Để tự trả lời vài câu hỏi

Hôm nọ tôi có một số thắc mắc. Tại sao người Mỹ không ăn thịt chó? Có phải họ không ăn vì bị cấm không? Người Mỹ có luật cấm ăn thịt chó hay không? Chuyện không có gì là quan trọng nhưng đã thắc mắc thì tôi tự tìm câu trả lời.

Thường thường, hễ thấy nơi nào có bảng cấm thì biết là nơi ấy có sự vi phạm điều bị cấm. Thí dụ như đi hiking, đi rừng leo núi, trong rừng của địa phương (county park) hay của tiểu bang (state park) thấy có bảng cấm trượt băng trên một cái hồ cạn hay đầm lầy, tôi đoán là mùa đông người ta trượt băng ở đây, đã từng có tai nạn. Những bảng cấm như thế, là để bảo vệ người sử dụng rừng, và cũng để bảo vệ chính quyền. Nếu người ta vi phạm điều cấm, họ không thể kiện tụng chính quyền.

Có khi tôi thấy bảng cấm ngồi ăn trong xe, thường thì gặp bảng cấm này ở chung quanh tiệm fast food. Thấy vậy thì biết người ta có ngồi ăn trong xe.

Nhưng tôi chưa hề thấy bảng cấm bán thịt chó, hay cấm ăn thịt chó. Nghĩ cho cùng, khó mà cấm người Mỹ một điều gì nếu không chính đáng vì họ biết quyền tự do dân chủ dành cho mỗi cá nhân. Người ta bán thịt cừu, thịt bò, thịt heo, thịt gà vịt, cá, ngỗng, thỏ, gà tây, chim cút nhưng không ai bán thịt chó. Tại sao?

Đôi khi tôi tự hỏi người Mỹ có ăn thịt ngựa, thịt trâu không? Những người thích săn bắn chắc là ăn thịt nai. Mình không biết, nhưng thầm lén chắc thế nào cũng có người Mỹ ăn thịt chó. Người Mỹ sang Việt Nam có lẽ cũng có người ăn thịt chó. Chuyện gì cũng có thể xảy ra dưới ánh mặt trời, và kể cả khi không có ánh mặt trời. Ngay cả ăn thịt người thỉnh thoảng báo chí Mỹ cũng đăng, và tiểu thuyết Mỹ cũng có vài quyển nổi tiếng vì nhân vật ăn thịt người (thí dụ như the Silence of the Lambs). Thịt người mà còn có kẻ ăn thì nói gì thịt chó.

Có phải vì nước Mỹ giàu có, họ có nhiều thứ để ăn nên không ăn thịt chó? Họ không ăn vì chê chó bẩn hay là vì họ không đủ sành sỏi nhạy bén để khám phá cái ngon của thịt chó? Người theo đạo Hồi chê con heo bẩn không ăn. Người theo đạo Do Thái không ăn shellfish và một số loại cá. Phải chăng vì phong tục tập quán bắt nguồn từ xa xưa, và người ta sống theo thói quen nên không ăn chó? Chẳng những họ không ăn thịt chó mà họ còn yêu thương chó, mèo như những người bạn nhỏ.

Tôi đọc sơ sơ quyển Law 101 Everything You Need to Know about the American Legal System của Jay M. Feinman không thấy nói gì về luật lệ đối với thú vật, tuy nhiên Wikipedia có một trang nói về Animal Law. Animal Law xuất hiện hầu như cùng lúc với environmental law chỉ chừng ba mươi năm gần đây. Sau khi đọc trang này xong tôi tìm ở thư viện địa phương được hai quyển “The Animal Rights Debate – Abolition or Regulation?” của Gary L. Francione và Robert Garner; và “Just A Dog – Understanding animal cruelty and ourselves” của Arnold Arluke.

Tôi không chắc tôi sẽ tìm được câu trả lời cho những thắc mắc kỳ cục của tôi, tuy nhiên, đây là bước đầu để tìm hiểu về sự khác nhau trong văn hóa ẩm thực của Việt Nam và Hoa Kỳ. Đặc biệt là món thịt chó.

18 thoughts on “Để tự trả lời vài câu hỏi”

    1. Không biết. Đây là ordinance, luật địa phương. Có lẽ để tránh người ăn bị mắc nghẹn và chết trong xe không ai biết, tuy nhiên vẫn còn ở trong khuôn viên nhà hàng nên có thể bị kiện tụng. Và cũng để tránh xả rác bừa bãi. Chị chỉ đoán thế thôi chứ đâu có ai giải thích cho mình biết.

      1. em cũng có thắc mắc như trên….có phải NJ có luật cấm ngồi ăn trong xe, dù xe đang park và người ăn là passenger, ko phải là vừa chạy xe, vừa ăn…và tại sao lại cấm?

        bên em, khi order fast food ở drive-thru, nhiều nơi (như In-N-Out) còn hỏi có ăn trong xe ko để họ cho cái “mat” lót cho khỏi vây ra người…..

        em hóng tiếp những chia sẻ lý thú kiểu vầy….. 🙂

        1. Đây là một loại luật địa phương. Khi họ nói cấm ăn trong xe, cái bảng dựng trong parking lot của McDonald thì chị đoán là cấm cả driver lẫn passengers, ngay lúc đậu. Còn nếu họ vừa lái xe vừa ăn ở ngoài đường thì họ vi phạm luật giao thông của nước Mỹ. Còn nếu vừa ăn vừa lái xe trong parking lot thì có lẽ bị cả hai tội. Còn biết bao nhiêu điều luật khác mình không biết. Đụng chuyện thì mình mới vỡ lẽ ra là có những cái luật người ta đặt ra lâu rồi, hễ bị tội này thì người ta gán cho cái tội kia luôn.

  1. Nhà cháu 3 năm nay tự dưng không ai động đến một miếng thịt chó nào, vì nhà có nuôi 1 chú chó Beggie từ khi nó 2 tháng tuổi, rất thông minh đẹp trai. Chăm sóc dạy dỗ nó như trẻ con trong nhà. Thời gian trước đó cũng nuôi nhưng nuôi kiểu dân dã, coi như “chó cỏ”, nên không ý thức nhiều. 😀 Truyền thông cũng tác động 1 phần, nhưng phần lớn vẫn là do mình yêu quý chó như thành viên trong nhà rồi 😀
    Còn để lý giải thói quen ăn uống chung chung của 1 xã hôi, bác có thể tìm đọc cuốn Guns, Germs and steel. Cuốn này còn nhiều lý giải khác về xã hội hay lắm ạ. Cháu đọc lâu rồi chỉ nhớ mang máng, chắc cháu phải đọc lại. 😀

    1. Con chó nói chung trông đẹp. Nuôi chó sẽ đâm ra yêu thương như người trong nhà. Tôi có nghe nói đến quyển Guns, Gems and Steel nhưng chưa đọc.

  2. Trong tiếng Anh từ pet có từ xửa từ xưa, và ở Mỹ người ta tiêu hàng tỉ $ mỗi năm để chăm chó mèo. Còn ở VN, khái niệm “thú cưng” mới xuất hiện khoảng 15, 20 năm trở lại đây thôi. Nhưng cũng ngay ở VN, người miền Nam rất ít ăn thịt chó. Các quán ở trong nam đa số ở khu người bắc và phục vụ khách gốc bắc.

    1. Cám ơn cháu. Tôi cũng đang nghĩ đến chữ pet và tiếc là tiếng Việt mình không có chữ để thể hiện nghĩa chữ này cho thật toàn vẹn. Chữ thú cưng nghe cũng hay, cũng đúng, nhưng hình chưa nói hết tình yêu của người chủ dành cho pet. Cưng một cho thú nhồi bông thì nó khác với yêu thương một con vật mình nuôi.

  3. Kt chưa một lần ăn thịt chó và sẽ chắc chắn hổng bao giờ ăn 🙂 . Nhớ lại lúc còn ở VN . có cô bạn học người Bắc Catholic. Gia đình cô rất mê ăn thịt chó và hầu như thịt con gì cũng ăn ( mèo, chuột, chim….) Có lần cô mời kt đến nhà ăn cỗ , có món cháo đậu xanh, rồi mấy món thịt trên mâm . Hôm đó kt thấy sao cả nhà cô hơi là lạ , cứ chăm chăm nhìn mình và cô thì cứ tủm tỉm cười và ép kt cấm đũa . Cũng may tính kt nhát và cũng ngại ngần , mắc cỡ khi đến ăn ngồi cùng mâm với người lớn và tự nhiên kt đâm nghi nghi nên mới hỏi cô ta là thịt gì , cô cứ cười cười không nói , chỉ bảo ăn đi , ngon lắm . Thế là kt sực nghĩ ra đó là thịt chó nên kt hãi quá nhất quyết từ chối. Rốt cuộc cả nhà và cô ta cười ầm nói không xí gạt được KT.
    Về việc người Mỹ có ăn thịt chó hay không thì kt không biết nhưng kt biết họ có ăn thịt nai đó chị Tám ui. 🙂

    1. Ông xếp cũ của mình có lần cho mình một miếng thịt nai. Có lẽ mình không biết chế biến nên thấy thịt nai dai (hơn thịt bò) có mùi hăng hăng (mỗi thứ thịt đều có mùi của nó chứ) và mình chẳng dám ăn. Nấu xong, nếm thử, rồi đem bỏ 🙂

  4. Con xác nhận là có người Mỹ qua Việt Nam ăn thịt chó, không riêng gì Mỹ mà các bạn các nước da trắng khác luôn.

  5. Thực ra cũng có những luật đặt ra chỉ với mục đích ngăn ngừa dù rất hiếm hoặc không bao giờ có người vi phạm. Theo tôi biết thì Mỹ cũng như hầu hết các nước đều không có luật cấm ăn thịt chó, nhưng một số nơi như South Australia ở Úc lại cấm hoàn toàn việc tiêu thụ và giết thịt chó mèo vì chúng không được coi là động vật ‘abattoir’ và ‘consumable’ như bò, cừu, dê, thỏ, lợn, nai… Tại sao lại như thế thì tôi không rõ mà chỉ có thể phỏng đoán rằng nó có liên quan đến yếu tố văn hóa.

    Tôi nghĩ có thể người phương Đông nơi tiêu thụ nhiều thịt chó không coi trọng loài chó bằng người phương Tây – có thể nhận thấy một phần điều này qua ngôn ngữ khi chữ ‘chó’ được dùng phổ biến với vai trò là từ ngữ thô tục (xin lỗi Bà Tám, như ‘đồ chó má,’ ‘thằng chó,’ ‘cẩu quan,’ ‘cẩu nô tài’…) – nên họ dễ tiếp nhận thịt chó như một món ăn hơn? Tôi cũng nghĩ việc người miền Bắc ăn nhiều thịt chó hơn người miền Nam là vì miền Bắc có sự tiếp xúc lâu đời với văn hóa phương Bắc (Trung Quốc) hơn là miền Nam. Giáo sư Trần Quốc Vượng từng giải thích lễ hiến tế chó trong tín ngưỡng dân gian là nguyên nhân khiến người Việt ưa thịt chó (thậm chí còn coi thịt chó là món “giải đen”), nhưng thật tình là tôi không thấy thuyết phục lắm.

    Tôi đọc review cuốn “The Animal Rights Debate – Abolition or Regulation?” thấy có tác giả nhận xét do Robert Garner là người Anh nên nhiều arguments của ông không relevant với góc nhìn của người Mỹ. Một trong những tác giả về Animal Rights mà tôi thích nhất là Peter Singer – ông là người vị lợi (utilitarianist) nên những quan điểm của ông rất dễ tiếp nhận. Nhìn chung thì góc nhìn của người phương Tây về động vật và quyền động vật thường khác, mới (và tiến bộ) hơn người phương Đông.

    1. Cám ơn Hoàng đã comment. Tôi vì tò mò mà tìm hiểu về chuyện này. Càng đọc càng mở ra những chi tiết khá thú vị về xã hội, và gặp những chi tiết khá bất ngờ. Tôi sẽ sắp xếp những chi tiết này để dễ đọc hơn. Chứ nếu tôi viết theo kiểu nghĩ đến đâu viết đến đó sẽ lủng củng luộm thuộm. Lúc sau này, bận công việc và tôi cũng không mấy khỏe nên viết chậm, vả lại số tài liệu tôi tìm thấy cũng nhiều nên đọc lâu hơn. Tôi không tìm thấy luật cấm ăn thịt chó, nhưng không hẳn là họ không có luật này. Từ xa xưa, năm 1822 họ đã có luật cấm hành hạ súc vật loại cattle giúp việc trong nông nghiệp như bò, trâu, lừa, và những con vật cùng giòng họ. Sau đó, 1875 (không nhớ chắc) họ đưa ra luật bảo vệ chó. Thoạt tiên, tôi đọc thấy, họ không nói đến chuyện ăn thịt chó, chỉ nói chuyện bảo vệ và cấm hành hạ chó, tôi nghĩ, đối với họ vấn đề ăn thịt chó là ngoại hạng, quá kinh khủng nên không nhắc đến.

  6. Em nghĩ ý thức Cộng đồng có tác dụng mạnh lắm chị. Như chuyện xếp hàng đợi đến phiên mình, ở VN thì đó không phải là ý thức Cộng đồng, như là không có ai đứng ra “dạy” mình làm vậy nhưng khi qua đến mỹ đi đâu cũng thấy người ta đứng xếp hàng chờ đợi nên rồi mình thu thập được ý thức đó rồi cũng quen. Ở VN thì có nhiều ông quan to chức lớn hễ hùa nhau là tìm thứ hiếm để ăn, coi như là “ra mặt” ta đây có thế có tiền có địa vị nên ta mới có thể thưởng thức đồ hiếm. Do vậy ở VN không có ý thức Cộng đồng để bảo vệ những con thú được cho vào loại endangered species.

    Ăn thịt cho thì người mình cũng đổ lỗi cho văn hoá truyền thống. Mà làm vậy để defend cho mình khi văn hoá Tây phương truyền thông về ý thức không ăn thịt thú vật nuôi tại nhà.

    Mà chị hay thiệt, em phục chị luôn. Có thắc mắc là tìm đủ sách đủ tài liệu để đọc cho biết.

    1. Người ta tìm thấy những vấn đề của xã hội qua tiểu thuyết. Qua chuyện ăn thịt chó mình nhìn thấy cách hoạt động và văn hóa của một xã hội em ạ. Chị thì con cái lớn rồi, chị có thì giờ để tìm hiểu những điều chị thắc mắc. Thay vì nghe người ta tranh luận thì mình tìm xem các học giả nói gì, thấy gì, khám phá ra điều gì trong tác phẩm của họ.

Leave a comment