Chuyện nhỏ ở thác Niagara

Hôm qua vội chuẩn bị đi làm tôi nghĩ tối về sẽ viết thêm về thác Niagara, nhưng về nhà xem lại thì thấy tự ảnh đã nói hết rồi còn thêm bớt gì. Để kể chuyện đi chơi tôi có thể kể lể đầu cua tai nheo, nhưng sợ chẳng ai đọc, thứ nhất người đọc chẳng có thì giờ, thứ nhì chuyện chẳng có gì hấp dẫn.

Có một vài chi tiết tôi muốn chia sẻ với các bạn vì chuyện vui vui.

một góc của horseshoe bowl

Thác hùng vĩ lắm. Bạn biết rồi. Đứng bên bờ Hoa Kỳ bạn sẽ không nhìn thấy hết sự hùng vĩ này. Đã có một thời người Hoa Kỳ khai thác thương mại thác không đúng hướng nên thác mất đẹp, lôi thôi nhếch nhác, loạn xị. Hoa Kỳ bị du khách thế giới, đặc biệt là châu Âu chê cười dữ dội nên có sửa chữa. Canada khai thác du lịch ở thác Niagara rất tận tình. Cái gì cũng đắt giá kinh hồn.

khi thác Niagara bên bờ Hoa Kỳ ngừng chảy

Năm 1969, người Mỹ xây cofferdam (chẳng biết chữ này dịch là gì, nó là một cái đập làm bằng thép) chặn dòng thác chảy để khám xét thác và nghiên cứu sự soi mòn của thác. Cái đập này làm dòng thác phía Hoa Kỳ ngưng chảy, trở nên khô cạn. Sau bảy năm, họ rút đập ngăn để thác chảy tự do, và soi mòn tự do. Có lẽ cái gì đi ngược hướng với thiên nhiên cũng gây ra tác hại của nó.

Từ bờ Canada, bạn sẽ nhìn thấy có một vùng thác chảy xuống, miệng thác hình móng ngựa vì thế được gọi là horseshoe bowl. Người ta tổ chức chuyến đi khám phá lòng thác từ phía sau dòng thác, đặt tên chuyến đi là Journey Behind The Falls. Chúng tôi đến mua vé lúc mười hai giờ. Người ta bảo chờ đến một giờ ba mươi mới được vào xem. Giá mỗi người đi xem là 30 đô la Canada. Mỗi người được phát cho một cái áo mưa poncho, loại mỏng dùng một lần thôi. Có thể để dành dùng lại, nhưng tôi cắt lủng lỗ để chừa camera ra tiện việc chụp ảnh. Sắp hàng chừng mấy trăm người, lần lượt đi thang máy xuống dưới lòng thác.

đi luồn phía sau thác

Chúng tôi được căn dặn là đi đến về phía trước, chờ xem, coi chừng trượt té, vân vân. Tôi đi theo người phía trước, tản mác, chỉ nhìn thấy cửa động với một màn nước trắng xóa như thế này. Tôi ngỡ ngàng, chỉ có thế này thôi mà tôi phải trả ba chục đồng. Rip off. Tôi quay qua nói với một người ngoại quốc da trắng. Chỉ có thế này thôi à. Ông ta nói. “Thieves.” Quả là nói oan. Nhưng người ta bóc lột tiền của người đi xem quá độ. Ông nói tiếp. “Nhưng chúng ta cứ đâm sầm vào đổ tiền vào túi của họ, vì thế đó là lỗi của chúng ta, sự ngu ngốc của chúng ta.”

ở phía sau thác

Sự ngỡ ngàng này thật ra bắt đầu từ sự hiểu lầm. Chúng tôi muốn đi lên chiếc tàu chạy trên dòng sông, ngược chiều đến gần thác. Khi nghe đi lên tàu, tôi từ chối không muốn đi. Chồng hỏi tại sao, tôi nói sợ. Chồng nạt, gắt gỏng, “làm gì mà sợ. Đã đến đây rồi mà lại không đi.” Ơ hay, sao người ta lại có quyền bắt mình phải đi phải làm những chuyện mình không thích. Tôi ghét chồng lúc ấy muốn nạt lại nhưng cãi nhau sẽ mất vui của mọi người, và tôi đã rất mệt. Tôi có bệnh tâm lý là tôi rất sợ chỗ đông người. Sợ đi tàu đi ghe (vì vượt biên), sợ những gì bất trắc, sợ đi xe (sợ tai nạn và sợ hư xe), sợ đi xa (dù muốn đi chơi). Bệnh này không rõ rệt lắm nên ít người biết, nhưng nó vẫn hiện diện trong tôi. Và tôi biết rất rõ bệnh của tôi.

Không bị đi tàu, giữa đám đông bát nháo trên tàu tôi thở phào nhẹ nhõm. Té ra chúng tôi chọn chuyến đi lòng vòng trong đường hầm chỉ để xem cái cửa động nhìn ra thác, một màn nước trắng xóa và đám rong bám lơ phơ trên cửa động.

Đi ngược trở ra tôi thấy một con đường khác dẫn ra cửa động khác. Nơi đây là một khoảng sân rộng rãi, có hàng rào. Du khách nhìn thấy bảng hiệu của chuyến đi phía sau thác.

dưới lòng thác nhìn lên miệng thác thấy vách núi dựng đứng

Từ chỗ đứng tôi nhìn thấy vách núi dựng đứng. Chúng tôi đang đứng ở dưới lòng thác nhìn lên.

nhìn thác hùng vĩ

Nước chảy xuống từ miệng horsehoe bowl. Mạnh mẽ. Hùng vĩ. Tiếng nước chảy ầm ầm át cả tiếng nói của đám đông. Tôi bỗng nhớ một câu thơ của Lý Bạch trong bài Tương Tiến Tửu. “Quân bất kiến. Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai…” Chẳng biết sông Hoàng hà có khúc nào chảy mạnh như thác Niagara không, như nước từ trời rơi xuống sầm sập tung tóe thế này.

Tôi cố chụp cả miệng chén hình móng ngựa nhưng không được vì ánh sáng không đều và tôi không biết cách chụp.

Trong đường hầm có nhiều tấm áp phích giảng giải thêm về lịch sử của thác. nước đổ sầm sập xuống

Và đây là bóng của loại hoa dại màu tím loosetride in lên nền thác.

17 thoughts on “Chuyện nhỏ ở thác Niagara”

    1. Tuy hơi đắt nhưng không phải là hòan toàn phí. Chị chỉ nói cái ngỡ ngàng vì hiểu lầm lúc đầu khi đi đến cửa động chỉ thấy một màn nước trắng xóa. Chập sau tìm được cửa khác mới ra ngoài nhìn thác ở nhiều góc khác nhau.

  1. Đi cho biết đó biết đây ha bà Tám. Ai cũng công nhận hoa dại trên nền thác thật là đẹp.

  2. Em đi tháp này hai lần nhưng chưa lần nào tìm hiểu tường tận về nó, chỉ thấy nó đẹp … hùng vĩ, dưới ánh nắng lấp lánh cầu vòng, đứng coi gần quá mình cũng bị … ướt, v.v…Đọc bài viết này của chị, em biết thêm nhiều điều thú vị . Thấy người ta mặc áp mưa ngồi thuyền đi dưới lòng thác em cũng ham mà vì không biết … bơi nên thôi ở trên bờ cho chắc ăn … 🙂

    1. Cho dù biết bơi nhưng với sức nước và sự nhốn nháo của mấy trăm người thì chẳng làm được gì. Chị thì sợ thí mồ luôn không muốn đi thuyền.

  3. H.A đi tàu dưới chân thác phía Hoa Kỳ, ngắm thác đổ , nhưng sợ hư máy ảnh nên ít có hình ở nơi nầy.

  4. Chào chị HH. Thác này tôi mới chỉ được xem qua phim ” Niagara” của Mỹ làm từ lâu, có diễn viên Marilyn Monroe đóng vai một người vợ phức tạp. Nghe tên thác từ lâu. Ra hàng bán DVD, thấy tên phim trùng tên thác, lại thấy tên ngôi sao bát tử. Mua về xem. Và bây giờ đọc bài của chị. Bài viết mới và ánh sáng của ngôi sao đã tắt vẫn làm mình yêu đời hơn. Chúc chị vui.

    1. Tiếc quá, thư viện địa phương của tôi lại không có phim này của Monroe đóng. Và tôi chưa xem phim nào của cô này cả.

Leave a comment