Trả giá

Đi cắt tóc, nghe kể chuyện trả giá.

Cô thợ móng tay kể. Khách hàng có khi cũng mặc cả. Họ hỏi:

– Nếu tôi mang thuốc sơn móng tay của riêng tôi, thì có bớt giá không?

– Không, vẫn giữ nguyên giá.

Cô thợ nghĩ thầm. Nếu bớt giá thì số tiền thu vào sẽ giảm. Không những người chủ bị thiệt thòi mà người thợ cũng bị. Vì thường thường họ ăn hoa hồng có khi 50/50 có khi 60/40. Nước sơn chủ tiệm mua giá sỉ rất hời, nên nếu có giảm giá thì số tiền ấy quá nhỏ.

Một lần khác, người khách đến để được săn sóc bàn tay là một người tật nguyền. Bàn tay của bà khách chỉ có chín ngón thôi. Bà đòi được giảm giá tiền, bớt một phần mười tổng số tiền. Đòi hỏi của bà được chấp thuận.

Bà thợ cắt tóc cống hiến một câu chuyện khác. Bà cắt tóc tại nhà, sửa cái tầng hầm thành tiệm cắt tóc chui.

“Tôi cắt tóc đã mấy mươi năm. Khách hàng thường là thân chủ lâu năm. Có một gia đình người Việt thường đến tiệm tôi cắt tóc. Hai cậu bé con trai tôi cắt tóc từ khi các cậu mới bốn năm tuổi. Theo thông lệ cứ 6 tuần cắt một lần. Tiền cắt tóc là mười hai đồng một mái tóc đàn ông con trai. Nay các cậu đã lớn. Đến tuổi dậy thì, râu tóc các cậu mọc nhanh, 6 tuần tóc trở nên dài quá, khó chịu nên các cậu muốn cắt tóc cứ năm tuần một lần. Một cậu hỏi tôi.

– Mẹ cháu nói bây giờ cắt cứ năm tuần một lần thì bác giảm giá có được không?”

Bà thợ cắt tóc chấp thuận, bớt một đồng mỗi cái đầu, nhưng bực bội phân bua với tôi. “Sao họ không nghĩ đến tóc các cậu dày ra cứng hơn, làm mòn kéo của tôi. Vặt vãnh những người làm thuê đồng bào đồng hương từng đồng từng cắc như thế thật là keo kiệt.”

Tôi thử tính nhẩm để xem bà thợ cắt tóc có bị thiệt thòi hay không và nếu có thì thiệt thòi bao nhiêu. Trong một năm, 52 tuần, nếu đi hớt tóc 6 tuần một lần thì một năm bà hớt tóc sẽ hớt 52/6 = 8 lần. Thu vào: 8×12đồng = 96 đồng. Mỗi lần hớt tóc tốn chừng 15 phút x 8 lần = 120 phút = 2 giờ. Như thế bà thợ hớt tóc trung bình thu vào 48 đồng một giờ (tiền công và tiền dụng cụ). Nếu hớt tóc mỗi 5 tuần thì trong một năm bà hớt tóc 52/5 = 10 lần. Thu vào 10 x 11 đồng = 110 đồng. Thì giờ để hớt tóc 15 phút x 10 lần = 150 phút = 2.5 giờ. Như thế bà thu vào 110 đồng / 2.5 giờ = 44 đồng một giờ. Như thế bà bị giảm đi gần 9 phần trăm tiền công với chi phí dụng cụ. Gia đình người đến hớt tóc gồm bốn người nên số giảm bị nhân lên bốn lần. Tuy nhiên, bà giữ được bốn người khách hàng đó là điều đáng quan tâm hơn.

15 thoughts on “Trả giá”

  1. Quanh chỗ cháu trung bình 20 đồng 1 cái đầu, cho nên bọn sinh viên sang đây toàn tự xử!

    1. Ối, bác cho thế là chi li à? Thế bác giàu quá rồi. Bác có biết kỹ sư phải làm bao lâu mới được tăng lương từ 44 đồng/giờ đến 48 đồng/giờ không. Và bỗng nhiên bác bị sếp kêu vào giảm lương từ 48 đồng đến 44 đồng thì bác có kêu trời không. Lúc nãy tôi lười chứ nếu không tôi lôi mấy cái công thức kế toán tính giá thành bây giờ tương đương với giá thành tương lai ra tính thử. Có lẽ bác sẽ đổi tên Bà Tám thành ra Keo Nặng Kiệt mất. 🙂

  2. tính ra làm thợ tóc ko hề nghèo, chị hả :-). Và nữa em thấy thợ cắt tóc đàn ông “ngon” và “dễ ăn” hơn cắt tóc nữ…..vì Thgian ra thành phẩm nhanh và khả năng rủi ro (cắt hư) ít hơn nhiều so với cắt tóc nữ……

    Mai mốt muốn đổi nghề em sẽ consider…..:-)

  3. BT tính như vậy cũng đúng nhưng chưa chắc bà thợ hớt tóc đã phải chịu thiệt thòi. Mặc dầu tiền thâu vào hàng giờ bị giảm xuống 4 đô, nhưng lợi tức thâu vào lại tăng lên 14 đô mỗi đầu người, nhân 4 là thâu vào thêm được 56 đô trong năm. Bởi vậy cho nên hàng Mỹ vẫn hay bán “sale”, tiền lời cho mỗi món hàng ít hơn một tí, nhưng lại bán được nhiều hàng hơn. Vả lại, cũng còn tùy bà thợ tóc coi trọng 56 đô được thêm vào hay là 2 giờ bị mất đi không có để được ngồi đọc blog Bà Tám! 🙂

  4. Có nắm trong thương nghiệp mới biết, việc giảm giá cho khách đôi khi tạo ra tiền lệ .
    Vẫn biết chỉ là câu chuyện, nhưng Nguyenmk cũng từng làm chủ tiệm Pizzas việc giảm giá được dựa trên tem phiếu nên cũng không phải đôi co, thỉnh thoảng cũng gặp người trở chứng. Nhưng cũng không lỗ lã gì.
    Đôi dòng nhiều chuyện (hihi)chúc bà Tám luôn an vui.

    1. Chuyện bình thường mà. Người mua muốn mua với giá rẻ. Người bán muốn bán giá cao hơn. Trả giá là một cách thỏa thuận với cái giá cả hai bên đều tương đối hài lòng.

Leave a comment