Đi thăm con

Chị tôi ở Houston Texas lên thăm miền Đông Bắc Hoa Kỳ. Dùng chữ lên là vì trên bản đồ, tiểu bang của chị nằm mãi ở cuối xứ Hoa Kỳ rộng lớn. Sẵn chị lên chơi, tôi và ông Tám đưa chị đi thăm vài người thân. Bạn thân của chị ở Virginia, đến Virginia phải đi ngang Baltimore là nơi cô út của tôi đang ở, nên sẵn đó tôi đi thăm con. Thả chị xuống nhà bạn, chị ngủ đêm ở đó, tôi quay lại chỗ con tôi, ngủ đêm. Nhà bạn chị rất giàu, có phòng ngủ cho khách, một phòng cho chị, còn một phòng nữa cho chúng tôi. Phòng rộng, trang trí lộng lẫy, có bathroom riêng, thật là tiện nghi và thoải mái, nhưng tôi từ chối vì muốn đến thăm con gái út.

Trước đó đã điện thoại xin phép trước. Bố mẹ có thể ở qua một đêm với con không? Nó bằng lòng mới dám đến. Lại hối lộ trước là bố mẹ sẽ mang bánh mì và thức ăn cho con. Bạn của chị gửi cho bún bò. Bánh mì mua người ta làm sẵn ở chợ. Cũng như mấy đứa Tây, Mỹ trẻ, chúng nó thích ăn bánh mì, phở. Bún bò thì phải có cái khẩu vị Việt Nam hơn.

Cô út ở trong một cái studio, khá rộng rãi cho một học sinh, hoặc mới ra trường. Nếu tiện tặn và hợp tính có thể hai người ở chung một phòng, nếu sống theo kiểu học sinh Việt Nam. Tôi đã từng thấy hai vợ chồng người Ấn Độ, chồng học vừa xong Tiến Sĩ còn đang chờ việc làm, sống trong một căn phòng nhỏ cỡ chừng phân nửa phòng của cô út. Nói theo kiểu người Việt, ăn nhiều ở chẳng bao nhiêu, thì chật mấy ở cũng được. Còn sống theo kiểu Mỹ thì ở nhiều ăn chẳng bao nhiêu. Chi phí thuê nhà có thể chiếm khoảng một phần ba lương của người làm việc, nhất là mới ra trường.

Phòng của cô rất nóng chắc phải cỡ 85 độ F. Hôm chúng tôi đến trời ấm hơn bình thường. Baltimore ấm hơn New Jersey vài ba độ nên cây vẫn còn lá vàng. Gần giữa tháng 12 mà trời 70 độ F. Ông Tám kêu phòng con nóng quá. Cô giải thích vì cô ở tầng thứ nhất, nước nóng dùng để sưởi cả khu chung cư phải đi qua chỗ cô trước nhất rồi mới lên các tầng cao hơn. Cô phải tắt hệ thống sưởi cá nhân trong phòng của cô chỉ để nước nóng dùng chung cho chung cư đi ngang phòng. Thế mà phòng vẫn nóng. Đứng trong phòng tắm, tay để gần ống dẫn nước nóng, không chạm vào đã thấy hơi nóng tỏa ra ấm cả tay. Tôi nghĩ chạm vào chắc là sẽ bị phỏng.

Cô bơm hơi vào tấm nệm dã chiến đủ cho một người nằm, dành cho tôi. Cô có một cái cot, giường tạm có thể gấp lại, ông Tám nằm. Cô có dư một cái gối, và tôi đắp bằng cái khăn trải giường. Không lạnh nhưng vẫn phải đắp cái gì đó theo thói quen. Dĩ nhiên là đêm ấy tôi không ngủ được.

Chung cư của cô ở ngay trên một trong những con đường chính của thành phố. Xe chạy suốt đêm. Giờ nào cũng có xe chạy ngang. Đèn ngoài đường sáng choang. Trước chung cư, bên kia đường là hàng quán, cửa hiệu, tiệm tạp hóa, đèn màu. Năm giờ sáng xe cảnh sát của trường đại học Johns Hopkins đậu, đèn chớp màu xanh lá cây, thấy xe đậu mà không thấy tài xế. Những người ở trọ chung tầng thứ nhất, ra vào rất trễ, đêm im ắng tiếng mở cửa đóng cửa nghe đùng đùng. Những người ở tầng trên, có lẽ đông người ở, một đêm đi bathroom ba bốn lần, tiếng chân đi nghe ầm ầm trên đầu. Tôi giống như một bà nhà quê lên tỉnh, theo thói quen cứ ba bốn giờ sáng là thức giấc, hé rèm nhìn ra ngoài thành phố. Thành phố nào cũng thế, có vẻ như không bao giờ ngủ.

Tôi nằm yên vì không biết phải làm gì. Rồi tôi thả trí óc đi lang thang. Tôi nghĩ đến nhân vật Ka (phải Ka không?) trong tiểu thuyết Snow của Orhan Pamuk trở về nơi chốn cũ gặp lại người yêu cũ, nửa đêm thức giấc nhìn ánh đèn neon màu đỏ chớp tắt bên kia bãi đất trống hay chỗ đậu xe gì đó. Rồi tôi nghĩ đến nhân vật người lính (VNCH) trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn thị Ngọc Minh tôi đọc đâu như năm 74 hay 73 gì đó, nằm trong một căn phòng sặc sụa mùi nước hoa và son phấn rẻ tiền của một cô gái điếm, nàng điếm này có một đứa con gái nhỏ, và cô bé con này nhờ anh lính giúp cô bé đi tìm mẹ của cô. Những suy nghĩ bâng quơ của tôi với nhiều chi tiết đã bị bôi mờ hay méo mó theo thời gian không đưa đến một kết luận nào cả. Chúng (những mẩu chuyện nho nhỏ của trí nhớ) chỉ có một vài điểm tương đồng, một người thức giấc giữa khuya ở một thành phố lạ, nhìn ra bên ngoài, thấy những ánh đèn màu của thành phố, nhìn vào trong tâm hồn mình thấy có cảm xúc lạ (strange feeling), lẻ loi, xa lạ.

Năm giờ sáng tôi trờ dậy, khép cái cửa ngăn để đừng chói mắt con gái út, mở computer đọc vớ vẩn. Tôi không biết con tôi nghĩ gì. Trải qua một đêm chung phòng với bố mẹ già, nghe tiếng ngáy của bố, tiếng trăn trở của mẹ, nó có tự hỏi tại sao bố mẹ mình từ chối tiện nghi của bạn bè tiếp đãi để quấy rầy mình trong căn phòng nhỏ bé như thế này. Nó thức dậy sớm, thấy tôi ăn sáng nửa ổ bánh mì, còn nửa ổ nó ăn nốt. Nó pha cho tôi ly trà. Quên kể là trước đó nó có mời bố mẹ nếu muốn dùng nhà tắm, bếp hay ăn thức ăn trong tủ lạnh, xin cứ tự nhiên.

Trước khi về tôi nói đùa, mẹ thích ở với con như thế này lắm, để mẹ move in với con. Tôi nhìn mặt nó thấy (hình như) có vẻ hoảng hốt. Con tôi không bao giờ biết lúc nào tôi nói đùa. Khi thấy tôi cười nó nói. Ớ, cái này thì không chắc lắm, con phải suy nghĩ đã.

Tôi nghĩ đến phong tục VN, với cổ tích Thoại Khanh lóc thịt bắp tay nấu cho mẹ chồng ăn. Nghĩ đến những người con có hiếu có thể nhường giường cho cha hay mẹ ngủ. Nghĩ đến con ở nhà mình mấy chục năm thì không sao, nhưng khi nó có nhà riêng hay phòng riêng, thì ngay cả chuyện đến thăm con cũng phải được sự đồng ý của con chứ không phải cứ xuất hiện lúc nào cũng được.

Sự khác biệt văn hóa vẫn mù mờ cho cả những người sống qua nhiều thế hệ, nhiều quốc gia. Không nhận ra và không chấp nhận sự khác biệt này là nguyên nhân gây đau khổ cho nhiều người, bạn nghĩ có phải vậy không?

46 thoughts on “Đi thăm con”

  1. cảm được nhiều tâm sự của Bà Tám lắm nè!

    Cũng như bố mẹ DQ, mỗi khi nhớ con nhớ cháu lại cứ hỏi “bố mẹ ghé thăm tụi con được không?” DQ thì luôn nói với bố mẹ rằng: “Nhà của tụi con cũng là nhà của bố mẹ, bố mẹ muốn ghé đến bất kỳ lúc nào cũng được. Bố mẹ ghé lại ở luôn thì càng tốt. Còn nếu không, bố mẹ nhớ con cháu thì cứ ghé đến với tụi con (vì tụi con không thể về thăm bố mẹ mỗi tháng được như xưa) thì tụi con còn mừng nữa chứ!” Nhưng bố mẹ đã quen rồi nên vẫn cứ hỏi vậy đó.

    Ông bà Ngoại tụi nhỏ chỉ có gia đình DQ và gia đình dì Ba tụi nhỏ là ở xa nên thỉnh thoảng con cháu không về thăm ông bà được thì ông bà lại thay phiên đi thăm từng đứa con cháu ở xa vậy á! Thương lắm cơ!

    Tưởng tượng cảnh Bà Tám khó ngủ cả đêm mà hổng biết nói sao. Mẹ DQ cũng khó ngủ lắm, cho nên mỗi khi bà ghé chơi là DQ phải dặn tụi nhỏ đừng có ồn quá làm bà ngủ không được. Vậy mà lần nào cũng như lần nấy, cứ 5:00 sáng là đã thấy bà thức giấc rồi!

    Hic ..hic …..thấy Ông Bà Tám đi thăm cô Út mà DQ lại nhớ ông bà Ngoại của tụi nhỏ nữa rồi nè. Noel này không về thăm ông bà được, mà chưa rõ ông bà có ghé đây (trốn lạnh) hông nữa. ….hic ..hic ..:(

          1. Dạ vâng, ông bà hiểu nên mỗi lần nhớ con cháu thì ông bà lại lặn lội đường xá xa xôi đến thăm vài hôm rồi về vậy á.

            Mong sao có 1 ngày thật gần, cả nhà sẽ ở quây quần gần nhau thì ông bà không phải đường xá xa xôi nhớ con, nhớ cháu nữa nè Bà Tám ơi!

      1. Chị Tám tui, thích những câu chuyện thường tình thế thôi của Chỉ viết.  
        Mong nhận được đọc những câu chuyen như thế, thực tế.

        1. “trước khi về tôi nói đùa, mẹ thích ở với con như thế này lắm, để mẹ move in với con. Tôi nhìn mặt nó thấy (hình như) có vẻ hoảng hốt”….đọc đoạn này em bật cười 🙂 Câu này rất tếu.
          Like

  2. Chį Tám “tệ” thiệt. Chỉ cho đọc chay bài đi thăm con mà không cho được cái hình, thành ra chưa mãn nhãn. Complain xong rồi, dzọt lẹ…. 😝

    1. Đâu có dám chụp ảnh lạng quạng. Đi đâu cũng chụp ảnh bị con rầy lâu rồi. Ng. không cần phải dzọt lẹ, có ai rượt đâu mà sợ chạy dữ vậy.

  3. Chị là một người sống rất nội tâm. Bên ngoài trầm lặng không ồn ào nhưng khi chị viết thì bỏ hết những âm thanh cuộc sống vào con chữ. Em đọc thích ghê!

    Thích bài này lắm lắm.

    1. Cám ơn Trang.Em là con gái độc nhất phải không? Chắc cũng có lúc nghĩ đến ngày nào đó mẹ không còn có thể ở riêng một mình nữa chứ gì?

  4. Em thích đọc những chia sẻ kiểu vầy của chị….rồi thử đặt mình vào bức tranh đó….đêm lạ giường, lạ nhà, lạ cả thành phố, ko ngủ được, nhưng vẫn muốn làm khách của con…..cái air bed ko thoải mái bằng nệm nhà nhưng vừa đủ cho 1 nỗi nhớ 🙂

    “Trước khi về tôi nói đùa, mẹ thích ở với con như thế này lắm, để mẹ move in với con. Tôi nhìn mặt nó thấy (hình như) có vẻ hoảng hốt”….đọc đoạn này em bật cười 🙂

      1. lúc trước ba mẹ em ở chung với em đó chứ….giờ thì ông bà ở với gđình em trai em vì thương cháu Nội 🙂

        hiện tại Viv nói, sau này mẹ ở với con, mẹ ở 1 mình, mẹ bịnh đâu ai biết….giờ còn ngủ kè kè với mình thì nó nói thế, sau này em nghĩ chắc cũng xin: mẹ ơi, mẹ về nhà mẹ đi :-)))

        1. Chỉ có một mẹ một con chắc khó mà xa nhau. Cháu mới chín mười tuổi thì còn tám chín năm nữa cháu mới vào đại học. Sau đó thì tính. 🙂

  5. Người Việt thì sợ xa cách, người Mĩ thì sợ thiếu riêng tư. Nhiều gia đình Việt, nhất là mẹ và con gái, còn hay nằm chung giường với nhau. Người Mĩ coi vậy là kì (khi con đã qua tuổi thiếu nhi), có khi còn cho là có vấn đề tâm lí ý chứ 🙂

    1. Cô chẳng mấy khi được nằm chung giường với con. Mới đây, con bé làm việc chẳng nên thân sao đó bị boss rầy, leo lên giường nép vào lòng mẹ tìm chút an ủi. Cô mừng là còn là chỗ nương dựa tinh thần của con bé. 🙂

  6. Em đọc bài mà bồi hồi quá chị ơi. Em cứ nghĩ rồi khi con lớn, em cũng sẽ phải gọi điện “xin phép” nó trước khi thăm nó tự dưng lòng chùng xuống. Rồi em lại nghĩ đến đôi lần mẹ em nói “thôi mày mua nhà đi, mẹ lên ở với mày” thiệt lòng là em thương mẹ, nhưng em toàn cười trừ vì muốn có chút tự do… Làm con thì muốn tự do, làm mẹ thì muốn gần gũi… Cứ vậy mà quanh quẩn, bùi ngùi.

    P/s: đi lạ nhà, ngủ lạ chỗ em cũng trằn trọc y như chị vậy đó. Cứ thao thức riết…

    1. Mình có bà chị, gần đây viết một bài đăng lên facebook thấy bạn bè chị ấy tán thưởng quá chừng. Chị ấy nói rằng lá rụng về cội, cội bây giờ là con cái, chỗ hướng về của cha mẹ.

  7. Đọc bài này của chị Tám mà thấm thía ghê lắm – ngày xưa em cứ doạ GC rằng “con đi học ở đâu thì mẹ sẽ dọn đến đấy” GC dẫy nẩy “then what is the point mẹ ?” (không dám dịch thuật vì … phũ phàng quá Bác ạ 😦 )

    em nghĩ thế hệ của bố mẹ em thì có thể không chấp nhận được điều này (bố mẹ em may mắn có cô con dâu rất dễ thương nên bây giờ ông bà cụ đang ở với cậu em em) nhưng thế hệ của mình thì phải chấp nhận vì con có đời sống của riêng của nó

    1. Hì hì. Nhiều khi nghe các bà mẹ kể thì cứ tưởng như con cái phụ bạc mình, cố trốn lánh mình. Thật ra các cô cậu chỉ thèm được tự do, được xem là mình đã trưởng thành. Và mình chỉ cần tôn trọng sự tự do của các cô cậu, là yên. 🙂

  8. Đọc bài của chị, em thấm thía trường hợp của mình,còn thấy mình là cô sinh viên trong đó. Đời sống bên Mỹ có một nền văn hóa khác nên em chấp nhận chị ơi! Không nên đòi hỏi gì từ con cái, như vậy là mình nhẹ lòng.

    1. Mình chỉ muốn nêu ra sự khác biệt của hai nền văn hóa thôi, chứ không có ý than thở. Ngay cả mình đến tuổi này vẫn thèm khát tự do.

  9. Em cũng bị đi đâu lạ giường là chỗ thì sẽ khó ngủ 2 hôm đầu , sau đó ok. Con cái sanh và lớn lên bên Mỹ này thích tự do và riêng tư . cho nên … Chấp nhận thôi chị Tám ơi. 🙂
    Em muốn Mẹ em ở chung với em cũng đâu được . Thứ nhất là vì các cụ người Bắc luôn thích quan niệm về già là ở với con trai và thứ hai vì nhà em phòng ngủ trên lầu cả , Mẹ em đi lại khó khăn và không gần khu VN , nên Mẹ em không thích 😦

    1. Dĩ nhiên là chị chấp nhận cuộc sống riêng của các cháu. Chị cũng chỉ mong được tự do đi đây đi đó, và không phải giữ cháu ngoại thôi. 🙂

  10. Bài này của cô tâm trạng quá. Có phải người lớn ai cũng nội tâm như vậy? Câu hỏi của cô cũg làm cháu chột dạ và thoáng buồn. Vì mẹ cháu cg từng nửa đùa nửa thật hỏi cháu như cô hỏi con cô và giây phút đó cháu cũng bị khững lại một chặp, lòng bối rối rồi mới trả lời. Cháu tuy ở Việt Nam, nhưng đa số lúc cháu cũg thích đc tự do. Cháu cũg buồn khi cháu mâu thuẫn như thế lắm. Thích tự do nhưg muốn mình phải tình cảm và có hiếu với cha mẹ.

    1. Cháu bé ơi, thật ra cô không có ý buồn bã, cô chỉ muốn nêu ra sự khác biệt về hai cách sống của hai nền văn hóa, hai thế hệ của người Việt sống ở nước ngoài. Cô là người mẹ thèm tự do nên tôn trọng tự do của con. Các bậc cha mẹ, cũng như cô, chỉ cần con cái có cuộc sống đàng hoàng, lo học lo làm, đừng bị tình yêu hành hạ khổ sở, như thế là vui rồi, con cái đã có hiếu rồi. Tin cô đi, mẹ cháu cũng muốn cháu có cuộc sống độc lập, tự do, và hạnh phúc 🙂

      1. Cháu hiểu rồi 🙂 Cháu cứ sợ cô buồn. Cháu mong là mẹ cháu sẽ vậy, sẽ ko để tâm và buồn. Cháu cảm ơn cô ^_^

  11. Tôi định viết đôi dòng chia sẻ…nhưng đọc đến đoạn kết thì chợt nhận ra mọi lẽ là ở đó.
    Chị là người viết hay, đọc cuốn hút, chúc chị thành công: Chị Tám!

      1. Cảm ơn chị Tám cổ vũ, Sách dạy thơ Đường luật 2 cặp thực, luận phải phân minh và chỉnh đối…nếu không thì là thơ thất ngôn, thơ mới nhưng cũng phải có vần điệu và nội dung sâu sắc thì mới được mọi người chấp nhận.

  12. Cháu nghĩ con gái cô chỉ là không muốn cô phải chịu khổ dù cô có nói là thích ở như vậy nhưng có cô con gái nào muốn mẹ mình phải chịu khổ đâu. Ở Việt Nam có lẽ cũng có 1 số gia đình, bố mẹ xin phép lên thăm con, còn với những gia đình cháu tiếp xúc, đều là bố mẹ gọi điện cho con cái bảo ngày này ngày này bố mẹ sẽ lên, rồi hỏi có muốn ăn uống gì không để bố mẹ mang lên cho, con cái mà có nói không cần gì đâu ạ thì hôm đấy các cụ cũng sẽ tay đùm tay nắm mang cả lên từ chai nước mắm : )

    1. Ở đây thì cũng thế cháu ạ. Nhiều khi yêu thương nhau thì cho nhau sự tự do. Con cái lớn cố gắng không nhờ vả bố mẹ, thì bố mẹ cũng cố gắng không can dự vào đời con cái.

  13. Chị Tám thân mến,
    Lâu lắm rồi em ít viết vì lười – có cháu ngoại rồi em bỗng dưng thấy đời thi vị hơn – lắng đọng hơn và hưởng thú “tự ái” tự yêu mình nhiều hơn – chẳng nhẽ em cứ tíu tít khoe hoài bao niềm vui em có chị nhỉ.
    Con gái út của em năm nay lên ba rồi, cháu nó vừa nói cho em biết sẽ tổ chức đám cưới thế nào – chị đang cười mỉm lên ba mà đi lấy chồng sao? Con em đứa lớn nhất lên bốn – đứa thứ hai thua chị nó có một năm nên em cho nó vào hàng bốn tra – cô út cách chị xa nên lên ba thôi. Con của mình sinh ra nên lúc nào chúng nó cũng mãi là em bé, cho dù có khôn ngoan cách mấy – giỏi hơn mình cách mấy chị Tám đồng ý với em không?
    Nhớ mới hôm nào em viết cho con khi cháu vào đại học đi xa nhà, con út lìa nhà làm em khóc cả tuần vì lúc ấy mới thấm chuyện tổ trống, anh chị nó đi thì vẫn còn nó nên không sao.
    Em bây giờ thành bà lão ngoan đồng, con có la rầy sao em cũng vui, như tối qua em rủ cô lớn mua hàng on sale, bị cô nàng nói “năm nào nó cũng dụ được một mớ tiền của me” trong lúc mình muốn mua quà gởi cho nó, chỉ hỏi xem nó thích màu gi?
    Đọc tâm tình của chị, những bâng quơ đời thường vui quá – ngày xưa em viết nhiều lắm, cũng vì con la rầy nhiều nên thôi – bài trên giấy in các nàng không đọc nên em không bị la, mang lên các trang web các cô biết thế là bị nói: “me nhiều chuyện”, bạn con đọc chọc ghẹo con quá chừng!” đâu ai ngờ bạn của con mình theo dõi mình nhiều quá, các cô còn khen là cô trẻ hơn tụi con. Rồi bạn của con thành bạn của mình nên em . . . hết dám ti toe sợ con giận.
    Những trăn trở của chị bây giờ em xóa luôn rồi, thản nhiên hưởng hạnh phúc bên con, không cần biết nó có khó chịu hay không khó chịu, vì em tin trái tim của mẹ truyền sang cho con tình cảm thế nào các cô thấy hết, hiểu hết nhưng vì đời sống bận rộn, sức ép của việc làm của trường học nặng hai vai, nên nhiều khi có vẻ như các cô hờ hững.
    Cô lớn của em lâu lâu lại nói: “con có hai đứa, đầy đủ vật chất không sợ đói không sợ khát mà mệt mỏi quá, sao hồi đó nghèo khổ mà me có thể chịu nổi ?”
    Cô út thì gọi đie6.n thoại cám ơn khi ở nội trú, hỏi tại sao, cô nói có mình con biết nấu ăn thôi, mấy đứa kia hư lắm .

    Chị xem em lại bắt đầu khoe nữa rồi .
    Chúc chị và gia đình một năm mới vạn an .

    Như Hoa Ấu Tím

  14. Chị Tám đừng buồn. Khác biệt thế hệ và văn hóa thôi, chứ trong lòng cô Út thương bố mẹ, chỉ là cách thể hiện khác cách chị em mình thể hiện với mẹ cha.

Leave a comment