Những điều thú vị chung quanh chuyện ăn thịt chó

Cún Bơ của Bảo Bình - Blog Những Dòng Thương Nhớ
Cún Bơ của Bảo Bình – Blog Những Dòng Thương Nhớ.

Người châu Âu, có nhiều đồng cỏ nên chuyên về nuôi bò, cừu, và dê. Chó khỏe, chạy nhanh, khôn ngoan, có thể giúp chủ rất nhiều trong việc lùa đàn thú về trại hay săn tìm những con thú đi lạc. Do nhiều năm tiếp xúc với chủ nhân nên tình cảm thân thiện giữa thú và người phát triển. Đây có thể là nguyên nhân vì sao người phương Tây không ăn thịt chó. Tuy nhiên, ra luật bảo vệ súc vật nói chung, chó nói riêng, người ta chưa chắc đã nhân từ và người ăn thịt chó không hẳn là người dã man. Vài người trong họ hàng nhà tôi, bằng cấp đầy mình, văn minh văn hóa hết mực, tính tình hòa nhã tử tế, thích ăn thịt chó, bảo rằng “nhất trắng, nhì vàng, tam khoang, tứ mực.” Ai đã từng xem phim Điệp Viên 007 chắc còn nhớ ông trùm SPECTRE, tay luôn luôn ôm con mèo nhưng giết người như giết ngóe. Thủ hạ của ông ta nếu không thực hiện nhiệm vụ thành công thì ông hạ thủ chẳng lưu tình.

Cún của gia đình chủ bút Gió O
Cún của gia đình chủ bút Gió O

Từ năm 1986, người Đức cấm bán hay ăn thịt chó. Tuy nhiên, vào những năm có chiến tranh hay thiếu thốn, thịt chó được bán công khai. Từ năm 1898 cho đến năm 1925, The New York Times đăng nhiều tin dân Đức bán và ăn thịt chó[1]. Những bài báo này, làm tôi tự hỏi, liệu đây có phải là một hình thức người Mỹ kỳ thị người Đức vì họ là phe đối nghịch với Hoa Kỳ. Năm 1933 cho đến năm 1938, đảng Nazi cho ban hành bộ luật bảo vệ thú vật soạn thảo rất qui mô. Bộ luật này bao gồm luật sát sanh theo phép Kosher, luật cấm săn bắn, luật chuyên chở thú vật từ nơi này đến nơi khác bằng xe  hay tàu hỏa. Arnol Arluke và Boria Sax cho rằng Nazi soạn bộ luật này với âm mưu sẽ xem loài người như súc vật chứ không xem súc vật như con người.[2] Nếu bạn đọc trang Dog Meat của Wikipedia sẽ thấy những người ăn thịt chó ở Hoa Kỳ, vào thời rất xa xưa, khoảng hơn hai chục năm gần cuối thế kỷ mười chín, và đầu thế kỷ 20, đều là người da đỏ. Người Hoa-kỳ thuở xưa, chiếm đất người da đỏ, tàn sát một số lớn, đẩy số còn lại vào xó rừng, không có điều kiện để nuôi cừu dê bò, nên họ ăn thịt chó. Dễ hiểu thôi.

Cún của face book Lilac Tran. Ngồi sẵn trong nồi đây này.
Cún của face book Lilac Tran. Ngồi sẵn trong nồi đây này.

Ở Hoa Kỳ, chữ dog được dùng để chỉ sausage (thịt dồi, xúc xích). Vào năm 1845 người ta phát hiện trong thịt dồi có pha lẫn thịt chó từ đó phát xuất chữ hot dog. Việc bắt trộm chó không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác, Nhật Bản và Hoa Kỳ chẳng hạn. Những năm người ta dùng phương pháp vivisection mổ động vật có xương sống lúc đang sống để quan sát hoạt động nội tạng của động vật vẫn còn đang tiếp nhận tín hiệu của não bộ, chó thường bị bắt trộm đem bán cho các phòng thí nghiệm. Năm 1891, ở tiểu bang Indiana, môn thuốc dùng để trị bệnh lao phổi là thịt chó.

Người ta có đủ thứ niềm tin để lý luận ăn thịt chó là cần thiết. Người Ba Lan dùng mỡ chó để trị bệnh. Người Trung quốc tin là trong thịt chó có vị thuốc. Mùa Đông ăn thịt chó làm cho người ấm. Ngược lại, người Hàn quốc tin là ăn thịt chó có thể điều tiết nhiệt độ trong người, hoặc giải nhiệt.  Họ ăn thịt chó nhiều nhất vào ba ngày nóng nhất trong năm.

lassie
Lassie – Chó của nhà văn Đặng Đình Túy

Đa số người Nam Hàn không ăn thịt chó, nhưng có một số ít người có quan niệm chọn món ăn là quyền tự do cá nhân. Năm 1984 họ cấm bán thịt chó nhưng không kiểm soát nghiêm ngặt ngoại trừ lúc tổ chức Thế Vận Hội ở Seoul. Tháng 3/2008 một nhóm người vận động đòi được quyền công khai bán thịt chó, mở nhà hàng thịt chó nhưng không được chấp thuận. Loại chó người Nam Hàn nuôi để ăn thịt là loại chó đặc biệt thuộc giống Nureongi hay Hwangu, không phải pet.

hôn nhau – ảnh của Bà Tám

Người miền Bắc Việt Nam ăn thịt chó nhiều hơn người miền Nam. Người ta tin là ăn thịt chó sẽ được cường dương và giải xui nhất là vào dịp cuối năm và cuối tháng âm lịch. Một con chó độ 20 kg có thể bán được 100 Mỹ kim, tương đương với một tháng lương trung bình của công nhân vì thế chó ở VN thường hay bị trộm. Không có tài liệu để kiểm chứng cụ thể, người ta nói rằng giới Công giáo thường hay ăn thịt chó nhất là vào dịp Giáng sinh. Tôi, người viết bài này, nghĩ rằng rất có thể đây là sự biến thể của nghi thức tế lễ từ thời xa xưa của người Celtic sống ở Anh đến Việt Nam theo các nhà truyền giáo. Người ta thường tế lễ bằng dê và cừu, nhưng sang đến Việt Nam thì dê và cừu biến thành nai đồng quê.

Do ảnh hưởng của Phật giáo, Thiền giáo, và Thần đạo, người Nhật không ăn thịt chó. Tuy nhiên, thịt chó rất phổ biến ở Nhật-bản mãi cho đến năm 675 sau Công Nguyên khi hoàng đế Temmu ra lệnh cấm ăn thịt chó từ tháng 4 cho đến tháng 9. Vị Hoàng đế này ra trận thường xuyên, khi đi đánh giặc ông thường mang theo con chó. Ông cho rằng ăn thịt chó sẽ mang sự xui xẻo đến cho ông. Năm 2008 Nhật Bản nhập cảng 5 tấn thịt chó từ Trung quốc trong khi chỉ mua vào 4, 714 tấn thịt bò.

nhìn cái gì
Nhìn cái gì? Ảnh của bà Tám.

Bạn đọc thích xem phim, thế nào cũng biết phim Hachiko. Phim dựa vào câu chuyện có thật và đẹp như huyền thoại. Chủ của Hachiko là giáo sư dạy ở đại học Tokyo. Hằng ngày Hachiko theo chủ ra nhà ga Shibuya đưa ông đi làm và buổi chiều ra nhà ga đón ông về. Ông đột ngột qua đời trong lúc giảng bài (vì thế không về bằng tàu hỏa). Hachiko đợi chủ ở nhà ga hằng ngày cho đến khi qua đời, nhất định không rời nhà ga này dù vợ con của ông giáo sư tìm cách đưa chó về và dời chỗ ở. Phim này về sau được quay lại bởi đạo diễn Lasstrom và diễn viên là Richard Gere. Người ta ngưỡng mộ Hachiko đến độ đúc tượng đồng con chó này. Phim làm tôi tưởng tượng tất cả mọi người đàn ông Nhật đều đẹp trai và yêu chó như Gere vì thế hơi ngỡ ngàng khi thấy người Nhật nhập cảng thịt chó nhiều hơn thịt bò. Sau khi người Nhật đầu hàng vào năm 1945, toàn nước Nhật chỉ còn lại 16 con chó giống Akita. Đây là loại chó săn, mõm ngắn, tai vểnh, lông dày, sống ở miền bắc của Nhật, nơi gọi là xứ tuyết, rất khôn ngoan và trung thành. Vào những năm chiến tranh, thực phẩm khan hiếm, chính quyền và quân đội Nhật kêu gọi toàn dân bán chó, nộp chó, để phục vụ trong chiến tranh. Để thuyết phục người dân, tượng chó Hachiko bị hạ xuống và đem dấu đi. Bộ da chó được dùng làm lớp lót bên trong áo khoác của quân phục. Ai có chó mà không chia sẻ thịt với láng giềng bị xem là ích kỷ. Trong thời gian này chó thường bị ăn trộm hay bắt cóc.[3]

hóng chuyện
Hóng chuyện. Ảnh của bà Tám

Tin một người ăn trộm một con chó hai lần để đem bán cho người ta giết lấy thịt khiến dân cư mạng bàn tán và chia thành hai phái, một bên đòi giết tên trộm, bên kia kêu lên dù gì cũng không thể lấy mạng người để trả thù cho chó. Chó có quý hơn mạng người hay không? Chó không biết nói nên mình không biết câu trả lời của nó. Giữa loài người, dù bạn đứng ở phía nào, nếu là một người có lòng nhân, trả lời câu hỏi này thế nào cũng có chút áy náy xót xa. Dĩ nhiên, tôi không đồng tình với chuyện giết người đòi mạng nhưng trộm chó là một hành động sai lầm cần phải được xét xử bằng pháp luật. Sự giận dữ của đám đông đòi xử tử người trộm chó có thể là một cách biểu lộ là người dân không còn tin tưởng vào pháp luật của nhà cầm quyền đương nhiệm. Mức độ trừng phạt phải xứng đáng với tội phạm pháp nhưng như thế nào thì xứng đáng? Giá một con chó bằng một tháng lương, phạt tiền gấp đôi hay gấp ba cộng thêm phí tổn tòa án? Còn nỗi đau đớn của người bị mất con thú mình nuôi và yêu thương thì phải bồi thường bao nhiêu? Mấy thằng trộm ấy làm gì có tiền mà phạt! Nhà tù ở đâu có nhiều đủ để chứa và nuôi cơm mấy tên trộm chó chứ! Ngay cả ở Hoa Kỳ, tội hành hạ súc vật cũng khó được xử lý theo đúng luật pháp vì không đủ tiền và nhân lực. Xử chuyện người còn không xuể ai hơi sức đâu mà quan tâm đến chuyện chó!

đối diện
đối diện – Ảnh của bà Tám

Không phải chỉ có nước nghèo và người nghèo mới ăn thịt chó. Hàn quốc và Nhật bản là hai nước giàu mạnh về kỹ nghệ, và Nhật có truyền thống văn hóa lễ độ bậc nhất thế giới cũng tiêu thụ thịt chó. Người Mỹ không ăn thịt chó nhưng không có quyền áp đặt lên các quốc gia khác quyền tự do ăn uống. Người Việt ăn thịt chó không phải vì bắt chước người Hàn, người Nhật, hay người Trung. Cũng không phải vì người Tây phương không ăn, mình không ăn. Cái ý tưởng, nuôi chó như nuôi cừu dê heo bò lấy thịt và thịt chó ở Việt Nam sẽ là một trong những món ngon nhất thế giới, là một ý tưởng hay và có thể là một hình thức kinh doanh đắc lợi. Loài người từ bấy lâu nay vẫn quan niệm thú vật sinh ra là để phục vụ con người. Người ta giết gấu lấy lông làm áo khoác, lấy mật làm thuốc, lấy bàn tay làm món ăn quí; giết voi giết tê giác lấy ngà; giết trăn và cá sấu lấy da lấy thịt. Nuôi thú vật hay giết thú vật đều là một kỹ nghệ lớn, chẳng những nuôi sống mà có khi còn đưa loài người đến chỗ giàu có và đầy quyền lực. Ngay cả khi yêu thú vật người ta cũng vô tình hành hạ thú vật, như nhốt chim trong lồng, thiến chó thiến mèo để đoạn sản, thậm chí có người còn thuê bác sĩ thú y rút móng mèo để khỏi cào phá nệm ghế nệm giường. Thương yêu chó nhưng chán thì đem bỏ. Chó bị bỏ thì bị đem vào trại nuôi thú hoang, lâu ngày không người nhận cũng bị đem giết. Ngày xưa người ta xem chó là một cái máy không biết đau, nhưng ngày nay chúng ta thấy chó biết đau và biết buồn khi mất chủ. Chó vắng chủ không buồn ăn. Lâu không gặp, gặp lại vẫn nhận ra chủ. Chó vẫn muốn được sống hoang hơn là bị bắt vào trại nuôi chờ bị giết. Ở trại nuôi thú hoang, những con chó không đẹp không có cơ hội được có người nhận nuôi bị hóa kiếp sớm hơn những con chó đẹp khác. Người ta giết chó thay vì để cho chó sống hoang để tránh trường hợp chó bị bệnh điên và cắn người. Có nghĩa là, chung qui cũng chỉ vì lợi ích của loài người.

Cho chó uống nước - Ảnh của bà Tám.
Cho chó uống nước – Ảnh của bà Tám.

Sau khi ngâm cứu loạt bài về thịt chó này tôi cũng hiểu rõ tôi hơn. Nếu thật sự yêu thú vật thì người ta nên ăn chay. Tôi không ăn chay vì vẫn còn thích ăn thịt. Tôi chưa hề ăn thịt chó nên không biết thịt chó ngon như thế nào. Có được thử món chân lợn giả cầy nhưng không thấy hấp dẫn lắm. Không thể nào biết được, trước khi lâm chung tôi lại không gào thét đòi ăn một miếng thịt chó, giống như một nhân vật ni cô suốt đời ăn chay lại đòi húp một chút nước mắm trước khi qua đời. Với tôi, một chàng trai ôm con chó nhỏ trên tay, hay cúi người rót nước vào cái đĩa cầm trên tay cho chó uống, thấy đáng mến hơn là nhìn thấy những người mặt đỏ lựng hô hào hò hét “dzô, dzô” trước đĩa thịt chó và mắm tôm. Nếu tôi đi ngang một cửa hàng thịt chó, gia vị thơm lừng, và tôi đang đói meo thì có thể tôi sẽ cầm lòng không đậu. Bạn đọc đến đây sẽ cười bảo rằng tôi (một bà già rỗi hơi) là người ba phải, nhiều trang chữ chẳng đưa đến một kết luận nào, hay đứng hẳn về phía nào. Thế viết bài này để làm gì? Để thỏa mãn tính tò mò, để biết vì sao người ta ăn hay không ăn thịt chó. Biết để làm gì. Chẳng làm gì cả. Biết thôi, bộ chẳng đủ hay sao?

Bạn nỡ lòng nào ăn thịt những con chó đáng yêu như thế này!


[1] http://en.wikipedia.org/wiki/Dog_meat

[2] http://en.wikipedia.org/wiki/Animal_rights

[3] Sherrill, Martha, “Dog Man” – An Uncommon Life on a Farwaway Mountain, New York, The Penguin Press.

26 thoughts on “Những điều thú vị chung quanh chuyện ăn thịt chó”

  1. Chuyện ăn uống luôn gắn liền với văn hoá, tập tục. Hôm nay trở trời cháu dạy sớm đi chợ wet market (bình thường lười hay chạy vào siêu thị), thấy bán tôm tươi rất ngon mua luôn nửa kí. Đây là lần đầu tiên sau cả chục năm mới tự tay đi mua tôm sống nhảy tách tách về làm, dù rất thích ăn thuỷ hải sản. Cầm mấy con tôm quẫy đuôi cắt râu cắt tay chân rồi quẳng lên chảo, đúng kiểu sát sinh thấy thật ghê tay. Lại nhớ ngày nhỏ có mấy phen tham gia giết gà, dù không tự tay cầm dao nhưng giữ nhiệm vụ giữ chân hoặc giữ cánh nó. Giờ ở thành phố chẳng có mấy người tự làm gà nữa; mình không tự cầm dao thì người khác phải cầm thôi. Vòng vo để nói rằng là người ăn thịt nhưng không ăn thịt chó, cháu không bao giờ phản đối người khác ăn thịt chó (hay những loại động vật quí hiếm; chỉ phản đối chuyện trộm cắp săn bắn bừa bãi). Có thể họ chẳng nghĩ gì vì coi nó là súc vật, có thể họ ghê tay nhưng vẫn làm vì coi trọng miếng ăn hơn. Đa phần người Việt nói riêng và người châu Á nói chung dạn hơn người Mĩ trắng rất nhiều về khoản ăn uống này. Cháu biết rất nhiều người buồn ói nếu nhìn thấy hình hài con vật trong đĩa thức ăn, ví dụ như hột vịt lộn, cá nguyên con, tôm nguyên đầu, hay thậm chí là gà chưa chặt miếng nhỏ.

    1. Người Mỹ về cách ăn uống họ rất bảo thủ. Họ sợ đầu cá, sợ cả xương cá. Có nhiều người không ăn thức ăn ngoại quốc, chỉ khoai tây thịt bò macaroni and cheese 🙂 Cô cũng giống cháu ở chỗ phản đối việc đi ăn trộm chó. Cô biết có nhiều người đi vacation lỡ mất con chó họ ở lại thành phố lạ để tìm con chó cả tháng trời. Chuyện đói thì ăn để sống nhưng nếu tránh được cảnh hành hạ súc vật thì cuộc đời có vẻ bình an hơn. Ngày xưa mẹ ông Mạnh Tử nhà ở gần lò mổ heo lợn, bà sợ con bà bắt chước ông mổ heo nên dọn nhà đến ở gần trường học để con bà bắt chước học hành về sau trở nên triết gia lớn của Trung hoa. Cô nghĩ người giết chóc đánh đập thú vật, hay bắt cóc thú vật của người ta, lâu ngày quen tính có thể trở nên ác độc với chính loài người. Vả lại nói dóc chơi thôi chứ mỗi cuộc đời mỗi khác. Có lẽ chẳng ai muốn làm người đi ăn trộm chó, chẳng qua gặp lúc khó khăn. 🙂

  2. Sáng nay mình được học bao nhiêu điều mới lạ nhờ BT 🙂
    Hồi nhỏ có lần được mẹ bảo há mồm, nhắm mắt lại mẹ cho ăn cái này. Miếng thịt ngọt, mềm và thơm mùi rau răm. Đó là lần đầu tiên và lần chót mình ăn
    hột vịt lộn. Mở mắt ra thấy sợ luôn.

    1. Bây giờ mình cũng không ăn trứng vịt lộn được. Ngày xưa chỉ ăn trứng mà con chưa tượng hình vì thích cái miếng trắng cưng cứng dòn dòn và mùi rau răm.

  3. Nmk vốn thích ăn chay, chỉ thích thôi nha. Chuyện nhân hậu hạ hồi phân giải, nên thịt thà cá mắm có thì dùng không cũng chẳng sao, miễn là không là vung đao sát thủ và cũng hổng vui khi ai đó khích tướng “ăn thử xem” . Từng sống trong rừng núi thiếu thốn nhiều thứ, nhưng thịt rừng cũng không mó tới vậy mà đâu có vẫn sống vui khỏe như bao người đó thôi. Bài viết của bà Tám cho thấy cái đòi hỏi của con người nhiều hơn tự chế và đây chính là nguyên nhân của mọi hiềm khích.

    1. Hồi còn trẻ Tám cắt cổ gà cổ vịt khỏi chê. Bây giờ nghĩ lại sao mình lại có thể làm như thế, nhưng không làm thì bà má mắng cho. Lúc viết Tám cũng nghĩ ở tù mà có con chó để ăn thịt thì chắc khó từ chối. Vậy mà Nmk không mó tới thì thật là đáng nể.

  4. Mấy em cún dễ thương quá! 🙂 BB đã đọc câu chuyện chú chó Hachiko, đọc xong buồn quá, có dĩa phim trong nhà mà đến nay vẫn chưa dám coi… Thói quen, bản năng và môi trường xung quanh biến một việc làm của con người trở nên bình thường hay không bình thường…

  5. Vì cảm tính, từ ông bà, gia đình cháu không bao giờ ăn thịt chó. Bà Tám viết bài này thật công phu.

  6. Đọc xong chùm bài viết rất công phu của cô, rồi về nhà đọc lại entry cùng chủ đề của mình viết từ 3 tháng trước, thực tình cháu thấy rất là xí hổ cho bản thân TTvTT

    1. Bài cháu viết rất hay, bày tỏ ý nghĩ một cách rất thẳng thắn. Cô cũng đồng quan điểm với cháu, người ăn thịt chó không hẳn là người độc ác và người không ăn thịt chó không hẳn là người nhân từ. Cô muốn cho mình cơ hội, khi đã thắc mắc một vấn đề gì, tìm hiểu về vấn đề đó sâu hơn một chút, rộng hơn một chút, để giải đáp thắc mắc của chính mình. Tìm hiểu, có thể tăng kiến thức, hay có thể suy nghĩ, hoặc biết được quan điểm của người khác. Đôi khi hiểu quan điểm của người, đem lại cảm giác bình an cho mình. Biết đâu chừng, những cái biết vụn vặt đọng lại trong ý nghĩ có thể giúp mình sáng tạo.

  7. Tôi đồng quan điểm với chị Tám: Ăn thịt chó không đồng nghĩa với thiện ác…phải chăng đó là thói quen của mỗi người, mỗi vùng miền. VN thịt chó là món “khoái khẩu” của nhiều người nên có những câu nói dành riêng cho món ăn này: “Sống trên đời ăn miếng dồi chó”,quán “Cầy tơ 7 món” là một thương hiệu, Quan niệm ăn thịt chó để giải xui thì người Việt lại nghĩ khác, không ăn thịt chó vào những ngày đầu tháng âm lịch (từ 1 đến 7) vì sợ xui xẻo, hoặc làm việc gì hệ trọng thì không ăn thịt chó. Chị có ý định thử để biết thì hãy thử xem…Cảm ơn bài viết với nhiều thông tin ít người đã biết.

Leave a comment