Hệ lụy của tuyết

Đây là lần đầu tiên tôi dùng từ hệ lụy. Tôi đoán đây là chữ ghép từ quan hệ và liên lụy. Vì đoán nên rất có thể sai, xin bạn đọc đến đây hiểu dùm tôi muốn dùng từ hệ lụy theo nghĩa trên.

Bạn thấy nhiều rồi, trên blog này và nhiều blog khác. Tuyết đẹp. Nhưng sau đó là trơn trợt. Người ta ngã gãy tay chân, xương chậu, nằm nhà thương. Một nhân viên của công ty tôi trượt ngã trước công ty đệ đơn thưa, sau đó được đền tiền, nghe nói rất nhiều. Cả chục năm sau vẫn đi khập khiễng chống gậy.

Cái đẹp của tuyết, có khi chụp được vào ảnh, nhiều khi không. Mấy hôm nay trời ấm, sáng qua có sương mù dày đặc. Cái hồ trắng nằm giữa cánh rừng trắng hôm qua vẫn là hồ trắng bị bao phủ bởi lớp sương trắng, dày như lớp thạch, tưởng chừng có thể cắt bằng dao. Xe lửa chạy vụt qua, tôi ngó ngoái lại, thấy cánh rừng đã trở thành màu đen vì tuyết không còn bám trên cây.

Đóa hoa đơn độc
Enter a caption
Khoác áo tuyết
Enter a caption
nẻo tuyết
Enter a caption
Cây tùng đầu ngõ
Enter a caption
Chờ người
Enter a caption
cottage
Enter a caption
Tịch liêu
Enter a caption
soi bóng
Enter a caption
tuyết vẫn còn vương
Enter a caption
hàng tùng cạnh rào
Enter a caption
Vẫn tuyết
Enter a caption
viền quanh
Enter a caption
tùng mâm xôi
Enter a caption

Liên tiếp mấy ngày, tôi đi bộ vào lúc giữa trưa. Những công viên vẫn còn phủ lớp tuyết mỏng, lối đi chưa được dọn sạch, ướt át, bẩn thỉu. Sau khi lớp tuyết trắng tinh khôi phủ cả bề mặt của thành phố tan, tất cả những cái xấu tệ bẩn dần dần lộ ra. Lon nhôm, chai nhựa, bao thuốc, rác đủ loại, tuyết tan thành nước, bụi khói xe, đất nhão biến thành bùn đen bám đầy trên tuyết đóng nham nhở hai bên vệ đường. Ổ gà trên đường sau mùa đông biến thành ổ voi hay ổ khủng long, suốt cả chiều dài con đường, vô số không thể đếm hết.

Vậy đó, mấy hôm tuyết trắng tôi cứ nghĩ đến một đoạn thơ của Nguyễn Bính. Đoạn thơ buồn nói về đám tang của một cô gái trẻ, sợ viết ra bạn đọc không vui. Nhưng đoạn thơ cứ trở đi trở lại mãi trong đầu tôi, nhất là khi tôi nhìn thấy màu đen xỉn của bùn đất ô uế đóng trên tuyết.

Chiều về chầm chậm trong hiu quạnh
Tơ liễu kéo nhau chạy xuống hồ
Tôi thấy quanh tôi và tất cả
Châu thành Hà Nội chít khăn sô.

Có một chiếc xe màu trắng đục
Hai con ngựa trắng xếp hàng đôi
Theo sau một cỗ quan tài trắng
Với những bông hoa trắng lạnh người
Theo gót những người khăn áo trắng
Khóc hồn trinh trắng mãi không thôi.

Chép theo trí nhớ, bài thơ được phổ nhạc, tôi nhớ theo ca từ, nên có thể không đúng với nguyên bản. Tôi cũng không chắc là của Nguyễn Bính. Nhớ bài thơ vì cái màu trắng. Mà đám tang ở Tây phương người ta mặc toàn đen.

Trên đường đi bộ, tôi ghé một chợ bán nông phẩm của người Hàn. Chủ nhân cứ nhìn mình với đôi mắt cú vọ vì sợ mình ăn cắp, chẳng kể đó là người Á hay Mỹ, da màu vàng hay màu xanh lá cây hay màu tím ngắt. Tôi mua ba trái táo vàng, và một hộp blue berries. Ra khỏi chợ khoảng chục bước, bên kia đường tôi gặp một người phụ nữ trạc năm mươi, hay trẻ hơn. Bà nhìn tôi, vừa nói vừa chỉ vào mồm. “Bà có gì cho tôi ăn không?” Tôi lắc đầu, đi được dăm bước chợt nhớ ra trong túi xách của mình có thức ăn mới mua. Tôi quay trở lại đưa cho bà quả táo. Bà lắc đầu, nói: “Ưm, tôi không thích táo. Nếu có quả cam thì tốt hơn.” Tôi nghĩ thầm, người Mỹ có câu “a beggar can’t choose” thế mà bà này kèn cựa với mình. Tôi đoán có thể vì táo cứng, và răng bà yếu. Tôi đưa bà hộp blue berries, mặt bà sáng lên.

Tôi đang ở trong trạng thái chẳng suy nghĩ gì được. Cuộc sống bình thường trôi qua, không có gì để kể. Hôm trước thấy ở một blog nào đó có nhắc đến Shadow of the Wind, tôi mượn sách audio về nghe. Quyển sách hấp dẫn nhưng buổi chiều đi làm về tôi cứ ngủ gục, thức dậy thì đã mất mấy chương trong sách. Tôi cũng cố đọc Slaughter House Five của Vonnegut nhưng đầu óc cứ la đà đi hoang. Dự định đọc xong quyển này sẽ đọc Catch-22 và một quyển của Thucydides để có khái niệm người ta viết gì về chiến tranh, nhưng ngó bộ không xong. Tôi có mấy quyển sách đọc dang dở rồi nhảy qua quyển khác. Trong đó có một quyển mới mua là Japanese dolls, và một quyển về phim cua Wes Anderson tha ở thư viện về từ hồi mấy tuần trước gần hết hạn mà chưa đọc xong.

Ha, tôi đi từ tuyết bẩn sang đến sách chưa đọc, lan man quá, xin bạn đừng chấp.

27 thoughts on “Hệ lụy của tuyết”

  1. I think every beauty has its own share of ugly. Balance is the key. Or more so how you look at things. The slide show is beautiful, by the way.

    Stay warm now. 🙂

  2. Có lẽ là “hệ quả” và “liên lụy”, từ này thường dùng cho trường hợp vấn đề kéo theo mang tính tiêu cực. Dẫn tới, xảy ra điều không tốt.
    Và viết là “giùm” chứ không phải “dùm”!

    1. Cám ơn Viện Hàn Lâm. Người miền Nam viết là dùm, người miền Bắc viết là giùm. Cả hai chữ đều viết theo thói quen phát âm của mỗi miền.

    2. Người miền Nam trước kia cũng không dùng chữ hệ quả. Tôi chỉ thấy chữ hệ quả sau này, trước kia dùng hậu quả. Dẫu sao đó cũng chỉ là do thói quen của mỗi miền mỗi thời.

      1. Ồ xin lỗi, tôi không để ý đến yếu tố không gian, thời gian. Tôi lại cứ căn cứ vào từ điển. Mà quyển từ điển cũng chưa chắc đúng. Sorry!

  3. Đọc xong bài chị Tám viết tôi bỗng nghĩ: hình như tác giả đang có những ngày “không dễ chịu” cho lắm, khg biết đúng hông?

    1. Ui chao, nhiều khi tôi viết vội nên lời lẽ có vẻ như gắt gỏng. Không có gì đâu N. Dĩ nhiên có những ngày không dễ chịu nhưng hôm qua thì bình thường. Không dè tựa đề của bài thơ của N. lại ngấm vào đầu tôi nên dùng mà không biết là mình ăn trộm 🙂

    1. Mình cũng có cùng ý nghĩ của Stef. Nếu có một trận mưa to, cuốn trôi bớt bụi rác, trả lại vẻ sạch sẽ của đường phố.

  4. mấy tấm hình tuyết chị chụp, em nghĩ làm nền card giáng sinh chắc đẹp lắm!!! thích màu cánh rung đen nổi bật trên nền tuyết…!!!

  5. Đừng lo “chuyện tuyết” hay “chuyện sách”, chuyện nào khi BT kể đọc cũng thấy vui và sau nó có chuyện để người đọc ngẩm nghĩ. Cám ơn tuyết, cám ơn BT, những tấm hình nhìn rất bắt mắt.

  6. Hà nhắc tới đoạn thơ ” viếng hồn trinh nữ ” của Nguyễn Bính, hình ảnh thầy Thành dạy cổ văn bỗng trở về trong trí nhớ mình, không phải vì thầy ngâm thơ hay dạy hay mà vì ông tịch thu quyển thơ của Nguyễn Bính vì cô bạn kế bên mượn và lật xem trong giờ học. Mình đã rất khổ sở vì quyển nầy mình mượn của người ta vậy mà năn nỉ hoài ông cũng không trả lại.

    1. Tập nhạc của HA, ai mượn vậy HA? Chuyện này Hà không nhớ. Hồi còn đi học hình như Hà không ngồi cạnh HA vì Hà nhớ mình ngồi bàn đầu, HA ngồi bàn sau hình cạnh Hồng thị Tuyết.

  7. Những bức ảnh về tuyết thật đẹp chị ạ. Người ngắm thì thích, chỉ khổ cho những người sống nơi đây thôi. Em mà sống ở nơi lạnh thế này thì ko biết có chịu nổi ko :D.

    1. Cám ơn Huệ Hương đã khen ảnh đẹp. Ở đâu quen đó, ban đầu lạnh lắm nhưng mãi rồi cơ thể mình ráng thích ứng với khí hậu. Coi vậy chứ khả năng chịu đựng của con người cũng khá lớn đó HH. Bây giờ lớn tuổi nhìn lại thấy người VN mình chịu khổ cực rất giỏi, có lẽ do hoàn cảnh đất nước xã hội khiến mình luôn “khắc phục khó khăn.” 🙂

Leave a comment