Đưa con đi học

 

Chuyện đi chơi ở Toronto và Niagara Falls sẽ kể sau. Mình sẽ thăm (đọc) các blog và facebook bạn đăng suốt tuần vừa qua. Còn bây giờ mình kể chuyện đưa cô út đi học xa.

Hôm nọ đi Toronto chơi, cô em chồng ngồi phía sau với mình thủ thỉ. Cô này chăm chồng con rất chu đáo, hai cháu rất ngoan. Cô nói, “Em quen có hai đứa con bên cạnh từ lúc còn bé, chẳng bao giờ rời mẹ ra. Chẳng biết sau này chúng nó lớn lên không còn ở chung với mình thì sao nhỉ? Chắc nhớ không chịu được.” Hai cháu, mùa hè năm ngoái được cho về thăm ông bà nội ở Việt Nam ba hay bốn tuần. Tôi đoán nếu cô em tôi chịu được ba bốn tuần thì cũng sẽ chịu được ba bốn tháng, rồi ba bốn năm sẽ được thăm con hay con thăm. Nỗi nhớ nào rồi cũng nguôi ngoai. Cô cũng như tôi, đều là những đứa con gái đã từ bỏ mẹ để đi xa. Và con của chúng tôi cũng sẽ là những đứa con đi xa. Ơ! Đi xa đâu có nghĩa là từ bỏ mẹ. Phải không?

Chim non nào cũng rời khỏi tổ. Bà mẹ nào cũng biết con mình rồi sẽ như những con chim non kia. Mình tập tành, dẫn dắt, thậm chí lùa con ra khỏi tổ, vì sợ chúng sẽ không bao giờ học bay, học tìm kiếm thức ăn, tự sống một mình, cho đến một ngày nào đó những con chim non này cũng phải làm trách nhiệm cha mẹ của chúng. Và luật tuần hoàn cứ thế mà luân chuyển.

Cô út học xong chương trình đại học, đi làm một năm, xin vào học chương trình cao học và tiến sĩ ở Illinois. Tháng trước ông Tám đưa cô đi tìm thuê nhà. Mấy ngày vừa qua tôi và bố cô giúp cô dọn nhà đến Illinois.

Đường xa quá, 800 miles (1280 km) từ New Jersey đến Urbana-Champaign. Chúng tôi nghỉ đêm ở Columbus, Ohio. Căn phòng thuê khá tồi tàn. Cái máy lạnh để trong phòng, gần sát mặt đất, nước không được dẫn ống thóat nhễu xuống đọng thành vũng thấm vào thảm. Người trọ chung quanh nhìn cũng thấy khiếp đảm vì nhìn họ là mình có thể đoán được nếp sống của họ chẳng mấy tốt đẹp. Những người đàn bà ăn mặc nhếch nhác, ghẻ lở, đầu rối, răng cỏ chẳng còn. Nửa đêm tôi thức giấc vén màn nhìn ra cửa sổ, nhiều nỗi suy tư.

Cô út mướn được một phòng rất khang trang rộng rãi. Căn phòng như thế này có thể chứa được hai vợ chồng và một đứa con nhỏ. Giá khá rẻ. Tôi đoán kinh tế ở thành phố này khá trì trệ, ít việc làm. Buổi tối tôi ở đó, trời nóng hầm hập như lò hơi nước, sau đó đổ xuống cơn mưa khá lớn. Đường phố lướt thướt, cây mịt mù trong bóng đèn vàng. Tôi vẫn không ngủ được nhìn ra cửa sổ, chưa gắn màn treo cửa, vẫn nhiều nỗi suy tư.

Tôi bảo, khi nào cô muốn về thăm nhà, những dịp lễ Tạ Ơn, lễ Giáng sinh, trường cho nghỉ một tuần, nếu cô không có tiền trả tiền vé máy bay hay xe lửa thì tôi sẽ trả. Hồi cô ở Baltimore cũng thế. Nếu cô học hành đúng chương trình theo dự tính cũng phải vài năm. Sau đó thì tính sau.

Ngày tôi đi học Tiểu học, từ nhà đến trường chừng mười phút đi bộ. Đến lớp ba, nhà cháy dọn về Tân Qui Đông, đi bộ chừng nửa tiếng. Lên Trung học đi bộ chừng một tiếng đồng hồ sau đó đi xe. Lên Đại học đạp xe đến trường chắc cũng chừng hơn nửa tiếng. Vẫn còn ở với má, tưởng chừng sẽ là con chim sắp già vẫn chưa có thể rời khỏi tổ để tự kiếm sống. Đùng một cái vù ra tận nước ngoài, vất vả với miếng cơm manh áo cho đến ngày hôm nay. Sinh cô lớn chưa đầy một tuổi, tôi để con ở lại nhà với bố, về VN thăm má tôi vì nghe bà bị bệnh nặng. Sau một tháng tôi về lại Hoa Kỳ. Bốn năm sau bà qua đời, cô út lúc ấy mới hai tuổi, tôi bận việc làm và nuôi con không về được. Lần về trước vì mẹ bỏ con. Khi mẹ mất, vì con bỏ mẹ. Đối đãi với mẹ và con đều không được trọn vẹn chu đáo.

Con tôi, ngày càng đi xa. Cuộc sống từ trước đến giờ may mắn có cha lẫn mẹ, tuy tôi không mấy chu đáo nhưng cả bố cô và tôi đều cố gắng làm cho sự chuyển tiếp của cô với cuộc kiếm sống cho dễ dàng hơn. Tôi lo lắng cho sự an toàn của cô nhiều hơn là sự thành công hay giàu nghèo.

Trên đường về, ông Tám lái xe một mạch mười bốn giờ từ Champaign về New Jersey, không ngủ đêm ở giữa chặng đường như chuyến đi. (Dĩ nhiên có ngừng nghỉ mỗi hai tiếng hay ba tiếng ở các trạm nghỉ hay vào trong phố ăn sáng ăn trưa.)  Suốt chặng đường về, tôi cứ bùi ngùi chảy nước mắt nghĩ đến má tôi và nghĩ đến con tôi. Những bạc bẽo tôi dành cho mẹ và những ân tình không trọn tôi đối với con.

Nora is well

Về đến nhà lật đật xem Nora có khỏe không vì trời nóng quá mà Nora bị nhốt trong nhà, tuy thức ăn và nước uống vẫn còn nhiều nhưng vắng người cả ba hôm rồi. Cô nàng vẫn khỏe, lẽo đẽo theo tôi suốt buổi tối. Tôi đi ngủ, cô nàng ngồi trước cửa phòng, kêu nhưng giọng khản không thành tiếng. Tôi ngồi viết thì nàng leo lên lòng ngồi. Con mèo này là tượng trưng cho hai cô con gái của tôi. Chúng gửi tình yêu vào con mèo, và tôi ôm con mèo như ôm tình yêu của con mình gửi gắm.

Tôi viết dông dài, nhưng thật ra vẫn chưa viết được chút xíu nào những điều tôi muốn viết. Nỗi lòng của người mẹ viết làm sao cho đủ.

Tối qua về gần đến nhà, cô em chồng biết đi xa chưa nấu ăn nên gọi qua nhà, ăn tối bún măng vịt rất ngon. Chúng tôi mang cả xương thịt vịt về cho Boyfriend nhưng khi về thì không thấy nó. Khi đi tôi lo ngại cho Boyfriend nhiều hơn Nora. Sáng nay, thấy chàng ta ngồi sẵn trên cái ghế ở sân sau chờ ăn. Khi tôi cho Boyfriend ăn thấy nó đi khập khễnh, chân trước bên trái bị đau. Có lẽ bị con thú nào đó cắn hay bị một nhà nào đó phang cho què chân khi nó đi tìm thức ăn.

21 thoughts on “Đưa con đi học”

  1. Bà Tám bao giờ cũng viết rất trung thực. Tuy không nói ra nhưng bà Tám cũng rất thương mẹ và con gái.

  2. Cô Tám ơi, có lẽ khi nghỉ ngơi sau chuyến đi dài xong xuôi, công việc thư thả, trong người tâm trạng tốt, cô nhớ xem Still Walking, phim Nhật, sản xuất năm 2008 nhé, cháu nghĩ cô sẽ thấy nhiều sự đồng cảm trong bộ phim ấy.

  3. Lâu nay có những bận rộn riêng tư, không đọc bên blog và FB của Bà Tám. Tiếc thiệt nhưng cũng đành vậy. Sáng nay đọc, thiệt xúc động dù QNH không là phụ nữ, thương yêu dành cho con khác của người mẹ nhưng nghĩ về mẹ mình chắc không khác. Rãnh, sẽ tìm một bài thơ cắt trên báo của một tác giả không nổi danh, giờ quên rồi, bài “Nhà khác” kể tâm trạng khi con gái đi lấy chồng, gõ vào máy gửi cho BT nhé.

  4. những yêu thương, chia xa, như chị nói là luật tuần hoàn của tạo hoá….xưa cha mẹ mình yêu thương và chia xa với mình thế nào thì khi con mình lớn mọi chuyện cũng sẽ luân chuyển y vậy…..đừng buồn hay tự trách mình chị Tám ơi…em tin chị và ông Tám luôn là cha mẹ tuyệt vời trong mắt các con. Còn đối với các bậc sinh thành, em cũng tin, họ sẽ hiểu và vui khi mình vui….

  5. Viết cho con là điều khó viết nhất, em mất mẹ rất sớm lúc trí khôn chưa có nên em cảm thấy chị là người hạnh phúc. Vì mẹ bỏ con rồi lại vì con bỏ lại mẹ… một câu văn thôi đã gợi mở rất nhiều điều…

    1. Người có mẹ, và người có con, có những mối hạnh phúc và hệ lụy đi cùng với hạnh phúc, mà người không có mẹ hay không có trí nhớ về mẹ và người không có con khó có thể hình dung được. Chắc Anh Kim có bà hay dì cô thay thế mẹ chứ?

      1. Năm mậu thân mẹ em mất đến năm 1970 thì em có mẹ kế. Nhiều năm ấu trĩ đều học nội trú nên tình cảm gia đình của em hơi bị hời hợt… Em đọc entry chị viết có chút giống tình cảm của em dành cho con của mình trong đó, nên em cảm động nhiều. Cám ơn Bà Tám nhiều.

  6. Cái máy lạnh để trong phòng, gần sát mặt đất, nước không được dẫn ống thóat nhễu xuống đọng thành vũng thấm vào thảm. Người trọ chung quanh nhìn cũng thấy khiếp đảm vì nhìn họ là mình có thể đoán được nếp sống của họ chẳng mấy tốt đẹp. Những người đàn bà ăn mặc nhếch nhác, ghẻ lở, đầu rối, răng cỏ chẳng còn. Nửa đêm tôi thức giấc vén màn nhìn ra cửa sổ, nhiều nỗi suy tư.
    Nước Mỹ cũng có nhiều người nghèo khổ hả chị Tám tui.

  7. Tình mẹ thì biết nói đến bao giờ mới hết ha Bà Tám.
    Cũng như DQ ở với mẹ từ bé cho đến khi theo chàng về dinh, vậy mà khi ở với chàng rồi, có nhiều đêm nhớ mẹ vẫn … mít ướt như thường à.

    Nghe BT kể “vì mẹ bỏ con, vì con bỏ mẹ” mà DQ nghẹn ngào, tự dưng mém mít ướt luôn á. Làm nhớ có lần Cún còn bé, nhớ Ngoại quá, 2 mẹ con ôm nhau về ở với Ngoại cả tháng trời luôn. Bây giờ thì một năm mới gặp bố mẹ được đôi ba lần, không bao giờ cảm thấy đủ hết. Hic hic

  8. Sáng nay chỉ tình cờ biết đến blog nên comment đặt gạch hóng, follow xong rồi để dành khi nào về rảnh “ngâm cứu” blog này. Giờ đọc đến bài viết này cũng đoán được hòm hòm chủ blog nên cháu xin đổi xưng hô gọi cô Hải Anh bằng cô 🙂 Các bài viết cô rất chân thật nên rất dễ đọc. Thỉnh thoảng rảnh cháu sẽ lại qua. Chúc gia đình cô 1 weekend vui vẻ 😀

Leave a reply to jcbrea Cancel reply