Tuần trước

Tuần trước tôi đi làm sưu (tình nguyện) ba ngày. Thứ Ba buổi sáng ngồi chờ xe lửa, trăng tròn vàng sậm, ở hướng Tây, to như một cái nia. Thấy hối tiếc là đã bỏ cái máy ảnh ở nhà. Thứ Tư, vẫn bỏ máy ảnh ở nhà, thấy có con sóc gầy, bước từng bước đến gần, ngồi trước mặt tôi và đi tè. Xong rồi nó chạy ra thùng rác gần đấy hai tay ôm một mẩu thức ăn màu vàng nhắm nháp. Nguyên tắc đầu tiên của những người học nhiếp ảnh là đi đâu cũng phải mang máy ảnh theo. Thứ Năm, có máy ảnh, trời nhiều mây, không thấy mặt trăng. Chờ mãi không thấy chú sóc đã tè trước mặt mình hôm trước.

Công việc làm sưu của tôi là phát cho người đi xe lửa một cái thẻ nhỏ như tấm danh thiếp trên đó có địa chỉ của website hướng dẫn người trả lời những câu hỏi nghiên cứu để phục vụ hành khách đi xe lửa cho tốt hơn. Có một cô gái trẻ, ăn mặc rất sang trọng, than phiền là chúng tôi làm việc bê bối, để người không nhà ngủ dưới những bậc thềm của sàn xe lửa. Tôi chẳng biết nói gì hơn là cười trừ và bảo rằng cô hãy bày tỏ ý kiến qua trang nghiên cứu để những người có thẩm quyền giải quyết tốt đẹp hơn. Một bà hành khách khác, hai ba lần bảo tôi là nên vào trong nhà ga để thấy cái xấu. Bà có vẻ rất hằn học với người bán vé xe lửa.

Ngày đầu tiên tôi phát được một số thẻ, nhưng ngày thứ hai và ngày thứ ba thì không ai chịu nhận thẻ nữa. Hành khách ở trạm này nếu họ đi vào thành phố lớn thì họ dùng computer. Một số hành khách đi ngược lại về thành phố nhỏ hơn ở hướng Tây đa số họ không dùng computer. Có người bảo rằng họ không biết tiếng Anh nhưng may quá thẻ có in cả tiếng Spanish. Cạnh trạm xe lửa là một căn nhà lâu đời thuộc vào hàng nhà cổ. Phía sau ngôi nhà là một nghĩa địa lâu đời, hình như thời người da màu còn bị xem là nô lệ.

Ngôi nhà cổ bên cạnh trạm xe lửa
Ngôi nhà cổ bên cạnh trạm xe lửa

Ba buổi sáng tôi đi làm sớm. Ra khỏi nhà lúc chưa sáu giờ, làm việc đến tám giờ và đáp xe lửa đến chỗ làm. Thành phố nhỏ này nằm cạnh thành phố tôi đang ở. Vào những năm sáu mươi đây là một thành phố giàu có và rất đẹp. Sau một cuộc nổi loạn của người da màu bị kỳ thị thành phố bị hư hại nặng và những cơ sở thương mại dọn đi chỗ khác. Thành phố này trở nên suy sụp, nhà cửa chung quanh trạm xe lửa bị bỏ hoang khá nhiều và trở nên địa điểm quyến rủ những người nghiện ngập không nhà. Hành khách than phiền trạm bị rác rến nhất là dưới sàn xe lửa là nơi ngủ của một vài người. Buổi sáng tôi ngồi ngắm vẻ yên tĩnh của thành phố chưa hoàn toàn tỉnh giấc ngủ. Một cửa hiệu có chữ open bán báo, cà phê, bagel và muffin (thức ăn sáng gọn nhẹ) không mấy người ra vào. Những ngôi nhà hoang tàn này đã một thời vang bóng thuộc loại nhà có kiến trúc thời Victoria với màu sắc rực rỡ phải theo đúng luật lệ kiểu mẫu nếu cần sửa chữa. Bây giờ hoang phế đến độ người ta dùng gỗ để che những cửa sổ tránh bị hư hại thêm vì người ta và thời tiết. Và mãi rồi chú sóc cũng thức dậy, lần này thì không hỗn láo tè trước mặt tôi. Chú lao vào thùng rác và chặp sau đã thấy hai tay ôm thức ăn đưa vào mồm say mê thưởng thức.

Chú sóc ngồi gặm thức ăn
Chú sóc ngồi gặm thức ăn

Sóc ơi, sóc ăn gì thế? Phải chăng đây là

Thức ăn người ta chừa cho sóc
Thức ăn người ta chừa cho sóc?

Bạn thường thấy người ta sang Mỹ chơi một vài tuần về VN viết thành sách về danh lam thắng cảnh của nước Mỹ.

Nước Mỹ là một con khổng tượng khổng lồ, mỗi cuốn sách là một cái nhìn về một góc nhỏ hay nhiều góc nhỏ của con khổng tượng. Tôi mời bạn nhìn một góc nhỏ của một thành phố nhỏ và suy tàn tôi thường đi ngang nhưng ít khi ngắm nghía nó một cách lặng lẽ như thế này. Chỉ cần đi bộ vài khúc phố tôi có thể chụp được ảnh những ngôi nhà thờ rất cổ và rất lạ mắt. Nhưng xin chờ dịp khác.

Và tiếp theo là một số ảnh chụp chung quanh trạm xe lửa.

15 thoughts on “Tuần trước”

  1. Cũng là “tang điền biến vi thương hải” cũng là “vật đổi sao dời” theo thời gian nhưng một thành phố suy tàn mà được thế này thì vẫn có nhiều điều để chúng ta khen những người đứng đầu dầu có thể không nói ra! Cám ơn Tám đã cho bạn bè “một góc nhìn khác”.

  2. sự suy tàn cho chúng ta một góc nhỏ yên bình.
    sầm uất quá thì lại xô bồ.
    giáo thuộc loại hoài cổ!

  3. Cháu thích ý cô nói về việc người ta đi du lịch một vài tuần rồi về viết sách. Giống với cả lập luận của Levis Strauss trong Nhiệt Đới Buồn khi ông bảo “Tôi ghét các chuyến viễn du và các nhà thám hiểm”

  4. Thứ Ba, ta nhìn thấy mặt trăng vàng sậm to bằng cái nia. Thứ Tư, ta nhìn thấy một chú sóc đến gần rồi hồn nhiên… tè trước mặt ta. Vậy mà ta quên máy ảnh, để mọi thứ trôi qua mà không ghi lại được… Cuộc sống luôn luôn có những điều không thể quay trở lại…
    Mình thích cách nhẩn nha của Bà Tám. Kể chuyện chỉ là kể chuyện, không “lên gân”, không cố gán ghép cho câu chuyện của mình một ý nghĩa cao siêu nào đó. Đó cũng là một cách sống hết mình cho ngày hôm nay.

        1. OM ở Sài Gòn, Tám à. Vậy là bạn bè nha! ( Thấy Tám viết chững chạc chứ ko nhố nhăng như mình nên cứ nghĩ là hơn tuổi. Hehe. Rất vui khi có thêm bạn!)

  5. “Thứ Ba buổi sáng ngồi chờ xe lửa, trăng tròn vàng sậm, ở hướng Tây, to như một cái nia.”

    Ôi, Tiếc quá! Phải chi Bà Tám có đem máy ảnh, chớp được những hình ảnh đẹp êm đềm, yên ắng và lãng mạn của vầng trăng tròn vào những thời khắc sáng sớm tinh mơ như thế này, post lên, cho mọi người cùng chiêm ngưỡng nhỉ!
    Câu văn về trăng tròn ở nước Mỹ của Bà Tám hôm nay, đã khiến cháu chợt nhớ và liên tưởng đến “giai thoại” về 2 câu thơ nghe qua (nhưng hiểu lầm thi sĩ) …thật tếu táo, của một thời đến…mông muội…xa lắc xa lơ…

    – “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ
    Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ”
    (Việt Phương)

    Và rồi, tự nhiên, cháu cũng chợt nhớ đến bài Đồng dao về Mặt Trăng cũng như thời gian trăng mọc:

    “Mồng một lưỡi trai
    Mồng hai lá lúa
    Mồng ba câu liêm
    Mồng bốn lưỡi liềm
    Mồng năm liềm giật
    Mồng sáu thật trăng
    Mười rằm trăng náu
    Mười sáu trăng treo
    Mười bảy sảy giường chiếu
    Mười tám rám trấu
    Mười chín đụn dịn
    Hăm mươi giấc tốt
    Hăm mốt nửa đêm
    Hăm hai hạ huyền
    Hăm ba gà gáy
    Hăm bốn ở đâu
    Hăm nhăm ở đấy
    Hăm sáu đã vậy
    Hăm bẩy làm sao
    Hăm tám thế nào
    Hăm chín thế ấy
    Ba mươi chẳng thấy
    Mặt mày trăng đâu”

    [video src="http://en.wikipedia.org/wiki/File:Moon_Phase_and_Libration,_2013.ogv" /]
    (Click play để xem)

    P/s:
    Bà Tám ơi, không hiểu sao hôm nay lại vào nhà Bà Tám khó quá! Cháu phải “mượn cái thang” của đài VOA mới “trèo tường” vào nhà Bà Tám được đó! hihi…

    1. Again, one of the best comments. Cám ơn Vân. Chắc có gì trục trặc sao đó chứ cái blog này ai mà đặt tường lửa để làm gì.

  6. “Sóc ơi, sóc ăn gì thế?”

    – Đâu có, “Sóc đang bảo vệ bạn…đã chết…mà!”
    hihi…

Leave a comment