Về giải văn chương Nobel

Tôi có một vài suy nghĩ vụn về giải văn chương Nobel, nói chung, và năm nay nói riêng.

Người Việt mình để ý đến giải Nobel về văn chương nhiều, có lẽ, nhiều hơn người Hoa Kỳ. Không biết có phải vì tôi chú ý đến tiếng Việt nhiều hơn tiếng Anh không. Hay tại vì những cây bút Việt tôi đọc thường xuyên chú ý đến giải văn chương Nobel nhiều hơn giới viết văn ở Hoa Kỳ? Hay tại vì ở nước ngoài người ta có nhiều giải thưởng quá nên giải Nobel văn chương cũng chỉ được đề cập như mọi giải văn chương khác. Ở Mỹ, tin tức về tài tử minh tinh điện ảnh nhiều hơn chuyện văn chương. Vừa đáng buồn vừa đáng mừng. Cái tật xấu của tôi hễ nghe nói nhiều quá về một cái gì đó là tôi tự động tắt cái máy chú ý trong tôi.

Tôi mất niềm tin vào giải văn chương Nobel từ khi tôi biết CIA đứng phía sau, vận động cho nhà văn Nga đọat giải. Phải Boris Pasternak không, hay Solzenytsyn? Cái này chắc phải hỏi nhà văn Nguyễn Quốc Trụ, tôi hay lờ mờ lẫn lộn những chi tiết quí báu này, nên hễ nói ra là sai bét. Một cái giải thưởng cao quí đến thế mà nếu muốn thì thế lực này thế lực nọ đều có thể khuynh đảo đưa ra kết quả theo ý muốn của họ. Thế thì còn gì là công bằng.

Người ta dựa vào nguyên tắc nào tiêu chí gì để đánh giá toàn bộ tác phẩm của một nhà văn? Làm thế nào có thể so sánh những nhà văn với nhau để quyết định tài năng và tác phẩm của một trong trong những người này nổi bật hơn và trao giải thưởng cho? Làm sao bảo đảm mức độ thẩm thấu văn chương của ủy ban chấm giải, mức độ công bằng, không thành kiến không thiên vị? Ủy ban chấm giải có thể đọc toàn bộ tác phẩm nhà văn họ quyết định trao giải hay không? Và giữa họ với nhau, khi bất đồng ý kiến ai có thể là người thuyết phục, giải hòa, và quyết định?

Ngày xưa, tôi thích xem một chương trình TV về luật, bây giờ quên tên, chỉ nhớ có anh tài tử đẹp trai Dylan McDermott đóng vai luật sư, mà anh chàng đẹp trai có đôi mắt mơ mộng này cũng đã rơi vào quên lãng tự kiếp nào. À, nhớ ra rồi. Đó là chương trình “The Practice,” McDermott đóng vai trưởng đoàn luật sư của một công ty luật nổi tiếng. Vì là trưởng đoàn nên mỗi khi phải bỏ phiếu quyết định một cuộc thảo luận mà mọi người bất đồng ý kiến với nhau thì anh lá phiếu của anh có giá trị gấp đôi, một phiếu thành hai phiếu. Với ủy ban chọn giải Nobel họ có dùng giải pháp này không? Người ta (quốc gia Thụy Điển) có dùng giải Nobel để cân bằng những lực lượng kinh tế chính trị người ta phải đối phó với quốc ngoại không?

Anh diễn viên Dylan McDermott là luật sư nhưng hay có nhiều suy nghĩ xung đột như một nhà văn. Cái tên Dylan của anh làm gợi nhớ đến nhà thơ Dylan Thomas. Và cũng làm tôi nghĩ đến Bob Dylan được giải Nobel văn chương năm nay. Tuy nhiên nghe nói rằng Bob Dylan không lấy tên từ nhà thơ Thomas mà từ tên của một người chú (hay bác) đồng âm với chữ Dylan.

Tôi đoán giải thưởng văn chương năm nay gây ngỡ ngàng cho giới văn học và dịch thuật ở Việt Nam không ít. Rất nhiều người cắm rễ cho nhà văn Murakami, Amos Oz, Ko Un, và có nhiều mơ ước cho một vài nhà thơ nhà văn Việt. Không biết hội đồng giải thưởng có mục đích gây sốc, hay cố ý đi ngược với dự đoán với của những nhà văn quốc tế như lấy ngón tay xỉa vào trán người ta mà bảo rằng, các ngươi không tài nào đoán nổi ý định của hội đồng chấm giải, ta không theo một thể thức nào cả. Phải gây sốc thì cái giải thưởng đó mới duy trì sự quí báu của giải thưởng? Cái ý nghĩ vụn vặt của tôi quả là ngô nghê.

Giải thưởng văn chương Nobel dành cho Bob Dylan tạo ra một ít hứng khởi trong tôi. Sẵn dịp tôi sẽ tìm hiểu thêm về ông này. Bob Dylan là ai? Tôi biết ông là nhạc sĩ kiêm ca sĩ nổi tiếng. Ông chơi đàn thùng, sau chuyển sang đàn điện. Khởi đầu ông chịu ảnh hưởng nhạc folk songs (dân ca) theo dòng của Woody Guthrie rồi sau chuyển sang rock cổ điển, và hình như có cả rock and roll. Tôi chưa hề xem một chương trình nhạc nào của ông vì tôi không phải là người hiểu biết nhiều về văn hóa và âm nhạc nước ngoài dẫu tôi có nghe người ta so sánh ông với nhạc sĩ thần tượng của nhiều người Việt Nam là Trịnh Công Sơn. Tôi có nghe nói đến ca từ của ông đậm chất thơ, hay là những bài thơ. Tại sao giải văn chương Nobel lại đi tặng ca từ đậm chất thơ mà không tặng cho một nhà thơ nào đó? Mỹ có rất nhiều nhà thơ nổi tiếng như Charles Simic nè, Kay Ryan nè, Mark Strand nè, Robert Hass, Rita Dove… . Tại sao lại đi tặng cho Bob Dylan một nhạc sĩ tên tuổi nhưng không hề nhận mình là nhà thơ cũng chẳng muốn nhận giải Nobel. Ca từ của Bob Dylan có xứng đáng được gọi là thơ không? Xứng đáng được giải Nobel không? Câu tự hỏi của tôi có nhiều câu trả lời hoàn toàn trái ngược với nhau. Bạn chỉ cần tìm trên Google là thấy biết bao nhiêu ý kiến tòan là của những người tên tuổi trong giới báo chí văn chương và âm nhạc.

Tôi không sành về âm nhạc hay thơ, ngoài mức độ của người thưởng thức ở trình độ nhập môn. Để tự trả lời cho thắc mắc của mình, tôi tự tìm hiểu. Sách vở về Bob Dylan đầy trong thư viện. Tôi vừa đọc qua quyển Tarantula, quyển sách đầu tiên và hình như duy nhất về thơ (ca từ). Tôi không thấy hay, cũng không thấy bài nào đáng được gọi là thơ. Ca từ khi không có nhạc liệu có còn toàn vẹn sức mạnh lay chuyển lòng người không? Nếu chỉ đọc ca từ của Trịnh Công Sơn, những bài chưa nổi tiếng chưa phổ nhạc hay người ta chưa được nghe nhạc qua ca từ thì nó có được sự chú ý của người đọc và được xem là bài thơ hay không?

Tôi có đọc một số ca từ của Bob Dylan. Trên mạng tôi gặp 10 bài được biết đến nhiều nhất về khía cạnh chống đối (nhà cầm quyền) hay phản chiến. Đó là những bài thơ hay, nhưng có biết bao nhiêu nhà thơ phản đối nhà cầm quyền, đến độ tù tội, làm sao biết nhà thơ nào hay hơn đáng được trao giải thưởng hơn. Sau khi đọc và nghe những bài hát này, tôi khâm phục ông hơn, và nghĩ rằng ông cũng xứng đáng được giải, nhưng không tin rằng không còn nhà thơ nhà văn nào xứng đáng hơn ông.

Nếu tôi siêng tôi sẽ viết một đoạn ngắn và dịch một vài bài về mười bài hát “protest songs” và “anti-war songs” để giải thích vì sao tôi thấy ông xứng đáng được giải Nobel văn chương.

 

 

 

6 thoughts on “Về giải văn chương Nobel”

  1. Cháu nghĩ người Mĩ ko theo chủ nghĩa quốc tế nên họ thường chỉ quan tâm tới các hội, các giải thưởng của Mĩ hay trọng Mĩ 🙂
    Ngoài No Direction Home còn có 1 phim tài liệu rất hay về Dylan là Dont Look Back, được thực hiện đúng vào giữa thập niên 60.

    1. Cám ơn cháu. Cháu nói đúng và biết nhiều. Cô cũng đã xem Don’t Look Back nhưng thấy quyển phim kia nói đầy đủ hơn và cover cả phần Don’t Look Back.

  2. Tuy thích Murakami nhưng thật tình cháu không bao giờ nghĩ ông sẽ được Nobel Văn Học 😀

    Những tác phẩm của ông có thể nổi tiếng trên toàn cầu, trong khi nội dung của chúng lại khá “hẹp” – 2 lý do đó khiến cháu cho rằng nhiều người sẽ không xem chúng là loại văn chương tiêu biểu, đại diện hay có thể thay đổi cả một thế hệ.

    1. Cô cũng thích truyện ngắn của Murakami. Truyện dài thì cô chỉ thích một số chương trong những quyển nặng kí lô. Tuy vậy, năm nay cô đã nghĩ có thể ông sẽ được giải Nobel vì quan hệ biển Đông đang nóng lên.

Leave a comment