Tết và tuyết

mênh mông là ơi

Thế nào cũng có người thắc mắc, người Việt ở hải ngoại ăn Tết như thế nào.

Ở Mỹ có hai Tết, dương lịch và âm lịch. Mùa xuân đến hai lần, Tết và khi hoa anh đào nở. Ăn thì bắt đầu từ lễ Halloween, đến Thanksgiving, đến Giáng sinh, đến Tết Tây, đến Tết Ta. Sau đó là tập thể dục mãi đến tháng Bảy tháng Tám để đi biển dám mặc đồ tắm.

Tết âm lịch thường rơi vào tháng Hai là tháng cao điểm của những cơn bão tuyết. Ở Mỹ từ năm 1981, tôi không nhớ những lần ăn Tết, mà chỉ nhớ những cơn bão tuyết.

Không còn nhớ năm nào, tôi ở Philadelphia, có cơn bão tuyết rất lớn. Thời ấy còn ở nhà thuê. Căn apartment ấy có ba tầng, tầng trệt, tầng lầu thứ nhất và tầng thứ hai. Các tay chủ nhà cho thuê luôn luôn là các tay trọc phú, làm giàu bằng mọi cách gian ác. Thường thường, sau khi bão tuyết nhiệt độ xuống thật lạnh, đặc biệt là cuối tuần và cộng thêm ngày lễ, các lão chủ nhà thường cúp sưởi của người thuê nhà. Viện cớ hết dầu đốt lò nước nóng, và phải chờ đến sau lễ mới có xe chở dầu. Viện cớ máy hư, phải sửa và chưa xong. Nhiều lý do lắm. Lạnh đến độ cửa sổ đóng băng. Ở trong nhà chúng tôi thở ra khói. Có điện, nên hễ ai có tiền, để trả tiền điện thêm cộng vào tiền điện nước hằng tháng, và phải mua cái sưởi điện, thì có thể sưởi ấm những lúc ấy. Tôi tiếc tiền nên ráng chịu lạnh. Người thuê nhà ở tầng thứ hai là một người đàn bà có con nhỏ, người Mỹ. Cô nàng gọi chủ nhà mắng trơ trất, còn tôi gọi năn nỉ mở sưởi cho chúng tôi bằng giọng nói ngập ngừng phát âm sai trớt quớt. Bây giờ nghĩ lại, anh chàng sinh viên của Dostoevsky ghét chủ nhà đến độ có thể giết người thì cũng phải. Chúng tôi đi chợ bằng xe buýt. Bão tuyết nhiều xe búyt ngưng. Chợ Ý bán lộ thiên, rau cải thức ăn giá rẻ hơn siêu thị bị bão tuyết cũng tạm ngưng. Tủ lạnh nhà tôi chẳng còn gì để ăn. Tết năm đó gần như phải nhịn đói.

Sau đó tôi dọn sang New Jersey, có một năm vào dịp Tết có bão tuyết to mà tôi không biết. Đâu có theo dõi tivi đài khí tượng, đâu biết nghe tin tức gì đâu mà biết. Sáng sớm vẫn đi học như thường lệ nhưng đến nơi thì trường đóng cửa. Tôi ngồi ở cafeteria học bài đến trưa tuyết đổ nhiều quá nên đón xe buýt đi về chung cư. Lúc đó tôi ở khu housing project, đón xe buýt số 1 từ trạm xe buýt gần trường. Xe buýt số 1 chạy ba tuyến đường. Một tuyến chạy thẳng từ gần trường tôi (Newark) về chung cư ở Ivy Hill. Một tuyến chạy từ Newark đến trạm A (nửa chặng đường và thả khách xuống). Một tuyến nữa chạy Newark, đến trạm A đón thêm khách, mang về Ivy Hill. Bão tuyết lớn quá, xe chết máy đầy đường, kể cả xe buýt cũng bị chết máy. Tôi chờ mấy tiếng đồng hồ không lên được xe buýt vì xe nào cũng đông nghẹt. tôi lạnh cóng giữa trời tuyết vì không mặc áo khoác dài, chỉ có ấm nửa người, chờ mãi lên được xe buýt thì nhằm chuyến chỉ chạy đến trạm A. Từ trạm A tôi phải chờ thêm mấy tiếng đồng hồ mới lên được xe buýt về Ivy Hill. Về đến nhà thì đã sáu giờ chiều.

Lúc còn đi học, nhóm sinh viên Việt có tổ chức Tết, trường cho một số tiền, chúng tôi hùn thêm tiền làm chả giò, tổ chức dạ hội dạ vũ. Sau đó đi làm, tôi không dùng âm lịch (và vì không có lịch âm lịch) nên cũng chẳng biết khi nào là Tết. Tết chỉ là một ngày bình thường. Thoáng nhớ đến khi thấy người ta bán bánh mứt và bao lì xì đỏ.

Khoảng mười năm sau này, khi gia đình bên chồng sang Mỹ ở đông, có người nhớ tập tục tổ chức cúng ông bà, đưa ông táo, gặp nhau ăn tiệc chứ riêng tôi cũng thấy già thấm mệt, sợ phải nấu nướng. Trong gia đình bên chồng, có nhà nấu bánh tét bánh chưng, cho một ít, thêm dưa món chứ tôi cũng ít khi mua bánh chưng ở tiệm. Một phần vì tôi không ăn được nếp. Ăn vào không tiêu.

Tết cũng như Giáng sinh làm tôi cảm thấy stressful, mệt mỏi, chỉ mong cho chóng qua để tôi trở lại với cuộc sống ngày thường. Và năm nay, cũng như bao năm trước, bão tuyết đến, tuyết tan, ngày mai ngày kia lại có bão tuyết. Một lần Tết qua, ngày mỗi già, tôi còn 940 ngày là có thể được chính thức về hưu (non). Nhớ một câu mà tôi tâm đắc khi đọc quyển Tuesday with Morris. Nếu mà tập tục văn hóa làm khổ bạn thì bạn hãy quên cái tập tục văn hóa ấy đi. Tôi muốn quên Tết nhưng chung quanh ai cũng vui mừng đón Tết làm tôi cảm thấy mình phản văn hóa và mất gốc quá. Vui Tết không được, không vui Tết cũng không được. Tôi là người trôi lơ lửng giữa hai dòng văn hóa chẳng bám rễ vào đâu.

Lại nghĩ lan man một chút, những người Việt sống chui (ở Anh chẳng hạn) họ đón Tết như thế nào. Hay là “tôi có chờ đâu, có đợi đâu. Mang chi xuân lại, chỉ thêm sầu…”

34 thoughts on “Tết và tuyết”

  1. Nhân dịp xuân về GT con ghé chúc tết cô Tám và đọc câu chuyện cô Tám kề con thấy chạnh lòng. GT con chúc cô Tám cùng gia đình vui xuân hạnh phúc ấm áp nhé

  2. Càng lớn cháu càng chẳng thấy Tết có gì đặc biệt.
    Bánh Tét đúng là khó tiêu với người dạ dày yếu thật cô ạ.

    1. Tết với nhiều nhà cũng lo lắng không yên. Cha mẹ muốn có tiền mua quần áo mới cho con nhỏ. Người lớn đôi khi phải quà cáp biếu xén họ hàng và cấp trên. Cô thấy mệt cho họ.

  3. cám ơn chị Tám đã nói lên tâm trạng của rất nhiều người mỗi khi dịp Tết về, cả cuối tuần vừa rồi em phải chạy đi mua đồ Tết met đừ, chỗ nào cũng đông thật là đông – không tết người lớn thì không được, tết thì biết rằng người ta có ăn hay không …

    Em chúc chị Tám và gia đình một năm mới thật an lành chị Tám nha.

    (em đọc thấy chị Tám đếm từng ngày để được về hưu (non) mà em cười tủm tim – em thì còn phải cày 20 năm nữa nên không thèm đếm luôn)

    1. May cho em, HY còn trẻ quá, nên còn phải làm việc hai mươi năm nữa. Chị cứ nơm nớp lo là chết trước khi được về hưu 🙂 Năm mới mến chúc HY và gia đình vạn sự như ý. Riêng chúc HY có nhiều sáng tác thật hay để bạn đọc ngày càng yêu mến tác giả HY dễ thương này.

    1. Năm mới chúc DH và gia đình phước lộc dồi dào tiền vô như nước 🙂 . Mua một căn nhà to hơn để có chỗ cho các cháu xoay trở 🙂 Và DH mua đồ chơi nhiều hơn.

  4. Lúc em học cao học có học qua một khoá về tâm lý người nhập cư tị nạn. Trong đó em học được một khái niệm mà nói nói lên rất chuẩn tâm tư của những người tha hương cầu thực như mình. Đó là biến chứng cognitive dissonance, nói lên cái cảm giác “nữa lòng” như chị viết trên kia.

    Từ đó thì em chấp nhận tâm lý nữa lòng này nữa lòng kia của mình. Chấp nhận để thấy như vậy mình vẫn bình thường, chỉ vì mình sống giữa hai văn hoá nên tâm trí mình bị phản phối vậy.

    Em chúc chị nhiều sức khỏe để đi rừng đi non mà chụp cảnh thiên nhiên nhiều hơn và đẹp hơn.

    1. Cám ơn Trang. Chúc em và gia đình được nhiều may mắn. Ngày nào cũng là niềm vui với chồng và hai đứa con xinh xắn. Ngày nào cũng là một ngày ấm áp hạnh phúc ngay cả khi bên ngoài là nhiều độ dưới không độ.

  5. Chuc chi va gd 1 nam moi vui tuoi va hanh phuc. Tet ben My luc nao cung lanh va lanh, khong co chut gi xuan. 😦

  6. Cô Tám ơi than nhìu ta châm lò đốt bùng lên cho ấm. Chuyện bâng quơ càng ngày càng đông dzui ghê. Chúc mừng, chúc mừng Năm Mới Phát Tài !!!

  7. Có những năm đầu tiên khi đến Mỹ, gia đình DQ ở Tenn., Tết về là tuyết cũng ngập tràn mà chợ búa VN thì hiếm nên thường mấy mẹ con, gia đình quây quần bên nhau gói bánh, làm món này món kia cho qua hết mùa tuyết và ăn Tết trong nhà với nhau vậy đó. Mà có lẽ nhờ vậy mà đám em út của DQ vẫn còn nhớ không khí Tết (vì tụi nhỏ qua đây, đứa bé nhất mới có 6 tuổi, đâu có nhớ Tết VN bao nhiêu).

    Năm nay, tuyết rơi trễ nên Tết nhất vùng Đông Bắc là lạnh cóng, băng giá luôn ha Bà Tám!

    Cả nhà bình an và năm mới mang nhiều niềm vui, hạnh phúc đến cho ông bà Tám và gia đình nha!

      1. trong khi trên phía Đông Bắc lạnh vi vu thì xứ cao bồi lại đang ấm áp trở lại nè Bà Tám. Hoa Đào ở đây đang bắt đầu nở đón Xuân (sớm) rồi nè.

        Giữ ấm từ trong tim ha Bà Tám! ❤

  8. Bà Tám ơi, năm sau, gần đến Tết, ông bà Tám ghé xứ cao bồi ăn Tết hông nè? (câu này, DQ hỏi ông bà Ngoại tụi nhỏ hoài, năm nào cũng hỏi có 1 câu này thôi á) 😉

  9. Đọc bài này của cô, cháu mới nhận ra là cô chắc gần bằng tuổi mẹ cháu. Xin lỗi vì cháu gọi cô bằng chị, vì đọc bài giới thiệu thấy giọng văn cô trẻ quá. Cháu ở Anh cũng thấy không mấy có không khí Tết. Nhưng một phần là do bọn cháu mới có em bé nên cũng ít ra ngoài hay tổ chức tiệc tùng gì.

Leave a comment