Nhạc Jazz là gì?

Mấy năm trước, tôi đăng bản nhạc hòa tấu cổ điển, một bạn đọc đi ngang, đã lên tiếng. Theo ý bạn loại nhạc này sang trọng, là nhạc nhà giàu, thời thượng. Bạn ấy chỉ nghe và thích nhạc cổ điển dân tộc Việt Nam, những điệu hò, điệu lý, đàn bầu, đàn tranh. Tôi cũng thích nhạc này nhưng không luôn tìm được để nghe.

Là một người khá nhạy cảm, hay quan sát nội tâm, tôi tự hỏi có phải mình nghe bằng chính cái thành kiến của mình không. Tôi có cảm tưởng bạn nghĩ tôi là người vọng ngoại, tôn thờ văn hóa nước ngoài, chỉ là một thứ học làm sang.

Mới đây khi tôi kể chuyện đi xem nhạc jazz, có bạn cho rằng cần phải có chút tinh tế và nghệ sĩ tính để thưởng thức nhạc jazz. Tôi lại cẩn thận nhắc mình, đừng nghe bằng thành kiến của mình. Tôi không (luôn luôn) vọng ngoại, không học làm sang, không (tuyệt đối) tôn thờ văn hóa nước ngoài. Tôi đang từng ngày và từng bước, tìm hiểu cuộc sống chung quanh mình, mở cửa tâm hồn để tiếp nhận văn học nghệ thuật nơi tôi đang sống. Mấy mươi năm quanh quẩn với cơm áo gạo tiền, bây giờ tôi mới có dịp để ý đến nền văn hóa hiện diện chung quanh tôi.

Jazz có phải là loại nhạc dành cho những người giàu có sang trọng, hay đặc biệt chỉ dành cho những nhà nghệ sĩ tinh túy không? Tôi muốn kêu to rằng, không! Nhạc jazz phát xuất từ người Mỹ gốc châu Phi làm sao là nhạc nhà giàu cho được.

Người châu Phi, bị bắt sang châu Âu và châu Mỹ làm nô lệ, đời sống của họ đầy những bất hạnh, nghèo khó, đau khổ, và tối tăm. Nhạc của họ là những bài hát nói về những cuộc tình tan vỡ, bội bạc, và họ nhận chìm đau thương trong men rượu. Nhạc cụ của họ thường chỉ có một cây đàn guitar hay một cái kèn đồng. Ngay cả sau khi bãi bỏ chế độ nô lệ cuộc sống của những người nghệ sĩ da đen vẫn nghèo khó rày đây mai đó, từ hộp đêm này sang hộp đêm khác. Dăm ba người nghệ sĩ, vài ba cây kèn đồng, giàn trống về sau họ có thêm piano gia nhập. Nhạc jazz làm tôi nghĩ ngay đến những quán rượu về đêm, khói thuốc mù mịt, tiếng kèn khàn khàn, giọng ca sĩ nhừa nhựa mụ mị. Đó là những hình ảnh tôi nhìn thấy trong phim chứ nhạc jazz trong phòng trà hộp đêm có từ thời tôi chưa ra đời và từ khi sống ở Hoa Kỳ tôi chưa hề biết cái hộp đêm nó ra làm sao. Tôi đoán bạn cũng như tôi, nhiều khi nghe nhạc jazz mà không biết đó là nhạc jazz.

Nhạc jazz là gì? Tôi nghĩ nghe một bản nhạc tôi có thể nói một cách do dự, bản này, cách trình tấu này nghe giống như nhạc jazz. Tôi không chắc là nếu bạn cho tôi nghe một bản nhạc lạ, tôi có thể nhận ra đó có phải là nhạc jazz hay không. Nhận biết một bản nhạc jazz, với tôi không dễ, nhưng vẫn dễ dàng hơn định nghĩa nhạc jazz. Ngay cả đối với những người chuyên nghiệp, định nghĩa nhạc jazz là gì, không phải dễ dàng.

Để tìm hiểu nhạc jazz tôi tham khảo quyển “Why Jazz? – A Concise Guide” của Kevin Whitehead. Đây là một quyển sách mỏng, dễ hiểu, bởi vì tác giả không viết theo lối hàn lâm. Ông đặt ra những câu hỏi ngắn, và câu trả lời cũng ngắn gọn, đơn giản, để thỏa mãn tò mò của độc giả (không chuyên về nhạc) như tôi. Sau đây là phần tôi trích dịch trong quyển sách. Tuy ông viết rất dễ hiểu, nhưng tôi thấy khó dịch, vì tôi không có đủ từ Việt về âm nhạc. Tôi chỉ dịch theo cách tôi hiểu, và dịch thoáng, thêm chữ hay bớt chữ để câu văn viết dễ đọc và xuôi tai.

Trang 5. Jazz là gì?

Jazz có nhiều loại, nhịp điệu khác nhau, nên khó có một định nghĩa đơn giản để mọi người đều đồng ý. Người sành điệu có thể không chấp nhận một số nhạc sĩ, bảo rằng những người này không phải là nhạc sĩ jazz vì loại nhạc họ trình diễn không phải là nhạc jazz. Tuy nhiên để bắt đầu cuộc tìm hiểu chúng ta có thể tạm chấp nhận rằng: jazz là một loại nhạc có nhịp điệu trái ngược nhau, chú trọng việc phô trương kỹ thuật trình diễn cá nhân, thường là do sự tự cải biến trong lúc trình diễn. Jazz là một hỗn hợp gồm nhiều khía cạnh của nhạc dân ca và nhạc hòa tấu nghệ thuật. Đặc tính (cái hay cái đẹp) của jazz là bộc lộ rõ rệt cá tính của người Mỹ da đen, bất kỳ người trình diễn là ai hay trình diễn ở đâu.  Đối với nhạc sĩ jazz, loại nhạc cụ họ sử dụng không quan trọng bằng cách họ sử dụng nhạc cụ: tác phẩm được cải biến bằng cách “bóp méo” (một cách nghệ thuật) nhịp điệu (rhythms), âm điệu (melodies), ngay cả hình thức (forms) của bản nhạc.

Trang 1. Tại sao nghe nhạc jazz?

Vì nhạc jazz thú vị. Sau đó mới đến các lý do khác. Jazz hấp dẫn vì loại nhạc này được xem là một cách thử thách tài năng của nhạc sĩ và cũng là một khía cạnh văn hóa, tiếng nói của người Mỹ gốc Phi châu với thế giới. Nhưng tất cả những điều này chẳng có nghĩa lý gì nếu nhạc jazz nghe không thú vị. Jazz là một thế giới âm nhạc riêng biệt, bao gồm loại nhạc jazz truyền thống vùng New Orleans và nhạc jazz tự do không theo thể loại nhất định, nhạc swing cuồn cuộn của Kansas City và loại bebop dồn dập, nhạc jazz được trình diễn bằng đàn guitar điện âm thanh dòn dã, những đoạn nhạc được viết theo khuynh hướng hậu hiện đại, loại nhạc jazz quí phái, quyến rũ dục vọng, khôi hài, loại nhạc thưởng thức bằng trí óc và nhạc để nhảy múa, nhạc blues, nhạc Viễn Tây (country music), rock’n’roll. Tất cả đều gọi chung là jazz.

Trang 2. Tôi có cần phải thích tất cả loại nhạc jazz không? Tôi có cần phải biết lịch sử nhạc jazz để thưởng thức nhạc không?

Giới hâm mộ nhạc phản ứng theo bản năng. Họ nghe nhịp điệu hòa quyện với âm thanh của nhạc cụ hoặc là giọng hát của ca sĩ và họ thích ngay lập tức. Đối với một số thính giả, chỉ cần biết một loại nhạc jazz là đủ rồi. Họ có thể nghĩ là chỉ có một loại jazz đó là quan trọng thôi.

Nhưng jazz lại quan trọng về sự thay đổi: cách mà nhạc sĩ “riff”[1], ý tưởng, hoặc phong cách trình diễn đã biến bản nhạc gốc thành một bản nhạc khác. Với những người nghe jazz kinh nghiệm, họ biết những chỗ hay, hoặc lạ, đặc biệt đến độ buột miệng kêu à há, khi họ nhận ra những âm thanh thay đổi, mới lạ và độc đáo, từ bản nhạc cũ. Để biết nhận ra những cái hay đó, biết về lịch sử âm nhạc có thể giúp ích – một vài khái niệm về dáng dấp âm nhạc.

***Đặt cục gạch làm dấu ở đây – Ngày mai sẽ viết jazz trong phim ảnh và văn học.


[1] Cách nhạc sĩ trình diễn, thường là một chuỗi nốt nhạc được lập lại với một vài nốt nhạc được biến đổi.

25 thoughts on “Nhạc Jazz là gì?”

  1. Hay thật. Con thích cách cô tìm hiểu về những thứ xung quanh cô. Chắc là cái gì mình thích thì mình sẽ tìm hiểu về nó. Con chưa bao giờ tự hỏi jazz là gì, nghệ sĩ jazz chơi nhạc cụ gì 😛

  2. Cháu cũng rất là thích nghe Jazz, nghe từ hồi nhỏ xíu luôn, cháu mê Norah Jones, Chet Baker, Frank Sinatra, Nina Simone và cả Nat King Cole nữa. Sau này lớn lên nghe thêm nhiều thể loại này nọ, nhưng Jazz luôn luôn là thứ cháu cảm thấy gần gũi nhất 😀

    1. Cô nghe tên Norah Jones đã từ lâu nhưng chưa chủ ý nghe. Như cô đã nói từ bài trước, cô chỉ mới nghe có vài album với một vài người hát mà jazz rộng lớn đa dạng vô cùng. Cô thấy cháu có vẻ yêu âm nhạc, nghe nhiều loại nhạc, vì đã đọc trang của cháu. Gia đình cháu và cháu có tham gia chuyên ngành âm nhạc không, riêng cháu có sử dụng loại nhạc cụ nào không? Cô nghe thử Chet Baker’s album trên youtube, vừa nghe vừa gõ phím trả lời comment của cháu. Bản kèn đầu tiên nghe rất quen, cô biết cái tune, nhưng không biết tác giả và tên bài hát. Những nhạc sĩ jazz lúc ban đầu họ không có bản đàn (chords) họ chỉ trình tấu theo trí nhớ. Theo Ted Gioia trong quyển The Jazz Standard – A Guide to the Repertoire, nhạc sĩ jazz dựa vào những bản nhạc họ tập dượt, nghe và nhớ, vì thế trong mỗi nhạc sĩ jazz phải có một collection rất lớn về nhạc để khi lên trình diễn, người ta chỉ nói một số chords, vài âm điệu là phải biết trình diễn tự biên tự diễn tại chỗ.
      Tuổi trẻ thường tiếp nhận văn hóa mới, nhất là âm nhạc dễ dàng hơn người lớn tuổi. Thế hệ của cô thường cuộn mình trong âm nhạc miền Nam Việt Nam từ năm 54 cho đến 75.

      1. Gia đình cháu không có ai theo ngành nhạc cả cô ạ, bản thân cháu cũng chỉ biết bập bõm chơi trống và guitar (ở mức tối thiểu).

        Cháu thích Jazz nhất cũng chính ở khía cạnh phóng khoáng và tự do của người nghệ sỹ khi biểu diễn như cô nói ở trên. Ví dụ như bài hát My Funny Valentine đã có hơn 600 nghệ sĩ chuyên nghiệp thể hiện, đa số họ đều là những nghệ sỹ Jazz, không thay đổi cấu trúc của bài hát quá nhiều, nhưng mỗi người đều có cách để ghi dấu ân riêng cho phiên bản của mình, từ Chet, Frank Sinatra cho tới Ella Fitzgerald hay Julie London.

  3. Nhờ những bài viết của Bà Tám mà em biết thêm được rất nhiều thứ, biết kỹ biết sâu hơn. Cảm ơn chị thiệt nhiều! 🙂

  4. Rất thú vị, BT viết entry này với tất cả sự cẩn trọng của một cây bút có trách nhiệm với bạn đọc. Cám ơn BT, sẽ xin tải bài này cất vào máy. Nhân đây, xin đật hàng (gửi P.O) cho BT bài viết cùng loại này về nhạc của người Digan. Rất mong. HN

    1. Người digan hình như là người bohemian hay là gypsy. Chưa có dịp để ý đến nhạc của họ nhiều dù thỉnh thoảng cũng gặp qua phim ảnh, để từ từ Tám tìm tài liệu đọc thêm. Nhớ là có xem phim Chocolate Johnny Depp đóng có nói về đoàn hát của những người hát rong này. Cám ơn HN ghé thăm và còm. Bao giờ đọc còm của HN cũng được khen. Đa tạ.

  5. Con cũng là người thích phong cách Jazz. Con chỉ dám bảo là phong cách khi hát Jazz, khi nghe Jazz chứ con không dám khẳng định mình thích âm điệu của tất cả bài Jazz vì quả thực nhạc Jazz rất khó để cảm. Con rất thích những bài hát có tí âm hưởng Jazz, một chút ngược trong âm điệu, một chút phiêu trong bài hát, một chút buông thả,…
    Có lẽ con hơi quy tắc vì con nghĩ Jazz vẫn hợp nhất cho một buổi tối, một quán bar với từng bàn riêng biệt cùng ngọn đèn mờ sáng, một cô ca sĩ mặc váy đuôi cá và cây micro dài,…(như trong các bộ phim Mỹ mà con được coi ở Việt Nam)… Đó là một khoảng thời gian để cho ca sĩ sống với bài hát và khách nghe nhạc sống với cảm xúc, kí ức của chính mình…
    Con từng đọc về những quán bar nhạc Jazz ở New Orleans, rất hy vọng một ngày đẹp trời nào đó con có thể thưởng thức Jazz ở đó 😀
    Con xin gửi cô một bài nhạc trẻ Việt Nam mà theo con là có âm hưởng Jazz. Con rất thích bài này hy vọng cô cũng thích nó.
    http://mp3.zing.vn/bai-hat/Thu-Can-Bao-Tram/ZW6COI9C.html

    1. Bản nhạc cháu gửi đúng là có phong cách của jazz. Cám ơn cháu. Cô cũng hy vọng có một ngày sẽ đi viếng New Orleans.

  6. Cảm được nhạc jazz không khó (dĩ nhiên còn tuỳ thị hiếu mỗi người) nhưng để hiểu được nó hay ở chỗ nào thì khó. Thực ra câu này có thể áp dụng cho nhiều dòng nhạc khác, nhưng đặc biệt đúng trong jazz vì mỗi bản tấu đều khác nhau, nếu không biết những bản kinh điển, những bản nền tảng thì rất khó đánh giá cái gì là mới, cái nào là hay, mới và hay ở điểm nào. Nhưng để dành thời gian, công sức tìm hiểu sâu thì cháu chịu.
    Nhạc jazz, nhạc classical nhiều người coi là quý tộc vì xu hướng được/bị biểu diễn ở những nơi sang chảnh, chứ nếu được biểu diễn ở ngoài trời, trên đường phố thì sẽ trở nên gần gũi hơn. Ai ở trên nhắc đến New Orleans, tới đó đi dạo là gặp đầy band, đầy nhạc sĩ thực thụ rất giản dị, chẳng cần phải vào quán lịch sự ngồi nghe gật gù trong im lặng. Nó cũng như một số loại nhạc dân tộc Việt Nam, bị cho vào bảo tàng nên nhiều bạn trẻ thấy xa lạ và không có hứng nghe, tìm hiểu.

    1. Cám ơn Fresh Air. Tôi hoàn toàn đồng ý với FA. Tôi cũng mong có dịp đến New Orleans, không xa mấy so với tiểu bang tôi đang ở, nhưng tôi lười đi 🙂

  7. Em chả bao giờ quan niệm mình nghe loại nhạc này (hay đọc loại sách này, ăn loại đồ ăn này) thì mình ở tầng lớp nào. Cho rằng một người vì thích thứ này hay thứ khác là “vọng nội” hay “vọng ngoại” theo em là rất chủ quan và áp đặt.

    Hồi nhạc Jazz vừa du nhập về Vn, em cũng có nghe vài lần nhưng thấy không hợp. Em ưng cái gì mềm mại, nhẹ nhàng, du dương kiểu nhạc country thôi. Jazz nó réo rắt quá, đôi khi nhắm mắt lại, em cảm giác nhạc jazz nó giống y con rắn chui vào áo mình ấy chị… Sợ sợ, lạnh lạnh và rùng mình.

    Đọc loạt bài về nhạc jazz của chị, em nghĩ em chưa kịp biết jazz là gì đã vội trốn tránh nó rồi… Để em tìm nghe lại xem sao.

    1. Jazz rộng lớn có nhiều bài lắm. Cũng như nhạc VN có bài mình nghe không thấy thích, có khi vì cách hát ca sĩ không hợp với mình. Chị mới bắt đầu nghe nhạc, thử nghe như thử một món ăn mới, và nghe được nhiều bài hát rất hay. Tối qua nghe bài “How Long Has This Been Going On?” Ella Fitzgerald hát, rồi nghe Audrey Helpburn hát trong phim Funny Face, lại nghe qua một diễn viên trong phim ‘Round Midnight hát, thấy lần đầu nghe bài này qua giọng hát của Helpburn không chú ý. Mãi đến khi nghe hai giọng hát kia thì “I think I am melt” thấy hay quá, giống như một câu trong bài hát nói về cảm giác của một người hoàn toàn bị chinh phục trái tim vậy.
      Chị cũng quan niệm như em vậy. Không nghĩ mình vọng ngoại hay có loại nhạc nào sang trọng hơn loại nhạc nào. Nhiều khi chỉ vì có duyên với nó.

  8. Thanks chị đã đọc, tìm hiểu và chia sẻ nhạc jazz là gì ở góc cạnh, lối diễn giải dễ hiểu cho những người như em, ko rành về âm nhạc, có thêm chút khái niệm (high level) về jazz….

    Em đồng ý nghĩ với chị, jazz ko phải là thứ nhạc nhà giàu, cũng dựa trên những ý chị đã giải thích….theo em, có lẽ vì nhạc jazz đòi hỏi người nghe phải “trôi” hay “phiêu” theo nó thì mới cảm nhận được cái hay….nói cách khác, ko phải ai nghe jazz cũng “click” nên ít người nghe và kén khán giả….

    em ko rành nhạc dù hồi đại học, có lấy music trong chương trình GE và có học qua history của folk, blues, jazz, etc….nhưng giờ chẳng nhớ gì hết, có lẻ tại mình cũng ko quan tâm, tìm tòi….

    chúc chị buồi tối giữa tuần nhẹ nhàng…..

    1. Cám ơn NH. Nhạc thì mình muốn nghe cách nào cũng được, nghe theo ý thích của mình. Còn nếu học thì đòi hỏi chú ý nhiều hơn. Mấy hôm nay chị vừa đọc vừa nghe để tìm hiểu về nhạc jazz, không nhớ hết, chỉ một đôi điều căn bản, nhưng thấy thú vị vì mình biết được một khía cạnh văn hóa của Hoa Kỳ. Cám ơn NH ghé thăm.

    1. Chà, nghe cách hỏi của bạn có vẻ như bắt lỗi. Bài này tôi viết để tự tìm hiểu về nhạc jazz, không phải chuyên gia, chưa được biên tập nên có thể có nhiều lỗi mà tôi không biết mình có lỗi. Tuy nhiên, trả lời đại, không trúng thì trật, thì Bồ Đào Nha (Portugal) và Tây Ban Nha (Spain) là hai quốc gia có mua, (hay bắt cóc) nhiều người nô lệ da đen. Tôi viết theo trí nhớ của người già đọc đâu quên đó. Nếu sai thì tôi chịu sai. Còn bạn là ai mà vào đây hạch sách bà già?

Leave a reply to Bà Tám Cancel reply