Nghe lóm

Tôi đi làm bằng xe lửa. Cách hoạt động của xe lửa (train) chạy từ ngoại ô vào thành phố khác hẳn với cách hoạt động của xe điện chạy ngầm trong lòng đất (subway). Train chạy đường dài. Khách đi train mua vé ở trạm hay nhà ga, lên xe có người soát vé. Thỉnh thoảng cảnh sát tiêng của công ty xe lửa dẫn chó đi lên đi xuống các toa xe, nếu có gì vấn đề an ninh cần đề cao cảnh giác. Nếu hành khách phá phách chộn rộn, người soát vé xe lửa (conductor) có thể gọi điện thoại báo trước, và đến trạm kế tiếp, sẽ có cảnh sát đến can thiệp, bắt hành khách chộn rộn ra khỏi xe.

Người đi xe điện ngầm (subway) mua vé xong, vào cổng tự động mở khi cho vé vào máy. Khi đến nơi, hành khách đi ra khỏi cổng tự động. Công ty xe lửa không kiểm soát người ra, chỉ kiểm soát vé người vào.

Nhiều người gian lận, bằng cách nhảy qua, hay chui dưới những cổng tự động này, đôi khi cổng có người canh gác, đôi khi không, nhất là những lúc không phải giờ cao điểm. Có khi cảnh sát lên xe điện ngầm, soát vé hành khách không báo trước. Ai không có vé sẽ bị tạm giữ và phạt rất nặng. Số tiền phạt nhiều hơn số tiền mua vé hằng tháng. Người ta có thể làm nhụt chí những người cẩn thận, tuy nhiên có những người liều không chịu mua vé.

Nói dông dài để bạn thấy là trên xe điện ngầm, thỉnh thoảng mới có cảnh sát đi tuần. Thường thì không. Đường xe ngầm ở tiểu bang tôi ở không đến độ đông đúc chật chội, xe chạy trong thành phố cứ mười phút có một chuyến, rất tiện lợi.

Xe điện ngầm ở New York chật chội hơn, rất ít khi tôi gặp cảnh sát đi tuần. Những chương trình truyền hình đắt khách về thảm kịch của cuộc sống nhiều khi tả cảnh mò mẫm, hiếp dâm, đâm nhau, bắn nhau ngay trên xe điện mà hành khách đi chung xe dù biết nhưng vẫn tảng lờ vì sợ bị liên lụy.

Một lần trên xe điện ngầm, có một cô Việt Nam làm nghề báo chí, bị một anh hành khách hành hạ cặp mắt cô bằng cách tự sướng. Cô làm thinh không nói gì chỉ dùng cell phone chụp ảnh anh ta rồi đem báo cảnh sát. Trạm kế tiếp, anh ta bị cảnh sát chộp cổ có tang chứng hẳn hoi.

Tất cả những điều tôi biết qua báo chí về những chuyện xe cán chó trên xe điện ngầm nói cho tôi biết câu chuyện tôi nghe lóm và bây giờ tôi kể lại bạn nghe rất có thể là chuyện có thật.

Một cô bước lên xe điện ngầm. Buổi sáng, thường thì xe rất đông, không có chỗ trống. Sáng hôm ấy cô thấy có một vùng trống trải, dường như thiên hạ cố tình tránh chỗ ấy ra. Theo linh tính, cô cũng tìm cách tránh. Tuy nhiên tò mò cô cũng nhìn về hướng ấy. Đứng giữa chỗ trống ấy là một thanh niên đội cái mũ màu hồng có ăng ten như người từ Hỏa tinh mới đến. Trên tay là một cái kèn saxophone.  Khi cửa xe vừa đóng lại anh ta đưa kèn lên môi thổi ra những tiếng chát chúa không thành bài bản gì cả chỉ là những âm thanh xoáy vào tai. Mọi người bịt tai tìm cách lảng ra xa nhưng vô hiệu quả với âm thanh trong xe cửa đóng kín mít. Sau một vài giây tra tấn hành khách bằng âm thanh, anh ta thương hại mọi người nên ngừng thổi kèn, và với giọng rất biết điều anh ta nói: “Cho tôi tiền và tôi sẽ ngưng thổi kèn.”

Lúc anh chàng thổi kèn nhìn chung quanh với vẻ chờ đợi sự đáp ứng của mọi người thì đối diện với cô gái, cũng là người kể chuyện tôi nghe lóm, mặt mũi đầy nét khủng khiếp, thò tay vào túi lục soát lia lịa từ túi này đến túi kia, cuối cùng anh ta mừng rỡ đưa cao chùm chìa khóa lủng lẳng.

“Đây là chìa khóa vào căn hộ của tôi, anh có thể lấy chùm chìa khóa này xin anh đừng tra tấn tôi bằng âm thanh nữa.” Anh ta nói gần như hét.

Sau một hồi im lặng, anh đội mũ hồng có ăng ten, cúi đầu, im lặng bước qua toa khác.

Có bao giờ bạn ghét một loại âm nhạc nào đó mà bị bắt phải nghe? Hai đứa cháu gọi tôi bằng bác thường phản đối bố mẹ, nghe nhạc Việt, là sao loại nhạc này buồn bã thế. Ấy thế mà chúng nghe Requiem của Mozart thì chẳng sao. Âm thanh, ngay cả âm nhạc, nếu mà mình không thích loại nhạc ấy, hoặc là cường độ âm thanh quá mức, sẽ làm người nghe cảm thấy bị tra tấn hơn là được thưởng thức. Bạn nghĩ sao?

16 thoughts on “Nghe lóm”

  1. Hồi xưa, lúc mười mấy tuổi (nhỏ hơn 18), mỗi lần nghe ba bật Khánh Ly hay Thanh Thúy, em đều la làng và bỏ đi chỗ khác vì giọng nhừa nhựa, bực cả mình, trong khi ba mẹ ngồi bàn, hoài niệm về cái thời trước 75. Sau này lớn, lại đi sưu tập mấy file mp3 và nghe. Có khi nghe cùng cả nhà nghe ba bật băng cối những giọng nhừa nhựa đó rồi nghe ba mẹ lại kể, hoài niệm với vẻ thích thú và tò mò.

    Âm thanh, khi đã thành giai điệu, luôn là những vẻ đẹp tuyệt vời. 😉

    1. Rõ ràng là cách nhận định về nghệ thuật hay sự thưởng thức theo thói quen có đổi thay theo năm tháng. Do đó những cái mình thấy thích bây giờ về sau có thể sẽ chán. Và ngược lại cũng thế.

  2. Thông thường thì lỗ tai con người ở từng độ tuổi chấp nhận được một cường độ âm thanh cho phép nào đó nghĩa là, nó, cũng như BT nói, sự thưởng thức nghệ thuật thay đổi theo năm tháng. Ở VN thì có hai thứ tra tấn mà con người phải chịu: – âm thanh của nhạc trong các đám cưới và ngồi nhậu ở nhà hàng, tiệm nhậu vô phước ngồi bên một bàn mà cứ vài phút phải nghe: “một, hai, ba…DÔ, DÔ”!

  3. – “Có bao giờ bạn ghét một loại âm nhạc nào đó mà bị bắt phải nghe?”

    Ui!
    Dạ có chứ, “bị bắt phải nghe”…quá trời quá đất luôn đó, Bà Tám ơi! hihi…
    Ngay chính thời điểm 31/3-2014 ở thế kỷ 21 này, không những chỉ có một mình Bảo Vân cháu “bị bắt phải nghe”, mà cả 90 triệu dân VN, từ các cụ già lụm khụm cho đến các bé sơ sinh đỏ hỏn ở cái đất nước Việt Nam xhcn “xinh đẹp” này cũng đang bị tra tấn…”cưỡng hiếp màng nhĩ”…đều đặn sáng (5g – 7g), chiều (4g- 6g) hàng ngày…hàng ngày, đó Bà Tám!!! Hihi…

    – Dân khổ vì ô nhiễm : khói, bụi, tiếng ồn, nước (cống) ngập, và cái…LOA PHƯỜNG !

    (…)
    “Cứ khoảng 4 giờ chiều hàng ngày, bà Hoàng Thị Gái ru thằng cháu nội 5 tháng tuổi ngủ để bà đi nấu cơm chiều. Đứa bé vừa ngủ được chừng 15 phút thì tiếng loa phóng thanh oang oang vang lên ngay bên ngoài nhà bà.
    “Thằng bé khóc thét cả lên, mặt mày tím cả”, bà Gái, 61 tuổi, nói. “Mãi mà nó vẫn không quen được”.
    (…)
    “Thử tưởng tượng nếu anh sống cạnh cái loa, ai đó trong nhà anh ốm thập tử nhất sinh mà ngày ngày được nghe bài hát …”Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay”…xem sao!?”
    (…)
    “Mới mua nhà, vừa dọn đến ở, tảng sáng hôm sau, còn đang mơ màng, cả nhà ai cũng giật bắn người vì tiếng nhạc loa phường đột ngột “hét” lên, phá vỡ sự yên tĩnh đến bất ngờ: “Dù có đi 4 phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội…” Cái bài hát yêu thích một thời qua giọng ca Hồng Nhung mượt mà, giờ âm lượng mạnh và dữ dội như tra tấn, nhức óc…
    Chao ôi, hóa ra cái nhà tôi mua tọa sát chiếc cột điện, trên đó, chiếc loa phường “cong môi”, “loe miệng” ra rả như cái miệng mẹ Đốp lúc vả vào miệng xã trưởng, bốc ra từng câu nói của y bỏ vào …váy.
    Mà quả giống mẹ Đốp thật!”
    (…)
    (báo Tiền Phong điện tử.)

    hihi…

    1. Cái này phải gọi là bị tra tấn lỗ tai rồi!

      Làm nhớ lại gần 20 năm trời ở VN, gia đình DQ ở ngay cần cây cột điện có cái loa, ngày nào cũng bị tra tấn lỗ tai kiểu này đây.

  4. Haha. Cháu thích cái cách mà anh chàng đó xử lý, cái anh chàng chìa khóa căn hộ ấy. Cháu không thể ngừng tưởng tượng được. Nếu anh chàng thổi kèn cầm lấy chiếc chìa khóa đó, thì câu chuyện sẽ ra thế nào.

    1. Dĩ nhiên anh chàng thổi kèn sẽ không nhận chìa khóa vì thứ nhất có biết nhà tên này ở đâu, và nếu biết thì nhỡ nó báo cảnh sát trước vào nhà là bị tóm cổ, hoặc là nó vu cáo là mình đến trộm. Nhưng những chuyện ấy không nhất thiết phải xảy ra, người kia chỉ cần bỏ chìa khóa trở lại trong túi áo, không đưa thế thôi. 🙂

  5. Hồi em còn trẻ, cũng thích loi nhoi cùng Back street boys, cũng hát Lemon tree, nghe Spice girls… Còn giờ thì lớn rồi , ..nghe không vô nỗi, nó ồn ào đến ngạt thở làm sao đó . Lại chuyển sang nghe nhạc không lời.
    Chị kể những chuyện đời thường, chỉ đơn giản kể lại thôi mà nghe cuốn hút quá.

  6. Em bị một bạn tra tấn nhạc Ngọc Lan hàng ngày ở một công ty cũ em làm nhiều năm trước. Tuỳ gu nghe nhạc của từng người, em biết nhiều người thích nghe cô này hát nhưng với em thì giọng này quá ngọt, nghe rùng hết cả mình. Từ chỗ chơi thân thành ra ghét nhau vì nhạc luôn.

Leave a comment