Nghề chơi cũng lắm công phu

Hôm trước tôi viết một blog, nói về người bạn của chị tôi, đeo nhiều nhẫn kim cương. Tôi đoán ắt có người không thích sẽ bảo rằng chị ấy khoe của. Hôm qua hôm kia gì đó, một vài người bạn lôi ra một blog cũ của tôi có tựa đề “Khoe hàng xịn” (WordPress làm tổng kết cuối năm cho biết số view của blogger.) Thì đây cũng là một hình thức khoe của. Như tôi đã tẩn mẩn nghĩ, tóm lại, đâu có gì khác biệt hay đáng chê trách trong sự khoe khoang. Người đẹp thì khoe nhan sắc. Người giàu thì khoe của cải vật chất, cái này thì nhiều thứ để khoe. Người thông minh trí thức thì khoe bằng cấp, khoe sự hiểu biết thông tuệ. Nhà văn khoe tác phẩm. Họa sĩ khoe tranh. Có người khoe tủ sách. Blogger thì khoe số người đọc. Còn nhiều kể không hết. Tại sao lại phân biệt khoe khoang về tinh thần và vật chất, khoe những thành tựu về tri thức thì cao cả hơn những tích lũy về vật chất. Có phải là bất công không?

Đã có một thời người Việt chúng ta che dấu sự giàu có của mình. Ăn ngon không dám để hàng xóm biết. Tiền của lại càng không dám để lộ ra. Như thể khoe của là một việc làm nếu chẳng xấu xa thì cũng là dại dột. Bây giờ thì khác.

Gần đây, tôi gặp hai trường hợp khoe của khá thú vị.

Anh ấy khá trẻ, có lẽ độ hơn năm mươi. Hai vợ chồng đẹp đôi, xinh xắn, bặt thiệp, sự hiếu khách hiện ra rõ ràng. Tôi được đãi ăn lẩu dê. Dê mua ở chợ farm của người Amish. Vào nông trại gặp con dê con nào vừa ý là chỉ người ta giết thịt mang về, tươi rói. Cô vợ nói đùa riêng với tôi. “Ảnh thích khoe lắm. Hễ gặp người đến thăm là khoe.” Vợ A sinh ra lớn lên ở miền Nam. Quen nhau từ sau năm 75, nàng theo bố mẹ sang Mỹ trước xong trở về, cưới nhau, làm thủ tục bảo lãnh A sang Mỹ.

Để entertain khách mới gặp lần đầu chưa quen không biết sở thích của khách, A (tên giả) cho chúng tôi nghe nhạc. Anh cho chúng tôi nghe từ Abba trên màn ảnh truyền hình vĩ đại trong phòng khách, đến nhạc Pháp chúng tôi chẳng hiểu gì cả, đến nhạc cổ điển tôi có nghe chút chút nhưng chẳng mấy rành, còn những người đi chung thì càng mù mịt. Rồi chúng tôi nghe đến Lệ Quyên với những bản nhạc trước bảy lăm, những bản nhạc bị mệnh danh là sến được hát bằng một giọng hát không sến. Chúng tôi bàn đến những ca sĩ trước bảy lăm, mỗi người có một loại nhạc tủ của họ. Rồi lan man đến Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang qua giọng hát Elvis Phương, Người Tình Không Chân Dung qua giọng hát Lệ Thu,… Rồi chúng tôi được nghe cả Văn Hường hát vọng cổ với bài Văn Hường Đi Chợ Tết. Tôi có một trí nhớ khá tốt, khi nghe bài vọng cổ chưa được chủ nhà giới thiệu thì tôi đã đoán ra là giọng hát của Văn Hường. Những người đi chung hôm ấy không phải ai cũng nhận ra giọng hát của Văn Hường.

Như thế thì cũng chẳng có gì là đặc biệt. Điều đặc biệt là tôi nghe Văn Hường hát vọng cổ bài “Văn Hường Đi Chợ Tết” qua một cái máy quay đĩa, phải lên dây cót bằng tay, kim đặt trên đĩa hình như bằng nhựa (A có nói nhưng tôi quên), đang hát phải ngừng lại thay kim kẻo mòn thì sẽ hư đĩa. Cái máy quay đĩa, và cả cái đĩa nữa đều có tuổi đời già hơn tuổi tôi. Đồ cổ nha!

Ngay cả giọng ca Lệ Quyên tôi cũng được nghe từ băng gốc, có chữ ký của ca sĩ đề tặng. giọng hát của Lệ Thu và Elvis Phương trong vắt qua những băng những đĩa từ thời xưa. Thời người ta còn dùng băng AKAI, hai cuộn băng tròn quay từ băng này sang băng kia, nghe xong phải đổi mặt băng,… Phòng khách của A không chỉ có một loại máy nghe nhạc mà có đủ thứ máy, từ cổ điển đến tân thời, sắp xếp đẹp mắt. Âm thanh thì tuyệt vời lắm. Thảo nào cậu bạn màu Xám của Tsukuru Tazaki (truyện của Murakami) đã mang đĩa nhạc đến nhà Tsukuru để được nghe nhạc bằng máy tốt, bởi vì nghe nhạc với âm thanh trong vắt thì hay không thể diễn tả được. Tôi chỉ muốn tắt hết đèn, làm nghẹn hết những âm thanh khác, ngồi trong một góc để nghe những bản nhạc xưa. Âm thanh cũng như mùi hương, có thể mang người ta trở về một khoảng thời gian êm đẹp tuỵêt vời nào đó.

Rồi A dẫn chúng tôi xuống hầm. Hầm của anh cũng giống như một phần của nhà kho amazon. A có tất cả mọi loại máy nghe nhạc, phát ra nhạc, mà tôi không có đủ ngữ vựng (hay từ vựng) để diễn tả. Không phải một, hai, hay ba mà là hai ba trăm (thậm chí cả ngàn) cái đủ loại đủ kiểu tất cả được đặt trên ngăn kệ khung sắt (nếu không tưởng tượng được nhà kho Amazon, bạn hãy tưởng tượng đến Home Depot). Cùng một loại có vài ba cái. Anh có cả bàn để cưa đục khoan đẽo và sửa chữa những dụng cụ điện tử tinh vi. Có cả nhiều thứ còn để trong thùng chưa kịp khui ra. Anh và ông Tám trầm trồ thiết kế tinh vi của những cái máy quay đĩa, những bộ phận cơ khí phải mở ra đóng vào cho thật ăn khớp. Ông Tám thán phục A là một “true engineer.”

Tôi đã chẳng nghĩ đến việc viết bài này nên không chụp ảnh. Bây giờ thì ngồi tiếc là đã chẳng có ảnh của máy quay đĩa và cái đĩa “Văn Hường Đi Chợ Tết.”

Vậy đó. Khoe của cũng là một chuyện thú vị. Tôi không thể tưởng tượng được các nhà nghệ sĩ vì khiêm tốn mà đem giấu hết tác phẩm của họ. Nếu họ làm thế thì thiệt thòi cho chúng ta biết là chừng nào.

Nghe người nhà kể lại A là con của một bác sĩ ở ngoài Bắc vào Nam sau 75. A nói giọng Trung. Trước khi sang Mỹ A học ở Đại học Phú Thọ. Rõ ràng đây là một kỹ sư có tài chứ không phải vì quyền lực phe phái mà vào được Phú Thọ. A chưa hề bán những máy móc cổ của A. Chỉ để chơi thôi.

Nghề chơi cũng lắm công phu.

Tôi biết hai trường hợp khoe của thú vị. Nhưng mới kể xong một trường hợp là đã thấy đủ rồi. Trường hợp thứ hai thì để kể sau. Lúc nào vui sẽ kể tiếp.

13 thoughts on “Nghề chơi cũng lắm công phu”

  1. Nhớ khi xưa ông thân của Nmk còn hưởng phước thường nhắc nhớ dạy rằng : ” Điểu tử vi mao, Nhân tử vi tài” trong cách nói chữ “Tài” đây có lẽ là của cải, chứ hổng phải tài cáng.
    Người xưa biết lẽ sống, trước tránh đố kỵ, sau tránh tham tàng là đây. Nên mọi phô trương thanh thế chỉ trong phạm trù rất hẹp.
    Bài viết có câu đầu đề “Nghề chơi cũng lắm công phu” làm Nmk tưởng Bà Tám muốn luận truyện Kiều, mừng hụt hì hì, nhưng cũng không sao vì bài hấp dẫn đã đưa người đọc đi đến hết bài. Chúc ông bà Tám luôn hạnh phúc nhiều may mắn nha.

  2. Cháu rất đồng cảm với những gì cô nói. Cháu follow một chị. Chị ấy rất giỏi Tiếng Anh. Ko biết chỉ làm nghề gì mà văn cũng rất hay nữa. Hôm bữa chị post một bài chia sẻ kỹ năng writing cho Ielts. Xen vào đó, chị khoe rằng chị chẳng phải con nhà khá giả, cg chẳng thông minh nhưg đã đc du lịch khắp nơi trên thế giới chỉ nhờ vào Tiếng Anh giỏi của mình – chị tự học mà cũng đạt được level này (lại khoe). Chị còn nói mình khó tính, khắt khe như thế nào đối với việc viết sai ngữ pháp và thậm chí dù đúng nhưng văn phong, cách diễn đạt không hay chị cũng ko có cảm tình. Có thể cháu kể lại ko hay, ng khác ko hiểu đc nhưg những lời tự tin và khoe của chỉ rất ý nghĩa, bổ ích với cháu. Nó tiếp thêm cho cháu một động lực: cháu cũng ko thông minh, cg chẳng phải con nhà giàu, cg đag học Tiếg Anh và cháu sẽ cố gắng để giỏi và tự tin như chị ấy hì hì. Ngoài ra, nhờ những ví dụ cho khả năng diễn đạt Tiếng Anh hay mà chị ấy chỉ ra, khoe trog bài mà cháu đc học hỏi và bỏ túi thêm chút ít kiến thức thú vị 🙂
    Lúc đó cháu cũng có suy nghĩ như cô: chị ấy mà ko khoe thì mình làm gì biết đc mấy điều thú vị và kiến thức hay ho này. Nên mong chỉ tiếp tục tự tin và tiếp tục khoe mà cháu nhảy vào cảm ơn: “Em thích chị tự tin như nay” :D. Tóm lại, tự tin, khiêm tốn và khoe khoang đúng cách, đúng lúc, đúng việc, cháu thấy, rất thú vị.
    Chứ có người mà suốt ngày
    khoe nhiều, khoe mãi chỉ một kiểu, một điều chẳng có một chút giá trị, ý nghĩa gì cho ng xem thì…cháu chỉ thấy nhàm. Nhàm đến mức cháu phải ý thức và tự nhủ mình ko đc hành xử như họ. Khi đây chẳng phải hành vi sai trái, to tát gì mà hơi…nhỏ nhặt; sợ rằng nếu ko để ý cháu cũng sẽ dễ phạm phải mà ko hay 🙂 Bởi có vẻ số đông lại thấy hành vi này là bình thường, thậm chí “like”. Chắc tại cháu khó tính, cháu đc bảo thế bởi những em trai, bạn trai cháu quen 😀

    1. Người Mỹ có câu “toot your own horn” để nói về nghệ thuật tự khoe. Khác với quan niệm của người Á châu (ảnh hưởng Trung quốc) người Mỹ rất biết cách tự khoe, nhất là vào những cuộc phỏng vấn tìm việc hay tìm cách lên chức. Không biết cách tự khoe sẽ bị cho là kém tài, hay mặc cảm tự ti hay thiếu tự tin. Vì họ đã quen với những hành vi tự đánh bóng của người khác, lên họ luôn giảm bớt giá trị của những lời tự khoe, do đó khi một người phụ nữ VN, với “đức tính” khiêm tốn luôn hạ bớt tài năng của mình đi phỏng vấn công việc, sẽ bị giảm bớt tài năng xuống hơn một mức, trong mắt người phỏng vấn (Mỹ). Cô không muốn dùng chữ Tây phương, vì cô không biết người Anh và Pháp có tự đánh bóng nhiều như người Mỹ không. Tự khoe là một nghệ thuật, cô thấy những người thành công nhanh chóng đều là những người giỏi tự khoe. Họ có giỏi đến mức họ tự khoe hay không thì chỉ có thời gian và người trong cuộc kiểm chứng. Đây cũng là một sự khác biệt văn hóa mà nhiều người Việt chưa làm quen và có thể đưa đến chỗ không thành công của người Việt trong môi trường văn hóa mới. Cháu suy nghĩ đúng, khoe đúng chỗ, đúng lúc, đúng mức độ là điều cần thiết. Dĩ nhiên khoe hay không khoe đều có tác dụng phụ hay phản tác dụng. Khoe khi mình không có thực tài thì có lúc sẽ gặp tai ương. Cô ở Mỹ mấy mươi năm vẫn chưa học được cách tự khoe, bởi thế …

      1. Thật là cảm ơn cô đã chia sẻ cháu thông tin bổ ích này 🙂 Giả sử họ không tài nhưg họ đã khiến ng khác tin và bị thuyết phục mà pass thì cháu thấy cũng tài rồi 😀 . Cháu ko giỏi hoạt ngôn, nên càng ko giỏi tự khoe. Nhiều lúc cần phải khoe, muốn khoe nhưg thấy khó quá 😀

  3. Khoe thì không sao, vì ai cũng có quyền tự hào với những thứ mình có một cách chính đáng, và chia sẻ cho mọi người cùng vui cùng hưởng. Còn khoe khoang thì xấu, cho dù đó là khoe khoang kiến thức hay khoe khoang vật chất. VÌ người khoe khoang không chỉ nghĩ là mình có cái này hơn cái của người khác, mà thường họ nghĩ vì có cái này mà mình hơn người khác.
    Ngay cả người Mĩ cũng vậy thôi, cháu thấy người có thực tài, thực tiền họ tự tin chứ không hề khoe khoang. Ngược lại là khác, họ rất tôn trọng mọi người, không có kiểu nói chuyện hay thái độ “dìm hàng”.

  4. Đúng là không “khoe” thì mọi người làm sao biết được những thứ quý vậy. Cũng như chị Tám, tôi trân trọng tất cả thành quả của mọi người. Đọc bài viết của chị tôi thêm vững tin
    “phô” những thứ mình có mà không sợ người ta chê là hâm, hấp, hoặc là có gì đáng đâu mà…khoe mẽ. Chúc chị Giáng sinh vui vẻ.

  5. đọc bài này của chị Tám và những lời chia sẻ của mọi người làm em nghĩ đến ngày xưa có lần mắng GC “mẹ bắt con học giỏi là cho con chứ mẹ có được cái gì đâu”, GC cãi lại rằng “được chứ, mẹ được khoe” …:-)

Leave a comment