Nguyên tựa đề của bài là Âm Thanh Và Tinh Thần Giáng Sinh qua đôi tai người phụ nữ khiếm thính.
Tác giả: John E. Schlimm II
Nguyễn thị Hải Hà dịch
Bài này đã đăng ở Văn Chương Việt năm 2011. Âm thanh và tinh thần Giáng sinh
Âm Thanh và Tinh Thần Giáng Sinh của John E. Schlimm II được trích từ A Chicken Soup for the Soul – Christmas (Cháo Gà[1] Bồi Dưỡng Tâm Hồn trong mùa Giáng Sinh). Tôi có sửa chữa nên có một vài chữ khác với bản đã đăng trên Văn Chương Việt.
Giáng sinh không chỉ xảy ra trong một ngày, một
buổi lễ để chúng ta chào đón rồi nhanh chóng lãng quên.
Giáng sinh là một tinh thần nên được thấm sâu
vào mọi mặt trong cuộc đời của chúng ta.
William Parks
Hằng năm vào tháng Sáu, thành phố Nashville tổ chức tiếp đón hằng chục ngàn người yêu âm nhạc đổ xô về Thành Phố Âm Nhạc (Music City) để gặp gỡ những ngôi sao âm nhạc sáng chói nhất mà họ ngưỡng mộ, tham dự Đại Nhạc Hội Nhạc Đồng Quê[2] (Country Music Association’s Fan Fair). Là người phụ trách việc ngoại giao cho John Berry lúc bấy giờ, tôi cùng đi với ngôi sao này đến tham dự đại nhạc hội năm 1997. Tôi hoàn toàn không ngờ âm thanh và tinh thần Giáng sinh đã đến với tôi hơi sớm hơn thường lệ.
Ở một gian rạp nhỏ trang trí giống như hiên nhà của nông trại ở tiểu bang Georgia, John ngồi trên ghế xích đu (loại ghế có thể lắc tới lắc lui), và mời khán giả ngồi lên những cái ghế chung quanh ông. Trong khi tôi đứng yên lặng một góc, lặng lẽ quan sát hiện trường, khán giả ùa vào đầy trong hiên.
Trong đám người yêu nhạc, một phụ nữ đã thu hút toàn vẹn tâm hồn chúng tôi khi nàng nhắc nhở chúng tôi rằng tinh thần Giáng sinh không chỉ giới hạn ở trong một thời điểm, một nơi chốn, hay một loại âm thanh. Chúng tôi, khán giả, được chứng kiến một phép lạ của Giáng sinh trong khi hằng ngàn người khác đang lượn lờ chung quanh.
Tên của nàng là Mary. Mary bị tật khiếm thính, chỉ có một vài loại sóng siêu âm thanh có thể thâm nhập vào thế giới hoàn toàn im lặng của nàng. John là ca sĩ nàng yêu thích nhất, và nàng đến để yêu cầu John một điều từ trước đến nay chưa có người nào yêu cầu. Dù không thể nghe được, các giác quan khác của Mary rất nhạy bén, sự nhạy bén này cho phép nàng được hưởng ân huệ của đời sống, bằng các phương tiện nằm ngoài sự hiểu biết của người thường. Nàng cảm nhận âm nhạc, không qua thế giới âm thanh với các bộ phận phức tạp của búa, đe, hay mấy cái vòng ngáng chân khi cưỡi ngựa, mà qua các đầu ngón tay.
Trong khi chúng tôi xem, Mary ngồi ghế bên cạnh John, giải thích với ông là nàng sẽ nhẹ nhàng đặt bàn tay lên trên bộ máy phát âm thanh nổi để thưởng thức nhạc của ông bằng cách cảm nhận sự rung chuyển.
Trong môi trường dường như huyền ảo siêu thực, giữa những cơn xoáy của hàng triệu ánh đèn chói lòa, những cuộc hòa nhạc, những buổi tặng chữ ký, Mary đã yêu cầu món quà to lớn nhất mà một người có thể tặng một người – món quà thương yêu.
“Xin ông hát bài ‘O Holy Night’ (Đêm Thiêng Liêng) cho tôi nghe nhé?” Mary yêu cầu bằng giọng rất khiêm tốn, nghe hơi khó hiểu vì đã nhiều năm đôi tai của nàng trở nên yên lặng. “Đây là bài hát tôi yêu nhất.”
Bài hát Giáng sinh bất hủ này là bài hát đã tạo nên tên tuổi của John. Khi nhận ra tầm quan trọng của lời yêu cầu có một không hai này, ông giản dị nhìn vào đôi mắt của Mary và trả lời, “Tôi rất hân hạnh.”
Nhắm mắt lại, Mary nhẹ nhàng đặt đôi tay lên cổ của John. John nhìn đăm đăm vào vị khán giả đặc biệt này, bằng giọng capella (giọng hát dành cho thánh ca) tuyệt vời nhất, và ông hát bài hát theo phong tục chỉ dành cho lễ nửa đêm.
“Đêm thánh vô cùng, những vì sao chiếu sáng rực rỡ. Đêm nay là đêm Chúa giáng trần. . .”
Đối với chúng tôi, những người đứng xem, Mary là thiên thần của dương thế, được gửi đến để dạy chúng tôi bài học về tinh thần của Giáng sinh và cuộc sống. Ít có tiếng chuyện trò, lúc ấy chỉ có tiếng của John với những câu hát không thể nào quên được.
“Bây giờ thế giới đang ngủ say, trong tội lỗi và lầm lỡ quay cuồng, cho đến khi ánh sáng ban ngày xuất hiện và tâm hồn nhận ra giá trị của nó…”
Tôi chỉ là người xem, người được ơn trên chọn lựa, cho tôi đứng trong nhóm khán giả, chung quanh cái rạp giống như hiên nhà ngày hôm ấy. Tất cả chúng tôi đứng yên lặng chung quanh mái hiên để thưởng thức buổi trình diễn đầy hứng thú này, chúng tôi thoát khỏi cái thế giới ồn ào chỉ cách chúng tôi vài mét.
Nước mắt rơi từ đôi mắt nhắm nghiền của Mary, dịu dàng chảy dài trên má nàng. Mắt John cũng dâng đầy nước mắt mặc dù giọng tenor của ông vẫn vững chắc mạnh mẽ.
“Hân hoan vì hy vọng, thế giới mệt mỏi trở nên vui, ở ngoài xa ngày bắt đầu lên và buổi sáng rạng ngời. . .”
Trong khi chúng tôi xem, sức mạnh và lòng thành của Mary làm rung động cả những góc sâu thẳm nhất trong tâm hồn của mỗi chúng tôi. Nàng cho chúng tôi cái hân hạnh được là thành viên trong thế giới của nàng trong khoảnh khắc đặc biệt ấy. Trong vài phút giây ngắn ngủi, Mary cho phép chúng tôi được viễn du với nàng trong chuyến du hành tuyệt vời đến một nơi rất thánh thiện rồi quay trở lại, đạt đến đỉnh cao xúc động nhất với câu kết thúc rất sống động của John:
“Quì xuống để nghe giọng hát của thiên thần, hay là sự thánh thiện trong đêm, trong đêm khi Chúa xuống trần, ôi đêm, ôi đêm thánh thiện.”
Tấm lòng trần tục trong tôi thầm mong giây phút này đừng bao giờ chấm dứt. Tuy nhiên, những giây phút đặc biệt này theo lẽ tự nhiên, không thể kéo dài mãi mãi. Về sau tôi hiểu ra những giây phút vô thường này chỉ để nhìn thoáng qua và cảm nhận khi chúng bay vượt lên bên cạnh chúng tôi và xuyên qua chúng tôi như một ngôi sao băng chiếu sáng rạng rỡ rồi mờ dần vào bóng tối để lại cho khán giả một ấn tượng và cảm hứng không thể nào tan biến.
Trong im lặng tiếp nối, Mary mở mắt và nhìn vào mắt John một đỗi. Sau đó nàng chỉ nói vỏn vẹn, “Cám ơn ông,” rồi lặng lẽ đứng lên đi ra khỏi hàng hiên, không yêu cầu gì nữa cả. John ngồi yên lặng một hồi lâu, nhìn theo bóng Mary khi nàng bước đi.
Cũng yên lặng và bất ngờ như khi nàng bước vào cuộc đời của mỗi người trong bọn chúng tôi, Mary một lần nữa bị chìm vào trong đám đông to lớn đang ồn ào đi tới đi lui tìm kiếm những vì sao băng của họ.
Tôi, một lúc sau, cũng hòa lẫn vào đám đông, nhưng cùng với tất cả mọi người đã bị Mary và John cuốn đi, tôi mang trong tôi món quà Giáng sinh bất ngờ, trong buổi chiều hôm ấy. Tôi học được một điều là chúng ta không hưởng thụ tinh thần Giáng sinh chỉ trong ngày Giáng sinh. Tốt nhất là hãy để nó ở với chúng ta hằng ngày và chúng ta cần mở rộng tâm hồn để cảm nhận và hiểu biết những giây phút quí giá của cảm hứng sáng tạo.
Chỉ có định mệnh biết Mary, John, và tất cả chúng tôi sẽ có bao giờ gặp lại nhau. Cái định mệnh thiêng liêng tạm thời kết hợp chúng tôi cũng ngầm bảo rằng chúng tôi sẽ không gặp lại nhau, nhưng sự gặp gỡ của chúng tôi là sự ràng buộc vượt qua cuộc đời này; nó là một phần của cuộc đời vĩnh cửu. Tất cả mọi người đứng vòng quanh cái hiên ấy trong cái nóng hừng hực một buổi chiều tháng 6 ngày hôm ấy ở Nashville sẽ mãi mãi có chung một tình thân quí giá mà trong đó mỗi chúng tôi, đặc biệt nhất là Mary, đã cho một chút gì của nhau trước khi quay lại với thế giới của riêng mình.
John E. Schlimm II là tác giả của các tác phẩm như: Corresponding with History, Straub Brewery, The Straub Beer Cookbook, và The Pennsylvania CelebritiesCookbook. Ông có bằng Cao học Giáo dục ở đại học Harvard. Ông sinh ra và lớn lên ở St. Mary, Pensylvania.
[1] Chicken Soup, là món cháo gà, súp gà, hay canh gà, người Hoa Kỳ nấu gà với một ít rau cải và thêm canh một ít nuôi hay mì ống, nói chung là pasta. Đây là món ăn thường xuyên, cũng như cháo gà ở VN, có thể trị bệnh cảm. Người Hoa Kỳ gọi là chicken soup là comfort food, loại thức ăn dễ ăn dễ tiêu, mang cảm giác được săn sóc về thể xác, an ủi tinh thần cho người thưởng thức món ăn. Nghĩa đen là cháo gà, nghĩa bóng là món ăn bồi dưỡng tinh thần.
[2] Tạm dịch là nhạc Đồng Quê vì tôi không tìm được chữ nào cho hợp nghĩa. Country music còn được gọi là nhạc miền Viễn Tây, kết hợp của dân ca miền núi và nhạc Blues. Đây là một thể loại nhạc đặc biệt, khó diễn tả bằng lời nhưng dễ nhận biết khi nghe. Thường mang điệu swing, dùng guitar, kèn, phụ họa bằng vó ngựa, tiếng huýt sáo, lời ca miêu tả cuộc sống của những người khai hoang, dấn thân trong cuộc mở đường về hướng Tây, và phong trào khai thác mỏ vàng ở miền Tây Hoa Kỳ.
LikeLiked by 1 person
Cám ơn truyện ngắn ấm áp của Bà Tám. Chúc Bà Tám Giáng sinh an lành và hạnh phúc.
LikeLiked by 1 person
Cám ơn Hoàng. Chúc Hoàng và các bạn ở Nghiên Cứu Quốc Tế một mùa Giáng sinh an bình và cống hiến thật nhiều tác phẩm giá trị cho bạn đọc.
LikeLiked by 1 person
Một câu chuyện đẹp nhẹ nhàng như chính vẻ đẹp của đời sống.
“Chỉ có định mệnh biết Mary, John, và tất cả chúng tôi sẽ có bao giờ gặp lại nhau. Cái định mệnh thiêng liêng tạm thời kết hợp chúng tôi cũng ngầm bảo rằng chúng tôi sẽ không gặp lại nhau, nhưng sự gặp gỡ của chúng tôi là sự ràng buộc vượt qua cuộc đời này; nó là một phần của cuộc đời vĩnh cửu.”
đây là lý do con người kết bạn với nhau-thành cộng đồng.
Lời dịch của chị cũng nhẹ nhàng và đẹp như câu chuyện.
Cảm ơn chị.
NHN
LikeLiked by 1 person
Cám ơn Hồng Nhung đã đọc. Giáng sinh là lễ lớn của người Tây phương nên họ có nhiều truyện về Giáng sinh lắm. Năm nay mình có lựa ra được vài truyện rất hay tính dịch tặng độc giả đọc chơi cho vui nhưng bận nhiều việc quá nên Giáng sinh đã qua mà vẫn chưa bắt đầu. Có lẽ để dành sang năm. Chúc Hồng Nhung và gia quyến một mùa Giáng sinh an bình và hạnh phúc.
LikeLike
Chúc chị Tám một mùa Giáng sinh aa lành & hạnh phúc.
LikeLiked by 1 person
Cám ơn Ng. Xin chúc Ng. và gia quyến mùa Giáng Sinh bình an và hạnh phúc.
LikeLiked by 1 person