Dấu vết nhạc Jazz trong văn học Hoa Kỳ, phần 2

Sơ lược về lịch sử nhạc Jazz.

Jelly Roll Morton, một nhạc sĩ jazz nổi tiếng, năm 1938, đã tuyên bố trong chương trình “Believe it or Not” của Robert Ripley, ông ta là người sáng lập ra nhạc jazz từ năm 1902.[1] Mặc dù cho rằng Morton nói phóng đại, nhiều người cùng thời, trong đó có Louis Amstrong,[2] công nhận sự hiện diện của những ban nhạc jazz ở thành phố New Orleans vào năm 1906, trong các khu phố đèn đỏ. Vào những năm đầu của thế kỷ hai mươi, nhạc jazz bị xem là sa đọa và thấp hèn. Đó là loại nhạc của loài quỷ sứ. Jazz luôn đi kèm với tình dục, rượu, và các loại ma túy (Jazz, Sex, và Drug). Phim “Chicago” cho khán giả nhìn thấy phần nào bộ mặt sa đọa đầy dục vọng của thời kỳ vàng son của nền nhạc Jazz ở Chicago. Sự phát triển mạnh mẽ của nhạc jazz ở Chicago đã khiến các nhạc sĩ ở New Orleans di cư từ Nam lên Bắc để sinh sống bằng âm nhạc.

Theo Bill Messenger, trong quyển sách audio “Elements of Jazz,” nhạc jazz là sự kết hợp của ragtime với nhạc blues dân ca cổ truyền. Loại nhạc blues này của những người nô lệ da đen, khi làm việc trong các đồn điền, đốn gỗ, hái bông, hay xây dựng đường rầy xe lửa, họ hát hò đối đáp với nhau để giúp vui quên mệt. Lời hát của họ thường rất đơn giản, phô bày cảm xúc nhất thời. Nhạc cụ của blues cổ truyền rất đơn giản gồm có trống, đàn banjo, mandolin, hay những nhịp vỗ tay. Trong đồn điền khi có tiệc, người ta thường tổ chức cuộc thi cakewalk. Như cái tên của cuộc thi, cái bánh là phần thưởng để ở một cái bàn nào đó. Người dự thi, sắp hàng đi đến nơi đặt cái bánh, trong tiếng nhạc. Ai đi hay nhất, đẹp nhất sẽ được thưởng cái bánh.[3] Loại nhạc dùng cho những buổi cakewalk ban đầu là ragtime. Ragtime là biến thể của nhạc du nhập từ châu Âu. Rag là biến thể của chữ ragg, biến đổi của nhịp điệu cho đến khi nó thành một bản nhạc mới. Bill Messenger, đưa thí dụ, thay vì đánh nhịp 1, 2, 3, 4, người ta nuốt mất một nhịp 2 hay 3, hay kết hợp 2 với 3 thành một nhịp. Cách biến đổi này còn gọi là syncopation. Người ta có thể dựa vào những bản nhạc cổ điển chính thống và phổ biến rồi biến đổi chúng thành những bản nhạc khác hẳn bằng phương pháp syncopation. Ragtime là lấy theo tên của bản nhạc “Maple Leaf Rag” của nhạc sĩ Scott Joplin, một nhạc sĩ da đen, nhà rất nghèo. Bố của Scott Joplin có được cây đàn piano và Joplin học nhạc với một vị mục sư người da trắng trong làng. Được đào tạo bằng nhạc cổ điển Tây phương nên ông rất hổ thẹn không dám sáng tác nhạc ragtime. Mãi khi ông trưởng thành mới bắt đầu sáng tác ragtime và sau đó ông mê mải sáng tác không ngừng. Nói ragtime nghe có vẻ xa lạ, nhưng nếu bạn ở Hoa Kỳ và từng nghe tiếng nhạc phát ra từ những xe bán kem dạo, rất có thể bạn đã từng nghe một bản ragtime.[4]

Scott Joplin qua đời năm 1917, đánh dấu cái chết của ragtime và sự ra đời của nhạc jazz. Điệu khiêu vũ swing cũng bắt đầu vào thời kỳ này. Nhạc jazz được trình diễn để giúp vui khách trên những chuyến tàu trên sông Mississippi đi từ New Orleans đến thành phố Chicago. Các ban nhạc jazz trình diễn trên các chuyến tàu đển phục vụ khách đi thuyền. Cũng trong năm 1917, máy thâu đĩa nhạc được sáng chế, và những bản nhạc với nốt nhạc được in ra trên giấy. Một ban nhạc jazz mà các nhạc công đều là người da trắng lấy tên là Original Dixieland Jass Band bắt đầu thâu đĩa nhạc đầu tiên, càng làm nhạc khiêu vũ swing trở thành cơn sốt của thời đại. Năm 1920, theo sử gia James Lincoln Collier, nhạc jazz trở thành loại nhạc ai cũng thích cũng biết và người ta bắt chước nhạc jazz, sáng tác và trình diễn khắp nơi.[5]

Những năm đầu của thập niên hai mươi, nhạc jazz luôn luôn ở giữa cuộc dằng co của hai phái. Một xem jazz là nhạc nghệ thuật; bên kia xem thường giá trị của jazz cho đó chỉ là nhạc giải trí. Năm 1922, Fitzgerald đưa một xấp bản thảo cho Max Perskin. Theo Bill Mesenger, Fitzgerald không biết đặt tựa đề là gì nên gọi đại là Tales of the Jazz Age. Cái tên Jazz Age xuất phát từ Fitzgerald góp phần thay đổi địa vị của Jazz trong mắt các nhà phê bình nghệ thuật. Năm 1924, Paul Whiteman đưa ban nhạc jazz vào trình diễn ở thính phòng Aeolian Hall của thành phố New York. Nhạc jazz được sáng tác và trình diễn với cấu trúc và hòa hợp của giàn nhạc giao hưởng. Nhiều nhạc sĩ tài hoa gia nhập giàn nhạc của Paul Whiteman trong đó có Bix Beiderbecke. Năm 1928, Beiderbecke nổi tiếng với sự trình diễn thành công bản nhạc Concerto in F của nhạc sĩ Gershwin. Cuộc đời của Beiderbecke được Dorothy Baker tiểu thuyết hóa trong tác phẩm “Young Man with a Horn” và tác phẩm này được dựng thành phim.

Sự thành công rực rỡ của Louis Amstrong khiến giới âm nhạc chú ý đến những nhạc sĩ jazz người da đen nhiều hơn. Duke Ellington là một trong những nhạc sĩ thành công này. Jazz phát triển huy hoàng từ năm 1917 cho đến năm 1929 thì vỡ tan theo bong bóng của thị trường chứng khoán. Nền kinh tế suy sụp khiến các ban nhạc jazz phải giải tán.

Giữa thập niên ba mươi, thế hệ trẻ lớn lên và tìm kiếm dấu ấn âm nhạc của họ. Benny Goodman, người của thế hệ mới, được mệnh danh là ông Hoàng của nhạc Jazz. Năm 1938, Goodman đưa giàn nhạc jazz của ông đến trình diễn ở nhạc viện Carnegie Hall, một trong những nhạc viện danh giá nhất Hoa Kỳ và thế giới.

Vào thời kỳ thế chiến thứ Hai, các ban nhạc jazz lớn lại thêm một lần yểu mệnh. Charlie “Bird” Parker, nhạc sĩ saxophone, người luôn tin tưởng ông là nhạc sĩ của nghệ thuật, thích nhạc cổ điển và rất muốn học sáng tác nhạc. Tuy nhiên, bạc phúc, ông nghiện bạch phiến và qua đời ở tuổi 34 năm 1955. Cùng thời với Parker là Thelonious Monk (dương cầm), Miles Davis (trumpet), và John Coltrane (saxophone). Đây là những tên tuổi lừng danh của nền nhạc jazz được nhiều người trên thế giới yêu mến trong đó có nhà văn lừng danh Murakami. Tất cả những chi tiết nói trên tôi tóm tắt dựa vào bài tiểu luận Jazz của Terry Teachout.[6]

Trở lại với Bill Messenger, tiến trình hình thành và phát triển của nhạc jazz được ông thuyết trình qua những tiểu đề của quyển sách Elements of Jazz. Đầu tiên là nhạc blues dân ca cổ truyền ở đồn điền, kết hợp với nhạc châu Âu thành ragtime, ragtime phát triển rồi suy tàn, nhạc jazz trở nên hưng thịnh, blues biến hình và phát triển đặc biệt qua các giọng ca nữ, nhạc swing ra đời phát triển như một cơn bão, đến Boogie Woogie, đến những ban nhạc blues lớn, nhạc be bop là một hình thức chống lại sự thịnh hành của swing, sau đó đến sự phát triển jazz hiện đại từ thập niên năm mươi cho đến thập niên chín mươi. Tuy ngày nay nhạc jazz hiện đại vẫn còn có khán giả, blues biến thành fusion và rock’n’roll.

Xin mời bạn đọc toàn phần ở Gió O. Jazz trong văn học Hoa Kỳ.


[1] Teachout, Terry. “Jazz.” The Wilson Quarterly (1976-), Vol. 12, No. 3 (Summer, 1988), pp 66-76, http://www.jstor.org/stable/40257338, Tham khảo ngày: 19-07-2015.

[2] Louis Amstrong là một thiên tài của nền nhạc. Ông có tài trình diễn kèn đồng, và có giọng hát trầm và khàn. Ông khuếch động sáng tạo trong trình tấu độc diễn bằng syncopation, nhạc trưởng của hai ban nhạc jazz nổi tiếng Hot Five và Hot Seven.

[3] https://www.youtube.com/watch?v=GCsptiarrzw

hoặc là https://www.youtube.com/watch?v=BkXQX1C9VWo

[4] Messenger, Bill. “Elements of Jazz – From Cakewalk to fusion.” CD book. Springfield, VA: Teaching Co., 1998.

[5] Tương tự Terry Teachout.

[6] Terry Teachout là nhà phê bình nhạc jazz của báo Kansas City Star (1977–83). Ông cũng là nhà tư vấn về các bộ môn âm nhạc nghệ thuật của Time-Life Records Giants of Jazz. Ông sử dụng đàn bass và dương cầm.

3 thoughts on “Dấu vết nhạc Jazz trong văn học Hoa Kỳ, phần 2”

    1. Hì hì. Mình nghe BC hát, thấy cách hát này … kỳ cục quá. Bài hát thì hay nổi tiếng lâu rồi. Quen nghe Thái Thanh và Lệ Thu hát, nên nghe BC lạ quá, không thấy hay.

      Liked by 1 person

  1. Hì Hì Mình không thích kiểu cô ấy ‘quăng’ boa lên xuống trông rối mắt. Nhưng mình thích cái giọng đục, thấp của BC, làm mình nhớ đến bạn học tên là Nguyệt hồi học lớp năm ở VN. Nhỏ ấy có giọng như vậy, hát bài Hoa Xuân thật là hay.

    Liked by 1 person

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s