Đôi tình nhân muôn đời hôn nhau

Romeo và Juliet

Đây là ảnh của đôi tình nhân Romeo và Juliet. Họ đứng hôn nhau muôn đời trước hí viện Delacorte Theater trong Central Park nơi trình diễn kịch của Shakespeare hằng năm vào mùa hè. Khách xem tự do không phải trả tiền. Tùy theo sự hảo tâm của khán giả ai muốn giữ truyền thống văn hóa thì đóng góp. Vì là nơi xem diễn kịch free nên không dễ gì có vé vào cửa. Người muốn xem kịch có thể đăng ký online may nhờ rủi chịu, hay xếp hàng trước cửa nhà hát từ sáng sớm (6:30 am) đến trưa thì người ta phát vé, đến tối (8:00 pm) mới diễn kịch. Hằng năm người ta đều qui tụ được những diễn viên thượng thặng để đóng kịch Shakespeare như Al Pacino, Sam Waterston, v. v… . Ai không muốn đứng xếp hàng, nhưng muốn xem kịch có thể tặng ban tổ chức kịch một số tiền trước khi mở mùa kịch, năm có Al Pacino diễn người xem chỉ cần tặng ba trăm Mỹ kim thì sẽ được hai vé vào xem kịch. Ba trăm Mỹ kim ở New York City thì không phải là một con số to tát gì. Những vở nhạc kịch ở Broadway cũng có giá tương đương.

Dưng không mà đi nói về hí viện kịch Shakespeare. Tôi chỉ muốn dùng tấm ảnh để minh họa cho bài dịch “Nói chuyện gì khi nói chuyện tình yêu.” Thế mà tôi cứ tí toáy với cái chủ từ, chúng ta, chúng tôi, chúng mình, họ, v.v… . Vậy đó, bạn thấy, người dịch đứng trước một số chọn lựa giữa một số ngôn từ và họ phải chọn chữ nào mà theo họ là thích hợp nhất, đúng nhất, và trừu tượng hơn, hay nhất.

Người dịch, trước nhất phải là người viết và trước khi là người viết phải là người đọc. Theo bạn thế nào là một truyện ngắn hay? Thế nào là một truyện tình hay? Để trả lời câu hỏi này, bạn phải trả lời một câu hỏi khác, truyện tình là gì? Và thêm một câu hỏi nữa tình yêu là gì?

Bạn đọc một câu truyện tình, cảm nhận đó là một truyện hay, vì nó gõ vào trong tiềm thức hay vô thức của bạn một số quan niệm đã thành hình dù mơ hồ. Có khi đó chỉ là một mơ ước không tên nào đó. Tình yêu theo tuổi đời và kinh nghiệm bản thân sẽ dần dần thay đổi định nghĩa theo mỗi cá nhân. Tôi vẫn tự hỏi mình, tại sao khi nói đến truyện tình tôi luôn nghĩ đến mối tình của Romeo và Juliet. Shakespeare có rất nhiều truyện tình, hầu như vở kịch nào cũng có truyện tình, từ bi kịch đến hài kịch, tại sao tôi chỉ nghĩ đến Romeo và Juliet. Vì đó là mối tình ngây thơ và đầy dại dột? Vì nó không toan tính bất vụ lợi? Vì hai người trong cuộc chỉ là hai đứa trẻ con? Vì mối tình bất hạnh này đã xóa bỏ hận thù của hai giòng họ?

Trở lại với truyện của Carver, đây là một truyện ngắn hay, tuy không phải là truyện hấp dẫn. Chỉ trong 9 trang mà Carver đưa ra năm mối tình. Để đăng lên từ từ, kẻo các bạn đọc không kịp.Tôi muốn biết ý nghĩ của các bạn về truyện tình. Theo bạn, thế nào là một truyện tình hay.

 

8 thoughts on “Đôi tình nhân muôn đời hôn nhau”

  1. “Vì đó là mối tình ngây thơ và đầy dại dột? Vì nó không toan tính bất vụ lợi? Vì hai người trong cuộc chỉ là hai đứa trẻ con? Vì mối tình bất hạnh này đã xóa bỏ hận thù của hai giòng họ?” – vì tất cả những điều nói trên nên em cũng thích truyện tình này … và có lẽ vì họ đã chết cùng nhau trước khi đụng chạm vào cái “hậu tình yêu” nên nó thành bất tử chị ạ 🙂

    1. HY nói có lý lắm. Nhờ chưa đụng chạm vào cái hậu tình yêu. Có lẽ vì họ chết khi quá trẻ nên tình yêu của họ trở thành bất tử.

  2. chuyện tình lơ lơ lững lững đôi khi hay hơn có kết cục, nhưng làm sao được, khi có bắt đầu thì phải có kết thúc bằng cách nầy hay cách khác.

Leave a comment