Ảnh này tôi download từ máy ảnh vào computer ngày 17 tháng Mười, có nghĩa là tôi đã chụp ông này trước đó vài ngày. Ảnh chụp ở công viên trong thành phố tôi làm việc.
Mỗi ngày nếu trời không nóng quá hay lạnh lắm hay mưa, ăn trưa xong tôi đi bộ từ chỗ làm, dọc theo con đường cạnh bờ sông có tòa nhà trụ sở của Cảnh sát Liên Bang, nơi tôi đã hái cả nón trái blue berries vào mùa hè, ngang qua đại hí viện thành phố, ngang qua cái nhà thờ phát thức ăn cho người nghèo một tuần năm ngày, ngang qua YMCA, ngang qua hàng quán cà phê, ngang qua công viên trước thư viện lớn nhất thành phố, ngang qua một số trạm trolleys, đến một trạm xe lửa lớn và quay về. Cứ thong thả đi hết một vòng trở về là khoảng một giờ đồng hồ. Đi chậm hay ngừng lại để chụp ảnh thì mất thì giờ hơn. Thỉnh thoảng tôi đổi hướng đi ngõ khác.
Cái công viên trước thư viện nhiều cây cao. Đây là nơi người ta tổ chức chợ lộ thiên bán nông phẩm hằng tuần vào mùa hè. Thư viện cũng mang sách ra bán rẻ. Cảnh sát thường đi tuần, có khi bằng xe hơi, có khi cưỡi ngựa. Nơi đây mùa hè cũng thường là nơi tụ tập của những người sống lang thang không nhà.
Hôm ấy tôi đi trong công viên, ngửi thấy mùi khói thuốc lạ, hăng nồng, nên đề cao cảnh giác. Dù không muốn bị đánh giá là kỳ thị người ta, tôi có cái tật sợ cái lơ đãng của mình dẫn đến chỗ bị hại. Nơi đây tôi đi hằng ngày, dù người ta nằm ngồi rải rác gần đó họ chẳng có vẻ dọa nạt nhưng tôi vẫn để ý cẩn thận hơn dù tôi chẳng có gì ngoài cái máy ảnh cũ xì, và cái thẻ nhân viên đeo lủng lẳng trên cổ.
Khi tôi đi ra khỏi công viên, vòng về thì ông này gọi tôi. Ông bảo tôi chụp ảnh cho ông, giọng nói của ông hơi ngọng nghịu đớt đát. Ông bị khuyết tật trong cách phát âm chứ không phải accent của người miền khác. Ông nói vài câu nhưng tôi không nghe rõ, một phần vì giọng nói của ông, một phần vì lỗ tai tôi bắt đầu nghễnh ngãng. Tôi lại sợ không dám đến gần ông để nghe cho rõ hơn. Trong ảnh trông ông có vẻ dọa nạt nhưng ở bên ngoài ông có vẻ thân thiện hơn.
Đi ngang Philips House tôi thường thấy người ta đứng chờ xe buýt. Đây là ngôi nhà cổ đẹp một cách điêu tàn, người ta dùng làm nơi trọ cho những người phụ nữ bất hạnh bị chồng ngược đãi đánh đập tạm trú. Tôi nghe có người gọi tôi bảo “chụp cho chúng tôi tấm ảnh đi.” Người gọi tôi là cô gái áo đen. Người áo trắng tôi không biết là nam hay nữ. Hai người đang ngồi trước nhà Philips châu đầu vào nhau rất âu yếm.

Tôi thường bị cấm chụp ảnh, nên khi có người đòi tôi chụp ảnh tôi vừa vui vừa ngỡ ngàng.
Ngay trong sân của Philips House có một cây táo, mấy năm trước xum xuê nhưng năm nay thấy đã bị đốn nhiều cành. Năm nào cũng ra trái trĩu cành. Ở ngay trong thành phố mà có cây táo nên với tôi là điều lạ, thú vị. Ngày nào tôi cũng ngó chừng xem những quả táo đã chín đến độ nào. Táo chín rụng đầy sân. Cũng một chùm táo chụp hai ngày khác nhau. Ảnh sau thấy trái chín hơn, nhưng số táo vẫn y nguyên.
Bạn kể đều đều, đọc vui quá.
LikeLike
Em cũng thấy vậy 🙂
LikeLike
– “Đi ngang Philips House tôi thường thấy người ta đứng chờ xe buýt. Đây là ngôi nhà cổ đẹp một cách điêu tàn…”
Trời ơi! Bà Tám ơi!…“ngôi nhà cổ đẹp một cách điêu tàn…”
Đọc câu Bà Tám viết ở trên, mà lòng cứ thấy…tức, cùng tiêng tiếc…ghê lắm đi thôi!
Tức, tiêng tiếc, vì lẽ, không được cơ hội chiêm ngưỡng loạt hình ảnh có khoảnh khắc vẻ đẹp của “ngôi nhà cổ đẹp một cách điêu tàn”…từ góc nhìn, quan sát, đầy tinh tế trong tâm hồn và đôi mắt nghệ sĩ…của Bà Tám!
“Ngôi nhà cổ đẹp một cách điêu tàn”, đang nằm trong lòng một thành phố sinh động, như câu văn Bà Tám miêu tả, thì, NÓ…đẹp như thế nào nhỉ?!
Nhà Văn, Người Nghệ Sĩ, hơn những người bình thường và những người viết bình thường, đó chính là sự cảm nhận góc nhìn, sự quan sát cảnh quan, nhịp sống bình thường diễn ra xung quanh mình một cách đầy tinh tế, độc đáo, để rồi trải lòng ra, sáng tạo nên… những câu văn, khuôn hình…v…v…đầy ấn tượng đẹp khiến lưu lại lâu dài trong lòng người đọc, vậy!
– Gõ còm, mà lòng cứ tức…Bà Tám, là vậy!
Hihi…
LikeLike
Thôi đừng tức. Tám nói lộn xộn, đáng lẽ phải nói tuy nhà cổ bây giờ đã điêu tàn nhưng vẫn còn đẹp, như một người đàn bà đẹp nhưng nhan sắc đã phai tàn. Sở dĩ không đăng ảnh vì sợ mình thấy đẹp mà người đọc không thấy đẹp, nên để người đọc tự tưởng tượng.
LikeLike
Đã post ảnh nhà cổ Philips, Tám lục trong computer chụp hồi mấy năm trước. Ngôi nhà màu đỏ có dây ivy leo trên tường cũng màu đỏ vì là mùa thu. Người ta hay ngồi dọc theo cái hàng rào sắt màu đen để chở xe bus. Ngôi nhà này được xây cất đâu chừng 1826. Tòa nhà đồ sộ bên cạnh có hàng cột Corinthian màu trắng cũng là tòa nhà cổ nhưng nguy nga tráng lệ hơn cái Philips House này. Không nhớ chắc chữ Philips này có hai chữ l hay một viết qua trí nhớ mài mại, xin đừng trách.
LikeLike
Cám ơn Bà Tám nhiều nhiều, vì đã nhín chút thời gian quý báu của mình, nhọc công lục lọi để post hình lên giới thiệu với độc giả, trong đó, làm cho Bảo Vân cháu…mãn nhãn và hổng còn tức…Bà Tám đến tiêng tiếc nữa! Hihi…
Bà Tám ơi,
Vậy Philip, chính là tên của một công ty địa ốc, chứ hổng phải là tên của một…”Danh nhân” nào ở Mỹ, đúng hông Bà Tám? Vì, cháu có đọc thấy cái…thông tin này:
http://cheshirellc.com/141e88th_st_1.html
LikeLike
Chiện này thì Tám không biết chắc nghen.
LikeLike
Tức…Bà Tám, Bảo Vân cháu đành thư giãn bằng cái clip…”Funny Twin Babies Fight Over Water Bottle”…này…vậy!
hihi…
LikeLike
Cuộc sống của Tám thú vị cả trong giờ nghĩ trưa nhỉ . Chúc mừng.
LikeLike
Đã đọc xong quyển Búp Bê Máy. Hay lắm. Cám ơn HA nha.
LikeLike
Biết đâu sau này bức ảnh “Người không quen” của Tám cũng nổi tiếng như bức “Người đàn bà xa lạ” của Ivan Nikolaevich Kramskoi ! 🙂
Em luôn khoái xem hình Bà Tám chụp và nghe Bà Tám kể chuyện 🙂
LikeLike
Cám ơn Cô nhỏ. Không dám mơ ước xa vời, nhưng nếu được như thế thì hay quá.
LikeLike