Truyện dành cho trẻ em

Khi muốn đầu óc thanh thản hơn, tôi thích đọc truyện hay xem phim dành cho trẻ em. Một trong những điểm lợi khi đọc sách và xem phim dành cho trẻ em, là ít bạo động (ít nhưng vẫn có), tranh ảnh rất đẹp, lời văn đơn giản, tình dục thì hầu như không có, ngoại trừ khi đó là sách dành cho những người đang ở tuổi dậy thì (young adults) thì có nói đến tình yêu và tình dục nhưng không đến độ làm người đọc thấy khó chịu.

Lang thang trong trang mạng của thư viện địa phương, với key word là wabi sabi, tôi tìm ra rất nhiều quyển sách hấp dẫn, trong đó có một quyển dành cho trẻ em có tên là Wabi Sabi. Quyển sách này của tác giả Mark Reibstein, tranh ảnh minh họa của Ed Young. Trong quyển này Wabi Sabi là tên của con mèo. Nó không hiểu tên của nó nghĩa là gì và đi tìm nghĩa của chữ này.

Đơn giản, tác giả giải thích và đưa người đọc đến với văn hóa Nhật Bản bằng một cách hành văn giản dị dễ hiểu. Truyện có lẽ dành cho trẻ em mới biết đọc hay cần được cha mẹ đọc cho nghe. Tôi tìm thấy một số hài cú của Basho và Shiki được dịch sang tiếng Anh. Tôi thấy quyển này enjoyable. Tôi có người bạn thích post lên facebook những bài trắc nghiệm về bản tính của người đọc. Có lần tôi thử một bài trắc nghiệm của cô ấy thì thấy tôi nhìn cuộc đời bằng đôi mắt trẻ thơ. Có lẽ vì vậy tôi thích sách dành cho trẻ em, phim hoạt họa. Cũng có thể vì trẻ khôn ra, già lú lại, tôi thích truyện trẻ em vì nó dễ hiểu (và ít dùng chữ khó 🙂 ) Thêm một lý do nữa là tôi thích xem tranh, ảnh.

Nghiệm lại, từ khi còn nhỏ đến giờ, tôi vẫn tò mò về văn hóa Nhật Bản, văn học Nhật và Thiền giáo. Tôi có cả một bộ sách của Dazai Osamu tôi vẫn tự bảo mình cần phải dẹp bớt những thứ linh tinh lang tang để đọc bộ sách này. Mấy tuần nay thì tôi xem một số phim không tiếng nói của người Nhật. Qua lời giới thiệu của một bạn trẻ nào đó tôi tìm xem phim Song of the Sea (phim trẻ em có huyền thoại của người Irish, Celtic) và The Wind Rises, phim Nhật (lúc nào rảnh sẽ nói sau).

Hết tìm bên ngoài, lại tìm trong mình, một cái gì đó chưa thành hình, chưa rõ nét.

1


Ảnh 1. Một cây thông già có thể dạy cho chúng ta những sự thật quí giá. Châm ngôn Thiền.

Wabi Sabi là một cách nhìn về cuộc đời, trọng tâm của nền văn hóa Nhật Bản. Quan điểm này nhìn thấy cái đẹp và sự hòa hợp ở trong sự đơn giản, khiếm khuyết, bản chất tự nhiên, khiêm nhường, và bí ẩn. Nó có thể hơi ảm đạm, nhưng nó cũng ấm áp và dễ chịu. Có thể hiểu Wabi sabi bằng cảm nhận hơn là ý nghĩa.

2

Ảnh 2. Wabi sabi bắt nguồn từ văn hóa cổ của Trung quốc, quan niệm sống của Đạo giáo và Thiền (theo nghĩa Phật giáo) tuy nhiên nghĩa chữ này bắt đầu thay đổi khi Thiền giả Murata Shuko ở Nara (1423-1502) thay đổi nghi lễ thưởng thức trà. Ông loại bỏ những ấm tích chén tách dùng trà sang trọng bằng vàng, ngọc thạch, và sứ trắng bằng những thứ đồ dùng quê mùa, thô nhám, bằng gỗ hay đất sét nung. Vài trăm năm sau, trà sư nổi tiếng Sen no Rikyu ở Kyoto (1522-1591) mang quan niệm wabi sabi vào giới cầm quyền. Ông xây những trà thất có cửa thật thấp đến độ ngay cả hoàng đế cũng phải khom lưng để vào nhà, nhắc cho mọi người nhớ đến sự quan trọng của đức tính khiêm nhường đi trước cả phong tục cổ truyền, những điều bí ẩn, và linh hồn tổ tiên.

3

Ảnh 3. Đây là những bài hài cú được phiên âm của tác giả Basho (đánh dấu bằng chữ B) và Shiki (đánh dấu bằng chữ S) được Nanae Tamura chọn và dịch sang tiếng Anh. Tamura là một học giả chuyên về hài cú. Cô dịch và sáng tác, giám khảo chọn giải thưởng cho cuộc thi hài cú toàn quốc ở Nhật và là giáo sư phụ giảng của Trung Tâm Quốc Tế của Đại học Ehime.

4

Ảnh 4. Những bài hài cú được dịch ra tiếng Anh.

5

Ảnh 5. Một phần của tranh minh họa được cắt dán bằng giấy màu. Còn rất nhiều tranh bích họa nhưng tôi chọn phần này vì nó sáng sủa hơn những bức tranh khác. Và cũng vì tôi thích tranh tre hay trúc. Trên bức tranh có hai bài hài cú.

Xóm nhà màu sậm, nổi
trên mặt biển cát trắng. Dòng suối
cuốn trôi đá cuội, reo.

Vị sư về gom lá
vào đụn cát mới cào, cô mèo
hèn mọn có thể hiểu.

15 thoughts on “Truyện dành cho trẻ em”

  1. “Tìm lại mình” là triệu chứng vui vẻ rồi đây nhưng đừng “nhìn lại mình đời đã xanh rêu” BT nhé!

  2. Cam ơn Chị đọc những bai viết của Chị từ quê nha cho đến hiện nay trên vung đất mới…tôi hiểu rằng con nhiều điều…minh chưa với tới….

  3. Bài viết rất hay chị Tám à. Hồi ở Nhật em có được học về Mỹ học Nhật bản do một giáo sư người Mỹ đã ở đó 22 năm dạy. Bà dạy bọn em tại Bảo tàng Quốc gia Kyoto và sau đó đưa đi Nijo Castle để thực địa thêm. Wabi sabi là triết lý sống, là nguyên tắc mỹ học được thấy rất rõ và nhất quán trong kiến trúc, trang phục, nghệ thuật và cách ứng xử của người Nhật.Thấy buồn quá, vì ở nhà mình, cái đẹp vẫn chưa được định hình, vẫn vị lẫn lộn đánh đồng với sự hòa nhoáng khoe khoang đôi khi là vô văn hóa.

    1. Vâng, cám ơn cháu. Cô sẽ mượn ở thư viện. Song of the sea có nhiều bức họa rất đẹp mắt. Các bản nhạc của nó cũng rất hay, nhạc của vùng Scotland, Irish.

  4. Cháu ăn theo 2 đứa nhỏ xem truyện thiếu niên nhi đồng bao lâu nay và rất thích. Studio Ghibli có nhiều phim hoạt hình Nhật đặc sắc. Ý tưởng “cái đẹp và sự hòa hợp ở trong sự đơn giản, khiếm khuyết, bản chất tự nhiên, khiêm nhường, và bí ẩn” hay quá. Mình dễ bị đánh lừa bởi những cái phù phiếm và màu mè, để rồi không nhìn ra được cái đẹp thật sự.

    1. Có hôm nào đó mình thấy Stef nhắc đến quyển philosophy dành cho trẻ em mình cũng có mượn quyển sách ấy về đọc. Tranh ảnh rất đẹp, dễ hiểu rất thích. Muốn sống đơn giản theo mỹ học khiêm nhường thanh tịnh này không phải dễ. Mình dễ bị cuốn theo sự sống hào nhoáng chung quanh mình.

  5. Ngoài wabi sabi, còn có mono no aware – cảm xúc gợi lên trong lòng khi thông qua quan sát tính chất của tự nhiên. Ví dụ như, một người ngồi ngoài thềm, uống rượu sake, bỗng hoa anh đào rơi lả tả thay cho cơn mưa xuân, nhìn thấy vậy mà lòng không khỏi cảm khoái. Bỗng ngẫm nghĩ đời người ngắn ngủi biết mấy, như cánh hoa anh đào đẹp biết nhường nào mà chỉ một cơn gió thôi thì sự sống đã kết thúc. Ấy vậy, cái chết của anh đào cũng thật cao quý. Thế là ta nói, người đó có mono no aware. Ở thời Heian period, wabi sabi và mono no aware, “sensibility” và “tranquility with nature”, bắt nguồn từ văn hoá Trung Quốc đời Đường được du nhập sâu sắc trước đó và sự hoà hợp tôn giáo giữa Shintoism, Buddhism (Mayahana và Hinaya) và Confucianism, nên đã đạt tới đỉnh cao rưc rỡ. Đến Nara period, thì Buddhism ở Nhật bản phát triển thành nhiều nhánh, một trong đó có nhánh Zen – Thiền giáo, lan rộng trong đất nước hơn cả như BT nói ở trên.

    Để tìm hiểu thêm về văn hoá Nhật, Lis nghĩ BT có thể tìm kiếm Manyoshu (Collection of thousand leaves) hoặc Kinkoshu để tìm hiểu thêm về “sensibility” của Heian period. BT nhớ lên youtube xem Noh hoặc Kabuki play (với Kabuki, thử “Wisteria Maiden” của Tamabusaro upload by Tamabusaro vì có hướng dẫn). Nhớ đón xem cả Ghibli Studio (wikipedia có một list trọn vẹn phim của Ghibli).

    Rất mong có thêm nhiều bài bổ ích về Nhật bản từ BT!

    1. Hihi, thật là không dám. Rất mong được đọc thêm nhiều bài bổ ích về Nhật Bản từ Lis. Tôi có mươn được quyển Elements of Japanese Design do Boyé Lafayette De Mente biên soạn. Quyển này có 65 chữ, tóm tắt khái niệm mỹ học trong lãnh vực thiết kế của người Nhật. Tôi thấy có từ mono no aware (Things That Touch The Heart), Hanami (Viewing Blossoms), Katana (Swords with Spirit), … rất hấp dẫn.
      Tôi cũng đã xem một ít phim của Studio Ghibli, như Spirited Away, Princess Mononoke, The Wind Rises, Howl Moving’s Castle. Tôi đang có phim The Cat Return nhưng chưa xem. Tất cả những phim này là nhờ con gái út của tôi giới thiệu.
      Cám ơn Lis đã chia sẻ kiến thức về văn hóa Nhật Bản. Mong được đọc nhiều hơn về sự hiểu biết của Lis.

      1. Hehe Lis đang theo học một lớp về văn học Nhật Bản đó mà. Nhật Bản còn nhiều điều mới lạ để khám phá lắm. Mấy năm rồi mà Lis thấy mình cũng chưa hiểu thấu hết văn hoá của họ.

  6. Hồi nhỏ thì mau lớn, chớ càng lớn thì lại càng mong được cảm nhận cuộc sống và có cách nhìn cuộc sống qua ánh mắt của trẻ thơ để thấy tươi mới hơn nhiều heng Bà Tám. 😉

Leave a comment