Con đưa mẹ đi chơi

Ngày xưa con còn bé thì mẹ dẫn đi chơi. Bây giờ thì ngược lại, mẹ già được con đưa đi chơi. Tôi nghe và nhìn thấy về hiện tượng empty nest. Nhiều người bạn quen biết với tôi thấy cô đơn khi tuổi già vì con cái đã rời khỏi gia đình. Rồi tôi cũng sẽ đến lúc ấy, nhưng bây giờ thì chưa. Biết con mình ngày càng lớn, càng đi xa, ít có dịp gặp con, nên tôi rủ con tôi đi chơi New York. Đây là một thành phố rộng lớn có rất nhiều thứ để xem, đi xem cả tháng cũng còn những thứ mình chưa xem chưa biết. Nội cái viện bảo tàng thiên nhiên ở New York, đi xem một ngày cũng chỉ được một phần nhỏ mà thôi. Còn viện bảo tàng nghệ thuật và Cloisters và MOMA và nhiều thứ nữa. Cô út hỏi tôi có muốn đi xem viện bảo tàng Cooper Hewitt không, tôi ừ ngay lập tức. Thứ Sáu tôi nghỉ một ngày, đi theo con. Tôi thích nhìn theo tầm nhìn của một người trẻ tuổi, bởi vì nó rất khác biệt với cái nhìn của mình. Đây là một chuyến đi rất thú vị, tôi học hỏi nhiều thứ hoàn toàn nằm ngoài sự hiểu biết hằng ngày của tôi.

Cô hoàn toàn tổ chức chuyến đi, từ chuyện đi xe lửa chuyến nào, giờ nào. Đi hướng nào đường nào, y như bố cô vậy. Nhưng bố cô lái xe còn hai chúng tôi không ưa chuyện phiền toái lái xe vào New York, chật chội, tìm chỗ đậu v.v…

Đi xe lửa vào New York, đi xe điện ngầm uptown tuyến C, xuống trạm 86, băng ngang Central Park.

Central Park đi chục lần vẫn còn muốn đi ngang. Tôi hẹn mình sẽ trở lại Central Park chụp cho hết ảnh những cái cầu. cầu thứ 24

Trước khi vào Cooper Hewitt (C. H.) chúng tôi đi ăn brunch ở một quán ăn kiểu Úc. Quán là một cái “chái” nhà thờ, chẳng biết gọi là alcove có đúng không. Nó là một cái phòng rất nhỏ trước khi vào phần chính của giáo đường. Cái chái này là cái phòng nhỏ của nhà thờ “Heavenly Rest.” Biến cái phòng nhỏ này thành một thứ café, có wifi, tôi sạc điện cho cái điện thoại ở đây, đề phòng tôi sẽ dùng hết điện vì chụp ảnh.

Tôi đã ăn sáng ở nhà, nhưng thấy cô ăn tôi cũng ăn. Gọi món giống như món cô gọi. Bánh mì nướng, bên trên là một lớp trái bơ thật dày. Phần ăn của cô có thêm quả trứng, phần của tôi không. Một chút nước sốt chua chua ngọt ngọt, vài miếng cà chua nhỏ như trái anh đào rất ngọt, vài cọng giá alfalfa và một ít cheese. bánh mì với avocado kiểu Úc

Ngay từ lúc ở ngoài cửa bảo tàng tôi đã thấy rất hứng khởi vì thấy bảng giới thiệu phim của Pixar. Viện bảo tàng khá nhỏ so với các viện bảo tàng khác. Đây là một viện bảo tàng của tư nhân, chuyên về design, thiết kế, mẫu quần áo, đồ trang sức, các mẫu vẽ sáng tạo như giấy dán tường, vải, kiến trúc, v.v… nhiều thứ lắm không thể nào gồm lại trong một câu. Bảo tàng là một nhánh của Smithsonian. Người trẻ, học sinh trung học, đại học, hai mươi ba mươi tuổi, đi xem chỗ này nhiều hơn người lớn tuổi.

Ấn tượng đậm nhất của tôi là khoa học kỹ thuật được áp dụng vào thiết kế sáng tạo. Đầu tiên chúng tôi được giao cho mỗi người một cây bút điện tử. Cây bút có hai đầu, đầu lớn có cái nút nhấn bên trên đóng dấy chữ thập. Đầu nhỏ nhọn giống như đầu cây bút. Khi gặp một vật đang được trưng bày, nếu muốn ghi nhận tài liệu về vật này, tôi ấn cái đầu chữ thập vào cái chữ thập trên bảng giới thiệu vật đang trưng bày. Tất cả chi tiết về vật trưng bày sẽ thu về một account của tôi, về nhà tôi chỉ cần gõ mã số bảo tàng dành cho tôi, sẽ tìm thấy những điều tôi đã ghi nhận.

Cái đầu nhỏ của cây bút có công dụng khác. Rất nhiều nơi trong bảo tàng có những cái bàn điện tử. Cây bút được dùng để chọn những đề tài người xem muốn tham khảo, bằng cách chọn một cái bong bóng đang bay trên mặt bàn có hình ảnh và chi tiết gói trong bong bóng. Kéo cái bong bóng bằng cây bút đến chỗ mình đang đứng, trước mặt trên bàn có một ô vuông dành riêng cho người sử dụng. Người xem có thể thêm bớt chi tiết, tự vẽ mẫu mã, chọn màu sắc, vật liệu để thiết kế thành một món đồ và nhìn thấy món đồ trong không gian (3D).

Cách kể chuyện bằng hình ảnh của hãng phim Pixar và các họa sĩ chuyên vẽ ảnh làm phim biểu lộ quan điểm nghệ thuật của họ.

13 đồng một bao nhang

Ghé tiệm bán đồ kỷ niệm của bảo tàng, thấy hộp chứa mấy bao nhang có chữ Việt. Không biết một gói nhang bán bao nhiêu ở VN nhưng ở bảo tàng giá là 13 Mỹ kim.

Đây là một thiết kế đặc biệt của Jenny E. Sabin. Một loại chỉ tơ có thể hút ánh sáng và tỏa ra ánh sáng. Nhẹ và mềm có thể cuốn lại, trong tương lai có thể được dùng làm lều cắm trại vì nó hút ánh sáng mặt trời và tỏa ra ánh sáng vào buổi tối.

Còn nhiều hình ảnh lắm, kể không hết, chỉ thêm vài tấm ảnh thú vị. Từ trái qua phải, trên xuống. Thủy tinh nấu chảy, làm thành cái lọ bằng từng lớp thủy tinh. Ánh sáng rọi qua lọ lung linh thành hình những đóa hoa ánh sáng.

Mấy cái lồng chim được thiết kế mỹ thuật, đồ sưu tầm của những vị chủ nhân, vốn là cháu (ngoại) của ông Cooper Hewitt, chủ cái gia tài đồ sộ này. Lúc khác tôi xin được viết thêm về một vài món trưng bày thật là thú vị trong bảo tàng này.

Một ngày rất gần tôi sẽ trở lại xem tiếp. Giá vào cửa khá rẻ. Con tôi mua vé cho tôi với giá senior, và vé của cô giá học sinh. Tôi nhớ cô bạn ở Austin lợi dụng mái tóc bạc của tôi và của cô mua vé senior cho chúng tôi. Chẳng ai kiểm sóat xem mình có nói láo không, vì làm thế là mất lịch sự, và chẳng ai muốn công nhận là mình già hơn tuổi bao giờ. Phải không?

Tôi nói với con bé, về sau mình sẽ khó có dịp đi chơi chung như thế này, vì con càng lớn càng (đi) xa, mẹ càng lúc càng già. Rồi sẽ có lúc con có gia đình riêng, cuộc sống riêng. Rồi mẹ sẽ già lụm cụm đi không nổi. Cô nói, mẹ ngồi xe lăn con đẩy mẹ đi. Không, không, mẹ không muốn làm phiền con như thế. Con nhỏ này đã từng hứa là khi nào con lớn con sẽ mua cho mẹ xe hơi loại thể thao màu đỏ mui trần đây. Ngày xưa, mình mà hứa với tụi nó cái gì thì phải lo mà giữ lời. Bây giờ mình tự nhủ đừng có vin vào lời hứa của con mà đâm ra mơ mộng hão.

Có đứa con chịu đưa mình đi chơi là tuyệt vời quá chừng rồi, phải không?

23 thoughts on “Con đưa mẹ đi chơi”

  1. Cuộc đi chơi thú vị quá. BT đi Thứ Sáu vừa qua? Hôm đó có trận mưa to. Mình sẽ cố đi xem viện bảo tàng này. Hình BT chụp đẹp.

    1. Ở NY mưa lắc rắc lúc đó mình mới vừa ra khỏi Cooper Hewitt, nên vào trong nhà thờ Heavenly Rest tránh mưa. Đón cab nhưng chẳng chiếc nào ngừng, mà mưa không lớn nên đi nhanh về trạm xe điện ngầm chỉ chừng hơn mười phút. Từ đó về đến Dunellen mưa lớn nhưng mình đã ngồi trên xe rồi nên chẳng sao. Về đến trạm thì ngừng mưa. Thật là tuyệt vời. Mình nghĩ các cháu, nhất là cậu út sẽ enjoy lắm, nhất là các cháu và HN có năng khiếu design. Dễ đi, nếu không thích lái xe thì dùng public transportation.

  2. Có đứa con chịu đưa mình đi chơi là tuyệt vời quá chừng rồi, phải không?
    Dạ đúng như vậy. Tôi cũng vừa lên thăm con trai, nó đưa đi đây đó, ăn những món mình thích và đi lễ chung với nó. Nhớ hồi xưa mình hay dẫn nó đi lễ xong rồi học giáo lý, Dì Phước Việt dạy tiếng Việt: khó hiểu qua quá, đỏ mặt lỗ tai đỏ khóc, dẫn nó ăn Mac…bây giờ mình muốn nó dẫn mình ăn Mác… Nó nói: Không ba con dẫn ba ăn chỗ này ngon hơn.

    1. Nhiều khi mình phải nhẫn nhịn, chìu đón con như boss của mình, để được cảm tình của tụi nó. Về già, Tám thấy không có gì vui hơn, hạnh phúc hơn khi mình được sống hòa thuận với người chung quanh, bạn bè, hàng xóm, bà con, và nhất là hòa thuận với con cái. Nhiều khi không cần quà cáp gì, chỉ cần ngồi gần nhau mà không giận hờn trách móc hay rầy rà cũng là quí giá hơn tiền bạc. Phải không bác jcbrea.

  3. Nghe kể chuyện thú vị quá , biết khi nào có dịp vào đó để mở rông tầm mắt đây , thôi thì chờ Tám viết và post hình, chắc chắn sẽ cô đọng hơn khi mình đi xem thực tế đây. 🙂

  4. Tôi không có dịp đi tới đây nhưng được đọc những điều thú vị này, vừa kể ngoại cảnh vừa kể nội tâm, thật là qúi hóa qúa. Cám ơn Bà Tám rất nhiều.

  5. Chào chị HH. Đúng quá rồi! Chị hạnh phúc được con đưa đi chơi. Chưa có cuốn truyện hay cuốn phim nào nói về chuyện này. Tôi nhớ phim ” Story Tokyo” của Yasujiro Ozu có đoạn, ông bố và bà mẹ từ quê lên Tokyo thăm con trai và con gái. Chẳng ai chịu chăm bố mẹ. Họ gửi ông bà vào nhà điều dưỡng. Ở đó, ồn ào quá. Ông bà không ngủ được, phải trốn đi sớm.Chị có thể viết một câu chuyện về đứa con của mình. Chúc chị vui.

    1. Tôi có xem phim đó và rất nhiều phim khác của Ozu. Chuyện của tôi với cô bé này phần nhiều là chuyện vui nho nhỏ, viết thì được rồi, nhưng in ra chẳng ai đọc. Cám ơn Tuấn chẳng những đọc mà còn còm nữa.

  6. Chào chị HH. Chị cứ viết, nhất định có người đọc. Bây giờ người đọc lại thích những chuyện tâm tình nho nhỏ. Thời đại toàn cầu hóa, người ta dần chán những câu chuyện hoành tráng, lớn lao. Những chuyện nho nhỏ, như tiếng chim họa mi trong vườn, lúc nào cũng thích nghe. Chúc chị vui.

  7. Câu chuyện thật dễ thương, đọc những gì Cô Tám viết DT thích lắm. Tới tuổi này, với trái tim thích thì đập đều đặn không thích thì ngưng đập vài giây, nên DT chẳng thể nào gặp Cô Tám để nói chuyện cho vui. Cô Tám đi chơi đâu nhớ viết kể lại cho DT đọc với nhé. Love DTQT.

Leave a comment