CON ĐƯỜNG TƠ LỤA P. 4

Tác giả: Đặng Đình Túy

Kẻ lữ hành rất ghét những con đường chia nhánh. Ngay trạm chờ xe búyt có hai người ngồi. Hỏi họ xem sao : -Xin làm ơn chỉ dùm đường về Beykoy phải quẹo phải hay trái ? Hai người kẻ nào cũng làm ra bộ thạo nhưng mỗi người chỉ mỗi đường. –Như vậy có nghĩa là cả hai đều dẫn về Beykoy ? –Không. Cả hai cùng lên tiếng. Và họ cãi nhau, người nào cũng cho là mình đúng. Có thêm hai người đi xe đạp  xen vô (ở Thổ bất cứ cuộc nói chuyện nào cũng có người xía vô) và cuối cùng một người bảo : -Tôi về Beykoy đây, hãy đi với tôi. Một trong hai đặt bị mang vai của OB lên poọc-baga. Khi họ đến Beykoy. Họ chia tay nhau; vai Bernard trở lại chịu đựng chiếc bị. Ông tự hỏi có nên nghỉ lại hay tiếp tục thêm quãng đường nữa. Qua chặng Beykoy là rừng và buổi chiều đã gần qua. Hai anh tái xế tắc xi bàn bên bảo Bernard rằng đường dễ đi. Họ vẽ bản đồ cho ông. Theo họ, ông phải rẽ ba lần; chặng 5 cây số, chặng  2 cây rồi chặng cuối 3 cây. Sau đó thì có hơi rắc rối nhưng họ giải thích cho ông và với lối giải thích cặn kẻ OB yên tâm lên đường. Nỗi khó khăn làm xuống tinh thần ông là đôi bàn chân tiếp xúc với da cứng của đôi giày, hễ có chỗ nước là ông nhúng xuống để da bớt cứng. Những lời chỉ dẫn của hai anh tái xế tắc xi đúng, có điểu việc ước lượng khoảng đường thì sai. Đoạn cuối theo ước lượng của họ là 3km, mất khoảng 45 phút đi bộ nhưng Bernard đã đi hơn tiếng đồng hồ vẫn chưa thấy cuối đường rồi thình lình có giòng nước chảy mạnh chắn ngang, ông đành đi dọc theo con nước đến hơn nửa tiếng đồng hồ mới bắt gặp mấy bác tiều phu, họ bảo phải lội sang thôi. Chỗ này hai anh tái xế chắc là quên không đề cập tới. Vừa đi ông vừa suy xét thái độ mình: tại sao ông cứ nôn nao gắng sức? Chỉ sợ không đạt mục tiêu. Ông tự hỏi mình dự trù trong 4 năm sẽ đến Tràng an nhưng nếu vạn nhất mình chưa tới được thì thêm một năm nữa có sao đâu! Quả thật là hiện giờ ông cần phải đến biên giới nước Iran trước khi hết hạn thông hành Thổ nhưng ông đâu có chậm hơn chương trình dự trù? Vậy thì hãy bình tĩnh. Và đi tiếp. Nhưng ông lại lầm đường: thấy một túp lều và một con chó lồng lên hung dữ, ông kêu lên, một người bước ra, hỏi thăm mới biết đáng lý ra phải quẹo trái. Quả là làng Sazkoy ở cách đấy 2 hay 3km. Đêm đã xuống, khoảng 8g30 tối rồi. Ông toan cắm trại và nằm lại giữa rừng bỗng nghe có tiếng động xa xa, quả là có xóm làng đâu đó. Ông tiến tới, khoảng nửa tiếng đồng hồ sau dừng bước trước căn nhà lớn trong xóm, gõ cửa. Một người già ra mở, nhìn ông  nghi ngại. Bernard mệt quá không  thể giải thích cho ông ta bằng tiếng Thổ nên nghĩ tốt hơn hết là dùng giấy thay lời. Cái thông điệp nhờ người viết sẵn giải thích việc ông làm và nhất là lời yêu cầu xin trọ qua đêm. Ông lão đọc, suy nghĩ, rồi đưa tay lên vỗ trán nhiều lần dấu hiệu cho thấy là ông ta coi việc OB đang làm là một điều điên khùng. Cả hai phá lên cười và ông ta đưa tay mời OB bước vào nhà. Ông ta tên là Nevzat, một nông dân 70 tuổi, sống với bà vợ ốm và đứa con gái tên Shoukrane, gốc vùng Caucase như tất cả mọi dân trong làng. Họ duy trì ngôn ngữ của họ cũng như nguồn gốc văn hóa từ quê cũ. Kể lại hành trình trong ngày, so với chỉ dẫn của ông lão, OB nhẩm tính rằng ông đã đi ít nhất tù 38 đến 40km trong ngày chưa kể những hồi đi lòng vòng vì nhầm đường. Cơm nước xong, chủ mời khách vào phòng lớn nói chuyện. Ông lão đốt hết điếu thuốc này đến điếu khác, suy ngẫm về hành động của OB và cuối cùng như tìm ra giải đáp, ông đưa ngón tay cái xòe với ngón trỏ, ngụ ý đếm tiền.  -Tiền ? Nhiều lắm hả? Làm thế nào để giải thích cho những đầu óc đơn giản ấy rằng nhiều khi người ta hành động không phải vì đồng tiền? Làm sao nói rằng đi tìm dấu vết của con đường tơ lụa xưa như phục hồi một chút lịch sử? Thú vui của cuộc hành trình. Và những điều kỳ diệu trong việc tiếp xúc với những kẻ xa lạ. Tất cả những điều ấy ông lão không thể tin được. Đối với ông động cơ thúc đẩy phải là đồng tiền thôi không gì khác. Phần Bernard thì không đủ ngôn ngữ để diễn tả nên đành chịu thua. Ông lão mời khách ra ngoài để họ cầu nguyện xuất tối rồi sau đó khách vào ngủ. Nhưng ông trằn trọc không ngủ, băn khoăn  không biết có đủ sức cho cuộc du hành không: những vết thương, liệu chúng sẽ lành? Hay ông mua đôi giày khác? Không, lại phải làm quen với đôi mới còn mất thì giờ hơn, vả lại chưa chắc ông có thể tìm ra một đôi vừa ý ở đây. Ngoài ra chiếc máy chỉ đường nhờ vệ tinh (GPS) lẽ ra ông nên mang nó theo… Rồi thiếp đi đến khi đánh mùi thơm từ bếp đưa lên. Cô con gái ông già, Shoukrane làm những chiếc bánh chiên, nhét đầy xách cho khách. Bernard lại có ý biếu họ ít tiền, tất nhiên là ông già từ chối.

 

Làng Sazkoy cũng như làng Polonez mà OB đã đi ngang trước đây là những cộng đồng không phải người Thổ, một đặc điểm của các nước Trung Âu và Nga, nơi đó những nhóm dân thiểu số vẫn có quyền bảo tồn những nét văn hóa riêng của họ ngược lại với chủ trương của Pháp thường đòi hỏi những cố gắng hội nhập của người từ ngoài tới. Ở Roumanie, OB đã thăm những làng toàn người Đức đã duy trì từ thế kỷ này sang thế kỷ khác ngôn ngữ cũng như văn hóa xứ họ. Những người mà Bernard đã gặp như bố con Nevzat và Shoukrane rất hãnh diện về nguồn gốc của họ cũng như ông bác sĩ Kirval mà ông đã biết ở Hendek đã nói cho ông hay tức khắc rằng bố ông ta thuộc một nhóm người nhỏ sống bên bờ Hắc hải…

 

Bernard đi chậm như sên vì đau chân; chỉ khoảng một giờ đồng hồ sau ông mới trở lại được nhịp bình thường. Nước Thổ Nhĩ Kỳ tựa những bậc thang mà điểm thấp ngang tầm mặt biển là Istanbul và vùng cao chót là Erzouroum có độ cao 2,000m. Vùng Boloudahou mà ông sẽ phải vượt qua hôm nay đã có độ dốc mở đầu của những bậc thang ấy. Bên bờ biển, máy đo độ cao (altimètre) của ông chỉ 300m ; trên đỉnh, cao 1,000m chỉ cách đó non 7 cây số. Cuối cùng thì ông cũng mò lên tới đỉnh, chiếc áo thun đẫm mồ hôi và quần thì vắt ra nước. Trong phòng vệ sinh của tiệm ăn nằm cheo leo trên mõm núi đá ông chỉ thay áo, phần còn lại khô dần trên thân. Ngồi ngoài thềm nơi đó người ta có thể dõi mắt suốt vùng thung lũng bên dưới, ông vừa ăn vừa mơ tới những đoàn thương hồ thuở xưa với bọn súc vật thồ hàng trên lưng, kéo nhau hàng một lần bước theo con đường dốc. Hồi ấy chưa có xe ủi đất, đường rất hẹp, có nơi chỉ vừa cho một con vật lướt qua, chính những chỗ ấy bọn thảo khấu địa phương đã áng ngữ để đòi tiền mãi lộ. Nhìn ngắm thế đất Thổ ông hiểu tại sao người xứ này thích chọn đường xe hơn đường tàu hỏa. Con tàu trèo những bậc thang, nó có tốc độ của con sên; ngược lại những chiếc xe buýt to đùng êm ái chở người, những chiếc cam nhông khổng lồ chở vật dụng vạch ngang vạch dọc đất nước không hơn ư?

 

Bernard tự hẹn với mình là sẽ không vượt quá hai chục cây số hôm nay; nhưng viễn tượng  phải nằm lại trong phòng ngủ trên đỉnh đèo Bolou tựa như cửa địa ngục trong tiếng động của xe buýt, xe cam nhông và tiếng loa gọi, đón khách đã khiến ông sợ hãi. Đôi chân ông sau trận tắm mồ hôi nghe chừng bằng lòng, vậy sao không đi tiếp. Sau ngọn đèo, con dốc trườn mình xuống độ 900m, đồng rộng ngút mắt thay cho rừng. Chân trời bị chắn bởi những dãy núi xanh. Sau khi đi ba mươi lăm cây số ông đành dừng chân tại Bolou. Tại  nơi này,  OB tắm rửa nơi một hammam(15) có tên là Tarihi Orta được xây từ 1321. Ánh sáng soi các phòng là do ánh sáng phản chiếu lên những khối kính gắn trên vòm. Những tia sáng mặt trời xuyên qua màn hơi nước bồng bềnh biến chúng thành màu vàng rực, Bernard hưởng phút thư giản ấy. Rồi ông đi thăm quán nghỉ ngày xưa, một tash-han tash tiếng Tàu có nghĩa là đá (phải chăng là chữ thạch?) và han để chỉ nơi nghỉ của các đoàn thương hồ (trú đình). Nơi này được xây cất không xưa lắm, chỉ mới đầu thế kỷ 19 (1804). Những gian nhà xưa kia dành cho lữ khách  nay bị  giới thủ công hay tiều thương chiếm ngụ.Cuối sảnh có tiệm sách do một kẻ tóc quắn và vàng, kính cận thị dày tên là Mustafa Acikyldiz. Anh ta và người vợ tên Emine  đã sống  hai mươi mốt năm bên Pháp. Anh ta từng gia nhập đội quân Lê dương. Anh ta tâm sự rằng hiếm khi anh đưọc nói tiếng Pháp trừ với một anh kỹ sư người vùng Lyon làm việc trong vùng. Bernard hỏi về cách sống của anh ta ở Pháp và lý do gia nhập lính Lê dương nhưng anh ta nói lảng sang chuyện khác, tránh đề tài đó. Đề nghị chụp bức ảnh,anh ta cũng từ chối nốt. Họ chia tay nhau một cách ngượng ngùng.

 

(15)  Tức là nhà tắm hơi, turkish bath

 

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s