CON ĐƯỜNG TƠ LỤA P. 2

Tác giả: Bernard Ollivier; Lược thuật: Đặng Đình Túy

silk road

Mặt trời lên cao. Vì tấm bản đồ của ông có tỷ lệ quá lớn nên ông không tìm được tên ngôi làng ông nhằm tới và dù ông vượt qua nhiều ngả tư ông không tìm thấy bảng hiệu chỉ đường hoặc mang tên nơi chốn (Ở Việt Nam ta, nhà nước đã nghĩ đến việc ấy chưa, khi chọn du lịch làm một trong những mục tiêu phát triển kinh tế ?). Đã hai giờ đồng hồ loay hoay trong cánh rừng rậm ông không thể biết là ông đang ở đâu. Gặp một  người dân quê hỏi thăm hướng về Darleuk mà Bernard qua sự nhận định trên bản đồ tin rằng nó ở về phía bắc thì anh ta lại chỉ ông đi về nam. Ông chọn may rủi hướng bắc mà tiến thêm khoảng một tiếng đồng hồ nữa thì gặp một toán đi pic-nic từ Istanbul lại mời ông ăn bữa trưa. Ông dùng với họ bữa ăn nhưng ngược lại họ chẳng giúp được việc chỉ đường cho ông. Lại liều lĩnh đi thêm một đoạn đường trong rừng trước khi gặp mấy anh thợ rừng đang cưa gỗ. Hỏi thăm đường về Darleuk, một kẻ trong bọn đến giảng giải một hồi và nhận ra rằng Bernard chẳng hiểu gì bèn chạy đi tìm một người khác đang làm việc một nơi xa hơn. Sélim, anh chàng mới đến nói được Anh ngữ và ngay khi nhìn thấy tấm bản đồ của Bernard anh ta cười : tấm bản đồ đã quá cũ. Sau thời gian này (khi đã in bản đồ ấy) người ta đã xây bể chứa nước vĩ đại để cung cấp nước uống cho cả vùng Istanbul vì vậy ba thôn làng về phía bắc đã được dời đi 15km về phía nam, điều này giải thích tại sao ông đã lạc đường. Hậu quả tiếp theo càng bi đát hơn vì việc dời làng còn kéo theo cả việc mở đường đi mới. Con đường đi về hướng tây bị cắt, có nghĩa là phải theo con đường vòng về bắc hay về nam khoảng 50km trước khi đến làng. “Cũng có thể đi đường rừng nhưng bạn ta sẽ lạc mất”, Sélim dịch theo cách nói của người bạn. “Nếu có ai hướng dẫn, tôi xin trả tiền ?”  Hai người đưa mắt nhìn nhau trao đổi vài câu rồi người sau, Mostafa, vỗ ngực : “Tao(6)sẽ hướng dẫn mày mà không lấy xu nào, nhưng tao phải chất gỗ lên xe đã, ít nhất phải mất cả tiếng đồng hồ” Trong khi Mostafa chất gỗ thì Bernard trò chuyện cùng Sélim. Anh ta làm Bernard ngạc nhiên. Bốn mươi bốn tuổi, trước ở lính giờ làm thợ rừng. Mỗi lần trả lời câu hỏi đặt ra, anh ta ngập ngừng vài giây để suy nghĩ. Anh tâm sự : “Tao yêu nghề thợ rừng. Bởi tao yêu thiên nhiên nhưng nhất là tao có mấy tháng mùa đông để đọc sách. Tao rất mê triết học. Cho nên từ tháng một đến tháng ba tao đọc thả dàn và đến tối tao ra quán trà giảng cho các bạn về thẩm mỹ học và luận lý học. Tao thèm được như mày : mày theo thuyết tiêu dao(7) trong khi tao đành vui với Aristote”. Được gợi ý anh ta huyên thiên những Nietzsche, Descartes, Platon, Hegel, Heidegger(8). Bernard trêu :

–          Không phải chỉ có triết lý trong đời ; còn có đàn bà nữa…

–          Đúng, Jeanne d’Arc(9) chẳng hạn. Đó là týp đàn bà lý tưởng của tao. Tao muốn học tiếng Pháp để đọc tất cả những gì người ta viết về bà và cũng để đọc Aragon(10) trong nguyên bản. Bernard choáng váng : -Thế mày có con không ? – Không, tao không lấy vợ  – Tại sao ? – Chắc tại tao chưa gặp Jeanne d’Arc của tao… Lúc Mostafa chất gỗ xong, OB lưu luyến chia tay anh chàng thợ rừng triết gia Sélim. Hai người băng rừng theo những lối mòn, thỉnh thoảng Mostafa lại chỉ cho Bernard thấy những phong cảnh đẹp mà anh ta lấy làm hãnh diện coi như giang sơn riêng của mình. Ngang qua một bờ nước có những người thành phố dong chơi dã ngoại, thấy bọn ông đã vẫy tay mời đến dùng trà giải khát. Họ sống ung dung thư thái khiến Bernard coi đấy như những giây phút kỳ diệu trong chuyến đi của ông. Lúc sắp chia tay người dẫn đường (vì họ đã nhìn thấy hồ chứa nước vĩ đại của thành phố Istanbul như tôi đã nói trên kia) họ lại gặp một chiếc jeep nhà binh, lần này là của lực lượng cảnh sát dã chiến tuần hành. Bernard lại phải trình giấy tờ khai báo mục đích chuyến đi với sự giải thích phụ họa của Mostapha. Sự hiện diện của súng đạn và những người lính đã làm mất vẻ thơ mộng dịu dàng của buổi chiều tươi đẹp trong cánh rừng, kẻ lữ hành chán ngán đi thêm một thôi đường nữa rồi mới tìm chỗ ngồi nghỉ…

Ngôi làng mang tên Deheurmentchaheureu dài dòng như vậy nhưng lại không có bao nhiêu nóc nhà, một giáo đường và một tiệm bán rau cải. Trong khi mua vài trái cây khô thì bọn trẻ con đã kéo đến bao vây xem mặt người lạ. Muốn tìm nơi nghỉ, hỏi chủ tiệm, y gãi đầu suy nghĩ và cuối cùng bảo không, Bernard đành xuôi tay sang quán nước kế bên uống ly trà. Chắc là bọn trẻ con nghe lõm được câu chuyện mách lại sao đó nên một thanh niên trẻ tự giới thiệu là thầy giáo đến ngồi bên ông và bảo là anh ta có thể có giải pháp cho ông. Anh ta đứng lên vẫy tay OB đi theo đến gặp một người tên là Husseyin, hưu trí, trước tùng sự trong ngành quân cảnh. Thanh niên nọ giải thích hoàn cảnh OB cho ông ta nghe để liệu ông ta có cho OB ngủ nhờ đêm nay không. – Được, kẻ kia trả lời cộc lốc theo thói quen của người cựu quân nhân. Trong quán trà, mọi người chỉ chờ nội vụ được giải quyết ổn thỏa là bu lại mỗi người mời khách ly trà và đặt những câu hỏi để thỏa tính hiếu kỳ của họ. Bernard cố gắng đáp ứng, giải thích bằng dấu hiệu của hai cánh tay ông trong khi Husseyin chuồn về nhà chuẩn bị bữa cơm mời khách. Xong ông ta quay lại mời khách đến, chỉ cho khách nhà tắm. Bernard được một chầu tắm thỏa thích xóa lớp mồ hôi của hai ngày đi đường vừa qua. Bữa cơm tối cùng với chủ nhà, anh giáo viên và một đồng ngiệp của anh ta diễn ra vui vẻ. Những người trẻ tỏ ra rất kính trọng người lớn tuổi. Khi họ đã ra về, chủ nhà khẩn khoản ép OB vào nằm trong chiếc giường của chính ông ta trong khi ông ta thì nằm trên chiếc ghế dài ở nhà ngoài. Sáng hôm sau, khi thức dậy chuẩn bị ra đi, Bernard gõ cửa phòng chủ nhà nhưng chẳng thấy ông ta đâu, nghĩ rằng chắc khi ra quán trà sẽ tìm thấy lại ân nhân, nhưng không. Cuối cùng kẻ trọ đành phải nguệch ngoạc mấy chữ cám ơn cùng  với tấm giấy năm triệu quan tiền Thổ để bù khoản tiền trọ nhét qua khe cửa. Trưa hôm ấy, một người đã bảo với OB rằng ông ta đã phạm một lỗi trầm trọng và chắc chắn là chủ nhà sẽ nổi trận lôi đình. Việc làm của OB hoàn toàn trái với  truyền thống hiếu khách của người Thổ. Theo tinh thần Hồi giáo, đón khách lỡ độ đường là bổn phận thiêng liêng của mỗi tín đồ. Khách được quyền xem nhà bạn như nhà của khách, bạn phải chia sớt của dùng cho khách, vì vậy đóng kín cửa trước người khách lạ là một trọng tội.(11)

Mưa phùn phùn. Lại đau chân. Ngón chân đỏ mà Bernard nhìn thấy trong lúc tắm hôm qua giờ còn sưng thêm, vì nơi đó có vết trầy. Sáng nay ông thấy hai ngón chân cái có hai túi mủ, nếu cứ như thế thì hẳn ông sẽ gặp khó khăn trong việc di chuyển. Lúc lên dốc, đôi giày bị gập lại đụng vào thương tích lại càng thấy đau hơn. Vào buổi trưa dưới tàn vườn cây giẻ, ông lột giày quan sát vết thương : hai mụt nhọt đã vỡ ra, nước vàng chảy ; da bọc chung quanh bị bóc ra. Ông dùng con dao nhíp kiểu Thụy sĩ(12) cắt những mảnh lầy nhầy ấy đi và rửa ráy với phương tiện… dã chiến. Bên cạnh đó, tấm bản đồ 1/500 000 chẳng rõ ràng gì dù theo những điều ghi thì bản đồ được thực hiện với sự hợp tác một bên là bộ quốc phòng Thổ và bên kia là một cơ sở kỷ nghệ của Đức (các hãng sản xuất của Đức thường rất được tin cậy). Do vậy ông đi vào ngôi làng nhỏ theo bản đồ và nhận thấy không có lối ra. Cuốc bộ hai cây số rồi quay lại, cũng may có gặp anh thợ mộc tên Ahmed và câu chuyện trao đổi khá thú vị. Khi qua một ngôi làng nhỏ một cậu thanh niên theo Bernard bén gót, gợi chuyện, rồi cùng đi với ông. OB tưởng rằng khi ra khỏi làng anh ta sẽ bỏ cuộc, không ngờ vẫn tiếp tục. Qua một ngôi làng khác, anh ta vẫn còn đấy cho đến lúc anh ta lôi trong túi ra một lọ nước và bảo rằng đấy là một thứ thần dược chỉ cấn vài giọt là ông đi mà không thấy mệt. Nhận thấy anh ta đi tay không mà mồ hôi như tắm OB đề nghị anh ta uống thần dược của anh ta đi ; vừa may họ đến một thị trấn có tên là Karaheuleu, thấy hiệu thuốc tây, OB bèn rủ anh ta đến đó bán cho chủ hiệu thuốc vì đó là thần dược hẳn ông chủ hiệu sẽ thích lắm. Nghe đến đấy, gả thanh niên lủi mất và OB không còn gặp lại anh ta nữa. Ngược lại, ông chủ hiệu thuốc tây thì kinh hoàng khi nhìn thấy chân cẳng Bernard. Bọn họ hai người xúm nhau lại săn sóc một cách hiệu quả. OB ngõ ý muốn mua một lọ cồn 90° nhưng họ không còn lọ nhỏ như ý Bernard muốn. Anh nhà thuốc liền kêu cứu anh nhà buôn bên cạnh, anh này kiếm ra được chiếc lọ nhỏ. Khi họ nghe thủng câu chuyện về chuyến đi của Bernard họ biếu ông ổ bánh mì to đùng, một thỏi phó mách vĩ đại phải đến cả kí lô và một lọ mật ong. Bernard từ chối mãi không được bèn đề nghị họ mang thử bị hành trang của ông, lúc bấy giờ họ mới hiểu ra, rút lại những tặng vật rồi thay bằng thỏi bánh có trét sẵn thức ăn và một phần tư thỏi phó mách. Ông chủ thuốc tây thì pha một lọ cồn, một chai teinture d’iode và băng bông. Chẳng những họ không chịu nhận tiền OB, còn vẽ tỉ mỉ phần hành trình mà OB sẽ theo cho đến nơi ông dự trù nghỉ qua đêm.

Cuối ngày ông vào quán trà và dò xem có nơi nào để ngủ qua đêm chăng. Câu hỏi vừa đặt ra thì một ông mang kính cận thị dày như hai đít chai cắm cúi đọc báo đáp “tôi” rồi lại cúi xuống tiếp tục. Khách lạ bàng hoàng trước lối nhận lời tiếp đón lạnh nhạt đó, ông ngồi xuống gọi mua một phong bánh sô-cô-la. Chừng đã khá muộn đối với khách vì ông không ăn được bữa trưa. Ông mang kính lặng lẽ đứng lên ra đi không nói một lời. Liệu có phải ông ta về nhà ? và lời mời liệu có chắc chắn gì không ? Anh chàng chủ quán nước đến ngồi cạnh OB với một người khác nhiều tuổi hơn. Hai người đặt ra cho Bernard nhiều câu hỏi và ông vui vẻ trả lời, họ còn đòi xem thông hành và bản đồ cùng hành trình ông đã đi qua. Tò mò, ông hỏi người đọc báo ban nãy là ai, họ đáp : bố chúng tôi. Thì ra ông bố dù bằng lòng cho người lạ trọ nhưng vẫn nghi ngờ ; mặt khác ông cho rằng gặn hỏi người ta quá cặn kẽ thì vô lễ bèn giao nhiệm vụ ấy cho ba người con trai. Bữa cơm ăn cùng họ rất vui vẻ, ăn xong người ta dọn cho ông chỗ ngủ  cùng phòng với một trong ba người con trai.

Sáng hôm sau OB ra đi, đặt bước chân dè dặt bởi cứ mỗi bước nhấn xuống thì đôi giày gập lại đè lên vết thương. Lớp băng ông đắp lên vết thương càng khiến cho giày chật thêm, ông bèn rút chúng ra nhưng cũng chẳng khá hơn chút nào dù sáng nay ông đã lấy chút nhớt từ chiếc máy cày của bố con nhà họ mà bôi lên da giày để cho nó dịu đi chút ít. Vì vậy ông bước đi mà chẳng nhìn được gì chung quanh, tuy nhiên cũng nhận ra ánh nắng mặt trời sấy khô mặt đất trơn và ẩm ướt. Sau một tiếng rưỡi đồng hồ vất vả nghe chừng như bớt đau chân, ông bắt đầu thưởng ngoạn cảnh vật chung quanh. Hôm qua, đất đỏ gần giống vùng đất vôi Aveyron( 12 ) nhưng hôm nay thì là những ngọn đồi mênh mông lục thẫm. Đất xới đen nhánh trồng lúa mì và lúa mạch cộng với những cánh đồng cây hạt dẻ. Ông lạc lối hai bận. Lý do ? Không có bảng chỉ đường mà nếu có thì bị những tay đi săn dùng làm bia bắn nên thủng lỗ tùm lum, những lỗ thủng ấy bị rĩ sét nên không còn đọc được. Hơn nữa, ông cũng không hy vọng vào sự chỉ dẫn của dân làng : sáng hôm ấy ông chận hỏi hai cậu bé độ mười hai tuổi về tên của ngôi làng kế cận làng các cậu chỉ cách khoảng 8km mà chúng chẳng biết. Cách ăn mặc của Bernard  đã khiến những kẻ qua đường tò mò nghi ngờ ; các tay tài xế thì vẫn thường dừng xe lại cho ông quá giang; gặp sự từ chối của ông kèm với những giải thích thì họ lại lục lọi trong hành lý tìm thỏi kẹo chiếc bánh chai nước đưa tặng ông.


(6)   Xin coi lại chú thích 3

(7)   Péripatétisme : khuynh hướng ưa dong chơi, vui thú yên hà

(8)   Các triết gia danh tiếng của Hy lạp, Đức, Pháp…

(9)   Nữ anh hùng trong lịch sử Pháp

(10)  Thi sĩ Pháp

(11)  Gần đây chúng tôi có theo dõi một trò chơi trên một trong những đài truyền hình Pháp, trò chơi được tổ chứcqua 5 nước của vùng đông nam Á gồm Việt nam, Lào, Miên, Thái lan và Indonésia trong đó thí sinh dự cuộc, ngoài những trò chơi tranh đua tại chỗ, còn phải vượt những đoạn đường dài khoảng ba bốn trăm cây số mỗi lần mà không được dùng tiền mua vé xe, chỉ được phép xoay xở xin quá giang thôi. Trên đoạn đường hình như từ Hạ long đi Ninh bình, nếu tôi không nhớ sai, có một cặp thí sinh đã lên được trên chuyến xe đò, tưởng rằng dù không biết ngôn ngữ Việt nhưng nhờ có tờ giấy giải thích lý do xin đi xe không tiền chắc đã được chấp thuận, sau không ngờ cô gái thu tiền xe hiểu ra là khách đi không trả tiền, chẳng những cô bảo dừng xe để đuổi khách xuống, cô còn mắng nhiếc thậm tệ. Xem đoạn phim này, tôi lấy làm xấu hổ cho người đồng bào tôi quá. Bây giờ khi thuật đoạn chuyện trên đây tôi lại càng cảm thấy đau đớn thấm thía hơn !

(12)  Dao nhíp Thụy sĩ là con dao gồm một lúc nhiều lưỡi, mỗi lưỡi nhằm một công dụng khác nhau, thí dụ dùng mở hộp, mở bia, cắt móng tay, lưỡi cưa, lưỡi mài..v..v.. Tóm lại chỉ một con dao nhỏ nhưng dùng được nhiều việc khác nhau, rất tiện lợi khi di chuyển hoặc sinh hoạt dã ngoại.

( 12 ) Vùng này toàn đất vôi nằm về phía nam Pháp về bề dọc nhưng ở giữa về bề ngang, một vùng chịu ảnh hưởng đô thị hóa nặng nề nên dân cư trở nên thưa thớt. Nếu, với tư cách du lịch thì cây đinh đáng chiêm ngưỡng của vùng là cầu Millau ở Tarn, một kiến trúc hiện đại. Cầu Millau là một trong những cây cầu cao nhắt thế giới ở độ cao 343m so với mặt biển ; nơi cao nhất đo dược 765m tức là còn cao hơn cả tháp Eiffel 38m. Do kỹ sư Michel Virlogeux và kiến trúc sư người Anh tên là Norman Foster hợp tác thực hiện.

12 thoughts on “CON ĐƯỜNG TƠ LỤA P. 2”

  1. Cám ơn cô giáo. Tôi chỉ ngại người đọc chán. Tuy nhiên đây là du ký nnên chỉ có vậy: những khó khăn bên cạnh những gặp gỡ lý thú và bất ngờ. Ta có thể qua đấy phát giác ra một khía cạnh nào đó trong tinh thần của người dân trong vùng và may thay ta khám phá ra nhiều khía cạnh đẹp hơn là xấu!

    1. Không phải muốn xát muối bác Túy, nhưng Tám nghĩ khác bác Túy, ở cái chỗ người đàn bà thu tiền xe đò đã không nhân nhượng cho mấy người ngoại quốc cần quá giang, mà không được phép trả tiền vì theo luật của show truyền hình. Bác Túy trách bà ấy là người ta đã đưa giấy tờ giải thích mà bà vẫn cứ đòi tiền. Nếu là Tám thì Tám cũng đòi tiền xe. Ai mà biết ở Tây ở Mỹ có những cái show quái quỷ ngược đời như thế. Nếu nhận một lần rủi mà về sau mấy anh Tây cứ đưa giấy bá vơ ra đòi đi xe không trả tiền ai biết đâu mà lường. Nhiều khi mình cho thì không tiếc, nhưng bị lừa thì không ai chịu được.

      Còn cái vụ ở giữa rừng có một ông triết gia như vậy liệu OB có bịa ra một người để làm du hành ký của ông thú vị hơn chăng? Steinbeck trong quyển du hành với con chó Charley cũng bịa chuyện là đã gặp và trò chuyện với ông Tổng thống Nga (tên gì lốp cốp lép kép ấy, quên mất, nói ra sợ sai độc giả quở). Về sau có một người kiểm chứng theo dõi những nơi Steinbeck bảo là đã đến thì khám phá vào thời điểm ấy Tổng thống Nga (Gorbachev) không sang Mỹ, chỉ có bà vợ của Gorbachev sang Mỹ thôi. Người ta còn khám phá là Steinbeck không ngủ trong xe cắm trại của ông, hay đi một mình (với con chó) mà thường xuyên nghỉ ngơi trong khách sạn sang trọng với bà vợ.

  2. Ui…Trời! Bà Tám…“Không phải muốn xát muối bác Túy”…hihi…

    Hihi…Còn Bảo Vân cháu thì…”không phải muốn “ngắt véo” mạnh tay”…bác Túy, đâu đó nghen!
    Mà, Bảo Vân cháu chỉ thấy hơi hơi lấn cấn chút chút xíu ở 2 chi tiết nhỏ nhỏ tí tẹo teo này thôi! Hihi…

    1/ “Cuối cùng kẻ trọ đành phải nguệch ngoạc mấy chữ cám ơn cùng với tấm giấy NĂM TRIỆU QUAN TIỀN THỔ để bù khoản tiền trọ nhét qua khe cửa…”
    Bác Túy ơi, bác có chút chút “Pháp hóa” nào không bác? Hihi…Vì, nếu cháu nhơ nhớ không lầm, thì, khi học, đơn vị tiền tệ của Thổ Nhĩ Kỳ là…”The Turkish lira – Lira Thổ Nhĩ Kỳ”…chớ nào phải…“Quan – franc”, đúng hông bác?

    a/ http://www.lycie.fr/monnaie-turque.html

  3. 2/
    – “Cầu Millau là một trong những cây cầu cao nhắt thế giới ở độ cao 343m so với mặt biển ; nơi cao nhất đo dược 765m tức là còn cao hơn cả tháp Eiffel 38m…”

    Bác Túy ơi,
    Bác xem lại coi có hơi hơi gõ lộn…”thông số kỹ thuật” hihi…, khi so sánh chiều cao của Cầu Millau và Tháp Eiffel…hông bác? Vì lẽ…
    – Cầu Millau (theo chú thích (12) của bài viết) có độ cao 343 m.
    – Còn Tháp Eiffel có độ cao 325 m, như vậy so sánh chỉ có cao hơn…18 m, đúng hông bác?

    P/s: (Cháu hơi hơi trộm nghĩ, hay là, chắc bác so sánh Cầu Millau…thấp hơn 38 m, so với The Empire State Building = 381 m, chăng ? (381 m – 343 m = 38 m)
    hihi…

  4. Em bận quá, ghé thăm chị chứ chưa có thời gian đọc mấy truyện dài dài của ông Túy được ạ. Em chúc chị luôn vui chị nhé!

Leave a reply to giaolang Cancel reply