Mr. Wolfsheim, nhân vật trong truyện The Great Gatsby, nói một câu đại ý là, nếu thật sự yêu mến bạn bè hãy bày tỏ tình thân hữu khi anh ta còn sống. Gatsby nổi tiếng là người tổ chức những buổi dạ tiệc rất linh đình. Ăn uống khiêu vũ suốt đêm, ban nhạc sống với những điệu jazz swing nhộn nhịp, bia rượu tràn trề. Khỏi phải nói dông dài, những buổi tiệc như thế rất đông người tham dự, tay to mặt lớn, và cả những người dự tiệc mà không được chủ nhân mời. Thế mà khi Gatsby ngã xuống vì những viên đạn thù thì không một người bạn nào dự đám tang của ông. Fitzgerald nhấn mạnh sự chua xót này, bằng cách cho một nhân vật gọi Nick Carraway, bạn của Gatsby, nhờ người giúp việc của Gatsby gửi trả đôi giày đánh tennis anh ta lỡ bỏ quên ở biệt thự của Gatsby. Anh ta không muốn đến lấy đôi giày dù anh ta đang ở gần biệt thự của Gatsby như thể anh ta sợ bị dính líu với cái tên của người chết. Wolfsheim, bạn đồng hành trong công việc bán rượu lậu, người từng tự hào là người dạy dỗ Gatsby cách làm giàu, cũng từ chối không đến dự đám tang. Ông ta thực hiện đúng lời tâm niệm là chỉ làm bạn với người còn sống.
Dường như chúng ta, những người còn sống, thường hay dùng đám tang, để biểu lộ tình yêu và sự kính trọng dành cho người chết. Và dùng số người đi dự đám tang như một cái thước đo tài hoa của người chết (với giả thuyết người ta đi dự đám tang để bày tỏ lòng ngưỡng mộ tài của người chết); càng tài hoa hay tài ba càng được nhiều người đưa đám tang. Sự ngưỡng mộ này thường dùng để tặng những vị lãnh tụ của quốc gia hay các diễn viên nổi tiếng. Tôi nghĩ đến đám tang của Thanh Nga, Trịnh Công Sơn, John Kennedy và dĩ nhiên mới đây là tướng Giáp.
Tuy nhiên, nếu quan niệm như F. Scott Fitzgerald, có lẽ chúng ta nên biểu lộ lòng yêu mến với danh nhân khi họ còn sống hơn là khi họ đã chết.
Ở một đại vương quốc Ả Rập bao gồm nhiều tiểu vương quốc. Mỗi tiểu vương quốc có một tiểu vương cai trị. Có một vị tiểu vương tuổi hạc đã cao. Thuở thiếu thời tiểu vương này cũng có nhiều cống hiến trong việc xây dựng vương quốc nên được dân chúng yêu mến. Tuy nhiên vì tuổi già, tiểu vương đau yếu triền miên, sự có mặt của ông mỗi ngày trên ngai vàng chỉ còn là một hình ảnh tượng trưng cho một quốc gia đã một thời vang bóng. Tin đồn tiểu vương bị bệnh trầm kha, ngày chết gần kề. Các quan cận thần tìm cách bày tỏ lòng ngưỡng mộ tài hoa của vị tiểu vương sắp qua đời. Họ đặt cho tiểu vương một cỗ quan tài lộng lẫy hơn cả cái ngai vàng, mặc cho ông bộ hoàng bào toàn vàng với ngọc làm tăng thêm phần uy nghiêm vốn sẵn có của tiểu vương, và đặt ông giữa cung đình để các quan đại thần và nhân dân bày tỏ lòng ngưỡng mộ trước khi ông qua đời. Chung quanh cung đình các quan đại thần phụ trách mặt lễ nghi và trang trí cho đặt rất nhiều gương phóng đại. Vị tiểu vương nằm trong quan tài chờ chết nhìn thấy bản thân ông cao lớn oai nghiêm hơn lúc ông còn trai tráng khỏe mạnh. Tiểu vương nhìn đâu cũng thấy những công trình lẫy lừng ông đã sáng tạo trong việc xây dựng vương quốc của ông. Tiểu vương đếm lại bao nhiêu người đẹp đã nép mình dưới bóng của tiểu vương chờ ban ơn mưa móc. Người đến bày tỏ lòng ngưỡng mộ với tiểu vương cũng nhìn thấy bóng dáng của họ trong gương vĩ đại hơn chính con người thật của họ. Một đám kên kên và khỉ đột cũng đến quì bên cạnh quan tài giả vờ bày tỏ lòng ngưỡng mộ, thật ra chúng ngắm nghía cái ngai vàng và tự hỏi nếu chúng ngồi vào cái ngai vàng ấy thì chúng sẽ xây dựng vương quốc hoành tráng như thế nào.
Vị tiểu vương nhìn thấy lòng yêu mến của nhân dân và cận thần. Tiểu vương cũng nhìn thấy sự thèm muốn cái ngai vàng trong đôi mắt của kên kên và khỉ đột được những tấm gương phóng đại. Ông đổi ý không chịu chết nữa. Ông nằm trong quan tài giữa cung đình ngày này qua ngày khác nhìn ngắm sự nghiệp vĩ đại của ông, và lòng ngưỡng mộ người chung quang dâng tặng cho ông.
John Updike nhìn thấy sự bày tỏ lòng ngưỡng mộ với vị tiểu vương qua cái đám tang tuyệt đẹp này, đã làm một bài thơ tự thán và tự trào. Bài thơ có tên là Requiem, trong đó có những câu như sau:
Instead, a shrug and tearless eyes
Will greet my overdue demise;
The wide response will be, I know,
“I thought he died a while ago.”
Sao giáo lại có nhiều ý nghĩ trùng hợp với chị Tám dzậy! Khi bà ngoại giáo còn sống, ko ai chịu ở với bà, vì bà đã hơn 90 tuổi và hơi chướng tính, ngoại trừ giáo. Khi bà mất rồi, mỗi kỳ làm giỗ linh đình, khách mời lu bù, ăn uống thỏa thuê, giáo lại nghĩ tới lúc bà còn sống ít ai thăm hỏi, tuổi già hiu quạnh, giáo lại buồn và chỉ đốt nhang cho bà rồi về, ko tham dự đám giỗ cùng họ…
LikeLike
Hoan hô Bà Tám đã kể cho nghe một câu chuyện ý nhị
LikeLike
Cám ơn Bác Túy. Chắc chẳng ai để ý cái ý nhị ấy ngoài Bác!
LikeLike