Làm gì vắng bóng mấy hôm nay?

Tôi giả bộ đặt câu hỏi như có người quan tâm đến mình, chứ thật ra không có mợ thì chợ vẫn đông.

Thứ Bảy, trước khi đi rừng, tôi ghé thăm chị Y. hiện đang nằm ở nursing home. Đây là lần đầu tiên tôi viếng nursing home. Thấy chỗ này sáng sủa, đông người. Nhìn đâu cũng thấy người già người bệnh. Nghĩ đến tương lai mình ắt có lúc phải vào một chỗ tương tự, cho dù không phải vào nursing home, chỉ già thôi cũng thấy rầu rồi. Mấy tuần trước đi thăm chị, thấy chị được anh đưa đi chơi ở IKEA, vui vẻ phấn chấn tinh thần, cũng vui với chị. Lần này đi thăm, chị buồn, than xui quá. Nhắc lại chuyện anh đưa đi chơi vui quá tưởng sắp lành bệnh rồi, chị nói thêm “có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai” tuy buồn nhưng cả tôi và chị đều bật cười to. Cười cái mỉa mai của sự bất hạnh, vợ nhà văn nhà thơ có khác, ngay cả khi buồn bã tuyệt vọng vẫn vui cười với nhạc với thơ. Tôi vẫn xúi chị viết, bởi vì chị nói chuyện rất có duyên, luôn luôn dí dỏm, ngay cả lúc buồn bã nhất.

Thấy cuộc đời không có gì là của mình. Đời người, sức khỏe, công danh, sự nghiệp, ngay cả thời gian của tôi cũng không phải là của tôi. Giờ làm việc là thời gian của công ty của cơ quan. Giờ ở nhà là giờ của chồng con. Cuối tuần ông Tám muốn đi hiking, mất toi ngày thứ Bảy và ngày Chủ Nhật. Chủ Nhật vừa qua đi rừng, gần một giờ lái xe đi và về, leo núi bốn tiếng rưỡi, về đến chỗ đậu xe hai ông bà già đã lê chân không muốn nổi, cơm nước xong là hết xí quách. Khi bạn mệt tinh thần, thể xác cũng mệt. Và ngược lại khi thể xác mệt thì tinh thần cũng mệt vì chỉ muốn đi ngủ thôi. Viết lách hay đọc gì cũng phải bỏ qua một bên. Nói dông dài, tóm lại tôi bị chồng quản lý chặt chẽ, ngay cả thì giờ của tôi cũng thuộc về quyền quản lý của ông chồng. Phụ nữ ở Mỹ đã được giải phóng còn tôi thì không phải phụ nữ Mỹ! Than thì than, nhưng nhờ thế đã xuống được 6 pounds.

Tập Tài chí trong công viên. Tập một mình, mỗi buổi trưa. Thế thì có gì mà khoe? Trời ơi, tôi rất gan dạ, không sợ mắc cỡ hay xấu hổ, tự tôi chiến thắng cái tính nhát gan hay trốn tránh đám đông, cũng giống như tập nói trước công chúng. Rồi sao? Người đi qua đi lại móc phone ra thu hình tôi. Park Ranger đi ngang thumb-up. Thật ra, làm cái gì ở giữa đám đông không quen biết mình cũng dễ hơn làm ở nơi ai cũng biết mình. Viết văn cũng vậy. Mình viết mà không ai biết mình là ai, thì sẽ tự do viết hơn.

Còn làm gì nữa? Xem phim. Vừa xem vừa ngủ gật trên sô pha vì mệt. Xem “Thick Walled Room”, “Sự trả thù của một diễn viên Kabuki”, “Người đàn bà trong cồn cát”, “Một Khuôn Mặt Khác”, “Pitfall”. Ba phim cuối cùng dựa vào truyện của Kobo Abe, đạo diễn Hiroshi Teshigahara. Một bạn trẻ giới thiệu phim “Người Đàn Bà Trong Cồn Cát” tôi xem thử, bị hớp hồn, nên từ đó dò thêm đọc thêm mấy bài tiểu luận người ta viết về nhà văn và đạo diễn này. Nếu bạn thích phim cổ điển, bạn sẽ thích “Người Đàn Bà Trong Cồn Cát.” Vào thập niên 60 Kobo Abe được xem là trường phái avant-garde, nhưng cái mới nào cũng trở nên cũ. Và tôi bây giờ xem nó như là xem phim cổ điển. Phim độc đáo. Phim nào dựa trên truyện của Kobo Abe cũng có violence và đậm mùi tình dục.

Ah, đến giờ đi làm, hôm khác viết tiếp.

29 thoughts on “Làm gì vắng bóng mấy hôm nay?”

  1. 5, 6 năm trước, có một người quen từ Austin lên thăm gia đình tui, trà dư tửu hậu, câu chuyện lan qua công việc, anh em tui than trên này xe cộ đông quá, mỗi ngày đi làm mất cả 45′ một vòng. Chú ấy mĩm cười:

    – Dưới đó chú đi làm chỉ mất có 10, 15 phút. Muốn đi lâu cũng không được.

    Anh em tui trố mắt nhìn, thấy lạ, chú ấy từ tốn giải thích:

    – Giờ ở nhà là giờ của vợ con, giờ ở sở là giờ của chủ, chỉ có cái giờ lái xe đi làm mới là giờ của chính mình.

    Hiểu ra, anh em tui cười hô hố, dô dô hà rầm. 🙂

    1. Thì ông quản lý kiểu dễ thương nên chị mới vâng lời 🙂 Ông nói bền bĩ lắm, nước chảy hoài nên đá lủng lỗ như đá ong vậy.

  2. Còn được chồng quản lý là tốt đó chị Tám. Chả bù cho nhiều người “có chồng hờ hững cũng như không” (Tú Xương) 🙂

    1. Vâng, cám ơn N. nhắc nhở dùm. Con cái lớn rồi, chỉ còn hai ông bà, nên còn đi chung được ngày nào thì đi chung ngày đó.

  3. bị ông tám quản lý thời gian cái kiểu này cũng có lợi á chị, có người lái xe rồi dắt nhau đi hiking, em cũng muốn ông O nhà em quản lý thời gian của em kiểu này nà. Mà giờ toàn là em quản lý thời gian thôi. Cả ngày phải phân phát thời gian coi làm gì, đúng giờ nào, bao nhiêu tiếng, quay qua quay lại em cũng cuồn mắt luôn.

  4. Mấy hôm vắng bóng , hông biết chi có bị nhảy mũi hay không chứ em vẫn nhắc đến chị hoài đó à nha

  5. Mình thì thấy Ông Tám romantic lắm.
    Vắng bóng BT mình tưởng tượng rằng cô út yên ổn việc làm, hai vợ chồng BT đi nghỉ mát một nơi rất exotic. BT leo núi ở đâu? BT bảo Ông Tám cuối tuần sau đi xe đạp để đổi không khí… ở Sandy Hook có bike path dài, phẳng, gần biển mát lắm.

    1. Cám ơn HN lắm. Ông Tám mà nghe khen romantic chắc vui lắm. Mình đi hiking ở Watchung Reservation đó HN. Có một vài nơi độ cao 400 ft. đi cũng thấy hơi mệt. Ông đã mua xe đạp rồi, ông thích đạp xe long rong khắp nơi, nhưng mình thấy bất tiện, và ngồi đau mông quá. Đi chơi với ông thì ông lo hết, từ việc làm thức ăn, mang theo trái cây, snacks, cho đến khi đi nóng người cởi áo khoác thì ông cho vào packback carry dùm cho mình. Chỉ có đi thôi mà cũng kêu rêu than um sùm 🙂

      1. 🙂 wow – Ông Tám của BT thật là dễ thương!!!
        PS- Mình đọc truyện của Elena Ferrante, My Brilliant Friend và đang đọc quyển hai…mình nghĩ có lẽ BT sẽ thích. Ending của quyển một thật là tuyệt làm mình mừng đã biết đến series này chậm nên không phải chờ đọc tiếp.

        1. Hihi, không khó chịu cái khác 🙂 Mình đã đặt thư viện quyển sách này. HN thích thì mình nghĩ rất có thể mình cũng sẽ thích nó.

  6. Cháu mang tiếng giới thiệu phim mà chỉ mới đươc xem mỗi “Người Đàn Bà Trong Cồn Cát”, những phim còn lại chuyển thể từ truyện của Kōbō Abe khó tìm quá cô ạ :”<

    1. Một bộ ba phim, The Woman in the Dunes, The Face of Another, và Pitfall, cộng với một quyển sách nhỏ, mỏng, bao gồm bài phỏng vấn đạo diễn Teshigahara và ba bài phê bình về ba phim, cô thấy bán trên amazon nhưng không dám đụng đến sợ phỏng tay, thật ra sợ đứt cả cánh tay và cả cổ vì nó đắt quá, bằng ba tháng lương của một công nhân sơ cấp ở VN. Cô mượn ở thư viện bộ này nên thầm cảm ơn sự giàu có của nhà nước Mỹ và họ cũng chăm sóc dân nghèo. Người Mỹ thích phim Người Đàn Bà Trong Cồn Cát nhất, và cô cũng thấy phim này nổi bật hơn hai phim kia. Tuy nhiên, The Face of Another đen tối hơn, cũng đào bới vào nội tâm sâu thẳm của con người, kết cục bi thảm hơn. Người trẻ ít thích loại phim này, và lời đối thoại cũng như cách diễn xuất đầy kịch tính, nhưng cinematography thì rất đẹp, cũng đẹp như Người Đàn Bà trong cồn cát. Cô đã mua quyển Khuôn Mặt của người khác nhưng chưa đọc vì còn đang đọc dang dở quyền Người Đàn Bà. Có lẽ Kobo Abe viết gần với cách viết của nhà văn phương Tây nên được chú ý. Murakami thích Abe là phải, vì Abe có khuynh hướng của Kafka. Cô nghĩ cháu thích trường phái surrealism. Trường phái này cho phép người viết được sáng tạo rộng rãi hơn là realism.

      1. Người đàn bà trong cồn cát được Trùng Dương dịch, trước 1975. Tôi nhớ là tờ Descant có bài rất hay về cuốn này, để coi lại, nếu tìm thấy nó, thì viết thêm
        Regards

        1. Bà Trùng Dương dịch nhiều sách văn học của Nhật bác nhỉ? Xứ Tuyết, Ngàn Cánh Hạc, và bây giờ theo bác nói là Người Đàn Bà Trên Cồn Cát, toàn là classics không.

  7. Sau mà H nghĩ đúng thế. Hổm rày không thấy bài ở wordpress đang tự hỏi H sao rồi, vậy là hôm nay có câu trả lời và biết Tám bận rộn, nhưng là cái bận rộn hạnh phúc.

  8. nghe chị kể xuống được 6 lbs, chẳng lẻ mai em cũng đi leo núi….vụ này khó à nhe!

    em hoàn toàn đồng ý với chị vụ này: “Mình viết mà không ai biết mình là ai, thì sẽ tự do viết hơn.” 🙂

    1. Hiking cũng nhọc nhằn lắm NH. Nếu đi được thì khỏe người, chị không nghĩ em cần phải giảm cân, nhưng phụ nữ thì gầy bao nhiêu cũng chưa đủ.

  9. Chắc mỗi người một sở thích cô ạ. Cháu khi mệt nhất về tinh thần thì muốn được đi bơi, đi leo núi. Và khi nào mệt nhất về thể xác (hoạt động ngoài trời) thì tinh thần cũng thư thái nhất, rất zen.

    1. p/s: cháu mới được xem phim “người đàn bà trên cồn cát,” những phim kia chưa có dịp. Phim quá hay, những cảnh quanh xem trên màn ảnh lớn rất ấn tượng, sensual và tạo nhiều hiệu ứng tâm lý mà không hề thấy gượng ép hay gồng mình. Phim này với phim “tâm trạng khi yêu” (in the mood for love) mới nhìn thì thấy gam màu và bối cảnh quá khác biệt, nếu không muốn nói là đối lập, nhưng cháu lại thấy đều nằm trong nhóm các phim dựa vào ngoại cảnh cũng như các chi tiết nhỏ để lột tả cảm xúc nhân vật, cháu rất thích.

Leave a comment