Chuyện nhảm đầu tuần

Tân Văn 79

Nhận được báo Tân Văn cả tuần rồi, đọc xong rồi, hôm nay xin cảm ơn Tòa soạn báo Tân Văn, và Đại ca. Số báo này có bài Soi Tìm Hiện Tượng Xã Hội của bác Túy và bài Giữa Ngựa và Người của Nguyễn thị Hải Hà.

Đọc bài Giữa Ngựa và Người, phần Ann Patchett bàn luận về thái độ của con ngựa trắng Mollie trong Trại Súc Vật (Aninal Farm) của George Orwell, tôi nhận ra sự ngoan ngoãn ngây thơ của tôi, một phụ nữ lớn lên trong xã hội Á Đông. Tôi thấm nhuần lối suy nghĩ phải hy sinh cho xã hội, hy sinh cho tha nhân, gói mình trong khuôn khổ đạo đức xã hội của người khác đặt ra cho mình. Phụ nữ Tây phương họ suy nghĩ khác. Ai mà bắt họ hy sinh hạnh phúc hay lạc thú cá nhân vì quyền lợi của người khác là họ đặt dấu hỏi ngay tức khắc.

Đọc văn chương là để hiểu mình.

Sáng nay bỗng nhiên tôi nhớ hai câu thơ trong Cung Oán Ngâm Khúc, ngân nga mãi trong đầu tôi.

Cầu Thệ thủy ngồi trơ cổ độ.
Bến thu phong đứng rũ tà huy.

Ngày xưa, tôi thích Chinh Phụ Ngâm Khúc hơn Cung Oán Ngâm Khúc có lẽ vì Cung Oán trau chuốt quá, nhiều điển tích quá đọc không hiểu nên chán. Và có lẽ thời chiến tranh nhìn thấy bạn bè lớp trên mình bị động viên ra trận nên từ đó mà cảm thông nỗi lòng chinh phụ. Bây giờ nhớ hai câu thơ này, thấy thích cái hình ảnh đẹp và âm điệu ngân vang trầm bổng của chúng. Chữ trơ làm mình thấy cô đơn. Chữ rũ làm mình thấy buồn.

Hai chữ tà huy đẹp quá, lại làm tôi nhớ hai câu trong Chinh Phụ Ngâm

Tà huy, tà huy, hựu tà huy,
Thập ước giai kỳ, cửu độ vi

Dịch là:

Bóng dương mấy buổi xuyên ngang,
Lời sao mười hẹn chín thường đơn sai.

Cái đầu của tôi nhớ chuyện hồi xưa, quên chuyện bây giờ. Chỉ có hai câu thơ mà nghĩ lan man đủ thứ chuyện. Cầu Thệ thủy ngồi trơ cổ độ. Bạn thấy đó, dùng chữ “ngồi” cho cây cầu thì được chấp nhận. Hàng dừa, rặng liễu “soi” bóng xuống giòng sông, mặt hồ thì được, nhưng người dịch dùng chữ con chim ngồi thì bị bắt bẻ lung tung. Chim thì phải đậu chứ không được ngồi.

Có một buổi sáng, tôi lái xe đi đâu đó. Thấy một đàn chim “ngồi” trên mặt đường xa lộ. Về nhà kể lại tôi dùng chữ ngồi thì có người chê là viết văn mà dùng chữ không đúng. Với tôi, đàn chim “ngồi” cũng như đàn chim “đậu” nhưng chữ ngồi làm tôi nghĩ đến đàn chim như nghĩ đến một cộng đồng, một xã hội của loài người.

21 thoughts on “Chuyện nhảm đầu tuần”

  1. Chị à, riêng em thì em thấy chữ ngồi không dùng sai hay dở, cò lẽ họ chưa hiểu hết ý của người viết chăng? Em thì nghĩ rất đơn sơ em hình dung chữ chim đậu là chỉ về đôi chân bám vào một vật gì đó để tìm chỗ tựa , nhưng chữ ngồi thì tư thế của thân mình chim cũng như đôi chân chim đều gập xuống hòa đồng làm một với nhau.

  2. Suy đi nghĩ lại về cái dzụ chim ngồi thì pb thấy loài chim cánh cụt rỏ là có đôi cánh nhưng không biết bay . Mà không thể bay được nên cũng không biết đậu . Chim chỉ biết đứng, ngồi, và biết bơi biết lặn ….

    Thế nên pb nghĩ …. đúng roài …. chim cũng có thể ngồi . Trong thế giới của nghệ thuật không hề có giới hạn .À mà chị Tám hình như loài người không biết bay nhưng vẫn có hai “cánh” tay kia mà 🙂 Và loài người không phải cỏ cây nhưng vẫn có
    ‘trái” ….. ý nói là trái tim đó nhé 🙂

    Hình như ông Hàn Mặc Tử ông nói thượng đế sinh ra 3 loaì “thiên thần , con ngươì và nghệ nhân” mà trong ba loaì thì nghệ nhân có thể làm cho chim biết ngôì , cá biết bay , lá biết đau và gió biết hát …. hôm nay nói tùm lum phá chị Tám … chị đừng giận pb nhe 🙂

    1. Now, you are talking! Đừng có lo pb. Ở trong blog này chỉ có bài của bác Túy là nghiêm túc. Còn bài của Tám là nhảm thôi, cứ bàn tán thoải mái. Hơi sức đâu mà giận blogger 🙂

  3. – “Thấy một đàn chim “ngồi” trên mặt đường xa lộ. Về nhà kể lại tôi dùng chữ ngồi thì có người chê là viết văn mà dùng chữ không đúng.”

    Bà Tám ơi,
    Với…“chim ngồi”, Bà Tám có một nhà giáo, một dịch giả, một thi sĩ nổi tiếng là Thái Bá Tân…phụ họa…nè!

    http://thaibatan.com/index.php?option=com_content&task=view&id=2590&Itemid=33

    CON CHIM KHÔNG THÍCH BAY

    Vua Ả Rập Xê-út
    Được ông bạn châu Phi
    Tặng một con chim quí,
    Hiếm và đẹp cực kỳ.

    Có điều con chim ấy,
    Quí và hiếm vô cùng,
    Từ khi đem về nước
    Và được đưa vào cung,

    Nó chỉ ngồi một chỗ,
    Ủ rũ trên cành cây.
    Ăn và ngồi một chỗ,
    Lười biếng không chịu bay.

    Chim khi bay mới đẹp.
    Nên vua không tiếc tiền
    Mời người đến đàn hát,
    Nó vẫn cứ ngồi yên.

    Cả pháp sư, vũ nữ
    Và những tiếng vỗ tay
    Cũng không thể làm nó
    Một lần cất cánh bay.

    Cuối cùng, thử hết cách,
    Một quan lớn đại thần
    Cho người sang làng cạnh
    Mời một bác nông dân.

    Lát sau, vua hậm hực
    Như mọi lần, ra ngoài,
    Chợt thấy con chim quí
    Bay lượn trên đầu ngài.

    Đúng là nó tuyệt đẹp,
    Lông sặc sỡ nhiều màu,
    Lúc bay cao, lúc thấp,
    Xòe đuôi rồi nghiêng đầu.

    Vua ngạc nhiên, liền hỏi:
    “Ai bắt được nó bay?”
    Bác nông dân cúi lạy
    Rồi đáp lại thế này:

    “Bẩm con, tâu bệ hạ.
    Thực tình đơn giản thôi:
    Con chỉ lấy dao chặt
    Cành cây nó đang ngồi!”

    Ta, con người, thực tế,
    Được sinh ra để bay,
    Thế mà ta lười biếng,
    Ngồi một chỗ suốt ngày.

    Ta bỏ nhỡ cơ hội
    Chỉ vì thích tiện nghi,
    Thích chiếc ghế quen thuộc
    Mà ngại bay, ngại đi.

    Bay, đi, người mới đẹp.
    Đã đẹp, đẹp gấp đôi.
    Vậy hãy dũng cảm chặt
    Cành cây ta đang ngồi.
    (Thái Bá Tân)

      1. Bà Tám…“già” ơi,
        Thì, Bà Tám “già” cứ giữ thái độ hòa nhã “cười cười mỉm mỉm mím chi” bình thản giống như cụ…Vương An Thạch khi nghe cụ Tô Đông Pha “kiến văn ngây thơ” vỗ ngực…chỉnh thơ của cụ đi! Hihi…

        Hẳn, Bà Tám còn nhớ như in giai thoại này, chứ bộ! hihi…

        Minh Nguyệt đương không KHIẾU
        (Minh Nguyệt đương không CHIẾU)
        Hoàng Khuyển ngọa hoa TÂM
        (Hoàng Khuyển ngọa hoa ÂM)

  4. – “Với tôi, đàn chim “ngồi” cũng như đàn chim “đậu” nhưng chữ ngồi làm tôi nghĩ đến đàn chim như nghĩ đến một cộng đồng, một xã hội của loài người.”

    Đọc đoạn viết trên, Bảo Vân cháu, thật sự thấy thật thấm, thật rung cảm với cách tư duy đầy chiều sâu nội lực của Bà Tám quá!
    Cố Ns Phạm Duy đã chẳng từng dùng cụm từ nhân cách hóa đầy thi vị: “Bầy Chim Bỏ Xứ”, đó sao!

    http://www.art2all.net/nhac/phamduy/baychimboxu/pd_baychimboxu.html

  5. – “Tà huy, tà huy, hựu tà huy,
    Thập ước giai kỳ, cửu độ vi”

    Có dịch giả “chơi” như ri, Bà Tám ơi:

    – “Chiều rơi, chiều rơi lại chiều rơi
    Ước hẹn mười phen chín bận dời”
    (Nguyễn Huy Hùng)

  6. Mình cũng nghĩ như Hà Linh. Thế hệ của mình là thế hệ bị kẹt giữa hai luồng văn hóa Đông Tây nên tiến thoái lưỡng nan 🙂

  7. “Nhớ chuyện xưa quên chuyện nay” thuộc về tâm lý độ tuổi, chuyện rất thường của những con người có tâm hồn. Cứ lảm nhảm thế này để chia sẻ với mọi người Tám nhé. HN vẫn hay chờ những “lảm nhảm” kiểu này, chuyện ngồi đứng không có gì để bận tâm miễn là Tám thích, nhà thơ Nguyễn Đức Sơn còn bắt cây bông lao động nữa là!

    1. Chị Tám làm Giáo nhớ chuyện hồi nẫm Giáo dạyTập làm văn cho học trò. Trong một tiết thao giảng (dạy mẫu 1 tiết văn cho gần trăm giáo viên coi và phê bình), học trò Giáo có em tả cảnh những tàu lá chuối đập phành phạch dưới cơn mưa dông :”Những tàu lá chuối đang… múa lân trong cơn gió dữ.” Giáo khen và cho điểm câu đó của em. Lát nữa hết giờ dạy Giáo bị phê bình là học trò tả sai mà cô giáo còn khen, “Sao tàu lá chuối mà lại biết múa lân kia chứ!” (?!)

      1. Cô Giáo đúng là có máu nhà văn nên khuyến khích các em học trò sáng tạo. Tàu lá chuối múa lân là một hình ảnh sống động, cô Giáo khen là phải quá rồi.

  8. Khi một người đã viết nhiều , mà họ một chữ nào đó không giống bình thường, thì người đọc nên hiểu rằng chữ đó tác giả dùng có ý nghĩa riêng của họ, như nói về đàn chim “ngồi” thay vì “đậu” chẳng hạn.

Leave a comment