Ăn tối ở quán của người Peru

Ông Tám đi Texas từ hôm thứ Ba. Hôm qua, thứ Tư (3/18/15) tôi ra lệnh cho cô út chịu trách nhiệm về bữa ăn tối. Chịu trách nhiệm có nghĩa tìm nhà hàng nào cô muốn thử chứ tôi không bắt cô nấu ăn. Nhà còn nhiều thức ăn thừa từ bữa trước nhưng vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm nên hai mẹ con tôi tiêu hoang một chút.

Buổi chiều đi làm về, cô đưa ra một danh sách nhà hàng ăn chung quanh chỗ tôi ở. Đầu danh sách là một nhà hàng của người Peru. Người Peru tiếng Anh là Peruvian. Tiếng Việt có chữ dành riêng cho chữ Peruvian không?

Đã từ lâu tôi có phần nào chú ý đến văn hóa của người Peru. Có lẽ vì cô bé nhân viên của thư viện là người gốc Peru. Cô thường tổ chức những buổi triển lãm về văn hóa Peru, có khi cô mời người ta đến dạy nấu ăn theo kiểu người Peru. Hôm ấy tôi bận không đến được nên cô hứa sẽ tìm cho tôi cách nấu món ăn về cá của người Peru. Cô nói là ngon lắm.

Peru nằm cạnh Chile, Brazil, Ecuador, Columbia thuộc nền văn hóa Nam Mỹ. Tôi tưởng tượng đến đồ cổ Inca, bộ phim cây đàn phong cầm có cái đầu quỷ sứ, đến xứ sở của Machu Picchu, đến rừng Amazon và những phim phiêu lưu mạo hiểm tôi đã xem nhưng không còn nhớ tên. Chưa đi đến những chỗ này nhưng được thưởng thức món ăn thì cũng … đã!

Thế là tôi hồ hởi đưa cô út đến nhà hàng này. Không xa nhà chỉ độ mười phút lái xe (1.7 miles). Có chỗ đậu xe ngay trước nhà hàng. Thật ra đây chỉ là một quán ăn nhỏ, tương tự như một tiệm take out của Chinese food. Quán ăn có độ mười bàn dành cho bốn người. Trên tường có trang trí vài bức tranh màu sắc rực rỡ, những cái nón fedora và lọ gốm, và một số đồ trang trí kiểu Inca rất đẹp mắt.

Thực đơn có khoảng 5 hay 6 trang, dùng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh. Tôi chọn ngay món cá. Còn cô út chọn món thịt bò với mì linguini. Món cá, tôi thấy đề trong thực đơn có cá cắt thành miếng nhỏ (chunk), bắp, khoai lang, xà lách, với nước sốt chanh. Món mì của cô út ảnh chụp khá hấp dẫn. Cả tiếp viên lẫn chủ quán đều không nói rành tiếng Anh. Khi tôi đến tôi thấy gia đình của chủ quán đang ăn tối ngay trong quán. Chập sau người chồng đưa hai đứa con về. Thức uống, tôi thấy trong thực đơn có món nước bắp tím. Ở Mỹ, tôi thấy người thổ dân có trồng loại bắp hạt màu tím. Tôi tưởng tượng đây là một loại rượu ủ bằng bắp tím. Cô út thì nghĩ là một loại smoothie (bắp xay làm thành sinh tố). Tôi gọi một ly nước bắp tím.

Khi người ta mang nước bắp tím ra, nước đóng thành chai, tương tự như chai nước táo nước nho của Mỹ. Nước bắp tím, rất ngọt, không biết bao nhiêu chất ngọt là từ bắp hay chỉ là nước đường pha màu tím. Không có mùi bắp. Nước nho ít ra còn có mùi nho. Từ mấy chục năm nay, tôi không uống nước ngọt, chỉ uống trà và nước lã. Thậm chí cà phê cũng không cho đường. Wine (rượu nho) cũng chỉ thích loại dry (hơi chát và có vị chua) chứ không thích uống loại ngọt. Tôi uống một phần ba rồi thôi.

Người ta mang ra một đĩa cá thật to. Miếng khoai cắt vuông vức màu cam đậm rất bắt mắt. Cá được cắt thành miếng nhỏ độ một lóng tay, màu trắng đục, như thể trộn trong sốt mayonaise, có hai miếng lá cải xà lách xanh biếc, một khúc bắp chừng bốn phân, hạt bắp to cỡ nửa lóng tay, màu trắng gần như trong suốt. Trên cá có một lá rong biển khô màu nâu cắt lua tua đẹp mắt. Cá có trộn một loại gia vị gì đó rất cay có thể là ớt xanh. Rất ngon. Chỉ tội một điều đây là cá sống mà tôi không ăn cá sống kể cả sushi. Khi gọi tôi không biết là món cá sống. Tôi thấy có đề chữ salad, nhưng tưởng đây là loại xà lách ăn kèm. Nước sốt hơi loãng. Lỗi của mình không hỏi cho rõ ràng. Mà cũng không dám hỏi nhiều vì người tiếp viên và chủ quán đều nói tiếng Anh rất khó khăn. Đầu bếp là một anh tóc bù xù, dài quá vai, được cột thành cái đuôi, hoàn toàn không nói tiếng Anh.

Đĩa thức ăn của cô út càng to hơn. Món thịt bò dường như được giã ra làm thành một thứ như chả chiên, ăn với mì linguini có sốt màu xanh chẳng biết làm bằng gì. Thịt thơm ngon. Khai vị thì có món bắp khô rang từng hạt to như đậu phọng, không nở như pop corn, chấm với một thứ nước sốt màu xanh, hơi béo.

Về nhà, tôi hơi lo chẳng biết có bị bệnh không, nhưng ngay lúc này, bụng vẫn bình yên.

Tóm lại, tôi có phần nào thất vọng, có lẽ vì nó khác với sự tưởng tượng của tôi, và vì nó khác với thói quen của tôi. Thế, dù cho có được thưởng thức một nền văn hóa văn minh khác lạ, mới mẻ hơn cuộc sống của mình, mà mình vẫn sống vẫn thở vẫn hưởng thụ bằng một khuôn khổ cũ thì không thể nào cảm nhận được cái hay cái ngon của một đời sống khác. Tiếc là không mang theo máy ảnh, cũng ngại ngần không bảo cô út chụp vài tấm ảnh.

27 thoughts on “Ăn tối ở quán của người Peru”

  1. Cháu chưa bao giờ thưởng thức món ăn Peru, nhưng một lần vào nhà hang Afghanistan thì vô cùng thích thú vì ăn bốc. Gia vị rất đậm đà. Nghĩ mà hay, cũng những thành phần cá thịt như vậy, mà mỗi xứ có cách chế biến khác hẳn nhau.

    1. Cô út nhà mình rủ đi ăn nhà hàng Phi châu và Ấn Độ, mình còn ngại ngần, và chuyện ăn bốc thì chưa nghĩ tới. Nghĩ cho cùng, người VN mình cũng có khi ăn bốc, như nắm xôi, gỏi cuốn, nhưng ăn bốc kiểu người ta thì thấy ngại ngại làm sao ấy. phải không Stef?

      1. Không quen thấy vụng về, nhưng lúc đó. nhóm bạn quen nên cháu không ngại. Cứ vét quẹt thoải mái.

      2. Nói chuyện ăn bốc làm Nmk nhớ lúc vượt biển được tàu hàng hải người Nam Dương cứu, lúc bày biện buổi ăn chiều cho 17 người họ để trên bàn muỗng đũa đầy đủ nấu món ăn Việt ngồi bàn ăn. Còn họ thì ngồi đất ăn bốc làm Nmk vừa ngạc nhiên vừa ngại ngùn và cho đến giờ vẫn chưa hoàn thành ý nguyện đi thăm tạ ơn đoàn thủy thủ và viên thuyền trưởng của con tàu cứu vớt năm xưa.

          1. Haha! 6 ngày lênh đênh trên biển họ cho nhiều chứ ăn được bao nhiêu, đói khát thật nhưng mừng quá đâm no bà Tám ơi ☺

  2. vậy là bà chị thuộc loại dân Mẽo chính gốc Việt như tui LOL Ăn đâu loanh quanh rùi cũng quay về với phở, bún bò 🙂

    1. Ừa, haha, hồi viết tôi không nhớ chuyện DH đi ăn nhà hàng Pháp, nhưng thiệt là mình vốn quen với phở, bún bò; gốc phèn thấm vào trong máu rồi, không thay đổi dù muốn hay không thì cũng rứa.

  3. Hi, thế thì e cũng thuộc kiểu phèn ngấm vào máu. Dù ăn món Tây, lạ, muốn thử nhưng rốt cuộc vẫn thích trung thành với cơm, với những món bình dân là ngon nhất. Ăn gì mà ko được ăn cơm là thấy thiếu, thấy thèm, nhớ :D.

  4. DQ nấu ăn giỏi như vậy ông tiên của DQ đâu có đi ăn nhà hàng làm gì. Sợ nhà hàng nấu không bằng bà xã nữa á.

    1. Một người làm việc chung người Ấn Độ có lần mang món cơm chiên với yogurt ăn rất ngon, nhưng chị ớn mùi cà ri.

    1. Mình quên không mang máy ảnh. Cô út có phone nhưng mình cũng quên bảo cô nàng chụp. Mấy tuần nay HA có đi chơi đâu không?

  5. “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn…là cái ao!”. Tuổi anh em mình đều vậy cả Tám à nhưng có điều kiện tiếp cận thức ăn các nước khác thì HN nghĩ, rất nên. Có một điều không biết Tám quên hay tránh không nhắc đến là… giá cả. Vấn đề là nó có tương xứng với món ăn hem?

    1. Cám ơn HN ghé thăm, lâu ngày HN mê mải với facebook nên không thấy blog nữa. Giá thì tương đối khá mắc cho một nhà hàng bình dân. Họ không mang nước lã hay nước trà cho khách hàng uống không tốn tiền như các nhà hàng khác. Nước, hai đồng một chai. Chai nước bắp ba đồng. Đĩa cá của Tám gần 13 đồng. Đĩa mì của cô út gần 15 đồng. Bữa ăn của hai mẹ con là gần 33 đồng (có tính thuế 7 phần trăm nhưng không ghi tiền thuế trên hóa đơn). Mắc so với những tiệm buffet của người Tàu, nhà hàng Tàu, ngay cả với nhà hàng Mỹ bậc trung bình thì cũng mắc. Cách phục vụ thì tương tự như các tiệm phở bình dân của người Việt.

  6. Những món ăn lạ, một phần có thể do khẩu vị của mình không quen, phần khác, có khi là do đầu bếp nấu dở hihi. Nước bắp tím gọi là chicha morada rất ngon, thanh và dễ nấu, cô có thể tự làm ở nhà: luộc bắp tím với táo xanh, thêm quế và đinh hương nếu thích, đun nhỏ lửa 30′ đến 1 tiếng. Vắt chanh và cho đường theo khẩu vị. Làm đồ uống mùa hè khỏi cần quế và đinh hương, cho vô tủ lạnh uống tuyệt vời.
    Peru còn một món nổi tiếng là ceviche: cá tôm sống, “nấu” bằng nước chanh và muối. Chu choa. Ai thích đồ biển đảm bảo sẽ mê.

    1. Cám ơn cháu. Thật ra món cá tôi ăn tối hôm đó rất ngon. Tuy nhiên vì là cá sống tôi ăn mà sợ sợ. Peru có bờ biển khá dài nên nhiều hải sản và cách chế biến hải sản. Cá, tôm, sò mực mới bắt lên vắt chanh cho muối, củ hành ăn ngon lịm cả người đi chứ. Nhưng cá ở nhà hàng New Jersey mình đâu có biết nó đông lạnh từ thời nào, mua của Tàu hay xứ nào, bởi vậy nên tôi ăn không mạnh miệng. Một phần là vì tôi không thích ăn cá sống thịt sống. Còn nước bắp luộc thì tự nó đã ngọt rồi dù chỉ là bắp bình thường. Tôi ít khi uống nước ngọt bởi vậy thấy nước bắp người ta bán trong chai ngọt quá độ. Thật tình, người già sống theo thói quen. Tôi quen ăn uống thanh đạm. Ra khỏi cái cách sống cách ăn uống quen thuộc của mình thì không thấy ngon nữa.

  7. Chào bác Tr. Chân bác hôm nay đã đỡ chưa? Thấy bác đi bằng cái nạng mà thấy tuổi già thảm quá. LLosa sinh tháng 3 năm 1936. Bác sinh tháng 8 1937. Vậy là Llosa lớn tuổi hơn bác. Tám có đọc một tập tiểu luận của Llosa, thời ông còn trẻ là columnist. Còn tiểu thuyết của ông nhiều quá và dài quá nên Tám đọc nhếch nhác mỗi quyển một vài chapters rồi thôi. Định lúc nào siêng chút sẽ đọc thêm. Chẳng nhớ gì về ông, ngay cả lúc viết blog này cũng nghĩ đến Llosa nhưng lại ngờ ngợ tưởng ông là người Chile. Chuyện nhảm nhưng lại nhớ nhiều nhất là ông là người tát tai Marquez vì Marquez đào hoa tán giỏi và tán vợ ông.

  8. Em thú vị với quán ăn Peru này quá, giá mà chị chụp lại vài tấm để những người gần như không có dịp đi đâu xa như em được thưởng thức ké.

Leave a comment