Nhìn lại mình

Âm nhạc VN có nhiều câu nhìn về bản thân. TCS có “tôi chợt nhìn ra tôi” và “nhìn lại mình đời đã xanh rêu.” Còn một câu nữa tôi không nhớ của ai, “và khi thức dậy tôi tìm thấy tôi.” Thỉnh thoảng không cố ý nhưng tôi nhìn thấy tôi, qua đám đông.

Ông Tám được mời dự tiệc, mừng sinh nhật tám mươi của một người quen. Ông này là nhà thơ, viết cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, được nhiều giải thưởng, có một giải thưởng tiền năm ngàn Mỹ kim và nhiều cúp được trưng trong tủ kính. Tôi được đi theo với tư cách là bà Tám. Ở Mỹ lâu năm, ảnh hưởng suy nghĩ độc lập của phụ nữ Tây phương, tôi ngạc nhiên và thú vị nhận ra, mình là một phụ thuộc của ông chồng, như một cái cánh hay cái bẹ sườn. Ở buổi tiệc, tôi được giới thiệu chung với ông Tám, vợ chồng (nghề nghiệp của) ông Tám.

Trước khi đi tôi trang điểm. Chẳng biết tôi bỏ trang điểm từ bao lâu, mà bàn phấn đóng bụi một lớp dày, đèn trên bàn phấn đã đứt bóng, phấn son khô cứng, mở ra kiểm soát và ném đi một số. Còn một số son phấn mới chưa dùng nên khui ra mở ra dùng. Ông Tám nói đã lau bụi một lần rồi nếu không là bụi còn dày nữa. Chợt nhận ra, khi bạn mình mừng tuổi tám mươi thì mình cũng “up there.” Đa số người dự tiệc đều ở tuổi cổ lai hy. Nhớ ngày nào mình đi dự tiệc, bạn bè ở tuổi ba mươi bốn mươi, mình nhìn ngó áo quần son phấn dép giày. Bây giờ mình ngó nhìn “tóc nào hãy còn xanh,” nụ cười nào có hàm trăng trắng khác thường, giữa những người nhiều tuổi hơn thì mình cũng chẳng còn “cho ta chút hồn nhiên.”

Bữa tiệc sinh nhật tám mươi chỉ là cái cớ phụ. Nguyên do chính là buổi họp mặt của quí vị đã từng ở tù cải tạo. Họ gặp nhau lần này là lần thứ bảy. Giữa tháng Tư, với cái nỗi buồn cuối tháng Tư sắp đến, buổi họp mặt tạo nhiều cảm xúc trong tôi. Tổ chức trong lều ở sân sau, hôm qua nắng vàng tràn trề nhưng gió vẫn còn khá lạnh. Đầu tiên là chào quốc kỳ Hoa Kỳ, tôi ở Mỹ mấy chục năm vẫn không thuộc bài quốc ca Hoa Kỳ, và bao giờ cũng vậy, mỗi khi nghe chào cờ VN, với bài VN, VN nghe từ vào đời, VN hai câu nói trên vành môi VN nước tôi, là tôi chảy nước mắt. Cúi đầu để nước mắt chảy không dám lau, sợ người ta thấy mình mít ướt. Tôi thấy thương cho những người thế hệ trước tôi. Những người bị tù đày ít là 6 năm, thường là 9 năm, và không ít người bị tù cả 12 năm. Họ đến từ Boston, California, Washington DC. và dĩ nhiên NJ. Một điều rất vui là các ông và quí phu nhân tuy đã cao tuổi nhưng vẫn còn rất khỏe. Đi đứng nhanh nhẹn, trí óc minh mẫn, vẫn khôi hài dí dỏm. Họ gặp nhau không hỏi chuyện giàu nghèo mà nhắc lại thời ở tù, người nào ăn gián, ăn cào cào châu chấu.

Thấy thương cho một thế hệ của người Việt quá.

15 thoughts on “Nhìn lại mình”

    1. Chiến tranh xảy ra ở xứ mình do bàn tay của kẻ khác, ngoài ý muốn của đôi bên. Khi guồng máy chiến tranh đã xảy ra, khó mà ngừng lại. Tuy nhiên, bên thắng có thể đối xử tốt đẹp với bên thua hơn.

  1. Đọc xong bài chị Tám viết, khiến tôi gợn buồn. Tôi thích cách “kể chuyện” của Chị. Giọng (văn) nhẹ nhàng, Chị “kể” chuyện mình mà đọc cứ tưởng đang nói chuyện của ai khác. Hay!

  2. Bà Tám làm DQ cũng mít ướt theo. Vì bạn bè của bố DQ mỗi khi gặp nhau cũng toàn nhắc chuyện … ngày xưa, nghe mà nhói lòng lắm.
    Mừng là mỗi năm vẫn thấy các chú bác và cả các phu nhân của các chú bác vẫn mạnh khỏe. Năm nào thấy thiếu đi một người là mọi người đều buồn thiu.

      1. Thì chị không cần viết chronologically, cứ bắt đầu về cái ngày đau khổ nhất của 40 năm trước.

        Như là ngày xửa ngày xưa…

  3. Hổm rày ngày nào mở Radio buồi sáng cũng nghe ra rả nhắc lại những chiến công – nghe và buồn cho đất nước, cho thân phận những người Việt Nam đang câm nín để sống !

  4. Một bài viết đầy xúc cảm và những con người tử tế.

    Mượn hai câu của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông trong bản nhạc Chiều Mưa Biên Giới để sẻ chia cảm xúc này cùng cô và mọi người.
    “Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
    Thì đường trần mưa bay gió cuốn”

Leave a comment