Vụn vặt

Nhiều chuyện xảy ra quá mà thì giờ quá ít để có thể nhiều chuyện. Vụ cái máy bay với 239 người biến mất không dấu vết chiếm sự chú ý của toàn thế giới. Trong Hoa Kỳ thì vụ nổ vì gas ở Harlem. Trong cơ quan làm việc ông số một từ chức, người mới về là một phụ nữ. Bà số một cho hai người nghỉ việc. Một người là số một của xe buýt, người kia là số một của xe lửa. Cả cơ quan đang tự hỏi số phận của mình, từng cá nhân, sẽ đi về đâu. Những lúc hoang mang lo lắng cho số phận nghề nghiệp tôi thường tìm quên trong tiểu thuyết và phim ảnh.

Thời tiết tháng Ba người ta bảo là như tính đàn bà, thay đổi bất thường. Có một tuần trời ấm bất thường tôi đi bộ liên tiếp hai ngày, cuối tuần. Sau đó trời trở lạnh buổi sáng chỉ có bốn hay năm độ F, buổi trưa lên được đến 29 độ F, nghĩa là vẫn lạnh hơn độ đông đá. Hôm qua trời rất lạnh, gió nhiều. Buổi sáng theo thường lệ con mèo nhà tôi đòi ra ngoài. Tôi hé cửa, nó nghe tiếng gió và hơi lạnh hoảng sợ chạy vụt vào bên trong. Thời tiết năm nay biến đổi cực độ.

Chuẩn bị đi công việc vài ngày, đi cùng với ông Tám đưa cô út đến Wasington DC, không phải để dự hội hoa đào, mãi tuần sau mới bắt đầu, năm nay trời lạnh nên ở đây hoa chưa nở. Trong khi bên Anh, thấy Hà Linh chụp ảnh hoa xuân đã nở rộ rồi. Tôi áy náy khó xử vì không biết làm sao với con mèo. Ông Tám tìm hotel có cho mang thú vật vào nhưng tôi không muốn mang con mèo trên đường. Sợ rủi nó sợ hãi và thoát ra khỏi lồng chạy ra xa lộ thì khó tìm. Không muốn người khác vào nhà để săn sóc con mèo. Không muốn mang con mèo đem gửi vì e nó lạ nhà. Cuối cùng cô lớn về nhà săn sóc con mèo tôi mới yên tâm. Chiều thứ Tư đi làm về mưa lạnh buốt thấy xác của con chipmunk nằm trên cái sàn gỗ sau nhà, con mèo thì ngồi trông chừng con mồi gần đó. Không biết có phải nó giết con chipmunk không mà mặt mũi nó dữ tợn kinh luôn. Tôi thương con mèo như một người bạn nhỏ và thỉnh thoảng cũng thấy ghét cái bản năng giết chóc của nó. Ông Tám nói, luật thiên nhiên mà. Tôi muốn chống lại cái luật thiên nhiên kẻ mạnh giết kẻ yếu này.

Tôi là người viết không chuyên nghiệp. Ai ở nước ngoài cũng hiểu tình trạng sống và viết ở đây. Viết với người phụ nữ sống kiểu Á đông còn là chuyện khó khăn hơn vì thiếu thì giờ. Gom góp ra được chút thì giờ thì thể xác đã mệt mỏi, tinh thần đã cạn kiệt. Đó là chưa kể những rào cản từ bên ngoài lẫn bên trong. Nói như thế là để tự bào chữa cho mức độ thiếu chuyên nghiệp của mình. Viết đã mấy năm nhưng vẫn những cái quờ quạng va vấp của người mới bắt đầu.

Như một con rùa cố leo qua khỏi bờ tường, tôi được nhiều người quan tâm giúp đỡ. Tôi có rất nhiều sư phụ và đến một ngày nào tôi như một diễn viên được trao giải Oscar sẽ lên khán đài mếu máo, trệu trạo cám ơn những sư phụ của mình. Còn bây giờ chỉ thấy có một người bạo gan đứng ra nhận là sư phụ của tôi. Sư phụ này thiệt là gan cùng mình. Bởi vì người ta thường trách con hư tại mẹ, cháu hư tại bà, nhà văn mầm non mà bị đẹt thì đổ thừa cho sư phụ chứ đổ thừa cho ai. Tự nhiên có người nói bà Tám nổi tiếng, thì đây, nổi tiếng sai chính tả, dịch quờ quạng, thơ của người ta thì nhớ trật, nhạc của người ta thì đổi chữ đổi từ. Nổi tiếng thì có nhiều cách để nổi tiếng.

Tôi là người Nam, lấy chồng Bắc, nghe tiếng Bắc mấy chục năm nên quen dần dấu hỏi ngã. Vậy mà, hễ cứ tự tin quá độ là ngã nhào. Bởi vậy ai gọi tôi là nhà văn tôi thấy xấu hổ, cứ mỗi lần viết lơ đãng một chút là sai, không sai cái này thì sai cái kia. Chữ hẻm mà lại thành ra hẽm. Vì không biết mình sai nên không tự kiểm chứng. Cám ơn độc giả chỉ dùm. Mỗi lần sai là một bài học khó quên. Dẫu sao nhờ sai, mình biết có người đọc. Buồn một chỗ là sợ người đọc mới nhìn vào cái tựa đã thấy sai hết muốn đọc luôn.

Tôi đang đọc một quyển thơ nhỏ. Nhà thơ Ba Tiêu đi ngang bờ sông thấy một đứa bé trạc hai tuổi, mồ côi, cha mẹ của nó là dân chài bị sóng dập vùi bỏ lại đứa con trai vất vơ như sương. “Gió thu khắc nghiệt có lẽ sẽ làm rơi rụng tản mác những đóa hoa bên đường và – cả thằng bé – trong sương giá bình minh. Tôi đưa cho thằng bé chút thức ăn tôi có.” Và ông để lại bài thơ.

Hearing the monkey’s cries –
what of the child abandoned
to the autumn wind?

Có bao giờ bạn tự hỏi “Vì sao tôi viết?”

51 thoughts on “Vụn vặt”

  1. Đọc những chuyện “vụn vặt” của Tám thiệt vui và thấy mình giống Tám. Hồi vợ chồng vào SG ở trông nhà giúp con gái sống ở chung cư, nhà ở NT còn con chó, không thể đem theo. Vậy là phải gửi lại hàng xóm, nhờ cho ăn uống hàng ngày. Vài tháng về một lần, thương vô cùng. Bây giờ nó đã chết vì xe cán trong một lần HN về vì nhu cầu chạy ra đường với nó quá lớn! HN cũng viết sai chính tả ê hề dầu lúc còn đi dạy chú ý sữa sai cho học trò rất nhiều! Hihi.

    1. Tám cứ nghĩ tội nghiệp con thú, nhất là chó, bị bỏ lại chắc nhớ chủ lắm. Chó có lẽ nhớ chủ hơn mèo. Vâng, thật ra dấu hỏi ngã không khó, chỉ chịu khó một chút kiểm soát lại là tốt.

  2. Chị viết văn hay, em thích cách viết kiểu này nhẹ nhàng, lang man nhưng rất thật (hihi em diễn tả theo kiểu em nghĩ chị đừng cười nhe) . Khi thời gian rảnh rổi tí em cũng hay la cà các blog để đọc, Ngoài nấu ăn em cũng thích đọc, mà giờ cũng bắt đầu gìa rồi nên chỉ đọc những gì ngăn ngắn thôi chớ đọc dài hơi em lại mất tập trung. Chúc chị cuối tuần vui nhé.

  3. Khi mình viết mình có thì giờ ngẫm nghĩ những điều muốn tỏ, nên có khi ngồi viết mình có cái nhìn rõ hơn. Có lúc viết vì ngượng nói.
    Con gái Tám đang nghỉ college Spring Break? Con gái mình cũng vậy. Đang kiếm việc .

    1. Vâng, cô út đang nghĩ Spring Break. Mùa hè năm nay cô sẽ đi làm ở Wisconsin. Cô này chỉ biết chiên trứng, luộc pasta thôi chứ chưa bao giờ tự mình nấu ăn. Cô bảo thấy các bạn làm quấy quá ăn cũng xong thì cô cũng sẽ làm như thế. Thế là được nghỉ hầu con mùa hè này, chưa gì đã thấy khỏe rảnh rang.

  4. “Hẽm” trong bản văn. Khác với “hẻm” đúng “chính tả” của đời thường của học sinh tiểu học và trung học nào đó.

    Tôi thích sự ngụy biện là vì đây là một bài Viết . Một bản văn. Một Sài Gòn đang được tái tạo trên bài VIẾT này. Chữ “Hẽm” lệch dấu ở đây sẽ gây cho độc giả một sự “xóc óc” và sẽ nhớ bài này vì cái Dấu Ngã sai, vì Sài Gòn lệch đang trong lò ký ức của thế giới Nguyễn Thị Hải Hà. Vì phút giây tác giả Nguyễn Thị Hải Hà sáng tạo bản văn “Hẽm Sài Gòn Trong Tôi” thì tên Sài Gòn đang không được “đời thường, “học sinh tiểu học” “học sinh trung học” ấy tiếp thu.

    Một Sài Gòn Lệch Dấu!

    “Hẽm” Sài Gòn chỉ có trong lòng và trong bản văn của Nguyễn Thị Hải Hà. Đang lúc mọi người bên ngoài 2014 thì đều đang sống với đời chính tả “Hẻm” kia một cách đời thường nghiệt ngã.

    Một ngụy tạo của một bản văn. Tuyệt vời ! Thật lãng mạn!

    Hãy thả rông một chút mơ một chút mộng vào văn bản đi. O ép cho đúng chính tả thì để cho mấy người viết tuyên ngôn và khẩu hiệu làm công việc bảo vệ này

    Nhất Nương

    1. Thật là thú vị. Hôm nay có giờ tôi bèn tra lại vài quyển tự điển, mới chỉ mở 3 quyển: Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, Từ Điển Tiếng Việt của Văn Tân, Từ Điển Chính Tả Tiếng Việt của Hoàng Phê, tất cả đều không có “Hẽm”, chỉ có “Hẻm”
      Như thế sự sáng tạo của bản văn “Hẽm” của “Hẽm Sài Gòn Trong Tôi” của tác giả Nguyễn Thị Hải Hà thật đắc địa khi mà đời sống của Hẽm trên bản văn này có một ý nghĩa là sáng tạo nên cái “Mới”. Bài tản mạn còn pha chút màu ảo giác của trí tưởng khi mà các con hẻm ấy đã nhạt nhòa theo thời gian và thay đổi theo không gian đương thời,. Chúng chỉ còn trong trí tưởng của tác giả (và người đọc). Vớ được cái dấu ngã vào đây mà mở ra được một từ mới “Hẽm của thế giới Nguyễn Thị Hải Hà”, là bản văn đã nẩy bật ra được một điều mới khi nó nói một chuyện đã cũ. Đỉnh điểm của sáng tạo không phải là đây ru ?
      Nói chuyện các dấu, tôi nhìn lên tựa sách, ông Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ thì dùng “Tự Điển” dấu nặng. Các ông Văn tân, và Hoàng Phê thì lại dùng “Từ Điển” dấu huyền 🙂
      Tôi nghĩ nếu sự thay dấu mà thay nghĩa thì không được. Còn lại thì chả sao cả. Lý do tiếng Việt rất đa âm và ảnh hưởng đến nhạc ngữ của vùng miền. Ngôn ngữ còn là lời hát của mỗi cá nhân cất lên trong cái cuống họng của ký ức mình. Khi đã là một sáng tác, thì hãy để tác giả cất lên tiếng ca của chính hắn. Sáng tác mà.
      Happy searching dấu huyền hỏi ngã nặng tiếng Việt
      Hải Hà đừng remove các còm này nữa. Có email cho tác giả nhờ bỏ đi. Nhưng thôi, kệ

      1. Tám đi DC mới về tới nhà. Lúc đi không mang computer theo vì muốn kiêng blog mấy ngày. Nhưng dù gì đi nữa Tám vẫn không delete comment. Thích cái kiểu cãi lý của Nhất Nương. Dân Quảng mà, hay cãi, hay co, hay bình và bình rất ngon lành.

    2. Hà thích comment này. Từ hồi lập blog đến giờ Hà chưa bao giờ cố ý delete comment của ai cả. Trường hợp lỡ tay, hay máy móc có gì trục trặc thì không biết nên không tránh được. Có gì đâu chị, hễ sai thì sửa, ở đời có mấy ai tránh được chuyện sai. Chỉ ngại là mình không biết mình sai thì sẽ sai một cách có hệ thống và không sửa được.

  5. Sai dấu hỏi, ngã đôi khi ko quan trọng lắm. Lắm lúc Giáo nghĩ tại sao ko dùng 1 dấu có phải đỡ rắc rối ko, vì nó đọc trùng âm mà, phân biệt rạch ròi chi cho khổ dzị! Ngoại ngữ hình như cũng đang hướng về lối tiện dụng trong văn nói, bỏ bớt những câu cú văn phạm đi càng nhiều càng tốt chị ui!
    Nói chung Giáo thích chị Tám viết, bất cứ đề tài gì. Đọc chị, Giáo thấy toát lên cái nét chân thật, có sao nói vậy của dân Nam (dân Nam bi giờ thì chưa chắc chị ui!)

    1. @giaolang: đọc câu ” tại sao không dùng 1 dấu có phải đỡ rắc rối…”, tự dưng tui nhớ tới ông thầy dạy toán hồi trung học. Ổng chỉ dùng duy nhất có dấu hỏi thôi, có đứa cắc cớ hỏi ổng trả lời là “tại thầy không biết đúng sai nên chữ nào cũng HỎI cho chắc ăn”. Cùng suy nghĩ với giaolang, phải chi chính tả mình chỉ có dấu hỏi thôi thì hay quá!

  6. Dẫu sao nhờ sai, mình biết có người đọc. Buồn một chỗ là sợ người đọc mới nhìn vào cái tựa đã thấy sai hết muốn đọc luôn. 😀

    Em chúc Tám và Anh cùng với Cô Út đạt được thành công vẽ vang trong chuyến đi Wasington DC nhe Tám.

    LB@

  7. @ giáo làng. Tiếng Việt có dấu, thành ra sai một ly đi một dặm, thí dụ, “mẫu chuyện” khác hẳn “mẩu chuyện”, hay “hẻm” khác “hẽm”, vì “hẽm” lại làm người đọc nghĩ đến như từ khác, âm khác, từ đó mà ra. Cố viết cho đừng sai, hoặc coi lại sau khi viết, hoặc nhờ người sửa. Bà xã tôi, người Nam, mỗi lần viết xong 1 cái gì đó, bà nhờ tôi, sửa lại chính tả, nhất là “hỏi ngã”. Nhưng bà cấm không cho sửa văn, vì bà nói, tôi, người Bắc viết, dụng công quá, làm hư văn của bả. Người Pháp thì khổ vì giới từ, người Việt thì khổ vì hỏi ngã, mỗi thứ tiếng có cái khó/khổ của nó, bỏ đi, thì còn gì nữa. NQT

      1. Thưa bác NQT! Giáo cãi chày cãi cối cho vui í mà, và cũng chỉ dám múa may ở những blog thân quen thui. Thiệt tình khi đi dạy, Giáo cũng khó khăn với học trò về chính tả lắm. Nhưng có lần Giáo đọc ở đâu đó, ý kiến của một bạn trẻ. Bạn í đề nghị những từ đọc đồng âm (nhất là cách phát âm của dân Nam) thì nên… bỏ quách cái phần lỗi chính tả cho tiện dụng. thí dụ như vần ăt- ât, ang-an, ong-ông,… Nhất là dấu hỏi, ngã, bạn đề nghị dùng thống nhất một dấu thôi, giống như giới trẻ bây giờ hay viết theo kiểu: iu, thui, hỉu… Miễn sao người đọc ko hiểu sai ý là được. Văn nói cũng vậy, chỉ cần nói cho đối tác hiểu mình muốn gì, những quy luật văn phạm rắc rối ko cần nữa…
        Đó chỉ là đề nghị của một bạn rất trẻ. Tuy lúc đầu Giáo đọc thấy không đúng, nhưng sau nghĩ lại, cũng thấy… có lý! hehe… Tuy nhiên Giáo vẫn cẩn trọng khi viết và dò lại cẩn thận. Có từ nào sai chính tả, được bạn bè sửa giùm cho, Giáo mừng và cảm ơn rối rít… Chứng tỏ Giáo… ko còn trẻ nữa! hic…
        Xin cảm ơn bác đã chỉ giáo!

        1. Chị đúng là tuân theo convention lắm. Như học trò của Giáo mới là chì, phải biết đòi hỏi ngược ngạo như vậy mới có thể tìm đường đi riêng cho mình.

      2. Kẹt là, nếu ông đọc, thì sao? Bà xã tôi cằn nhằn hoài, mi không viết 1 cuốn tiểu thuyết, có tí hình bóng của ta & mi ở trỏng, GCC chiều ý, viết thử một vài đoạn ngắn, bả đọc, đau lòng quá, bèn thui, cấm mi không được viết nữa… NQT

  8. @ NN: Từ, là chữ, “mot”, tiếng Tây. Tự là “lettre”, “letter”, “con chữ”. Từ điển mới đúng, với mấy cuốn từ điển.

  9. Chào bác
    “Từ” và “Tự” nguyên gốc là Hán Nôm, nên bác chiết tự và giải thích bằng các bộ như bộ Miên trong “Tự” hay bộ Ngôn trong “Từ” thì mới thuyết phục. Bác chơi tiếng Tây vào đây thì hơi bị huề vốn. 🙂
    Kính Chào
    Nhất Nương

  10. Tôi nói theo như nghĩa hiện thời của những từ đó. Còn truy nguyên tới gốc như NN, thì chịu thua. NQ

  11. Cám ơn HL. Câu hỏi đó có nghĩa là tại sao bạn viết. Chị muốn độc giả tự hỏi tại sao độc giả viết, vì đa số người đọc cũng là người viết, chị nghĩ thế.

  12. “Trong tiếng Việt chúng ta xử dụng tất cả 1270 âm tiết với dấu hỏi hoặc với dấu ngã, trong đó có 793 âm tiết (chiếm 62%) viết dấu hỏi, 477 âm tiết (38%) viết dấu ngã. Việc nắm được quy luật dấu hỏi và dấu ngã của lớp từ láy và lớp từ Hán Việt sẽ giúp ta giảm được nhiều lỗi chính tả…”
    http://e-cadao.com/ngonngu/Luathoinga.htm

    – HỎI NGÃ
    Hôm qua quên hỏi số nhà
    Biết rằng em ở Ngã ba Ngả này
    Ngả về Đông, Ngả về Tây
    Ngả Nam xuống dốc, ngó ngay vô rừng
    Một mình anh đứng tần ngần
    Hỏi ai thì ngại mà đừng sao đang
    Bây giờ hỏi ngã dở dang
    Tìm không ra ngả vội vàng chi nhau
    Mây trôi mây cuộn về đâu,
    Hỏi mây có biết ngả vào nhà em
    Chiều nay gió lạnh bên thềm
    Anh đi hỏi ngã nào em thấu cùng !
    (Cam Lĩnh )

    – Ngả:
    Đường đi theo một hướng nào đó:
    Đường chia theo mấy ngả.
    Chia tay mỗi người mỗi ngả.
    – Ngã:
    (Dùng trước số) Chỗ có nhiều ngả đường, ngả sông toả đi các hướng khác nhau:
    Ngã năm.
    Ngã ba sông.
    Đứng trước ngã ba cuộc đời.)

      1. Bà Tám ơi,
        Ui! Cháu lại…giơ 2 tay 2 chân “nhất chí” với thi sĩ Cam Lĩnh, đó nghen! Hihi…

        – Ngả: Danh từ chỉ phương hướng :
        Đường đi theo một hướng nào đó, phân biệt với những đường đi theo hướng khác
        mỗi người đi một ngả
        âm dương đôi ngả
        Đường chia theo mấy ngả.
        Chia tay mỗi người mỗi ngả.

        Đồng nghĩa: lối, nẻo

        – Ngả (Động từ):
        Chuyển từ vị trí thẳng sang vị trí nghiêng, chếch hoặc nằm ngang.
        Ngả người xuống giường.
        Ngả đầu vào ngực mẹ .
        Mặt Trời ngả về tây.

        http://vi.wiktionary.org/wiki/ng%E1%BA%A3

            1. Hihi…Bà Tám ơi,
              Vậy, luôn tiện, sẵn đây, trong còm này, cháu làm gan…“nhéo” Bà Tám 2 cái nữa, cho Bà Tám ghét cái con bé lúc nào cũng bày đặt “xí xọn” này luôn, nghen! Hihi…

              1/ “Rồi những bức tường nằm nghiêng xuống trôi đi như một khúc phim, sau đó tôi thấy mình ngơ ngác đứng giữa một …ngả ba.”

              2/ “Năm 1963, đường hẻm này bị cháy. Trận cháy ấy lớn quá thiêu rụi bao nhiêu con hẻm …ngoằn ngèo.”

              http://www.gio-o.com/NguyenThiHaiHa/NguyenThiHaiHaHemSaigon.htm

              hihi…

  13. Bà Tám ui, DQ cũng có nhiều thứ muốn viết ra lắm mà thời gian thì cứ trôi đi đâu mất dạng. Định viết đó, mà đến khi có (chút đỉnh) thời gian để viết thì ý nghĩ lại biến đi đâu mất tiêu. Chán vậy đó.

    Năm nay mùa Đông kéo dài quá ha Bà Tám. Cả nhà ghé qua Thủ Đô bình yên và vui vui nha.

    Thích những dòng vụn vặt kiểu này nè Bà Tám ui. 😉 🙂

    1. Hôm Chủ Nhật, chị ở DC nghe nói có tuyết nên lo về sớm. Sáng thứ Hai thấy chuyến xe lửa của Amtrak từ DC về NY phủ đầy tuyết. Đúng là mùa đông năm nay thật dài.
      Cám ơn DQ.

Leave a reply to Anonymous Cancel reply