Chùm ảnh hoa cúc

Hoa cúc, tiếng Anh là chrysanthemum. Người Nhật gọi là kiku. Người Việt mình cũng trồng nhiều hoa cúc. Loại hoa thật to gọi là cúc đại đóa. Ở Đà Lạt và Sài Gòn gần Tết hay có hoa thược dược, cũng là hoa cúc. Gia đình nhà hoa cúc rất rộng lớn. Chịu khó mày mò tìm kiếm một hồi chắc cũng tìm được một số trong gia đình nhà cúc, như hoa vạn thọ, zinnia (không biết tên Việt), cúc họa mi, cúc trắng (daisy), cúc thạch thảo. Còn nhiều.

Có một bạn nhận xét rằng, người Nhật làm gì cũng chăm chút, tỉ mỉ, khéo léo đến độ nâng lên hàng nghệ thuật. Bạn đưa ra nhận xét với hai bài blog tôi viết; lần đầu là một tấm ảnh về những cái bàn tay, có móng tay sơn và đính nữ trang. Lần thứ nhì là bài về phim Jiro, ông làm sushi đến bậc tổ sư, hay sư tổ (master). Trong chùm ảnh này bạn sẽ nhìn thấy nghệ thuật trồng hoa cúc của người Nhật. Trong tám tấm ảnh này bạn sẽ thấy vài ba kỹ thuật trồng hoa cúc.

Cách trồng và uốn hoa cúc theo hình thác chảy, gọi là kengai
Cách kềm cây cúc lại cho đừng tăng trưởng để trồng trong chậu kiểng gọi là bon sai
Cúc được trồng theo kiểu kengai, nhưng mỗi cái hoa cúc có hình con bướm đuôi én
Cách trồng cúc để mỗi cây cúc kết hợp với những cây cúc khác làm thành một giàn cúc giống như cái mâm khổng lổ
cúc bonsai
có mười ba nhóm cúc
hoa cúc, nghệ thuật trồng hoa làm vườn của người Nhật
Ogiku là cách trồng hoa cúc đại đóa. Loại cúc này vốn đã to, nhưng người ta chọn cái mầm hoa mạnh nhất, kích thích nó cho tăng trưởng mạnh hơn, để hoa càng to hơn.

Và dưới đây là chùm ảnh hoa cúc, tượng trưng cho một số hoa tôi nhìn thấy trong vườn bách thảo.

Bàn tay đặt cạnh đóa hoa cúc không phải là của tôi. Có một thiếu nữ chừng dưới hai mươi, đi với mẹ, hay cô dì gì đó, đi ngang. Tôi nhờ cô đưa bàn tay làm mẩu để tôi so sánh kích thước với đóa hoa. Bàn tay cô còn bé hơn đóa hoa dù cô cũng khá cao lớn như phụ nữ Tây phương. Rất may, cô có bàn tay được chăm sóc kỹ lưỡng rất đẹp.

Hoa cúc trong văn học Tây phương tôi không gặp nhiều. Chỉ có một truyện ngắn của John Steinbeck. Alisa, người phụ nữ ở tuổi ba mươi, có tài trồng hoa cúc, mỗi hoa to cỡ 10 inches tức là hai tấc rưỡi. Một anh thợ đồng nát, chuyên vỗ nồi ấm méo, mài dao mài kéo đi ngang. Anh đói quá nên gạ nàng mài dao mài kéo. Nàng từ chối. Anh khéo léo lấy lòng nàng bằng cách khen hoa, xin giống hoa để làm quà cho một người khách hàng khác. Alisa sung sướng chọn hoa có giống tốt nhất, chỉ dẫn cách trồng, gói trong chậu đưa cho anh chàng mài dao. Trước đó nàng cũng cố lục lọi nồi ấm cũ để anh chàng sửa chữa tốn đâu chừng năm mươi xu. Chiều hôm đó nàng vui vẻ sung sướng, mặt mũi tươi sáng đến độ chồng nàng phải ngạc nhiên. Và vì đã kết thúc một hợp đồng buôn bán gia súc thành công, người chồng đề nghị ăn mừng bằng cách đưa nàng đi ăn tối. Trên đường đi nàng khám phá gã thợ đồng nát đã ném đóa hoa cúc giống nàng gói tặng bên lề đường. Hắn giữ lại cái chậu hoa. Alisa lén dấu những giọt nước mắt vì sợ chồng nhận ra. Nếu là tôi, thì tôi cũng khóc. Cứ tưởng tượng chậu hoa đó như là một tác phẩm mình tâng tiu, hay một cảm tình mình dành cho người nào đó, bị ném lăn lóc trên đường, cái chậu hoa rẻ tiền, hay tờ giấy gói quyển sách, được giữ lại vì có giá trị với người nhận hơn là đóa hoa hay quyển sách. Đau lòng chứ. Ngoài ra tôi cũng sẽ khóc vì sự ngu muội, dễ tin vào những lời tâng bốc.

Tôi gặp nhiều truyện về hoa cúc do người Nhật và người Hàn viết. Truyện nào cũng hay nhưng không đủ thúc đẩy tôi vượt qua sự lười biếng để dịch. Tôi xem phim “Câu chuyện về đóa hoa cúc cuối cùng” của đạo diễn Kenji Mizoguchi, truyện của Shofu Muramatsu. Phim này rất xưa, từ năm 1939, và có lẽ truyện không mấy nổi tiếng ở Hoa Kỳ nên không biết có dịch ra tiếng Anh không. Cuốn phim nói về một cô bảo mẫu giữ con cho bà vợ của ông chủ đoàn kịch kabuki. Cô yêu anh con trai nuôi của ông chủ, cũng là diễn viên của đoàn kịch. Cuộc tình trắc trở, anh chàng bị đuổi đi. Cô tìm anh chàng, xin được làm vợ, hầu hạ và giúp đỡ anh chàng trở thành diễn viên. Đúng là cái kiểu đi đâu cho thiếp theo cùng, đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam. Cuộc sống nghèo nàn, anh chồng thất chí nhiều khi say sưa, vòi tiền để đi nhậu, không có sinh ra đánh đập nàng. Nàng vẫn một lòng cam chịu, hy sinh giúp chồng. Khi anh chồng thành tài nổi tiếng, thì cũng là lúc nàng qua đời trong đơn độc. Tôi không thích cái kết cục buồn thảm, nên viết lại đoạn cuối theo ý tôi. Suốt cuốn phim tôi không biết ai là đóa hoa cúc cuối cùng. Anh chàng diễn viên kabuki có tên là Kiku, nghĩa là hoa cúc. Anh thành tài như đóa hoa cúc nở trong mùa thu lạnh lẽo. Hay chính cô nàng vợ số phận bạc bẽo Otoku chính là đóa hoa cúc cuối cùng?

Không hẳn là phóng tác, tôi viết lại đoạn cuối nhưng không theo khuôn mẫu của phim hay dùng đối thoại của phim, cũng không dựa vào bối cảnh của phim. Tôi kết hợp một chi tiết trong truyện ngắn hoang đường của Osamu Dazai có tên là “Linh hồn của hoa cúc”; đó là có một vị thần hoa cúc, trồng hoa cúc rất đẹp, khi say chàng biến thành vũng rượu hay vũng nước. Tôi đặt tên chàng là Ichi, cho chàng làm em của Otoku, dựa vào lịch sử kịch kabuki mà viết thành một truyện ngắn khác, kết cuộc khác. Tôi cũng cắt ngắn tên họ của các nhân vật để dễ đọc hơn. Tên Nhật thường dài hơi giống nhau khó nhớ. Khoan khoan, bớ bậu, đừng vội chê tôi. Tài năng như ông Dazai cũng mượn ý từ huyền thoại hay truyện ma của các bậc tiền bối Nhật Bản đấy.

Như đã nói, muốn viết truyện hay, phải liều viết truyện không hay không hay trước đã. Và mượn ý của người đời xưa. Ít ra tôi cũng đã làm lụng vất vả cực nhọc. Truyện cần được đọc lại viết lại, nhưng phải một thời gian sau cho nó ngấm cái đã. À quên, tôi còn thổi vào đó một chút nữ quyền nữa chứ.

Quảng cáo trước, bạn chờ vài hôm.

6 thoughts on “Chùm ảnh hoa cúc”

  1. vâng, nhiều lúc đọc mấy bài cô đi chơi cháu tưởng cô nghỉ hưu rồi, mà hình như ko phải.
    Riêng post này “so sánh kích thước với cái hoa” cháu thấy người ta hay nói là bông hoa, chứ cái hoa nghe hơi kì 😀

    Liked by 2 people

    1. Haha, cám ơn cháu. Bông thì đã là hoa. Nếu sửa thì cô sẽ dùng chữ đóa hoa. Thế cháu nghe có được không? Không, cô vẫn còn nặng nợ áo cơm cháu ạ. Còn 21 tháng thì cô có thể xin về hưu.

      Liked by 2 people

      1. Trong tiếng Nam thì bông nghĩa là hoa, nhưng trong tiếng Bắc thì khác ạ, bông chỉ là từ phân loại classifier. Người Bắc vẫn nói 1 bông hoa, 1 bông cúc bình thường.

        Liked by 2 people

  2. Hoa là một thứ gì đó thiêng liêng, chỉ bừng nở một thời điểm, làm hết nhiệm vụ của mình, là tàn xuống. Hoa cúc chi tự cổ xưa là loại hoa đại diện cho tính cách tinh khiết kiên trinh, phẩm chất cao thượng. Thời xưa cổ nhân có câu: nhân đạm như cúc, thể hiện sự mong muốn hướng tới sự thanh đạm, tinh khiết như hoa cúc. Hoa cúc vì vậy được phong danh “ ẩn sỹ trong giới hoa”.Cắm một bình hoa, đôi khi được vài ngày, đôi khi chỉ tồn tại trong khoảnh khắc là tàn, nhưng ý nghĩa của việc cắm hoa này không hề mất. Ngược lại dù là người cắm hoa, người ngắm hoa, hay chính hoa cũng đều đã được trải nghiệm sự tiến bộ, cảm xúc của vẻ đẹp thăng hoa, của năng lượng kỳ diệu cuộc sống.

    Liked by 1 person

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s