Ngày trôi qua

Thỉnh thoảng tôi muốn ghi lại những chuyện hằng ngày, nhỏ nhặt thôi, nhưng đánh dấu cuộc sống của mình.

Đi rừng.

Không thể nói là leo núi vì độ cao rất ít. Đường đi, đi mãi trở nên quen thuộc. Mùa nóng đi trong rừng có nhiều bóng cây nên ít nóng nhưng những hôm độ ẩm cao đi rất mệt. Hồ Surprise trong rừng Watchung có rất nhiều loại chim, chụp được một con cò trắng và một con cò xám (hình như là heron, không biết tên nên gọi đại là cò xám), còn hai ba loại chim cổ dài màu nâu hay xám sậm bay nhanh quá chụp không kịp. Có nhiều loại hoa lạ nhưng không lẽ đứng lại chụp hoài bắt ông Tám chờ sợ ông phiền. Trên đầu ngọn cây tiếng ve đã râm ran.

Monkey Mind.

Cũng nhờ các blog bạn giới thiệu, tôi mượn được quyển A History of Reading của Alberto Manguel. Quyển sách dày, tôi chỉ mới đọc một chương The Translator as Reader. Rất hay. Đủ để tôi đặt mua sách cũ trên Amazon. Trang 276 có một đoạn như thế này. Tôi dịch tạm tạm thôi nhé, lúc nào rảnh sẽ gõ nguyên văn vào sau.

“Năm 1836, học giả người Đức Alexander Von Humboldt gợi ý rằng mỗi ngôn ngữ chứa đựng một ‘inner linguistic shape’ (dáng dấp ngầm của ngôn ngữ) và cái ngôn ngữ ngầm này biểu hiện một thế giới (ngôn ngữ) đặc biệt của những người sử dụng nó. Điều này ám chỉ rằng, không có một ngôn ngữ nào có chữ đồng nghĩa thật chính xác (như là sinh đôi) so với một ngôn ngữ khác, và vì thế biến việc dịch thành ra một chuyện khó có thể thực hiện, như thể ghi khắc lên mặt của cơn gió, hay thắt một sợi dây bằng cát. Dịch chỉ có thể hiện hữu như một công việc không theo đúng nguyên tắc cũng không hoàn toàn chính thức, qua ngôn ngữ của dịch giả để giúp đọc giả hiểu biết nguyên tác…”

Chỉ là một đoạn ngắn thôi, nhưng có hai câu ngắn tôi không hiểu hết ý. Ghi ra đây để bạn nào vớ được quyển này thì giúp tôi dịch. Một câu là “coining in the face of the wind” và câu kia ở phần chót của đoạn văn “that which lies irretrievably concealed within the original.” Tôi bị nghẹn ở chữ which. Tôi đoán câu này có nghĩa là ý nghĩa chính xác toàn vẹn (của văn bản gốc) có khi hoàn toàn bị chôn vùi không thể nào thể hiện hết bằng bản dịch.

Tôi đọc cùng một lúc nhiều quyển nên không thu thập được gì. Lang thang trong văn học Nhật, tôi nghe nói nhiều đến Yukio Mishima. Đọc xong quyển “The Sound of Waves” của ông, tôi đọc qua tập truyện “Acts of Worship.”

“The Sound of Waves” là một quyển truyện tình yêu của những người mới lớn. Dễ đọc. Dễ mến. Dấu ấn của Mishima là thích khai thác khía cạnh tình dục. Quyển này hiền nếu so với “The Thirst of Love.” “Acts of Worship” khô khan hơn. Tôi chưa đọc hết chỉ mới đọc bốn truyện ngắn “Fountain in the Rain”, “Sword”, “Acts of Worship” và “Martyrdom”. “Fountain of Rain” nói về hai người trẻ yêu nhau, giận nhau, cãi nhau trong suốt một cơn mưa. Sau đó kết thúc nửa chừng, họ dường như làm hòa hay vẫn tiếp tục lưng chừng. “Sword” nói về một hiệp sĩ, tài ba, chính trực, đáng kính, nhưng vì đòi hỏi tuyệt đối sức lực ở chính mình nên chết bất ngờ giữa lúc đang luyện kiếm. “Acts of Worship” nói về một ông giáo sư học giả, muốn đưa thanh danh của mình vào huyền thoại nên đòi hỏi sự phục vụ tuyệt đối của một người nữ tì. Ông vì danh mà lãng quên hạnh phúc thật của cuộc đời. “Martyrdom” kể chuyện hai cậu học trò đồng tính, truyện táo bạo, kết thúc bất ngờ. Truyện Nhật thời của Yukio Mishima luôn làm tôi nhận thấy cái bất hạnh của người phụ nữ Nhật Bản.

Chủ đề jazz

Tôi tò mò về chủ đề này, nên gom được một số tài liệu, nhạc, phim, và sách. Như đã nói trước đây, những bản nhạc jazz hay lưu truyền từ trước đến nay rất nhiều. Có vài bản tôi đã nghe như Nature Boy, If I Didn’t Care, và mới đây là How long has this been going on? Phim đã xem, Chicago, Blues Paris, Man With a Horn, and Round Midnight. Sách thì chỉ mới bắt đầu “Why Jack Kerouac Matters” của John Leland. Tôi mua quyển sách này lúc Borders bị sập tiệm, để mấy năm chưa đọc, nhân dịp tìm về chủ đề Jazz nhớ lại lục tìm nó ra, chỉ đọc phần jazz thôi là thấy trúng tủ rồi, đúng ngay cái mình muốn biết mà không cần phải đọc “On the Road.” Tôi thử đọc “On the Road” mấy lần, không cảm được. Với tôi, “On the Road” is overrated.

16 thoughts on “Ngày trôi qua”

    1. Cô tưởng tại cô là phụ nữ Á châu lại lớn tuổi mà Jack Kerouac viết On the Road khi còn trẻ nên không hợp. Nếu cháu cũng nghĩ như thế thì hoặc là cô với cháu có cùng khuynh hướng đọc và vì là người Á châu, hoặc là On the Road thật tình không đáng được thổi phồng như thế. Có lẽ nó chỉ hợp với những người Mỹ cùng lứa tuổi cùng thời với nó.

      1. Thật ra cháu thấy coa nhiều tác phẩm kinh điển nhưng đọc lại không thấy hay trong khi nhiều người ca ngợi. Cháu nghĩ đó là do khoảng cách về thế hệ, văn phong và thị hiếu của mỗi người. ^^

    1. Mình cứ tìm những thứ đơn giản chung quanh mình mà hưởng thụ nó thì cuộc đời đỡ tốn kém biết chừng nào. 🙂

  1. Con chim xám là blue heron đó BT. A History of Reading, cám ơn BT giới thiệu ! Ngày mai mình chạy ra thư viện 🙂

    1. Ông Alberto Manguel viết hay lắm, rất thông minh và thông thái. Có lẽ ông là một trong những nhà văn được nhắm vào để trao giải thưởng lớn nào đó.

Leave a comment