Xem phim The Insect Woman

Phim của đạo diễn Shohei Imamura. Kèm theo cuốn phim có lời bình của Dennis Lim. Ông Lim nói Imamura học nghề với đạo diễn Yasujiro Ozu. Cả hai đạo diễn này đều có tính chất Nhật Bản rất đậm nét, nhưng hai người ở hai thái cực trái ngược nhau.

Đây không phải là một phim dễ xem, dễ tán đồng. Có những đoạn phim làm tôi thấy khó chịu, với một chút ghê tởm. Nó làm tôi suy nghĩ về thị hiếu của tôi, về cái mức độ chấp nhận những khuôn mẩu nghệ thuật của truyền thống văn hóa phụ hệ. Cuốn phim này nếu đem phân tích theo quan điểm nữ quyền chắc chắn có nhiều điểm hay. Qua cuộc đời của nhân vật chính, Tomé Matsuji, đạo diễn đưa ra nhiều điểm cho tôi suy nghĩ về thân phận của phụ nữ Nhật Bản. Mở đầu phim là một bài hát, có lẽ là một bài dân ca.

O-wa-i-ya-re
Where, oh where
Has the baby-sitter gone?
She went to town to buy a dog
She’ll be back soon
If you don’t sleep
the mice will scamper over you
If you stay awake
the nightjars will fly off with you

O-wa-i-ya-re
Đâu, đâu rồi
Người giữ trẻ đi đâu?
Nàng đi xuống chợ để mua một con chó
Sẽ trở lại không lâu đâu
Nếu mà mi không ngủ
Con chuột sẽ bò lên người mi
Nếu mà mi thức
Con cú muỗi sẽ tha mi đi

Trong phim có nhiều bài thơ ngắn, của Tomé viết trong nhật ký. Tôi lười quay lại từ đầu để chép, (tính học làm thơ) nhưng mất thì giờ quá.

Tomé, nhân vật chính, và những người phụ nữ khác trong cuốn phim, được Imamura miêu tả yêu thích tình dục. Họ không đè nén, chay tịnh, đoan trang như đàn bà trong luân lý Khổng Mạnh. Tomé ở nơi hoang dã, rừng núi, nghèo khó, sớm biết mùi tình dục. Nàng bị hiếp, đặt tình yêu không đúng chỗ, có con hoang. Bản thân nàng cũng là con hoang được nuôi dưỡng săn sóc bởi một người đàn ông khờ khạo, tâm thần như trẻ con, tên là Chuji, là cha nuôi hay bố dượng của nàng. Khi Tomé bị một mụn nhọt trên đùi, gần hạ bộ, người thầy thuốc chữa bệnh cho nàng đã mút chất mủ trong mụn nhọt. Hành động này gây khoái cảm cho nàng, và gã đã vào giường với nàng. Tomé yêu một người có vợ. Khi hắn được lên chức phụ tá quản đốc trong hãng dệt nàng cùng làm với hắn, thì hắn bỏ rơi nàng, đồng thời nàng bị mất việc vì trước đó nàng họat động trong công đoàn để hỗ trợ hắn. Có thai, sinh con ra, nàng bỏ đứa bé lại cho Chuji nuôi còn nàng vào thành phố tìm việc làm. Cuộc đời đưa đẩy, nàng làm điếm, trở thành tú bà, nhân tình cũng là dụng cụ của một anh chủ mối (ma cô) rất giàu.

Phụ nữ trong phim Imamura rất mạnh mẽ. Trước sóng gió cuộc đời, họ chịu đựng và tìm cách trồi lên. Họ dùng mánh khóe, thủ đoạn để sống còn. Họ bị đàn ông cưỡng hiếp, lợi dụng, đánh đập nhưng khi có dịp họ cũng lường gạt, dùng nhan sắc, tuổi trẻ, bán mua thân xác, rút rỉa hầu bao, đàn ông. Họ có lúc cứu vớt những phụ nữ sắp chết chìm nhưng sau đó lại lợi dụng thân xác những người phụ nữ trong cơn tuyệt vọng như họ đã từng.

Đặt tên phim The Insect Woman, phải chăng Imamura ám chỉ số phận người phụ nữ  như côn trùng, như con giun cái dế, chúi nhủi trong đất cát, phải trồi lên để thở để sống? Qua phim này người xem cũng thấy quan điểm xoay vần, hại người thì người hại, cuộc đời là một sự tiếp diễn vòng tròn. Họ giúp nhau, lợi dụng nhau, ghét nhau, yêu nhau, già nuôi trẻ, trẻ nuôi già. Lần đầu tiên tôi xem một phim Nhật mà trong đó có hai người đàn ông khờ khạo. Họ được yêu thương bởi hai người đàn bà sương gió dạn dày bởi vì chính lòng chân thành trong sự khờ khạo của họ. Hai người đàn ông đần độn lại chính là người nuôi dưỡng đứa bé không phải là con của họ để người mẹ của đứa bé có thể đi xa và tìm cách sống.

Cuốn phim còn có tên là Pigs, Pimps, and Prostitutes, được xem là iconoclast, phá hủy thần tượng, đàn ông thì dâm ô, ngược đãi phụ nữ, đàn bà thì làm điếm để nuôi thân và nuôi con. Phim nằm trong Criterion Collection, ra đời năm 1963, cho thấy một xã hội Nhật Bản với những nét khốc liệt văn hóa từ cuối thập niên thứ mười cho đến sau chiến tranh thế giới lần thứ nhì với những vay trả, trả vay của cuộc đời, trong đó người đàn bà có khi là con chốt, có khi là nữ hoàng.

9 thoughts on “Xem phim The Insect Woman”

  1. Chị ơi, có đôi lúc em thấy xã hội Nhật có nội tâm cô đơn, đời sống đầy khát khao dẫn đến nổi loạn. Em đọc nhiều văn học Nhật cảm thấy tâm hồn họ, cuộc sống của họ có đôi chút ngược chiều với bề ngoài. Phụ nữ Nhật bao năm rồi vẫn thế, đọc những cuốn hiện đại vẫn thấy sắc màu ảm đạm của phụ nữ.

    1. Mình cứ đọc cuốn sách này, xem cuốn phim này, lại đưa đến một cuốn sách hay một cuốn phim khác, quanh đi quẩn lại cũng chỉ nói về một nước Nhật Bản từ xưa đến nay mà mình chưa được biết tận chỗ, thấy tận mắt, nên vẫn cứ tò mò.

      Mình cứ nghĩ làm phụ nữ ắt có nhiều điều ẩn ức, phải tuân theo qui luật của xã hội, đến bây giờ vẫn còn rất phong kín.

      1. Em có câu chuyện vui có thật kể chị nghe. Hôm tuần trước cái cô bé làm nhân viên bán hàng trước nhà em, cô ấy mặc cái đầm sườn xám nhìn già hơn tuổi. Em buột miệng: “Cháu sao mặc cái kiểu áo này, nhìn như cô gái 30 tuổi” Cô ấy nói cô ấy mới 18 chị ạ =D , tại em già nên nhìn cô ấy già chứ bạn cô ấy khen cô ấy đẹp và phong cách…

        Kể chị nghe bởi em cũng chưa bao giờ đến Nhật, chỉ một lần đi du lịch đã lâu lắm, trí nhớ chỉ đứng lại ở cảm nhận mờ mịt. Nhận xét của cô bé nhân viên nọ làm em lăn tăn. Có lẽ nhiều vấn đề với mình thì thế này nhưng với người khác thì họ suy tư chiều khác chị nhỉ!

        Nhật đứng thứ nhất thế giới về khai thác độ sex trong phim, là em nghe thế đó chị.

        1. Đúng là một vấn đề mỗi người có cái nhìn khác nhau. Trẻ, đẹp, phong cách, cũng là cái nhìn tương đối, tùy theo mắt, sở thích của mỗi người. Đọc sách xem phim cũng vậy.
          Sex trong phim Nhật là chuyện không lạ với mình. Sau thế chiến thứ Hai, giao lưu về phim ảnh giữa Mỹ và Nhật rất mạnh. Mình nghĩ các đạo diễn Nhật lúc phong trào điện ảnh khởi đầu đã chịu ảnh hưởng điện ảnh Mỹ rất nhiều. Phim với những đoạn sex táo bạo nếu là phim Mỹ sẽ bị kiểm duyệt và đặt rating. Tuy nhiên phim ngoại quốc thì nhẹ tay hơn. Mỹ qua Việt Nam cộng tác làm phim cho Thanh Lan đóng vai thật là … nói táo bạo thì nhẹ, nhưng mình thấy khó coi, và xem nhẹ cách sống của người phụ nữ Việt.

  2. The Japanese say they have three faces.
    The first face, they show to the world.
    The second face, they show to their family and close friends.
    The third face, they never show anyone. It is the truest reflection of who they are.

  3. Em cám ơn chị đã chia sẻ cảm nhận nội dung bộ phim. Giống như chị Ánh Kim nói, em đọc sách, của Murakami, của Watanabe và của nhiều tác giả trẻ khác và nhận ra ở Nhật, thân phận con người – đặc biệt là nữ giới – rất cô đơn, ám ảnh và ảm đạm.

    Từ review của chị, em đã tìm xem bộ phim này trên youtube, nhưng tiếc là chỉ có Eng Sub chứ không có Viet Sub, mà trình độ của em, nghe tiếng anh bập bỏm, hơi khó…

Leave a comment