Kỷ niệm nhỏ về sách miền Nam

Những tiếng vỗ tay rầm rộ về cuộc hội thảo hai mươi năm văn học miền Nam khiến tôi nhớ hai kỷ niệm nhỏ.

Không nhớ rõ là năm nào chỉ biết chắc là sau năm 75. Sách được tuôn ra bán trên vỉa hè. Sách bán trên vỉa hè đường Lê Lợi, trước nhà sách Khai Trí trước năm 75 là chuyện bình thường. Tôi nhớ đã mua mấy cuốn sách toán Đại số trên vỉa hè mang về nhà tự học. Nhưng sau năm 75, sách bán vỉa hè rầm rộ hơn. Những người bán sách đựng sách trong một cái thùng giấy carton, hay đổ sách ra trên một tấm bạt vừa bán vừa ngó dáo dác, chuẩn bị tóm gọn đồ hàng để chạy.

Tôi cũng mua được một số sách, bán rẻ, đại hạ giá người ta bán để tránh bị tịch thu. Trong số sách tôi mua, có một quyển dịch Thơ Đường, tôi không nhớ tên dịch giả chỉ biết quyển sách này đắt nhất trong số sách tôi mua. Sau năm 75, đám sinh viên năm thứ nhất Văn Khoa Sài gòn được khuyến khich, kêu gọi, xung phong đi quét dọn thành phố. Trong những lần tụ tập quét dọn hay học tập chính trị gì đó, tôi có quen với một anh sinh viên ngoài Bắc mới vào Nam, anh tên Kim Cương. Anh trắng trẻo, đẹp trai, hiền lành, đeo kính cận rất trí thức. Tôi khoe với anh tôi có tập thơ Đường, rất hay, tôi mua ở chợ trời khá đắt. Anh muốn mượn. Tôi đồng ý. Sau đó tôi kiss my book good bye. Tôi đi tìm anh mấy lần để đòi lại quyển sách nhưng anh biến mất. Có lẽ bước vào quyển sách và ở luôn trong đó. Quyển sách thì tội nghiệp, không biết đường đi tìm chủ nhân. Hay nó lại đi ngược ra chợ trời tự rao bán chính nó để có thể lại lọt vào tay một cô nàng ngu ngốc không dám ăn để dành tiền mua sách nào đó.

Số sách tạp nham tôi mua, không muốn nộp cho các tổ đi thu sách bài trừ văn hóa đồi trụy của Mỹ Ngụy, tôi nhét vào khe hở giữa mái nhà và trần nhà. Nhà tôi có một cái chái de ra, nới rộng căn nhà nhỏ bé đông người để bọn chúng tôi có chỗ ngủ. Cái chái này thấp thôi, nên tôi có thể đứng lên cái ghế và nhét sách vào chỗ hổng giữa nóc chái và tấm phông dưới mái để giảm sức nóng của mái tôn. Chẳng nhớ số sách tôi mang đi giấu có những quyển gì, chắc là vài cuốn tiểu thuyết dịch, vài cuốn thơ của Phạm Thiên Thư, Đinh Hùng, Nguyễn Tất Nhiên, triết lý cao lắm là đến cỡ Nói Với Tuổi Hai Mươi của thầy Thích Nhất Hạnh.

Một số sách còn lại tôi bỏ vào bao thòng qua vách tường chùa Giác Nguyên bên cạnh. Ngăn cái sân hẹp bên hông nhà tôi, nơi để giặt giũ, làm cá nấu cơm, là một hàng rào xi măng. Bên kia hàng rào, là cái liêu của một vị sư trẻ, cũng trắng trẻo, đeo mắt kính rất trí thức. Tôi không nhớ tên của thầy, chỉ nhớ mọi người đều gọi là thầy Giác Nguyên, kêu theo tên chùa. Tôi hỏi thầy, người ta kiểm kê bắt nộp sách, thầy cho con gửi sách được không. Thầy nói, được được.

Chùa Giác Nguyên ngày xưa chắc cũng nuôi nhiều thầy nằm vùng cho Cộng sản. Năm 74 tổ chức biểu tình um sùm, cảnh sát bắn lựu đạn cay vào chùa, nhà tôi bị cay sặc sụa. Tôi thòng bao sách qua bên chùa. Thày mang vào liêu, ít hôm sau thầy nói vọng qua, sách của tụi bây toàn là sách nhảm nhí, chẳng có cuốn nào giá trị. Thầy nói cũng đúng, toàn là sách thiếu nhi, tuổi ngọc, tuổi hoa của con nít đọc, và một số sách lá cải mua trên lề đường.

Rồi thôi, năm 1980 rời Việt Nam, tôi quên luôn. Năm 2007 chị tôi ở Việt Nam sang chơi kể lại. Số sách tôi nhét dưới mái của cái chái và tấm phông trần nhà, lâu ngày bị mối mục. Chị tôi phải thuê người tháo cả tấm phông và để lấy sách xuống vì tôi nhét, cuốn bên ngoài đẩy cuốn bên trong vào khá sâu nên không thể dùng cây khều ra. Có lẽ chị cũng chửi thầm, con quỷ đó nó phá của phá nhà. Đi ra khỏi nước rồi mà vẫn còn để lại những chuyện làm nhọc lòng gia đình.

Chuyện đời đáng học. Những thứ mình xem là quí thì nhiều khi chẳng quí nhiều như mình tưởng. Giá mà mình bắt chước những nhân vật trong phim Farenheit 451, cứ học thuộc lòng một quyển sách nào đó và biến tên của quyển sách thành tên của mình. Chỉ khổ một cái nhỡ mà mình học thuộc một quyển sách ba xu nào đó thì tên của mình sẽ là ba xu thì tội nghiệp biết bao nhiêu.

53 thoughts on “Kỷ niệm nhỏ về sách miền Nam”

  1. Nhắc tới sách trước ’75, hồi đó em mê đọc Tuổi Hoa (Hoa Tím, Hoa Xanh, Hoa Đỏ), mà lại chưa biết đọc. Sau ’75 chỉ còn vài cuốn. Có dạo trong trường bạn nào đó chép tay lại nguyên mấy cuốn truyện Tuổi Hoa trên vở học trò, nét chữ màu mực tím nắn nót rất đẹp, sau đó chuyền tay nhau đọc mê mẫn 🙂

    1. Sau 75 một thời gian ngắn, có Tuổi Hoa, từ San Diego, chủ bút Phạm Kim Vinh. Mỗi số chỉ 75 cents. Mình nhớ mỗi tháng háo hức chờ người đưa thư

      1. Qua Mỹ HN vẫn tiếp tục đọc tiếng Việt, có lẽ nhờ thế mà tiếng Việt rất giỏi. Còn mình chỉ cố gắng học tiếng Anh để đi làm, bỏ đọc tiếng Việt mấy chục năm. Vậy thành ra tiếng Việt thì quên còn tiếng Anh thì vẫn còn sai ba xí ba tú 🙂

  2. Nhà con hồi xưa bố mẹ cũng giữ lại được ít sách. Lúc đó con còn chưa sanh ra nữa, con cũng không biết bố mẹ giữ bằng cách nào, nhất là mấy sách của bố (truyện kiếm hiệp đó ạ :D) vì bố con sau 75 cũng phải đi học tập. Mà bố mẹ con hình như cũng quên luôn là có sách giữ lại, tới một hôm cái tủ đồ cũ trong nhà con bị sập vì mối ăn con mới moi ra được quá trời sách :D. Nhiều cuốn không còn đọc được nữa vì bị mối ăn hết nhưng còn lại được mấy cuốn chưa bị ăn con lụm ra dán bìa lại vẫn đọc được tốt lắm ạ.

      1. Nhà con thì chỉ có bố mê kiếm hiệp thôi ạ. Con bắt đầu đọc truyện kiếm hiệp cũng là bố chỉ cho đọc. Bố con mê Kim Dung nhưng cuốn truyện kiếm hiệp con lụm được sau này lại là truyện Cổ Long, chắc tại vậy mà sau này con lại mê truyện Cổ Long hơn :D. Hồi đó hình như bố con đọc truyện trên báo, bố kể hồi xưa truyện kiếm hiệp dịch đăng trên báo hàng tuần, bên kia Kim Dung viết tới đâu thì bên này dịch ra tới đó. Hồi đó cô thích đọc truyện nào nhất ạ?

        Có một cuốn trong mấy cuốn sách cũ của bố mẹ con giữ lại con rất thích là cuốn Cậu Hoàng Con do Trần Thiện Đạo dịch truyện Hoàng Tử Bé ra đó ạ. Con rất là thích bản dịch của Trần Thiện Đạo luôn ạ, thích từ cách dịch cái tựa là Cậu Hoàng Con thích đi luôn, tiếc là con không giữ được cuốn đó hichic.

        1. Cô thích Anh Hùng Xạ Điêu vì yêu cái anh chàng Quách Tĩnh, hơi khờ khờ ngố ngố. Cô cũng thích Tiếu Ngạo Giang Hồ không mấy ưa nhân vật nhưng thích những mẫu chuyện nho nhỏ lồng trong truyện như Tứ Đại Trang Chủ mỗi người một môn cầm kỳ thi họa. Thích Đoàn Dự giỏi về hoa trà, nói chung cô thích kiến thức uyên bác về cuộc đời Kim Dung đã mang vào truyện. Cô chưa đọc Cổ Long. Bây giờ thấy truyện chưởng dài quá cô ngán. Cô sợ cái kiểu kể chuyện dần lân đọc cả mấy chương vẫn còn đánh võ.

          1. Con cũng thích Quách Tĩnh và Anh Hùng Xạ Điêu nhất ạ, mặc dù đại đa số mọi người chê Quách Tĩnh ngốc ngốc. Truyện Cổ Long ngắn lắm ạ, cảnh đánh võ tả cũng ngắn không có dụng công tả chiêu thức nhiều như truyện Kim Dung. Hôm nào có dịp Cô đọc thử ạ :D.

  3. Chị Tám có đi dự hội thảo ở Cal. à? Hôm đó có người bạn rủ N. đi nhưng bận không đi được, tiếc thật!

    Chị nhắc đến sách Tuổi Hoa làm N. nhớ đến cuốn “Bên hàng dậu”, khg nhớ tên tác giả chỉ nhớ là loại Hoa tím, đến bây giờ vẫn còn nhớ mang máng:
    Truyện kể về 1 tác giả nữ mới, được mời dự hội thảo văn chương ở Đà lạt. Cô nàng mới nổi nên khá kênh kiệu. Cô bị 1 tay trong ban tổ chức lừa hiếp dâm nhưng thoát được, bỏ ngang buổi hội thảo về nhà xem qua tivi. Điều làm cô bất ngờ nhất là khi thấy anh chàng hàng xóm ở bên kia hàng dậu, người mà mới hôm qua gặp cô còn nghĩ là gã nông dân quê mùa biết gì là văn chương, lại là 1 nhà văn “thứ thiệt”, và là diễn giả chính của buổi hội thảo…..

    Ngày xưa N. cũng mê sách Tuổi Hoa lắm, vì thấy mỗi truyện sau khi đọc xong dường như có điều gì đó đáng để mình học. Như câu truyện “Bên hàng dậu” này…..
    Cám ơn chị Tám đã khơi nhớ những hồi ức đẹp về thuở học trò.

  4. Quyển sách thú vị nhỉ. Quyển này tôi chưa đọc.

    À, tôi không có đi dự hội thảo văn học miền Nam, chỉ thấy thư thông báo trên mạng. Đâu có biết gì về văn chương miền Nam mà hội thảo. Hồi đó chỉ đọc chút ít truyện trẻ con, kiếm hiệp, lớn lên một chút thì ra khỏi xứ rồi. Suốt thời gian ở Mỹ chỉ lo kiếm cơm thôi đâu có hoạt động văn học, nên chờ người ta đi hội thảo viết bài thì mình đọc.

    Cám ơn N. đã kể cho nghe chuyện “Bên Hàng Giậu”.

  5. Chį Tám ơi, hồi sáng khi viết cmmt bài này của Chị N. khg để ý là chưa sign in, sau khi posted rồi mới giật mình thấy đề Anonymuos, sorry Chị nhe.
    Nói là đi dự hội thảo cho oai vậy, chứ nếu N. có đi thì cũng chỉ ngồi nghe mấy bậc “tiền bối” nói thôi Chị à, hihihi….

  6. Hehe, chį Tám giỏi thiệt. Ẩn danh mà cũng bị Chị lật tẩy nữa. Nhân đây, cám ơn chị Tám vì nhờ reply của Chị mà N. mới biết mình đã sai chính tả “Bên Hàng GIẬU, chứ khg phải DẬU. Thường thì N. hay để ý lỗi chính tả khi viết, nhưng lâu lâu cũng bị “hố”, hic!

  7. “… tôi kiss my book good bye. Tôi đi tìm anh mấy lần để đòi lại quyển sách nhưng anh biến mất. Có lẽ bước vào quyển sách và ở luôn trong đó. Quyển sách thì tội nghiệp, không biết đường đi tìm chủ nhân. Hay nó lại đi ngược ra chợ trời tự rao bán chính nó để có thể lại lọt vào tay một cô nàng ngu ngốc không dám ăn để dành tiền mua sách nào đó…”
    Nghĩ thương và mến yêu cô học trò nhỏ vừa qua tuổi trăng tròn. (Một đam mê… một dại khờ… một tôi)
    Chúc Haiha vui.

  8. Sau 1975, các trường học miền Nam đều có chiến dịch bài trừ văn hóa cũ, tên gọi dài lê thê. Giáo viên chủ nhiệm thu sách gom từ gia đình, hàng xóm của học trò, em nào nộp nhiều được khen. chúng nó tận lực gom góp, không ai cần thống kê ghi tên sách, tác giả, nxb và năm xb, chỉ cần báo số lượng rồi nộp cho hội liên hiệp Thanh niên trường. HN “bèn” lấy một lô sách giáo khoa cũ của mình đổi những sách giá trị mà học sinh nộp, sách quý ngày đó đổi được chừng hơn 10 cuốn loại nghiên cứu, sách triết học, sách dịch. Hè 1977 HN bị cháy nhà, thế là “của tàu trả âm ty”. Cho hay có được một cuốn sách quý cũng là … duyên!

  9. Cách tốt nhất là tự an ủi mình rằng sách của mình phải hay thì mới bị mất! Giáo cũng rứa đó, mà đành cười trừ… Giờ thì quyết định du cư nên sách vở gì cũng cho tuốt luốt!

    1. Quyển thơ Đường ấy chắc hắn chẳng đọc đâu, làm gì biết đến hay hay dở. Nó mất vì nó đắt tiền đó cô Giáo ơi.

  10. Mấy bữa này cháu đang đọc 1 cuốn truyện khá hay, cốt truyện xoay quanh 1 quyển sách nằm trong “nghĩa trang sách,” không còn ai nhớ tới hay biết tới. Hôm nay vào đây lại được đọc những mảnh chuyện người thực việc thực dễ thương quá, cho dù ở hoàn cảnh nào mà sách bị hoặc buộc phải quên đều thấy hơi buồn.

    1. Cháu làm tôi ngạc nhiên quá. Hôm qua tôi sang blog của cháu, thấy viết toàn tiếng Anh chỉ có vài bài tiếng Việt nên tôi ngại không muốn comment bằng tiếng Việt. Mà viết tiếng Anh khi đầu óc mệt mỏi thì tôi rất ngại. Sáng nay thấy comment của cháu bằng tiếng Việt rất nhuyễn thì rất thú vị. Định hỏi cháu nghĩa trang sách là ở trong quyển nào nhưng sợ nó là tiếng Spanish hay tiếng Pháp thì lại mù. Nghĩa trang sách thì có lẽ ở đâu cũng có, có khi ở ngay chính trong nhà mình, những quyển sách mua rồi nhưng chưa đụng đến rồi quên luôn. Còn ở trong thư viện thì cả khối. Có biết bao nhiêu tác giả đã bị đời lãng quên hay chưa từng được biết đến?

  11. Sách cho mượn đi rồi là khó đòi lại lắm Bà Tám ơi. Bà Tám có những cách giấu sách thật độc đáo.

  12. Chị làm em nhớ thời bài trừ văn hóa đồi trụy của Mỹ- Ngụy. Một thời khó mà quên, nhà em cũng không thoát khỏi cảnh đem sách , báo, tạp chí, băng nhạc đi nộp vì sợ.

  13. hóa ra ngày ấy có phong trào bắt nộp sách, bài trừ văn hóa Mỹ ngụy. Em là thế hệ sau không biết đến điều này. Sách dù hay dù dở cũng nên được tự do ở với người.

  14. Độc giả của tôi toàn là dân đầu bạc, chỉ thích mail, không thích còm hay like. Chỉ có bạn là kiên nhẫn ‘Like’ trên trang blog lèo tèo của tôi. Đầu năm sang thăm đáp lễ bà 8 đây.

    Tôi chọn bài ” sách cũ” này để nói, vì tôi cũng một thời lang bang ở đường Lê Lợi, vào Khai Trí để xem chùa, nhưng mua thì qua Pasteur cho rẻ. NHững năm sau thì qua Đặng thị Nhu (?) có nhiều sách nghiên cứu.

    Đã lâu lắm rồi, tôi không còn thú đọc tiểu thuyết nữa. Nếu đọc, chỉ đọc lại những quyển mình đã đọc. Đọc lại và thấy mình hiểu khác so với hồi trẻ. Chẳng ai tắm ở dòng sông 2 lần.

    Tôi đã đọc lướt qua 1 số bài ở blog này, và thấy 2 điều:
    1- Một tùy bút hay, không cần là đề tài to lớn, hay dài ngắn, chỉ là mảng đời tầm thường, đơn giản hàng ngày, nhưng có thể tải đi những cảm xúc thật. câu chuyện gặp người đàn bà thất nghiệp ở trạm xe bus là thí dụ.
    2- Khi lòng trắc ẩn của con người không còn nữa, thì nhân loại sẽ sụp đổ.

    Khi tâm bình an, thì dù suy nghĩ hay hành động thất bại, vẫn còn chút gì hữu ích đọng lại.

    Xin chúc mọi người trên blog này (kể cả tôi) một năm mới bình an

    Vtt

  15. Cám ơn Bác quá bộ ghé thăm nhà Tám. Tám đoán Bác lớn hơn Tám vài ba tuổi. Có bạn cùng thế hệ trò chuyện rất vui. Còn gì thú vị hơn là mình viết mà có người đọc và đáp lời với ý nghĩ của mình, phải không Bác? Một trong những lý do mà người ta viết blog là muốn có người trò chuyện. Không phải cứ ở bên cạnh cùng trong nhà mà người ta có thể trò chuyện với nhau. Và nếu người ta có thể nói chuyện với nhau chưa chắc đã hợp chuyện. Rất vui được biết Bác. Chúc Bác và gia quyến năm mới vạn an. Riêng Bác xin chúc Bác sáng tác dồi dào, mắt sáng lưng khỏe để có thể viết cho vui lòng độc giả.

  16. 1. “Anh muốn mượn. Tôi đồng ý. Sau đó tôi kiss my book good bye. Tôi đi tìm anh mấy lần để đòi lại quyển sách nhưng anh biến mất. Có lẽ bước vào quyển sách và ở luôn trong đó. Quyển sách thì tội nghiệp, không biết đường đi tìm chủ nhân. Hay nó lại đi ngược ra chợ trời tự rao bán chính nó để có thể lại lọt vào tay một cô nàng ngu ngốc không dám ăn để dành tiền mua sách nào đó.” =) đọc đoạn này cười vang hihi

    2. “Nói với tuổi hai mươi” của thầy Nhất Hạnh, hồi đó mình mê lắm, còn chép tay tặng lại bạn nữa. Kiểu nói chuyện tỉ tê giáo dục tuổi mới lớn hồi đó cũng hiếm. Bây giờ thì cơ man nào trên kệ sách ngoài tiệm.

  17. Hôm qua tôi nghĩ đến những cuộc gặp gỡ. Blog chuyenbangquo chẳng hạn, có lẽ người đọc có cảm giác như tìm được tri kỷ: giọng văn vừa uyên bác vì có nhiều kiến thức và dùng ngôn ngữ tiếng Việt trong sáng, vừa rõ ràng, vừa dịu dàng, lại vừa khiêm tốn. Tôi nghĩ nhà bạn cũng đã tiếp rất nhiều bạn đọc như tôi, những người cảm giá như tìm được chân lý. Và rồi, khách đến rồi đi á mà. Có đôi người thỉng thoảng ghé lại, có đôi người biến mất hẳn.

    Tôi cũng nghĩ nhiều về facebook. Như mọi người nghiện khác, nếu không vào sợ mình bỏ lỡ gì đó 😎.

    Tôi từ nhỏ là một đứa trẻ nhút nhát và hay mặc cảm, không mở miệng giao tiếp với ai. Ý là thời trước. Tôi cũng trải qua một thời thơ ấu rất kinh khủng, cho đến khi tôi được về ở với mẹ tôi vào lớp 5. Từ đó thì cuộc sống bình yên. Tôi sống lặng lẽ, không có biết giao tiếp đến năm học xong đại học. Nhưng từ khi đi làm thì tôi hét ra lửa 😃 tức là dạn dĩ hơn nhiều.

    Quay trở lại với những cuộc gặp gỡ. Hồi xưa viết blog thì có nhóm bạn bè nhỏ đọc qua đọc về. Không hiểu sao có một làn sóng di dời, tôi tưởng blog chết hết, không hiểu vì sao, tôi cũng cùng đám đông bỏ nhà hoang cửa trống rồi ào ạt qua facebook, lẹ hơn, chớp nhoáng hơn, người thân tự nhiên cũng từ từ biến mất nhanh hơn, cuối cùng còn lại toàn người lạ. Thỉnh thoảng có một học trò gần 20 năm tìm được tôi, mừng mừng tủi tủi, nói qua nói về, rồi biến mất hẳn, y như là ôi em tìm được cô rồi, hóa ra cô vẫn còn tồn tại, yên tâm, rồi đi. Mà cũng có thể do tôi không quay lại hỏi han. Những người bạn, đám học trò, có khi tôi về thăm, gặp một lần, rồi thôi. Giống như đã nguôi ngoai. Lâu dần tôi cũng kết luận luôn mình là người nhạt nhẽo, ruột để ngoài da, nông cạn, nhưng cũng không sao. 😃

    Tôi nghĩ đến bạn, đọc nhiều, xem nhiều, cần mẫn góp nhặt, chả cần xã giao với quá nhiều người, giản dị, khiêm tốn, suy ngẫm, quan sát, đủ bận rộn nhưng vẫn dành thời gian quan tâm đúng mực và lâu lâu đón một bạn đọc từ đâu chui ra như tôi 🎶🎵 và họ biến mất như “kiss the book goodbye”, dù quyển sách thì đúng nghĩa là của mình.

    Người viết văn đúng là có những quan sát thú vị, như cái chuyện người sang đeo kim cương giả nhưng nhìn tưởng thật và người kém sang đeo đồ thật nhìn tưởng giả. Tôi có cảm giác bạn đi guốc trong bụng tôi vậy 😃😄 vì tôi cũng thấy và nghĩ như thế nhưng không bao giờ nghĩ là có thể viết ra ở đâu đó 🎶😃.

    Thôi tôi spam bạn như thế là nhiều rồi. Nói chung bạn gợi cho tôi nhiều kỷ niệm và suy nghĩ miên man. Gợi cho tôi nhớ đến một người tôi thầm yêu 10 năm trong lúc mặc cảm xấu xí, gợc cho tôi nhớ đến một vài người bạn tâm thư mà tôi chưa từng gặp ngoài đời.

    Năm năm tôi không làm thơ linh tinh và nữa vì facebook một phần nhỏ nhưng chính yếu là tôi nghĩ tôi đã tìm được một tình yêu đích thật, dù muộn, tôi nghĩ thế thôi, biết đâu một ngày kia nó lại biến mất như những cuộ gặp gỡ mà tôi nêu trên, bạn nhỉ.

    😍🎶

  18. Như Mai thân mến,

    Mình chưa hề gặp một người nào trong một thời gian ngắn lại chạm vào vết thương lòng của mình nhiều lần như thế. Mới hôm trước là chuyện con mèo. Hôm nay thì cái comment như một lá thư ngắn. Mình đọc lời Như Mai viết mà nước mắt lưng tròng, không, nó đầy tròng rồi rơi ra. Rồi như được khơi mở cái nút ngăn chận, dòng tâm sự của mình cũng tuôn trào ra thành những giọt nước mắt. Lâu lâu có một bạn đọc, có lẽ cùng tuổi, hay ít ra cùng thế hệ, hiểu nhiều biết nhiều những chuyện xảy ra thời xa xưa, cùng biết những quyển sách những bản nhạc. Bạn viết blog (quen với mình) như Như Mai không nhiều. Cũng hiếm người có cái nhạy cảm của nhà thơ, chạm được nỗi lòng của người khác bằng những câu đơn giản. Mỗi một người qua blog, trở thành bạn với mình, dần dần mình đâm ra yêu họ, như yêu con mèo hoang Boyfriend. Con mèo không phải của mình, ghé thăm, chơi, ăn rồi đi. Vậy mà vắng nó cũng buồn. Ý là nó chưa nói với mình câu nào. Người bạn blog nào khi bỏ đi rồi mình cũng tương tư, như tương tư Boyfriend. Mình vẫn dặn lòng đừng có gắn bó tư tưởng tâm hồn với ai. Cũng như mình tự bảo rằng sẽ không nuôi, cho ăn hay gắn bó với con mèo hoang nào khác. Nhưng…

    Cám ơn đã đi ngang đây. Nếu vẫn còn dùng facebook và muốn thêm mình vào nhóm bạn thì đây là facebook của mình. https://www.facebook.com/chuyenbangquo. Chưa quen nhiều nhưng đoán Như Mai là tay viết cừ khôi. Giọng văn chững chạc, tự tin. Người viết văn bao giờ cũng có cái nhạy bén, nhận ra ngay lập tức người nào có khả năng viết.

  19. Chuyện cho mượn sách và mất sách là chuyện không thể nào phai mờ được đối với tôi. Kinh hoàng lắm. B8 nghe qua là té xỉu liền, hi hi.

Leave a comment