Bobby đi lạc

Bobby đi lạc

Tôi gọi điện thoại cho Cá Linh, thăm con gái út vì thấy nó buồn. Công việc khó khăn hơn cô nàng dự đoán, lại ở xa nhà, thiếu bạn. Con nhỏ này giống mẹ ở chỗ ít khi dùng điện thoại để nói chuyện nên con không gọi thăm mẹ thì mẹ gọi thăm con.

“Suýt tí nữa là nhà mình có một con chó để nuôi.”
“Nghĩa là sao? Tại sao lại suýt tí nữa?”

Tôi kể vắn tắt cho Cá Linh nghe. Chủ Nhật qua, như thường lệ tôi và bố cô đi rừng. Hai ngày cuối tuần mỗi ngày chúng tôi đi chừng khoảng năm tiếng đồng hồ.

Tùy theo hướng đi, chỗ chúng tôi dừng lại để nghỉ chân thường là hai trạm. Hôm ấy chúng tôi ngừng ở Sky Top Picnic Area. Tôi ngồi nghỉ không lâu thì có một nhóm ba người, trẻ, Á châu đến ngồi ở bàn bên kia, khá xa. Họ bày fast food ra ăn. Hai người ăn trước, gọi người thứ ba, là một phụ nữ chừng hơn ba mươi. Cô này đến ăn sau vì mãi trông chừng một cậu bé nào đó. Tôi nghe cô gọi Bobby, Bobby, đến đây. Tôi ngồi quay lưng về hướng cậu bé nên nhìn thấy người đàn bà mà không nhìn thấy Bobby. Ăn xong chúng tôi thu dọn và đi tiếp. Ông Tám đi trước, tôi đi sau. Lấn quấn bên chân ông Tám là con chó nhỏ màu trắng. Bobby là tên của con chó này đây, tôi đoán ra. Mặc cho mẹ Bobby kêu réo, Bobby cứ đeo theo ông Tám, ngửi tay ngửi chân, và chạy lon ton dẫn đường. Bobby ngừng chỗ này một chút, chỗ kia một chút, thỉnh thoảng nhấc chân lên tè vào gốc cây này gốc cây kia như để đánh dấu. Khi chạy trước ông Tám, khi chạy sau, khi chạy bên trái, lòn qua bên phải.

Đoạn đường từ Sky Top Picnic Area sang Nature Trail Science Center đang lúc xuống dốc, tương đối dễ đi, cây cối không chằng chịt lắm, có khá nhiều cây thông cao. Mẹ Bobby đi theo vài bước cứ gọi Bobby comeback nhưng nó chẳng buồn đếm xỉa tiếng mẹ gọi mà cứ tung tăng chạy theo ông Tám. Bobby hoàn toàn chẳng chú ý đến tôi đi phía sau. Thỉnh thoảng Bobby chạy ngược hướng về phía tôi, tôi đoán nó sẽ chạy về với mẹ, nhưng không, nó lại đánh vòng, đuổi theo ông Tám. Ai nuôi chó thì cũng biết, cứ trông cái dáng của một con chó con chạy thật nhanh, đuôi cong tai cụp, dễ thương lắm.

Cuối con dốc qua khỏi rừng thông, con đường mòn rẽ tay mặt. Quẹo tay trái sẽ dẫn ra đường lớn. Quẹo một nhánh khác cỡ 45 độ bên trái thì sẽ dẫn về Felt Village. Đến đây tôi vẫn không thấy đám người đi tìm Bobby. Tôi đâm ra lo ngại. Bobby chạy về hướng Felt Village. Nếu nó đi lạc, nó sẽ khó mà tìm lối về, bởi vì nó chỉ là con chó con, chưa phát triển đủ khả năng săn hay đánh hơi đường về. Ông Tám tỉnh bơ dấn bước. Tôi ngồi xuống, đưa tay ra gọi con chó. Bobby Bobby come here. Bobby đã chạy khá xa sang hướng Felt Village nhưng nghe tiếng tôi và không nhìn thấy ông Tám nên chạy ngược lại. Nó không ngừng ở chỗ tôi mà lại chạy quấn bước ông Tám. Tôi nói.

“Mình mang con chó trở lại cho ba người đó đi. Chứ nếu nó đi lạc trong rừng này thì chỉ có chết. Trời lạnh rồi.”
“Chó của người ta thì để người ta lo. Đường mình đi thì đi. Sao lại lo chuyện của người. Chó của họ mà họ chẳng đi tìm, chẳng chạy theo thì thôi.”

Tôi không đồng ý với ông Tám, nhưng không nói gì. Chúng tôi lẳng lặng đi. Bobby tung tăng chạy theo dường như thấy cuộc đi chơi rất thú vị. Thỉnh thoảng tôi bế nó lên vì sợ nó mỏi. Ở cổ Bobby có tấm lắc có số điện thoại số vùng (area code) khác số vùng của tôi cũng như khu vực hiking.

“Có số điện thoại của chủ nó, mình gọi họ đi.” Tôi nói.
“Dù gì cũng phải đến Nature Science Center, đến đó rồi gọi họ đến nhận con chó. Ở đây giữa rừng có gọi họ cũng chẳng biết đường mà đến.”

Bobby bé lắm, nhỏ hơn cả Nora của tôi. Khi tôi bế nó lên tay nó liếm mặt liếm tay tôi, cũng không có vẻ gì đòi xuống đất. Tôi bế nó đi một chút thì thả nó xuống. Nó tung tăng chạy theo ông Tám, thỉnh thoảng ngừng, cào lá, ngửi, đào bới, phục người như rình, tôi kiên nhẫn đứng chờ. Thỉnh thoảng gọi nó nhắc chừng nó đi theo sợ nó lạc vào rừng. Bobby chỉ chạy theo đường mòn chứ không nhào vào bụi rặm như tôi lo ngại. Ông Tám nói, thấy nó khôn chưa, nó biết đường mòn mà.

Từ Picnic Area đến Trail Center đi bộ thong thả chừng một giờ đồng hồ. Tôi đi được nửa giờ thì nghe tiếng gọi la hét um sùm. Một người đàn ông Mỹ có con chó chạy xổng vào rừng. Ông tìm không thấy, kêu réo um sùm. Hỏi chúng tôi có nhìn thấy con chó con màu đen không. Con chó tên Molly. Chó khi vào rừng thường hay xổng chạy mất. Không hiểu tại sao, vì mùi rừng đánh thức bản năng săn bắn hoang dã hay vì nhiều người nhiều chó qua lại trên đường mòn làm tràn ngập khả năng đánh hơi của chó? Một lúc sau tôi nghe có tiếng chân phía sau, nhìn lại thấy hai người có vẻ là vợ chồng rất trẻ có dẫn một con chó loại pitbull cao lớn có dây xích cổ. Tôi nói với hai người.

“Ông bà giữ dùm con chó của ông bà. Phía trước có con chó nhỏ tôi sợ con chó của ông bà quật chết con chó nhỏ ấy.”
“Vâng. Vâng. Không sao đâu, con chó của chúng tôi thân thiện lắm.”
Nói thế nhưng họ cũng giữ chặt dây xích. Bobby nhảy bổ lại sủa con chó pitbull inh ỏi. Hai vợ chồng mỉm cười. Cả hai người đều rất trẻ, tuổi hơn ba mươi. Người chồng cao lớn như dân chơi football.
“Con chó không phải của chúng tôi. Nó bỏ rơi chủ của nó và chạy theo chúng tôi cả tiếng đồng hồ.”
“Thế à? Tôi cứ tưởng con chó là của ông bà.”

Cô vợ đưa dây xích chó cho anh chồng giữ. Cúi xuống bế Bobby lên tay, giọng cô trìu mến.
“Con đi lạc đấy à?”

Cô rút điện thoại ra, gọi số điện thoại đeo trên cổ Bobby, rồi bảo chúng tôi.

“Ông bà có thể đi trước, chúng tôi sẽ lo cho Bobby.” Cô nói.
“Dự tính của ông bà như thế nào?” Tôi hỏi.
“Chúng tôi sẽ mang nó đến Trail Center và chủ của Bobby sẽ đến đón.”

Chúng tôi đi, họ cũng đi. Cô vợ dắt con chó lớn. Anh chồng bế Bobby như bế một đứa con. Trông cái cách họ quán xuyến chuyện con chó tôi thấy cảm động. Hai người rất trẻ, có lòng nhân, thương thú vật. Họ biết ngay họ cần phải làm gì, và chẳng ngại ngần phải làm những công việc nằm ngoài kế hoạch của một ngày Chủ Nhật.  Họ đi rồi tôi tự hỏi mình. Họ mang con chó đến Trail Center, cũng cùng đường với mình, tại sao mình không làm chuyện này.

“Thấy chưa. Họ cũng làm đúng như anh nghĩ.” Ông Tám nói.

Chắc chắn là tôi không bao giờ có thể bỏ Bobby trong rừng. Tôi có nghĩ đến chuyện gọi người chủ của Bobby nhưng bản tính của tôi rất ngại tiếp xúc với người không quen. Tôi sợ, nếu như họ cố tình bỏ Bobby vào rừng vì không muốn nuôi nữa, họ sẽ không trả lời điện thoại, hoặc trả lời mà không nhận đó là con chó của họ. Tôi sẽ làm gì với con chó? Khi tôi bế Bobby lên tay, nó liếm má tôi, tôi đã có ý nghĩ là giữ con chó để nuôi, đúng là một thứ tà tâm.

“Tưởng là có duyên nợ với con chó nhưng té ra không có.” Tôi nói.
“Nợ nhiều hơn duyên.” Ông Tám nói.

Đã nhiều lần tôi nhìn thấy tôi mê mẩn nhìn những con chó nhỏ. Nora sẽ phản ứng như thế nào nếu tôi mang Bobby về. Tôi muốn đi chơi mà không ai trông chừng Nora, nếu có thêm Bobby thì sao. Bốn giờ sáng Nora đánh thức tôi, cho Nora ăn, cho Boyfriend ăn. Rồi tôi phải dẫn Bobby đi đồng. Khi bế Bobby trên tay, một chút xíu là tôi bảo tôi phải thả Bobby xuống đất. Nó chỉ cần hôn tôi vài ba cái là tôi sẽ phải lòng nó và tôi sẽ trở thành một bà già ăn trộm chó.

Kể Cá Linh nghe, một chút điểm tô cho một ngày Chủ Nhật yên lặng.

18 thoughts on “Bobby đi lạc”

  1. “mỗi ngày chúng tôi đi chừng khoảng năm tiếng đồng hồ.” – wow sao chị Tám giỏi vậy ? em hình như lâu lắm rồI chưa đi bộ 1 tiếng (nếu không tính đi shopping). Thằng bé dạo này cứ bảo “mẹ nuôi chó đi . mẹ cần một con chó cho khỏi buồn” (không biết có định nói “để mẹ đừng text con hoài” không nữa … )

  2. Chị bà Tám thích thương chó mèo ghê. Em rất thích nuôi chó mèo nhưng nghĩ cảnh hàng ngày dắt tụi nhỏ đi tè thì rụt lại. Chắc đợi lúc nào rảnh rang hơn chút thì sẽ nuôi một vài con.
    à, chị có thể adopt một con chó/mèo ở animal shelter. Rất nhiều con dễ thương đó chị.

    1. Thương thì có thương, nhưng chị không thương nhiều đến độ đi xin con chó về nuôi. Nuôi con mèo tại vì mấy đứa con nuôi chán rồi giao cho chị. Phải em là LBB ở FB không?

  3. Đọc chừng thấy Ông Tám giống anh nhà mình cái ngại nói chuyện qua điện thoại với người lạ. Hai anh chị có bụng tốt cùng ý mang Bobby về Trail Center như cặp vợ chồng trẻ, gọi liền thì mẹ của Bobby được yên tâm sớm hơn. Cái gì ngại làm mình hay procastinate chần chừ. Thấy nữa là BT giống mình cái nể lời nói của chồng, nghi ngờ cái giải quyết của mình 😉
    Anh chị Tám đi bộ trong rừng mỗi cuối tuần như vậy thân thương ghê. Mình nghĩ nếu tình cờ gặp, mình chắc sẽ nhận ra anh chị liền !

    (mới đầu nhìn hình Bobby trên Reader, tưởng là Cún Bơ!)

    1. Nhiều khi mình nghi ngờ giải pháp của ông Tám nhưng thường thì nhường ông vì ông là chồng. Nhiều khi ông rất caring. Đi rừng có lần bắt gặp một con rùa to bằng hai bàn tay màu vàng rất đẹp. Ông bỏ con rùa vào ba lô bảo rằng mang về nhà nuôi. Nhưng đi một đỗi xa, gặp con suối, ông thả rùa gần con suối. Bảo rằng cho nó hợp với thiên nhiên. Có lần mình gặp cây nấm to, tò mò lấy cây gậy chọc cây nấm ông bảo phá hoại nó làm gì, không chừng cây cối cũng biết đau. Vậy mà ông có vẻ thờ ơ với con chó nhỏ làm mình cũng không vui. Biết là cuối cùng thế nào mình cũng take care con chó theo ý mình dù ông có nói ra thì cũng không nghe theo ông. Nhưng cứ để ông muốn nói gì thì nói cho đỡ phải cãi nhau mất vui khi đi rừng. 🙂

  4. Vậy ra Bobby biết ông Tám hiền lành nên cứ quấn quýt theo vậy đó, đúng hông Bà Tám?

    Rồi cuối cùng, Bà Tám có biết người chủ của Bobby có quay lại nhận Bobby về không? Hay cặp vợ chồng có con pitbull giữ lại luôn vậy?

    Nghe Bà Tám kể chuyện là đủ biết Bà Tám ngập tràn tình thương yêu rồi nè! ❤

    1. Không hiểu sao chó rất thích ông Tám, mấy đứa con mình cũng thường hay bảo Dogs love Dad. Đi đường gặp chó là nó quấn quít theo ông ngay. Mình đến Trail Center trước nhờ đi đường tắt, thấy hai vợ chồng cũng đem Bobby đến Center. Anh chàng chồng bế con chó khư khư chắc sợ hễ thả ra lạc mất thì chẳng biết phải giải thích thế nào với mẹ của Bobby. Mình tin là họ sẽ giao con chó cho chủ, bởi vì thái độ của họ rất tự nhiên và ân cần. Vẻ tử tế của họ làm mình tin cậy dễ dàng. Nếu họ muốn bắt Bobby họ không cần phải đến Center, chỉ cần quẹo về nhà. Họ đã có một con chó rất đẹp rồi và yêu thương con chó lắm. Họ hiểu nỗi buồn của người bị mất thú cưng.

      1. Cũng hy vọng là Bobby được trở về trong mái ấm yêu thương ha Bà Tám (cho dù với chủ cũ hay chủ mới cũng được, miễn có ng` yêu thương ẻm thôi hơ)

    1. Luật đi trong Reservation là phải có dây buộc và phải dọn phân chó, nhưng cũng có nhiều người làm lơ không theo luật. Chị hay nghi ngờ người ta không muốn nuôi chó nữa nên đem bỏ trong rừng.

        1. Con mèo của chị cũng không chịu đeo tấm lắc vào cổ. Tự nó bứt ra đứt hết bốn năm cái lắc đeo cổ như vậy. Thì chó mèo cũng như người luôn thích tự do. Thích thương yêu, thích có chủ, nhưng cũng thích tự do chạy rông.