành, nhưng đến những cảnh huống mà nhiều người nhìn thấy là xấu, khi lọc qua tâm hồn ông bỗng sáng rực như ánh sáng ban mai; ngôn ngữ diễn đạt cứ như những hạt sương long lanh trên cành lá biếc xanh.” Trang 39.
Nhận xét về thơ của Lâm Hảo Dũng, Nguyễn Lệ Uyên viết: “Sống chết hay cái vui, với ông đều là may rủi: May còn em và may còn cái vui như một tiếng kêu não nuột bật ra từ tâm thức ngủ yên. Đó chỉ là niềm hạnh phúc mong manh không ở ngay bên cạnh và đâu đó như một vệt khói hư không.
Nguyễn Lệ Uyên nhận xét về Trần Hoài Thư rằng ông Trần Hoài Thư viết nhiều, viết dễ dàng, ở đâu cũng viết được: “Ông viết dễ dàng còn hơn đưa ly rượu lên miệng: Viết dưới hầm; trùm poncho dưới giao thông hào, bật đèn pin để viết; viết trong lúc dừng quân, trong quán cà phê; viết khi chân, ngực băng kín trong quân y viện. . . nghĩa là ông có thể viết trong bất kỳ tư thế, không gian và thời gian nào ông cảm thấy mạch văn như đang có dấu hiệu chảy trào ra khỏi con người ông, trườn qua cây bút và mảnh giấy tựa như con suối nghiêng dòng nước trong xanh chảy ca hát cùng mùa xuân.
Nhận xét về Ngày Đầu Ở Xứ Người, văn phong của Trần Hoài Thư, Nguyễn Lệ Uyên nói: “Bức tranh toàn cảnh này, ông vẽ ra với một giọng văn thổn thức, hoài nhớ đến nao lòng. Và hình như đây chính là phong cách của ông, văn phong của chính riêng ông.” P. 94
“Đoạn kết của thế hệ này sẽ vẫn phải còn thở hồng hộc như trâu cày đồng, thở bằng mũi, miệng, tai; thở bằng mông đít và các đầu ngón tay chân, trên từng sợi tóc mặn đắng mồ hôi của tủi nhục, không phân biệt đó là những kẻ đang ngụ tạm quê người, hay còn ở quê nhà thở khói chiều vi vu bên anh Cuội dưới gốc đa, ru ta những mộng mị hoang tưởng trên đời, rung bã, mệt mỏi, ê chề.” trang 95.
Nhận xét về Phạm Văn Nhàn, Nguyễn Lệ Uyên viết: “Hầu hết những truyện ông viết đều mang nỗi hoài nhớ, pha lẫn chút “ngậm ngùi” như trong truyện ông đặt ở trên. Các nhân vật đang vật lộn với đời sống khó khăn hôm nay nhưng trong tận cùng đáy sâu tiềm thức của họ là những lớp sáng tôi của quá khứ. Cái quá khứ ấy không hẳn là trọn vẹn, la hạnh phúc; nhưng trải qua những ngày từ thơ ấu cho tới lúc trưởng thành, bước chân vào đời, luôn là những bài thơ đẹp lộng lẫy như khói trời; bởi nó thấm đẫm tình người.” trang 131.
Nhận xét về thơ Phạm Chu Sa, Nguyễn Lệ Uyên viết; “Trong buổi nhiễu nhương, tâm cảm nơi ông chừng như là những mộng mị trôi nổi có không từ ‘thời gian vọng’ đến ‘thời gian xuôi’ như cách gắn liền quá khứ xa tới hiện tại gần, là nỗi cô đơn của kẻ lưu đày trên chính ngay mảnh đất ông đang bước tới, gắn chặt, thở khói trời u uẩn. Ông chìm khuất và mất tăm giữa cái ồn ào trống rỗng, là tiếng kêu bi thiết của con chim gục ngã trên tổ rơm thông thống lỗ méo nụ hoang hoác.” Trang 162.
Tả hình dáng nhà thơ Phạm Chu Sa: “nhìn bờm tóc ông nhuốm ráng chiều màu nắng quái ngoài hành lang, nhìn cái dáng xiêu xiêu thẫn thờ dưới cột đèn ngã chúi về đêm trong con hẻm nhỏ và hai tay trong túi quần và ánh mắt như màu tối đậm trên vờ tường thấp loang lổ, tôi đã tự hỏi: ông tự tìm kiếm chính mình trong nỗi cô đơn hay hoài nhớ đâu đó, là những hình bóng nhập nhòa, hiển hiện trên bờ tường đá ong, những mất mát luôn vây bủa, bi lụy không ít đến cuộc đời ông?”
viết về người khác mà như một lời cảm thán về chính ta!
LikeLike
Cám ơn lời bình của cô Giáo.
LikeLike