Nghĩ về tựa đề của một quyển sách

Tôi nghe đọc hết quyển sách Colorless Tsukuru Tazaki and His Years of Pilgrimage, có một vài đoạn tôi thấy hay, tò mò dịch thử, đến cái tựa đề của quyển sách thì thấy khó dịch quá.

Tsukuru Tazaki, nhân vật chính trong truyện, có bốn người bạn rất thân. Mỗi cái họ của bốn người bạn này đều có mang một màu sắc. Thí dụ như Kei Akamatsu, Kei là tên, Akamatsu là họ. Trong chữ Akamatsu có chữ Aka có nghĩa là màu đỏ. Akamatsu có nghĩa là red pine, hay thông đỏ. Tsukuru Tazaki là người độc nhất trong nhóm năm người tên không ẩn chứa màu sắc vì thế gọi là colorless. Một người colorless cũng có nghĩa là người nhàn nhạt, không có gì đáng chú ý đặc biệt hay gây ấn tượng, bình thường, hay bình dị. Một người nếu được miêu tả là colorful thì chúng ta có thể hiểu là một người sống động, hào nhoáng, hay làm những chuyện khiến người khác chú ý đến mình. Nếu dịch Tsukuru Tazaka không màu thì không thể nói được bản chất của nhân vật.

Haruki Murakami là một trong những tác giả hay chơi chữ với tên của nhân vật. Ông phân tích, chơi chữ, và qua cái tên của nhân vật, người đọc có thể nhìn thấy cá tính của nhân vật. Trong quyển này, Murakami dường như cho rằng, cái tên của con người có thể ảnh hưởng đến cuộc đời của họ. Cái ảnh hưởng này có thể là định mệnh, cũng có thể vì người ta chú ý đến cái tên, mãi rồi nó nhập tâm. Một cách vô thức, người ta có những chọn lựa có thể ảnh hưởng đến cuộc đời, chỉ vì cái tên. Tsukuru vì có cái tên không màu, trong khi bốn người bạn thân của nhân vật đều có tên có màu, khiến Tsukuru chỉ có vẻ chơi thân chứ không thật sự là một thành phần của nhóm. Một người ở gần nhưng vẫn thuộc vòng ngoài. Chữ Tsukuru có hai cách viết, dùng chữ Trung quốc ghép vào để phát âm, một chữ có nghĩa sáng tạo (tinh thần), chữ kia có nghĩa là làm ra, xây dựng, xây cất nên (vật chất). Murakami cho độc giả cái ý nghĩ, nhân vật của ông, Tsukuru, chọn ngành kỹ sư vì cái tên (do bố đặt cho) có nghĩa là xây dựng, dù Tsukuru (như cái bóng của Murakami), có óc sáng tạo.

Years of Pilgrimage là tên của một bản nhạc của Franz Liszt. Liszt có những năm du hành ở châu Âu. Ông viết bản nhạc này là một bộ bao gồm ba “suite” (tôi không biết dịch là gì), chỉ biết đại khái suite là một loại nhạc được viết cho dương cầm hay vĩ cầm (hay một loại nhạc cụ nào đó). Suite có thể là một bản giao hưởng được trình diễn trong những buổi đại hòa tấu, cũng có thể là một bài hát để trình diễn trên sân khấu theo dạng opera. Một người bạn gái trong nhóm có tên Yuzuki Shirane, nghĩa là White Root hay rễ trắng, thích chơi bản số một trong bộ ba bản của Liszt, có tiêu đề “năm đầu tiên đi du hành ở Thụy Sĩ.” Liszt là một người rất lãng mạn, yêu thích văn thơ. Ông thường trích dẫn một đoạn văn hay đoạn thơ của một tác giả nổi tiếng đã gợi cảm hứng cho ông viết nhạc. Years of pilgrimage lấy từ ý một quyển truyện của Goethe, có nghĩa là những năm tháng lang thang.

Bốn người bạn thân bỗng dưng cùng một lúc đoạn tuyệt với Tsukuru Tazaki không một lời giải thích. Tsukuru trải qua những năm dài đau đớn và thắc mắc. Years of Pilgrimage nói lên cuộc hành trình trở về quá khứ của Tsukuru đi tìm lý do vì sao cả bốn người bạn đều cùng lúc tuyệt giao với mình. Chọn nghĩa hành trình của Tsukuru thì mất cái tên bản nhạc mà người bạn gái rất đẹp, Tsukuru thầm yêu, thường đánh đàn dương cầm. Bản nhạc này nằm trong tiềm thức của Tsukuru suốt mười mấy năm và người bạn gái thường trở về trong những giấc mơ của chàng.

Quyển này khi ra đời đã bán được hơn một triệu ấn bản trong tháng đầu tiên. Một nhà điểm sách trên báo New York Times đã tự hỏi vì sao một anh chàng, mọi nhân vật nam chính của Murakami đều như thế, lù khù chẳng có gì hấp dẫn lại có thể lôi cuốn người đọc đến hết quyển truyện. Tôi không nghĩ tôi là người si mê tiểu thuyết của Murakami, nhưng tôi tò mò muốn biết ông viết gì viết thế nào mà lôi cuốn nhiều độc giả như thế. Điểm đặc biệt của Murakami là ông tạo một bí mật, độc giả muốn biết ông sẽ khai mở bí mật này như thế nào, như một truyện trinh thám vậy. Truyện của Murakami đầy tình dục và bạo động. Đó cũng là một thu hút. Murakami cấu tạo nhân vật rất kỹ. Mỗi nhân vật đều có cá tính, cách ăn mặc, cách suy nghĩ riêng. Tôi thì đặc biệt thích cách viết siêu thực của ông. Ông mang những tình huống ma quái, thần bí, vào khung cảnh thực tế qua hình thức giấc mơ, lời kể, hay là sự tưởng tượng của một người bị bệnh tâm lý một cách dễ dàng và hợp lý.

Bạn nào thích đọc truyện, không ngại dài thì đọc ở đây

Dưới đây là bản nhạc mà Shiro (nghĩa là màu trắng, tên gọi tắt của Yuzuki Shirane,) thường hay đàn. Có người nào đó, chắc là fan của Murakami, đã upload lên youtube.

13 thoughts on “Nghĩ về tựa đề của một quyển sách”

  1. Em cũng thích sách của tác giả này. Có đôi khi đọc cả tháng mới xong hì hì vì có những đoạn không hiểu lắm lại gập sách lại rồi cất lên kệ để lâu lâu rồi mới bê xuống đọc lại đoạn đó…. Rồi lại cất.
    Chị phân tích luôn làm em thích đọc. Cám ơn chị.

    1. Có một nhà phê bình cũng đã hỏi rằng những câu văn khó hiểu của Murakami phải chăng là lỗi của người dịch. Trong quyển này có nhiều câu chị cũng không hiểu Murakami có ý gì. Cám ơn em đã đọc.

  2. Em cảm ơn chị vì đã chia sẻ cảm nhận về cuốn sách này. Một ngày gần đây chắc chắn em sẽ tìm đọc. Em không dám đọc Murakami nhiều, vì em khá tối màu, khi đọc truyện của Murakami em thường bị ám ảnh nên một lúc không đọc hết một cuốn được. Có điều đọc bài review của chị, tự nhiên em cũng lại muốn được đọc, muốn hành hương về những ngày cũ.

    1. Quyển này ngắn, dễ đọc, hơi u ám nhưng các bạn trẻ sẽ thấy phần nào tâm tình cũng như những uẩn khúc trong lòng mình phơi bày trên trang giấy. Chị nghĩ em sẽ thích nó nếu em thích Rừng Na Uy.

  3. Cháu thấy điểm thú vị nhât về sách của Murakami là nó thu hút độc giả từ những người rất trẻ tới những người đã khá đứng tuổi. Ai cũng có những cảm nhận rất riêng về chúng.

  4. Em chào chị, em cũng thích đọc Murakami vì thích cảm giác một mình chìm đắm vào những giằng xé nội tâm của các nhân vật mà ông ấy sáng tạo nên. Em nghĩ Murakami là một thiên tài khơi gợi bản ngã của con người khiến người đọc vừa mê say vừa sợ hãi vì ai cũng có một “góc tối tâm hồn” – Tình dục, bạo lực, khát vọng, cuồng điên, say mê, hủy hoại … Em cám ơn chị đã giới thiệu và viết review rất hay. Cuốn sách này em chưa đọc, nhưng em sẽ dành thời gian đọc ngay khi có thể. Vì chưa đọc nên em chưa dám biện giải gì về “colorless”, nhưng em trộm nghĩ “colorless” chưa hẳn là nhàn nhạt, vô vị; có thể nó là một kiểu đa nhân cách, vô ảnh hoặc là sự bùng nổ từ colourful mà thành chăng?

    1. Cám ơn em đã comment. Chị thích cách nghĩ của em về chữ colorless. Chị cũng khá lúng túng không biết dịch như thế nào về tựa đề quyển sách này. Nhân vật Tsukuru, ở cuối quyển sách, được Murakami bộc lộ qua lời nói của nhân vật nữ Eri là khá đẹp trai, ít nói, trầm tĩnh, có tư cách, thông minh. Anh ta tự nhìn thấy mình colorless nhưng chị nghĩ anh ta cũng có màu một thứ màu không sắc, trong trẻo, như màu của không khí 🙂

Leave a comment