Ăn, đọc, xem, nghĩ

Ăn gì để không chết? Ăn gì rồi cũng chết!

Thú thật, tôi là người luôn luôn bị ám ảnh bởi cái chết. Từ nhỏ đến giờ tôi chết hụt mấy lần. Kể từ sau khi vượt biên, ám ảnh về cái chết dường như nặng nề hơn. Tôi biết mạng sống con người mong manh lắm, nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Tuy nhiên không phải lúc nào chết cũng dễ. Có vài người tôi biết mỗi buổi sáng thức giấc vẫn than thầm mình vẫn còn sống à. Tôi cho là sau chuyến vượt biên, mỗi ngày còn sống là một ngày bonus; vì vậy, tôi cố gắng tận hưởng cuộc sống của mình trong giới hạn tôi có thể hưởng thụ. Nghĩ đến cái chết là bởi vì gần đây tôi đọc thấy bản tổng kết của WHO cho biết những món ăn có thể gây ung thư như hot dog, sausage, v. v… Tôi thấy upset tí tí. Tôi không thường ăn hot dog. Năm khi mười họa cả năm ăn hot dog chừng một hai lần, mỗi khi đang đi ngoài đường, đói bụng, thèm ăn mà không muốn vào quán. Lần nào ăn thì tôi cũng rất enjoy. Thêm vào nỗi khó chịu khi biết ăn hot dog có thể gây ung thư, là biết có hai hay ba phần trăm DNA của con người. Ngày xưa, người ta gọi cái xúc xích là hot dog là vì khi phân tích nội dung của xúc xích người ta thấy có thịt chó. Làm sao mà DNA của người lọt vào hot dog, người ta đổ mồ hôi, chảy nước mắt, nhổ nước miếng, hay tệ hơn nữa như tè vào đó? Chẳng lẽ khi người ta băm vằm thịt bằng máy người ta bị rớt ngón tay, cánh tay vào. Hay tệ hơn nữa có người bị giết và thủ tiêu vào trong đó? Tôi ớn quá từ nay không dám ăn hot dog hay sausage nữa. Mà sausage (dồi Ý) nấu theo kiểu Ý, chung với ớt ngọt (bell pepper), củ hành tây, sốt cà, ăn rất ngon nhé. Món này thì cả năm tôi cũng chỉ ăn một hai lần là cùng. Hay là kiêng ăn thịt luôn. Kiêng gì nổi. Hôm thứ Ba đi tập tài chí dù đã ăn trưa, ngang qua cửa hàng hamburger mới mở nướng bằng than bốc mùi thơm phứt tôi đã phải phấn đấu với mình là no rồi đừng có ham ăn mà mau chết.

Đọc gì lúc sau này. Game of Thrones vừa đọc vừa nghe đọc được hơn phân nửa quyển số một. Nghe nguyên bộ Shakespeare về bi kịch hài kịch lịch sử do một giáo sư trường Darthmouth College dạy, nghe hai lần mà chẳng nhớ gì hết vì nghe trong lúc lái xe đi làm, đầu óc lơ đãng. Tò mò đọc về kiếm Excalibur, Arthur, đọc vun vặt mấy quyển sách giáo khoa về văn học, truyện ngắn. Quyển The Story and Its Writer do Ann Charters biên soạn rất hay. Bạn nào muốn tìm hiểu thêm về cách viết truyện ngắn do chính tác giả nói về tác phẩm của họ thì quyển này rất tuyệt, rất có ích. Dĩ nhiên không ai có thể dạy ai viết, như dạy ai cách làm tình. Đọc và nhận xét có thể rút ra nhiều kinh nghiệm viết có thể dùng cho chính mình. Điều đầu tiên mỗi người viết phải tự hỏi, mình muốn viết cái gì, mình có chuyện gì để kể. Tôi đọc xong quyển Moviemakers’ Master Class, trong đó các nhà đạo diễn “dạy” cách làm phim. Ngạc nhiên dành cho các bạn, có bài dạy của đạo diễn Vương Gia Vệ nói về phim In the Mood for Love. Người ta nói rằng sau khi xem phim này bạn sẽ ngạc nhiên là phim vẫn hay dù không có cốt truyện. Tôi đang đọc quyển sách của David Bellos, “Is That the Fish in Your Ear?” gặp một trang về dịch thơ rất thú vị để lúc khác sẽ nói.

Xem gì mấy tuần nay, nhiều quá không biết đâu mà kể. Đang tò mò về phim thể loại fantasy và kiếm tôi xem bộ phim Merlin. Tối qua xem xong Ex Machina. Phim này cùng thể loại với “Her.” Đối thoại khá trí thức, thứ trí thức của những người làm khoa học kỹ thuật, tôi không hiểu họ thật sự muốn nói gì, những điều họ nói có vẻ khoa học nhưng tôi không biết nó có dựa trên sự thật và nếu có thì bao nhiêu phần trăm hay đó chỉ là chữ to lớn nhưng không có ý nghĩa.

Nghĩ gì? Không nghĩ gì hết. Tôi nhồi nhét đủ thứ linh tinh vụn vặt vào cái đầu nhỏ bé và già cả của tôi. Mọi suy nghĩ cảm nhận đều bị nhận chìm trong một mớ hổ lốn tin tức, chi tiết. Tôi thèm có một thời gian yên tĩnh trong tư tưởng.

42 thoughts on “Ăn, đọc, xem, nghĩ”

  1. Ngày trước khi nghĩ đến cái chết cháu thường rất sợ, sợ nhiều thứ của mình sẽ mất đi mãi mãi như thân thể này, suy nghĩ này,… trong khi cháu không biết linh hồn con người có tồn tại không nữa.
    Nhưng giờ cháu lại nghĩ sợ chết là đặc ân của những người đang còn sống.

    1. Cô đồng ý với cháu, sợ chết là đặc ân của người sống, nó thể hiện sự quí giá mạng sống của mình. Dĩ nhiên mình không dám nói đến những người liều chết cho lý tưởng hay bảo vệ cái gì đó quí giá đối với họ. Những người này có thể cũng sợ chết, nhưng vẫn làm những việc cần phải làm.

    1. Lúc sau này mình không còn cảm thấy sự thôi thúc cần phải viết nữa. Chỉ cần viết một blog ngắn ngắn nhảm nhảm là đủ rồi. Chắc mình không có duyên với văn chương nên không trở thành nhà văn được.

        1. Hoài Yên mình thấy sức viết phong phú lắm. Chắc viết chậm lại để bài có chất lượng hơn chứ gì? Nhiều khi cuộc sống bận bịu quá nên viết ít đi, người viết cần có thì giờ để đầu óc thảnh thơi mới viết được.

  2. cháu bị hút vào bài từ những con chữ đầu tiên,
    Con cũng có cậu vượt biên qua Mỹ giờ cũng ở bên đó,
    Hồi cậu về cậu nói với tụi con, có câu ni con nhớ hoài luôn,
    cậu nói bây giờ mấy chục năm tuổi rồi, sống thì còn được bao nhiêu đâu,
    nên cố gắng giúp được cho em út, con cháu bên Việt Nam chừng nào hay chừng ấy,
    hôm nay nghe cô kể cũng hiểu được chút ít về những người Việt xa xứ mình.

      1. Cô ơi vậy là lúc đó cô đã ở Mã Lai phải không?
        Sau đó 101 trên chiếc ghe dó mỗi người mỗi nơi à cô? sau đó có ai gặp lại nhau nữa không?
        Sau lúc đó thì cô sống như thế nào mà giờ lại ở Mỹ vậy ạ?
        Cậu con qua My cũng học kĩ sư điện lạnh gì đó ở texas á.

          1. dạ thôi con cảm ơn cô vì đã chia sẻ những thông tin quý báu như vậy, con hỏi hơi nhiều cô hì..
            Dù sao bây giờ cô cũng ổn định với sống tốt ở bên ấy rồi con cũng mừng.

            1. Cám ơn Nga. Cứ hỏi đi cháu. Người già như cô muốn kể chuyện, nhưng sợ làm phiền người nghe. Cô là người hóng chuyện thích nghe người già kể chuyện đời, nếu được sẽ viết lại hay dùng chi tiết để đưa vào truyện. Tuy nhiên cô ít khi gặp được người kể chuyện và khi gặp thì lại không thuận tiện. Cô có người bạn, bố của anh ấy kể chuyện rất tuyệt nhưng anh ấy không để cho bố kể vì nghĩ là bố lẩm cẩm. Cô muốn nghe nhưng không dám đòi hỏi đến khi ông cụ qua đời là hết chuyện luôn.

              1. Dạ con thấy lạ là vì khi đó cô ở Mã Lai á mà giờ cô lại học ở Mỹ và sinh sống ở đó. Rồi khi ở Mã Lai làm thế nào mà cô đã sống được ở đó cũng là cả một câu chuyện dài nữa.

            2. Đời sống ở Mã Lai thì có khó khăn nhưng cũng không phải là không chịu nổi nếu so với những người đi kinh tế mới, lao động cải tạo thì chẳng nhằm gì. Cô ở Mã Lai sáu tháng, xin được đi Mỹ, cô có hai người cháu gọi bằng dì đã sang Mỹ năm 75 nên người ta cho đi dễ dàng. Vì là người tị nạn nên được hưởng chế độ tị nạn người Mỹ lúc đó có lẽ ân hận vì đã gây nên cuộc chiến ở VN và lại bỏ rơi miền Nam nên cho người tị nạn một số lợi về kinh tế như tiền trợ cấp (đủ cho mình sống tiện tặn được một vài năm), đi học không phải trả tiền, ai muốn học nghề thì học, ai muốn học đại học thì học. Cô học Anh ngữ rồi từ từ học cho đến hết đại học không tốn đồng nào, thỉnh thoảng còn được cấp tiền thưởng nếu học giỏi trong năm đó. Sau cô đi làm, công ty trả tiền học Cao học, cô học hết Cao học cũng không tốn xu nào, ngoại trừ phải đóng thuế tiền được cho đi học. Tóm lại toàn là nhờ những may mắn của cuộc đời. Về cuộc sống ở Bi Đông (Mã Lai) cô viết thành truyện, ngại cháu bảo là khoe, nhưng nếu cháu tò mò muốn biết cuộc sống của người tị nạn thì cháu đọc cái link cô sẽ gắn ở cuối bài. Cô là người lạc quan, chịu khổ cực nên truyện có vẻ như thần tiên. Tuy nhiên, cậu của cháu đã rất rộng rãi hào phóng khi cố giúp đỡ gia đình con cháu ở VN. Bên này, những người như cô cũng làm việc vất vả, tiện tặn chứ không giàu có gì. Nếu có vẻ như giàu có thì chỉ là giàu có hơn người nghèo khổ thôi. Cô cũng quan niệm chính quyền mới có đày đọa người dân như cô thời mới đổi chủ thì cô cũng không để cho họ có cơ hội thỏa mãn trên sự khổ cực của cô, vì thế những bài cô viết về cuộc đời tị nạn đều có vẻ lạc quan yêu đời. Cái gì cũng thế, chẳng qua là quan điểm của mỗi người. Cám ơn cháu cho cô cơ hội nói nhiều một chút.

              http://www.gio-o.com/NguyenThiHaiHa/NguyenThiHaiHaTinhBidong.htm

  3. Đọc câu đầu ấn tượng quá. Từ nhỏ con cũng ám ảnh với cái chết, tới giờ cũng nhiều lần may mắn rồi, riết không sợ chết lãng xẹt nữa, nhưng mong sao may mắn cứ ở lại với mình hoài

    1. Cám ơn cháu. Thật ra có những cái đáng sợ hơn cái chết. Cô sợ sống tàn tật què quặt, hay sống trong đau đớn tuyệt vọng còn hơn là sợ chết.

  4. Bài viết nào của chị cũng thật lôi cuốn…
    “Ăn gì để không chết? Ăn gì cũng chết!”
    KUMT cũng nghĩ vậy khi đọc cái tin ăn hot dog, sausage dễ bị ung thư. Nhưng không ăn chết càng sớm, thôi thì ăn vừa đủ để sống vừa đủ.
    Chúc chị một ngày/tối an vui nha 🙂

    1. Cám ơn em. Chị cũng nghĩ có nhiều món ăn có chất độc. Ăn trái cây thì sợ thuốc sát trùng ngấm vào trái từ lúc còn trên cây, rau cải cũng vậy. Ăn thịt thì sợ thuốc trụ sinh và thuốc vỗ béo, ăn cá thì sợ thủy ngân ngấm vào cá. Cái gì ăn nhiều thì cũng chết. Uống nước nhiều cũng chết. Chất độc ăn nhiều ngấm dần cũng chết. Do đó mình luân phiên chất độc, mỗi thứ một chút, chắc không đến nỗi nào. Nghĩ cho cùng, chưa có ai sống đời đời cả. 🙂

      1. Nghĩ cũng hơi rùng mình hén chị. Riết rồi con người cũng chẳng khác nào chuột bạch… lâu lâu lại có người lăn đùng ra bệnh cho khoa học nghiên cứu 😦 🙂

  5. Cháu đã đọc hết câu chuyện vượt biên của cô, là câu chuyện về vượt biên đầu tiên cháu đọc. Những bài viết, hình ảnh ở blog cô cho cháu cảm giác yên bình, tĩnh lặng nhưng thăng trầm, sâu xa. Nhưng cháu không ngờ cô đã trải qua những giây phút ám ảnh, kinh hoàng đến vậy 😦 Ng ta nói bước qua đau thương, mình sẽ thêm mạnh mẽ. Cháu thì không chắc điều này. Cháu nghĩ cũng còn tùy. Có những tình cảnh đau đớn đến ám ảnh không nguôi, cháu e, sẽ làm thần kinh, tâm trí mình bị tổn thương và trở nên nhạy cảm, yếu ớt. Cháu cũng trải qua 2,3 lần chết hụt trong đời (vì bất cẩn: leo qua rào ngăn cách làn xe lúc đêm rồi cứ dông đầu bước tiếp mà quên bên kia rào, xe lớn vẫn đang chạy; may mà có bạn cháu nhanh tay nhanh mắt xô cháu ngã lại vô rào nếu không cháu giờ không còn ngồi đây). Hình ảnh chiếc xe lớn chỉ còn cách mình trong gang tấc ám ảnh cháu. Cháu không ngại nghĩ về cái chết. Vì cháu đã hiểu, như cô cũng nói, sợ chết là một đặc ân của người đang sống, giúp ta thêm trân trọng trọng sinh mạng và cuộc sống của mình. Chỉ là dường như cháu không thể nghĩ được sâu và thấu đáo: nghĩ gì, nghĩ thế nào,…tất cả mơ hồ quá! Thầy dạy thiền cháu từng giảng rằng nếu mình đón nhận cái chết trong tâm thế bình thản, mãn nguyện, không hối tiếc, hay còn vướng mắc, bất an, không buông được điều gì…thì số phận của mình ở kiếp sau cũng không được trọn vẹn và vui vẻ. Vì đó, cháu nghĩ cháu sẽ cố gắng giải quyết hết những vướng mắc và giữ cho mình luôn trong tâm thế bình thản bất cứ khi nào vì cuộc sống này không ai đoán trước được điều gì!
    P/S: Cảm ơn cô đã chia sẻ câu chuyện của mình, cho cháu hiểu thêm về cô cũng như nhắc nhở cháu thế hệ cháu còn sướng chán và những khó khăn, tình huống hiện tại của cháu không là gì cả; người ta khó hơn còn vượt qua được, mình cũng phải làm được 🙂

    1. Cháu gõ nhầm rồi, nền là:
      “Thầy dạy thiền cháu từng giảng rằng nếu mình đón nhận cái chết trong tâm thế bình thản, mãn nguyện, không hối tiếc, hay vướng mắc, bất an điều gì – một cái tâm hoàn toàn buông xả…thì số phận của mình ở kiếp sau sẽ trọn vẹn, bình an và vui vẻ.”
      Blog không có chức năng edit comment 😦

  6. Reblogged this on Mùa gió ^_^ and commented:
    Cháu đã đọc hết câu chuyện vượt biên của cô, là câu chuyện về vượt biên đầu tiên cháu đọc. Những bài viết, hình ảnh ở blog cô cho cháu cảm giác yên bình, tĩnh lặng nhưng thăng trầm, sâu xa. Nhưng cháu không ngờ cô đã trải qua những giây phút ám ảnh, kinh hoàng đến vậy 😦 Ng ta nói bước qua đau thương, mình sẽ thêm mạnh mẽ. Cháu thì không chắc điều này. Cháu nghĩ cũng còn tùy. Có những tình cảnh đau đớn đến ám ảnh không nguôi, cháu e, sẽ làm thần kinh, tâm trí mình bị tổn thương và trở nên nhạy cảm, yếu ớt. Cháu cũng trải qua 2,3 lần chết hụt trong đời (vì bất cẩn: leo qua rào ngăn cách làn xe lúc đêm rồi cứ dông đầu bước tiếp mà quên bên kia rào, xe lớn vẫn đang chạy; may mà có bạn cháu nhanh tay nhanh mắt xô cháu ngã lại vô rào nếu không cháu giờ không còn ngồi đây). Hình ảnh chiếc xe lớn chỉ còn cách mình trong gang tấc ám ảnh cháu. Cháu không ngại nghĩ về cái chết. Vì cháu đã hiểu, như cô cũng nói, sợ chết là một đặc ân của người đang sống, giúp ta thêm trân trọng trọng sinh mạng và cuộc sống của mình. Chỉ là dường như cháu không thể nghĩ được sâu và thấu đáo: nghĩ gì, nghĩ thế nào,…tất cả mơ hồ quá! Thầy dạy thiền cháu từng giảng rằng nếu mình đón nhận cái chết trong tâm thế bình thản, mãn nguyện, không hối tiếc, hay còn vướng mắc, bất an, không buông được điều gì…thì số phận của mình ở kiếp sau cũng không được trọn vẹn và vui vẻ. Vì đó, cháu nghĩ cháu sẽ cố gắng giải quyết hết những vướng mắc và giữ cho mình luôn trong tâm thế bình thản bất cứ khi nào vì cuộc sống này không ai đoán trước được điều gì!
    P/S: Cảm ơn cô đã chia sẻ câu chuyện của mình, cho cháu hiểu thêm về cô cũng như nhắc nhở cháu thế hệ cháu còn sướng chán và những khó khăn, tình huống hiện tại của cháu không là gì cả; người ta khó hơn còn vượt qua được, mình cũng phải làm được 🙂

  7. Bên mình chuyện ăn uống là một vấn đề gây ra nỗi hoang mang thường nhật. Vì ngta dùng nhiều thuốc hóa học, chất bảo quản, chất tăng trưởng… nên ăn cái gì là lo ngai ngái cái đó. Em hay nói đùa với học trò, đừng có ăn cho sướng cái miệng mà hại cái thân. Chúng nói ăn cũng chết, không ăn cũng chết, thôi tụi em muốn thành ma no hơn ma đói. Em nghe mà mắc cười quá, hồi mình mười tám tuổi, chắc mình cũng trả lời y như nó cô nhỉ!

    1. Khi còn trẻ người ta thưởng hay nghĩ là mình bất tử 🙂 nhưng nói như các em thì cũng là cách sống. Mình thấy có nhiều người kiêng cử sống lành mạnh lắm nhưng cơn bệnh đến bất thường và người ấy chết sớm hơn những người yếu đuối èo uột, ăn tạp nham.

  8. Em cũng biết Hotdog làm toàn bằng thịt bầy nhầy nhưng thỉnh thoảng cũng có ăn vì … tiện, vì ham vui thấy người khác ăn mình cũng ăn, nay nghe có thành phần của thịt người thì ớn thiệt 😨 . Như bữa người ta chuyền nhau bài báo online nói rằng xương hầm phở ở VN là xương hầm … bà lằng được nhặt nhạnh ở khắp nơi, kể cả xương… người . Chuyện nghe cũng khó tin nhưng dù sao cũng làm sao ăn cho mạnh miệng nữa (nếu như đang ở VN) …
    Mà chị viết cả mấy chủ đề trong bài này, em chỉ chăm bẳm vào … ăn, thật kỳ 🤓

    1. Kệ nó Tiểu Thảo ơi. Báo nói gì thì nói. Mình lâu lâu ăn một lần thì chẳng ngại gì. Ăn là chuyện quan trọng mà em. Tưởng tượng không ăn được hay không được ăn thì cái nào cũng khổ cả. Tiểu Thảo với Dã Quỳ có họ hàng gì không? Hay chỉ là bạn của nhau?

      1. Em cũng nghĩ … “thoáng” vậy đó chị, lâu lâu một lần chắc hổng sao … Trong nhà, có lẽ em là đứa thích ăn hàng … rong nhất thành ra đi bác sĩ, lần nào ổng cũng dặn ăn kiêng bớt dầu mỡ, còn không thì ổng sẽ biên toa bắt em uống thuốc 😛

        Dạ, em là con gái xứ cao bồi, còn DQ là con dâu xứ cao bồi, chắc cũng có … bà con chút chút hả chị ? 😛 . Nói chứ tụi em không có bà con nhưng tình thân như chị em vậy đó … Em gặp DQ ngoài đời thật cũng mấy lần rồi … 😛

Leave a comment