Đọc “Cuối Đêm Dài”

Mấy hôm nay, mỗi ngày một chút trên xe lửa tôi đọc hết quyển Cuối Đêm Dài của chị Nguyễn thị Thanh Bình. Gọi là chị vì lễ phép. Gọi là Bà thì e là bạn đọc tưởng Thanh Bình già, dù chữ Bà là để gọi (theo lối Mỹ) những người phụ nữ đã lập gia đình. Tôi không biết gì về tuổi tác và thân thế chị Thanh Bình, thấy trên mạng thì sự nghiệp văn học của chị cũng lừng lẫy lắm. Dáng dấp chị rất trẻ trung chắc là nhỏ tuổi hơn tôi.

Cũng xin bạn đọc đừng nghĩ đây là bài phê bình văn học, thật tình là tôi không dám phê bình. Quyển sách ra đời quá lâu (copy right từ năm 1993) nên cũng không thể nói là giới thiệu. Thế thì gọi là gì. Không biết. Tôi có thói quen mỗi buổi sáng, hôm nào đầu óc tỉnh táo, không lười biếng quá độ, thì nghĩ gì viết nấy. Gọi là nhật ký, tản mạn, free writing, hay chuyện bâng quơ, gì cũng được. Đây là nhận định của người vẫn còn đang tự học viết văn, thích đọc, đọc rồi tự chiêm nghiệm tự hỏi mình rút ra được gì học được gì. Hay coi như là cái nhìn của người đi sau về thành quả của người đi trước.

Dài dòng quá, phân bua mãi. Nói gì thì nói đại cho rồi. Bà ơi là bà. Tôi nghe tôi nói thầm với tôi như thế.

Cầm quyển sách trên tay tôi thầm nghĩ, người viết văn nào cũng nên, hay cần phải, in sách; dù in sách trong thời kỳ mạt sách này coi như huề vốn đã là lời. Lời ở chỗ sách đến tay người thích đọc sách. Nên in sách vì sẽ được đọc nhiều hơn kỹ hơn, được biết đến, được chú ý nhiều hơn là tác phẩm của tác giả chỉ xuất hiện trên mạng. Tôi để ý dù tôi là người đọc trên mạng nhiều hơn đọc sách in, tôi vẫn chú trọng, đọc kỹ hơn, trân trọng hơn khi đọc sách in. Một thành kiến, một thói quen đã thành hình nhiều năm rồi. Khó bỏ.

Quyển sách ra đời từ năm 1993. Cứ đoán bừa thì khi quyển sách ra đời chị phải ở lứa tuổi ba mươi.

Thanh Bình có giọng văn của người lớn, ngay cả khi nhân vật của chị đóng vai trò bé bỏng, gọi ông xưng em. Qua giọng văn, tác giả là có chút nam tính.  Trong văn của Thanh Bình, không có những chuyện tình của những cô gái mới lớn sướt mướt và làm dáng.  Tôi chúa ghét phải đọc những chuyện tình mới lớn bắt đầu yêu như thế. Và may mắn hơn nữa, chị cũng không viết về chuyện tình của những người đàn bà không còn trẻ nhưng vẫn còn sướt mướt và làm dáng vì tưởng mình còn trẻ.

Thanh Bình viết nhiều về tình yêu và những vấn đề của phụ nữ. Người chồng giết vợ phải đối diện với lương tâm. Lương tâm lại là giọng của một cô gái trẻ trong “Như Hình Với Bóng.” Khi đọc truyện đầu tiên trong tuyển tập truyện ngắn này là “Những Gặp Gỡ Bất Ngờ” tôi đã tự hỏi sao chị không cho nhân vật đàn ông là một người Mỹ? Tại sao “Người Khách Đêm Trừ Tịch” phải là người đàn ông Việt cho người đàn bà Việt. Giả tỉ như một trong hai người là người Ý, thì sao? Chị có gặp phản kháng không nếu đây là chuyện xác thịt của một người đàn bà người Việt và người đàn ông khác dòng giống? Những năm 90 còn quá sớm để viết về tình yêu Việt và người Âu? Thanh Bình có viết thoáng qua về tình dục, không sống sượng tục tằn quá cũng không bay bướm hoa mỹ quá. Tôi thích thế.

NTTB Cuối Đêm Dài

Tôi thấy chất nữ quyền trong rất nhiều truyện của chị. Đàn bà trong truyện của Thanh Bình là những người tự chọn lựa, tự quyết định, và chấp nhận hậu quả của những sự chọn lựa và quyết định này. Những người đàn bà này, trong sự yếu ớt, cô đơn của họ đã một mình cố gắng một cách tuyệt vọng đi ngược lại quyền lực của chế độ, của xã hội. Người đàn bà yêu một người tê liệt, đã làm theo lời yêu cầu của người tình, giải thóat cho anh bằng cách đẩy xe lăn của anh ta xuống vực (Tháng Mười Hai Cuối Cùng). Người đàn bà sống trong chế độ một con đã tìm cách giữ đứa con thứ hai trong bụng mẹ (Khát Vọng). Người đàn bà yêu một nhà sư hằng năm tìm gặp người yêu (Mùa Xuân ở Trần Gian). Người đàn bà trả thù chồng bằng cách giả câm giả điếc (Nửa Nụ Cười). Người đàn bà tự đi tìm đến nhà người đàn ông nàng thầm yêu (hay chỉ mới thích thích vậy thôi) lúc nửa đêm (Những Gặp Gỡ Bất Ngờ).

Với mười sáu truyện ngắn trong “Cuối Đêm Dài” tôi nhìn thấy một giọng văn khác với dòng văn học trước năm 75. Khác ở cách chọn chủ đề, khác ở cách xây dựng nhân vật. Tôi tự hỏi khi viết chị có cố ý lồng ý thức nữ quyền vào nhân vật hay không, nhưng nhân vật nữ của Nguyễn thị Thanh Bình là những người muốn làm chủ bản thân và ý thức của họ. Từ sự chọn lựa và quyết định của nhân vật, tôi nhìn thấy ý thức nữ quyền của chị Thanh Bình. Nhân vật của chị thất bại trong cuộc đi ngược dòng văn hóa, nhưng họ là những người đàn bà can đảm, trong cô đơn họ chọn lựa và dầu biết là mình sẽ bị thiệt thòi.

24 thoughts on “Đọc “Cuối Đêm Dài””

  1. lâu rồi em không có đọc sách tiếng việt của tác giả người việt. Không biết vì sao, chắc cũng nhiều lý do, vì sách việt tiểu thuyết hay truyện ngắn thường thì nằm trong một luồn, hay là vì mình đã bị Mỹ hoá nhiều lắm rồi nên không còn cảm giác gần gũi với văn chương và sự đời của văn hoá văn chương Việt.

    Nhưng em lại thích những chủ đề nói về người đàn bà mạnh mẽ, hay yếu đuối một cách ngôn cuồng đi ngược dòng văn hoá như chị đã viết. Em thấy văn học VN còn thiếu thể loại văn thơ truyện kiểu này, vì cứ ép đàn bà vào ngõ ngách chứ chưa được bùng nổ điên loạn mà không bị định kiến cho là đàn bà thô thiển. Em cũng chúa ghét những nhân vật nữa sướt mướt mới lớn kiểu yểu điệu thục nữ e thẹn nề nếp lắm….chúa ghét. Chắc có lẽ là vì mình đã trở thành đàn bà 40 có nhiều trãi nghiệm nên không còn cảm thấy những nhân vật đó dễ thương nữa.

    Thấy chị giới thiệu về tuyển tập này làm em cũng tò mò. Cám ơn chị viết rất nhiều lời hay ý đẹp theo cảm giác của chị.

    1. Em còn Việt Nam lắm chứ không mỹ hóa nhiều lắm đâu, tại vì chị lớn hơn em mấy chục tuổi cũng nghĩ như em vậy. Em còn chờ gì mà không viết tác phẩm của em đi. Bà Munro cũng vừa nuôi con vừa viết văn đó. Ngay từ đầu chị đã nhận ra “máu nhà văn” ở trong em.

      1. Em còn Việt nam thiệt hả chị. Cái thế hệ một rưỡi như em thì văn hoá phong tục của VN nhiều f lúc là invisible elephant. Biết là nó ở đó nhưng trong cuộc sống hằng ngày thì ít chạm phải nó.

        Cũng may là em có cái blog này hoen 10 năm để thoát mãn nhu cầu giữ gìn tiếng Việt ít ỏi của mình

        1. Em giỏi tiếng Việt hơn là em tự nghĩ. Và em là phụ nữ Việt nhiều hơn em nhận ra. Điều này nhiều khi cũng là một thiệt thòi! Hoặc ngược lại chị Mỹ hóa nhiều hơn phụ nữ ở tuổi của chị. Điều này không hẳn là điều hay. Với người Mỹ thì chị chưa đủ Mỹ, còn với người Việt thì chị không hoàn toàn Việt. Tuy nhiên mình phải thích nghi với cuộc sống. Chớ biết làm sao bi giờ.

  2. “Dài dòng quá, phân bua mãi. Nói gì thì nói đại cho rồi. Bà ơi là bà.” … haha …

    thích đọc lời bình của chị Tám lắm, lâu rồi em cũng không cầm một cuốn sách VN để đọc … có lẽ vì thế mà không viết được nữa chăng ?

    1. Thấy HY đăng bài thường xuyên mà nói không viết được là gì? Không đọc tiếng Việt thì đọc tiếng Mỹ thì cũng là nguồn lương thực cho tinh thần vậy. Nhiều khi phải nhận chìm tất cả mọi tiếng ồn thì mới có thể viết được. Phải không HY?

  3. ngược với nhỏ Trang & chị HY, DQ thì vẫn hay đọc những cuốn sách VN, từ tác giả xưa đến nay, từ truyện dịch đến trinh thám – nhưng vẫn không có cảm hứng để viết nổi điều gì hết trơn.

    DQ thích cách Bà Tám đọc sách xong, ghi lại liền những cảm nhận về từng cuốn sách như này nè. DQ nhiều lúc, đọc xong thì muốn viết lại cảm nhận lắm, mà rồi loay hoay, viết không ra chữ nào hết trơn. 🙂 🙂

    DQ cũng có đọc tập truyện ngắn “Ở Đời Sống Này” của cô Nguyễn Thị Thanh Bình này đó Bà Tám. Cô Thanh Bình cũng có viết thơ nữa.

    1. Mình thấy DQ có nội lực viết dồi dào lắm, và viết có vẻ rất dễ dàng. Nhiều khi chỉ cần nghĩ gì viết nấy, rồi lúc nào có thì giờ sẽ edit sau. Nhưng DQ thì rõ ràng bận rộn quá, nhiều khi nghỉ ngơi còn chưa đủ thì giờ đâu mà viết. Thôi cứ sống, thu kinh nghiệm cuộc sống, đến khi mấy cháu lớn có thì giờ nhiều hơn rồi viết.

      1. DQ cám ơn Bà Tám thương yêu mà nói vậy. DQ thì chỉ viết vớ vẩn, loanh quanh vậy thôi, chứ bảo ngồi viết thành truyện đàng hoàng này kia thì lại ..ngắc ngứ ạ 🙂

        Mà nhiều khi, trong đầu định viết gì đó mà khi ngồi xuống viết thì hổng ra chữ nào hết. hì hì hì

        Nên thôi, bây giờ cứ lang thang đọc của Bà Tám và mọi ng` trước đã. Đây cũng là 1 cái thú mà 🙂

  4. Con ghé thăm Cô Tám,con chúc Cô luôn vui khỏe,con thích đọc truyện nói về Phụ Nữ biết vươn lên trong mọi hoàn cảnh.Con mời Cô dùng trà ạ.

      1. Trà pha từ năm 1916 của giatue111 cho đến nay là 2018 nhìn thấy vẫn còn bốc hơi đó Hà. Chắc phải thơm và ngon như ly trà mới pha. Chào giatue111 cho DT với Hà nhé.

  5. “Nói là không phê bình, cũng không thể nói là giới thiệu”…nhưng đọc bài viết của chị, tôi hiểu Thanh Bình viết gì bút pháp thế nào…cảm ơn chị, giúp tôi biết thêm một cuốn truyện .
    Chúc chị Năm mới sức khỏe, hạnh phúc, bút lực sung mãn.

Leave a comment