Bijoux Về Hưu

Bài này đăng trên Gió-O. Chị Gió-O thương tình đăng cho tấm ảnh. Mời các bạn đọc dùm. Cứ phê bình, nhưng đừng mạnh tay quá, tội nghiệp bà già. 🙂

Bijoux về hưu – Truyện ngắn

Mang hộp cơm vào trong nhà bếp để hâm nóng tôi thấy Jean Đi Bộ đứng giữa cái microwave và cái vending machine. Cái bếp bình thường hai ba người đứng trò chuyện vẫn đủ chỗ thế nhưng hôm nay vì bà mà cái bếp dường như bé lại. Tôi định rút lui và sẽ lên tầng trên dùng cái bếp trên ấy hay là vào căng tin để hấp nóng phần ăn trưa của tôi. Chín tầng lầu, mỗi tầng đều có một cái bếp riêng với đồ dùng giống hệt nhau. Jean ngăn tôi:

– Bà đi đâu thế? Tôi sắp xong rồi chỉ còn bốn mươi lăm giây nữa thôi.

– Thế à? Tôi đứng ở cửa bếp. Trong khi chờ đợi tôi hỏi:

– Bà sẽ đi dự tiệc về hưu của Bijoux chứ?

– No way. Ain’t give him no shit! (Không bao giờ. Tôi không cho thằng cha ấy cái quái gì cả!)

Tôi giật mình vì giọng điệu hằn học của bà.

– Sao thế? Bà không ưa ông ta à?

– Ai mà ưa cho được cái gã mặt chuột ấy chứ.

Giọng bà chua như giấm. Bijoux gốc Ấn Độ, làm việc bên ban Điện. Cao chừng thước rưỡi, bụng bự, răng cửa vừa vẩu vừa xếu xáo, bộ ria mép lơ thơ, đôi mắt lấm lét thường nhìn xuống đất, mặt nhọn, quả thật trông Bijoux giống một con chuột buồn ngủ.

– Hắn chẳng bao giờ nói một lời chúc mừng hay tặng tôi một tấm thiệp trong ngày Thư Ký lại thường hay lên giọng hách dịch sai bảo tôi mỗi khi nhờ tôi đánh máy tài liệu. Jean Đi Bộ hỏi ngược lại tôi.

– Còn bà thì sao? Bà làm chung nhiều đồ án với hắn, thế có đi dự không?

– Dunno. Chưa biết, để xem.

Microwave kêu bíp bíp. Jean bưng thức ăn ra, nhìn tôi dò hỏi. Tôi nói tiếp.

– Bijoux có lần ném thức ăn trưa của tôi vào thùng rác.

-Hử? Hắn dám làm như thế à? Evil man! Nhưng mà đầu đuôi ra làm sao? Jean Đi bộ nhìn tôi, đôi mắt dường như lồi ra trắng hơn vì chờ đợi. Tôi nhỏ giọng.

– Để lúc khác tôi kể bà nghe đầu đuôi. Nói ở đây sợ người khác nghe được.

– Ai nghe? Cái microwave và cái vending machine? Hay cái tủ lạnh và cái máy bán sô đa?

***

Hai người đàn bà đi ra khỏi bếp. Microwave nói nhỏ với vending machine đang đứng đối diện với nó.

– Loài người không biết là chúng ta chứng kiến nhiều điều bí mật về họ. Cái bà người Việt Nam ăn nhiều mà không cao đó, có lần bị sếp mắng chạy vào đây khóc rấm rứt.

– Bà Hai-hí-tà đó. Ngó khờ khờ vậy chứ hổng phải vậy đâu. Cũng móng vuốt đá đít thúc cùi chỏ tranh giành không thua gì bà kia. Ngó bộ thân mật nhưng thật ra hai bà này chẳng ưa nhau. Vending machine nói.

– Oy oy, office politics mà. Chuyện tranh giành đấu đá nhau trong chỗ làm việc ở đâu cũng vậy.

***

Lúc ấy, tôi làm việc dưới quyền Ôn Sân. Cha này là kỹ sư trưởng của ban Công Chánh, hai mươi năm kinh nghiệm trong Hải quân, cai trị nhân viên dân sự như cai trị lính của thằng chả, khắc nghiệt chịu không nổi. Chả mắng nhân viên chan chát, bắt phục tùng vô điều kiện, và có cách làm nhục nhân viên rất tinh vi. Cái mặt của chả vừa hẹp vừa dài, trông giống như gã phù thủy Jafar trong Aladin và cây đèn thần. Nhiều lần tôi muốn bỏ việc nhưng “job” là nguồn sống làm sao dám bỏ. Tôi tìm cách đổi sang các ban khác nhưng mỗi ban đòi hỏi chuyên môn đặc biệt nên việc này không dễ dàng. Tôi lại có tham vọng muốn vừa chuyển ban vừa tăng chức để không có vẻ chạy trốn hay đốt cầu sau khi vượt sông.

Một hôm tôi gặp ông Xao trong bếp, ông nhìn vào cửa kính tủ bán thức ăn vặt, chọn lựa. Tôi chào và ông hỏi:

– Bà làm gì trong ban Công chánh?

– Tôi quản lý đồ án. Tôi chịu trách nhiệm chọn và thuê các hãng kỹ thuật thiết kế xây cất và sửa chữa cầu.

– Thế công việc của bà chỉ là một hình thức cạo giấy thôi. Ông Xao cười chế nhạo tôi.

– Vâng, tuy nhiên phải hiểu biết chút ít về kỹ thuật thì mới cạo giấy được. Tôi trả lời.

Xao bảo:

– Tôi đang tìm người thế chỗ của Pat Patel nhưng chưa công bố. Công việc của bà tương tự công việc của Pat, chỉ khác ở chỗ thay vì sửa chữa cầu thì chúng tôi xây cất sửa chữa những cơ cấu dùng điện để phục vụ cầu. Bà hãy mang lý lịch đến gặp Pravin. Pravin là kỹ sư trưởng của ông Xao.

Tôi mừng rơn. Chuyển qua làm công việc tương tự được tăng chức tăng lương, lại thoát khỏi gọng kềm của Ôn Sân thật là lý tưởng quá. Chắc là kiếp trước tôi tu hành chăm chỉ. Pravin không muốn thu nhận tôi.

– Bà không có kinh nghiệm chuyên môn về Điện. Nếu bà không cáng đáng được công việc thì kẹt cho tôi lắm vì chúng tôi bị giới hạn số nhân viên nên không thể thuê thêm ai khác. Tôi sẽ bàn lại với ông Xao.

Tôi thất vọng và giận lắm, nhưng không thể để lộ cơn giận của mình. Ông Xao thật là một ông sếp nhu nhược. Nhân viên của ông ta có thể từ chối lệnh của sếp chứ với Ôn Sân thì chuyện này hầu như không bao giờ có thể xảy ra. Tôi dấu nhẹm chuyện xin việc với ban Điện vì nếu Ôn Sân biết thì lão sẽ hành hạ tôi nhiều hơn. Coi như chỉ có ba người, Xao, Pravin và tôi biết.

Độ một tuần sau khi tôi đưa lý lịch cho Pravin, Ôn Sân gọi tôi lên văn phòng giao cho tôi một đồ án mới.

– Đây là đồ án bên ban điện lực Bà sẽ giúp Bijoux chạy dây cáp fiber optics băng qua cửa biển. Tôi nghĩ bà sẽ rất thích công việc này.

Ôn Sân giải thích đồ án này đang cần làm cấp tốc và ông Xao thiếu nhân viên nên Ôn Sân cho mượn tôi. Đây là dịp may cho tôi. Tôi sẽ hết lòng với công việc và có thể Pravin sẽ thuê tôi. Tôi chẳng từ chối công việc gì, ra công trường, lái xe tải, vẽ đồ án, đánh máy văn thư. Tôi muốn chứng minh là tôi có thể làm công việc giỏi hơn những người như Bijoux.

Tưởng tượng khi tôi được lên chức lên lương, ra vào gặp tôi chắc Ôn Sân sẽ lộn tiết.

Được vài tháng công việc chưa mấy trôi chảy thì Ôn Sân đột ngột ra lệnh tôi bỏ cái đồ án đó và làm công việc khác. Tất cả mọi giấy tờ, sổ sách, bản vẽ tôi phải giao cho Bijoux. Bijoux lúc nào cũng có vẻ buồn ngủ có vẻ chẳng để ý gì đến công việc. Ôn Sân quấy nhiễu tôi suốt ngày với những chuyện linh tinh. Lão bắt tôi đi tìm số điện thoại của một người làm việc ở nhóm khác thay vì gọi bà thư ký. Chính Jean Đi Bộ mách cho tôi biết là lão ta cười hí hửng khi đì tôi làm những chuyện bà từ chối không làm. Lão mắng tôi chan chát trước mặt những nhà thầu vì lão biết những nhà thầu này bao giờ cũng về phe của lão. Những lần như thế tôi lại nghẹn ngào nhịn nhục.

Ôn Sân gọi tôi lên văn phòng chưa kịp nói gì thì Bijoux xông vào. Khi hắn nổi giận bộ râu và những cái răng vẩu càng làm mặt hắn giống mặt chuột hơn. Bijoux mắng tôi:

– Bà không làm xong đồ án dây cáp. Bà vô dụng, và không có đạo đức của người làm việc.

Ông Sân làm thinh. Tôi ngỡ ngàng. Bijoux mắng cả Ôn Sân:

– Còn ông là chỉ huy tồi, không biết điều hành công việc, không biết kềm chế nhân viên.

Mắng xong Bijoux quày quả bỏ đi tôi không kịp nói lời nào.

Trước đó, Bijoux đòi những văn thư quan trọng tôi đã đưa cho hắn từ trước nhưng Bijoux không giữ văn thư, hắn quan niệm tôi là người giúp việc cho hắn như một thứ thư ký chuyên về kỹ thuật. Tôi vẫn còn giữ bản chính, vẫn nuôi hy vọng được chuyển ban, vẫn muốn mọi người nhìn thấy Bijoux là người lười biếng bất tài, tôi là người biết công việc từ A đến Z, và tôi không phải là thư ký của Bijoux, nên không đưa ra.

Tôi nhận công việc và bỏ công việc đều theo lệnh của Ôn Sân thế mà khi Bijoux mắng tôi Ôn Sân không nói một lời nào để bào chữa.

Sau đó Bijoux tìm tôi giả lả hỏi thêm về công việc và những văn thư tôi cất giữ nhưng tôi vốn đã lạnh lùng với hắn nay càng lạnh lùng hơn. Tôi trở thành người ba không, không có, không biết, và không cất giữ.

***

Jean Đi Bộ chờ tôi kể tiếp.

– Trưa hôm ấy, tôi mang thức ăn vào bếp, cho vào microwave để hai phút. Bijoux bước vào. Tôi muốn tránh mặt hắn nên bước ra khỏi bếp vào nhà tắm rửa tay. Khi tôi trở ra thì lò đã ngưng nhưng tôi không tìm thấy phần ăn trưa của tôi. Ngó quanh quất tôi thấy phần ăn của tôi nằm trong thùng rác. Chỉ có Bijoux vào bếp và tôi đi rửa tay nên nếu không phải hắn thì ai vào đây.

Jean Đi Bộ cười khẩy.

– Và vì bà không bắt được tận tay nên bà không thể nói gì với hắn.

– Đúng vậy.

– Thế thì chắc bà chẳng phí tiền và thì giờ mà đi dự buổi tiệc về hưu của hắn.

– Có lẽ.

***

Khi hai người đàn bà ra khỏi bếp, microwave nói với vending machine.

– Loài người, họ chỉ nói tốt cho bản thân của họ chứ không bao giờ nói hết sự thật. Cái bà Hai-hí-tà chỉ nói cái xấu của người ta mà không nhận cái xấu của mình.

– Chỗ này mật ít ruồi nhiều nên họ sát phạt nhau chẳng nương tay. Vending machine nói rề rà qua tiếng máy rung nhè nhẹ.

– Bà ấy khờ quá nên không biết. Ôn Sân biết bà ấy muốn chạy sang nhóm của Xao. Lão cho Xao mượn nhân viên rồi bắt nhân viên làm công việc khác để công việc của Xao bị đình trệ. Vì công việc không tiến triển kịp thời Xao bị mất ngân sách. Phần ngân sách ấy lọt vào tay Ôn Sân. Ông Xao có tiếng dễ dãi nhưng vì thế mà công việc trì trệ. Con trai lớn của Xao mới vừa tự tử chết, con trai thứ nhì bị bệnh ung thư. Xao đang dan díu với cô phụ tá trẻ đẹp. Nếu người ta phát giác vụ tình ái này Xao mất chức như chơi. Ôn Xân chỉ một viên đá đả thương hai con chim. Vừa trị tội nhân viên của lão vừa chơi khăm đồng nghiệp. Microwave thầm thì với vending machine.

– Tôi nghĩ bà Hai-hí-tà nên đi dự tiệc về hưu của Bijoux để chứng tỏ là bà rộng lượng bỏ qua những điều nhỏ nhặt. Vending machine nói.

– Rộng lượng gì cái bà ấy. Tâm địa bà hẹp hòi như bụng tép. Sau khi bị Bijoux mắng bà ấy ném thức ăn của Bijoux vào thùng rác trước nên Bijoux mới trả thù bằng cách ném lại thức ăn. May cho Bijoux là bà ta không phun nước miếng vào thức ăn của hắn thay vì ném nó đi. Tôi thì đoán là bà ấy sẽ đi dự tiệc về hưu của Bijoux không phải vì hảo ý mà vì ở tiệc này bà sẽ có cơ hội móc nối để tìm chỗ làm khác vì bà cần phải thoát gọng kềm của Ôn Sân.

Nói xong microwave lim dim ngủ.

Nguyễn Thị Hải Hà

http://www.gio-o.com/NguyenThiHaiHa.html

11 thoughts on “Bijoux Về Hưu”

      1. Cháu nghĩ cái tài của người kể chuyện là quan trọng nhất. Alice Munroe toàn kể chuyện tủn mủn đó thôi.

  1. Trời ơi!
    Chuyện…”ganh ghét”, ”kèn cựa”,“đấu đá”, “tranh giành”…công việc, địa vị, diễn ra một cách âm thầm nhưng cũng không kém phần “sống mái” trong một công ty, được Bà Tám viết với một bút pháp và văn phong thật trần trụi đến sinh động và hấp dẫn như là cuộc đấu trí đầy cân não trong một cuộc…”chiến tranh lạnh”…vậy! hihi…
    Đọc xong truyện 3 lần, Bảo Vân cháu…
    1/ Thinh thích:
    * Cách chọn đặt tên (Bijoux, Jean Đi Bộ, Hai-hí-tà, Ôn Sân, Xao, Pravin) cho các nhân vật gây nhiều ấn tượng! Khiến người đọc, tự nhiên, chợt liên tưởng đến tên một nhân vật trong Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng: Tuýp-Phờ-Nờ (TYPN)!
    * Cách chọn và sử dụng từ ngữ trong văn phong câu văn, như:…”chả”, “thằng chả”, thằng cha”, đọc lần đầu, cảm thấy hơi hơi ngỡ ngàng và…sốc! Nhưng, đọc lại những lần sau, thì cảm nhận những từ ngữ đầy trần trụi này trong ngữ cảnh câu chuyện, thì, quả là đầy sắc sảo, thâm thúy đến tận cùng ý vị…tuyệt!
    – “Lúc ấy, tôi làm việc dưới quyền Ôn Sân. Cha này là kỹ sư trưởng của ban Công Chánh…”
    – “Cai trị nhân viên dân sự như cai trị lính của thằng chả…”
    – “Chả mắng nhân viên chan chát, bắt phục tùng vô điều kiện…”
    – “Cái mặt của chả vừa hẹp vừa dài…”

    Nhân cách hóa 2 vật dụng microwave và vending machine, đóng vai nhân vật góc khuất vô tình làm “trọng tài” mục kích, rồi khách quan đưa ra bình luận, bình phẩm, đánh giá; thì, quả là một Bà Tám “cao thủ” đầy sáng tạo đến…độc đáo!

    2/ Hơi hơi…không thích: hihi…
    * Cách chọn đặt tên: Jean Đi Bộ, Hai-hí-tà, Ôn Sân, Xao…làm người đọc (cá nhân BV cháu) có cảm giác hơi hơi bừng bực khó chịu, bởi, tự nhiên, nó tạo cho cái cảm giác khó chịu gì gì đó như cái kiểu đọc…Sít-ta-lin, Ních-xơn, Lô-cô-mô-típ, Huê-ming-way…của sách văn học dịch “một chiều” theo chỉ đạo của một thời “bao cấp” ở VN…xhcn!!!!
    * Tại sao không chọn dùng tên…toàn nghĩa tiếng Việt, hay toàn tiếng Anh, của các vật dụng?
    – “Ai nghe? Cái microwave và cái vending machine? Hay cái tủ lạnh và cái máy bán sô đa?”

    Tóm lại, Bảo Vân cháu, đọc, thấy thinh thích vì câu chuyện hay, hấp dẫn, thâm thúy và nhiều ý vị chiêm nghiệm!
    Tuy nhiên, thật lòng, nếu được phép chọn, so sánh và thích cách thể hiện văn tài, văn phong của Bà Tám, thì, Bảo Vân cháu thích cách Bà Tám thể hiện văn tài, văn phong như trong các tác phẩm sau:
    – TỪ MỘT CON VỊT
    – TUỔI THƠ EM THẢ TRÊN ĐỒNG
    – MÀU MẮT CHƯA QUÊN

    Bà Tám ơi, gõ còm đến đây, tự nhiên, Bảo Vân cháu lại trộm nghĩ…CHÁU SẼ KHÔNG NGẠC NHIÊN…nếu một ngày nào đó…
    Bởi,
    Alice Munro cũng khởi đầu từ những truyện ngắn…như thế!
    Hihi…

    1. ^^^ Phải có giờ vô cãi nhau về các nhận xét trên này cũng hay lắm. Nhưng không có giờ nên đành chịu. Độc giả của bà Tám ” too conservative”, “old fashion readers” rất tốt để tranh luận. Đọc comments này thấy muốn bàn luận ghê. “Tra”

    2. Cám ơn Bảo Vân. Cô bé này dùng chữ đao to búa lớn quá. Hôm trước thì bảo là nhà khoa học, bữa nay thì khen túa lua là nhà văn là sáng tạo văn phong gì gì đủ thứ. Tám hơi thiếu chiều cao, BV đổ nước đường nhiều quá sợ ngập đầu nín thở chết mất.
      Chuyện dùng những chữ như microwave và vending machine, Tám nghĩ mấy chữ này thường dùng, đa số ai cũng biết. Hồi mới bắt đầu học Anh ngữ ở đảo Bidong, đây là những chữ trong các bài học đầu tiên. Mình dùng mãi sẽ thành thói quen và thêm được ngữ vựng cho tiếng Việt; cũng như các cụ mình ngày xưa biến chữ bus thành ra xe buýt.
      Còn chuyện dùng cách phiên âm tên người từ ngoại ngữ sang tiếng Việt cũng là một thói quen, người quen dùng thì không thấy khó chịu. Sở dĩ Tám dùng những chữ như Ôn Sân, Jean Đi Bộ (giống như Johnny Walker là Johnny đi bộ), Xao, v.v… vì đó là phiên âm những tên của người thật, sợ dùng tên thật nhỡ có ngày người ta biết được thì không tốt. Câu chuyện thì có nhiều chi tiết thêm thắt bịa đặt.
      Thật tình Tám không thích dùng tên Việt, một phần vì cố ý lấy bối cảnh một người làm việc trong môi trường toàn là người xứ lạ, một phần muốn truyện có cái gì đó khác với truyện mình thường đọc, và cũng sợ trùng tên người nào đó gây hiểu lầm, nhỡ người ta bảo là mình nói xấu người ta.
      Thành thật cám ơn Bảo Vân đã đọc và cho ý kiến. Xin ghi nhận nhưng không hứa là sẽ “vâng lời” đâu nha nhỏ.

  2. Phiên tên ra tiếng Việt làm cho câu chuyện thêm khôi hài- Gió nghĩ vậy. Khéo Léo lắm trong những bình luận của Microwave, vending machine..

Leave a comment