Bình ca trên đảo Bidong

Đáng lẽ chúng tôi phải oán ghét những người vì họ mà chúng tôi phải bỏ xứ ra đi. Nhưng. Ở trên đảo Bidong tôi không nhớ là đã từng nghe những lời chửi bới vì oán ghét. Trái lại, bây giờ hồi tưởng lại cuộc sống ở Bidong khá êm đềm dù rất thiếu thốn. Với tôi, khi lên đảo chỉ có một hai bộ đồ. Tôi đang tuổi thanh xuân dĩ nhiên là thèm có quần áo đẹp. Không có chẳng hề gì. Để giết thì giờ và giúp vui cộng đồng, người ta tổ chức những buổi trình diễn văn nghệ.

Có loa, có máy phát đại âm thanh, và có đàn, còn có trống hay không tôi không nhớ. Trong một buổi trình diễn, có một em thiếu nhi, chừng mười lăm, xung phong hát một bài gì có tựa đề quê hương. Anh huynh trưởng, lúc đó tôi nhớ cũng già già, chắc bốn mươi hơn, tên gì tôi nhớ có chữ Trung và chữ Tá, không biết có sai lắm không, nói “được, được.”

Giọng hát của em rất khỏe, rất sến (haha, không phải chê đâu nha, tôi yêu nhạc sến), và bài hát của em bắt đầu “anh xin đưa em về, về quê hương ta đó.” Anh huynh trưởng kêu trời, rầy, sao mấy em (mấy anh chị huynh trưởng dưới quyền) không kiểm sóat (hay kiểm duyệt) trước để hát nhạc tình yêu của người lớn, có cưới nhau rước nhau gì đó tùm lum luôn. Mấy anh chị huynh trưởng kia, gãi đầu gãi tai, tụi em nghe có chữ quê hương thì đâu có biết. Bài hát thật ra chẳng có gì xấu, chỉ tội người hát, mặt còn non chọet mà đã yêu đương um sùm.

Tôi cũng lên hát. Bài Bình Ca. Chọn bài này là khôn lắm. Phạm Duy biết chất giọng của mấy người con của ông nên những bài ông viết cho Duy Quang hay Thái Hiền hát không đòi hỏi phải lên cao quá hay xuống thấp quá, dễ hát cho những người hát không hay nhưng hay hát như tôi.

Sân khấu là một cái lều, hay cái chòi, dựng lên ở bãi biển, chẳng nhớ khu nào, chỉ nhớ khu này ít hàng quán, cát trắng, người ta thường hay đi tắm, khá xa khu nhà long house ở khu F, nhà tôi.

Này em con chim lười, nhiều năm chim đau phổi, buổi sáng vắng tiếng chim cười vui. Này em con chim gầy, chiều nay chim thức dậy, và nó hót líu lo thật dài.

Tôi lúc ấy cũng đã lớn nhưng chưa khôn, cũng chẳng hề nghĩ xa xôi những lời bá láp chuyện chim với bướm. Đang hát được mấy đoạn tự nhiên bà con ùn ùn bỏ chạy. Trước mắt tôi chỉ còn lại vài ba người cũng chực chờ bỏ chạy. Tôi chẳng biết làm gì chỉ hát cho xong bài rồi đi xuống.

Một cô gái, chẳng biết và chẳng nhớ là ai, quen biết với tôi như thế nào, có thân thiết như bạn bè hay là người đi ngang đi xem văn nghệ, đi bên cạnh tôi nói nhỏ.

“Bà hay thiệt. Người ta chạy đi xem đánh nhau ở ngoài biển. Tui tưởng bà bỏ cuộc nhưng bà vẫn hát tiếp cho đến hết bài.”

Thật ra tôi chẳng biết làm gì ngoài hát tiếp.

“Mà sao bà đi hát không mượn ai bộ quần áo cho đẹp đẹp một chút. Mặc cái quần ống rộng thùng thình ngắn tủn chó táp ba ngày không tới, mặt mày mụn tùm lum …”

Đó là một bài bình ca mấy chục năm rồi tôi vẫn không quên. Cái cảm giác bị bỏ rơi, mặc cảm tự ti, nghèo xấu.

22 thoughts on “Bình ca trên đảo Bidong”

  1. bây giờ chắc lại hát:

    này em con chim già
    nhiều năm chim luống tuổi
    buổi sáng vẫn bước chân làm xa…

    😛

    1. Hello DH. Cám ơn đã ghé thăm nhà tôi. Lâu ngày không gặp. Tôi vẫn đến thăm viếng DH nhưng ngó bộ chủ nhà đi vắng hay là không muốn tiếp khách.

  2. Haha! Kể ra chị nào đó cũng có duyên “ớn” chứ, không muốn khen thì thôi còn lôi cái “mụn” của người ta mà nói…”thiệt là đau lòng” mà chuyện xưa thời ở trại tị nạn bây giờ ngẫm nghĩ như một cổ tích khó phai nhòa thật chứ Bà Tám, há chị?

  3. Em đoc tới đoạn” Tôi lúc ấy cũng đã lớn nhưng chưa khôn, cũng chẳng hề nghĩ xa xôi những lời bá láp chuyện chim với bướm. Đang hát được mấy đoạn tự nhiên bà con ùn ùn bỏ chạy”
    Em cứ ngỡ là vì tại chim tại bướm mà ai nấy bỏ chạy, ai ngờ là vì có đánh nhau hì hì

        1. Giọng thì còn tốt nếu dùng để la hét, chứ không thể ca hát. Nếu có người mời đi thi giọng để thay thế còi xe chữa lửa thì mình sẽ đi.

  4. Hai người chị nhắc tới là Thái Chí Trung ( lúc ấy khoản độ 30-32)và người kia là Võ Minh Tá(49 tuổi).

    1. Ờ, thời đó có ăn đủ no dù không ngon nhưng không phải lo lắng chuyện tiền bạc, nhà cửa, thuế má như bây giờ.

  5. Chị viết hay quá. Kể thêm về những giai đoạn, góc khuất cuộc đời mà không phải ai cũng có đi chị, cho em nghe nữa.

      1. Em thích nghe những câu chuyện của những cuộc đời mà mình chưa được sống qua, không phải ai cũng được sống qua. Nếu mỗi người kể một ít, hé lộ một chút, thì mình được nhìn tổng thể hơn, cuộc đời đa dạng thi vị lắm chứ bộ, ngay cả những cay đắng khổ đau 🙂

Leave a reply to Bà Tám Cancel reply