Đóa hoa cúc cuối cùng

Quảng cáo trước mấy hôm rồi. Mời các bạn đọc nha. Ai muốn tặng ý kiến, chê cũng được miễn đừng nặng lời quá đáng, thì còm trên blog này.

http://www.gio-o.com/NguyenThiHaiHa/NguyenThiHaiHaDoaHoaCuc.htm

Trang Gió O bị hư hỏng nặng nên bài không còn đọc được nữa. Vì vậy xin đăng lại nguyên bài. Hôm nay ngày 8 tháng 12 năm 2018. Bài này cũng copy lại ở Tương Tri vì computer của tôi bị hư, mất hết bài.

20/02/2018 by TUONGTRI1

đóa hoa cúc cuối cùng (truyện phóng tác)

Xin cảm ơn quí vị tiền bối
Shofu Muramatsu, tác giả truyện,
Kenji Mizoguchi đạo diễn phim “The Story of the last Chrysanthemum,”
và Osamu Dazai, tác giả của “The Chrysanthemum Spirit.”

Đang ngồi trầm ngâm với chén rượu, Kiku nghe tiếng guốc chạy lộp cộp. Cái bóng đen nhảy vụt vào bụi rậm. Một thiếu nữ chừng mười sáu mười bảy tuổi chạy đến.  Cô gái mặc kimono màu xanh ô liu cũ, guốc thô, tóc bới đơn giản, không cài trâm, cách ăn mặc của đầy tớ nhà chàng. Kimono hơi bó ở đầu gối khiến cô vướng víu, suýt té.

“Có chuyện gì thế, cô bé kia?”

“Dạ, con mèo, con mèo kia… , thưa công tử.” Cô gái thở gấp, tay chỉ vào bụi rậm.

Nhìn theo, Kiku thấy con mèo của chàng đang tha một cái gì đó. Thấy chủ nhìn mình, con mèo thả chiến lợi phẩm trước mặt chàng như dâng tặng. Kiku cầm món đồ đưa trả cho cô gái. Đó là một con búp bê trai, bằng vải, dài độ hai gang tay, mặc kimono lụa có thêu hoa cúc rất tinh xảo. Đây không phải là thứ đồ chơi của một cô gái nghèo.  Kiku thắc mắc:

“Ở đâu mà cô có một con búp bê đẹp như thế?”

“Dạ, đây là quà người ta tặng, nhân dịp lễ đầy tháng cho em trai của công tử. Em tên là Otoku, bảo mẫu của tiểu công tử.”

“Cô hãy cất món quà của em tôi cho tử tế nhé.  Kẻo mèo cắn rách hay bị mất là cô sẽ bị phạt đấy.”

Kiku Onoe không phải là con ruột của Goro Onoe. Ông nhà giàu chủ đoàn hát Kabuki hiếm muộn, tin rằng phải nhận con nuôi thì mới có thể có con nối dòng. Sau khi bà vợ qua đời, Goro cưới người vợ kế, sinh được một bé trai.  Nổi tiếng rất yêu nghề, Goro quan niệm là nghệ sĩ phải hết lòng với nghệ thuật dù phải hy sinh hạnh phúc cá nhân. Điều phân biệt giữa nghệ thuật và tay ngang là sự hoàn hảo của tác phẩm. Kiku được dạy nghề diễn để sau này nối nghiệp ông Goro. Yêu nghề và luôn muốn học hỏi, Kiku thường hay hỏi ý kiến các diễn viên trong đoàn về cách trình diễn của mình. Kế mẫu Kiku muốn bảo đảm quyền lợi của con trai nên tìm cách gạt Kiku ra khỏi gia đình. Các nghệ sĩ trong đoàn vì muốn bảo vệ địa vị của họ nên cũng hùa theo phía mẹ kế của chàng. Sau lưng chàng họ thường chê bai nhưng trước mặt ai cũng hết lời khen tặng tài nghệ của Kiku.

Một đêm từ quán rượu ra về, chàng tình cờ gặp lại Otoku. Kiku đi trước, cô gái lẽo đẽo theo sau:

“Em thường được bà chủ mang theo mỗi khi bà xem kịch Kabuki. Bà muốn mang tiểu công tử theo để tiểu công tử có cơ hội quấn quít với ông chủ, nhưng lại không muốn bị tiểu công tử quấy rầy khi bà xem kịch. Tuy nhiên tiểu công tử rất ngoan thường ngủ suốt buổi nên em rảnh rang có thể xem công tử diễn xuất.”

“Thế à? Cô thấy tôi diễn thế nào? Có hay không? Nói thật cho tôi biết.”

Cô gái suy nghĩ một hồi rồi nói.

“Xin cho phép em nói thật, Công tử đừng giận và trách mắng em nhé.”

“Xin cô cứ nói. Tôi thật lòng muốn dâng mình cho nghệ thuật. Người ta hay ca tụng tôi nhưng tôi không biết họ có thật lòng không.”

“Diễn viên chung đoàn với công tử, được đãi đằng rượu chè, ngoài mặt thì họ ngọt ngào tâng bốc ca tụng, nhưng sau lưng thì họ chê bai không ngớt.”

“Họ nói những gì?”

“Rằng công tử kiêu ngạo, luôn nghĩ là mình hơn người. Công tử nhậu nhẹt quá độ nên không nhớ tuồng chỉ có mấy câu đối thoại cũng không thuộc, không biết vẽ mặt, không biết hát, múa càng tệ hơn. Công tử chỉ đóng được vai trộm cướp, hay công tử con nhà giàu phá của ăn chơi, chứ không đóng được vai anh hùng, và càng không diễn được nỗi bi thương.”

“Có thể vì họ ganh tị với tôi, là con của ông chủ đoàn hát. Tôi được đóng vai chính.”

“Họ nói công tử chỉ là con nuôi. Vài năm sau tiểu công tử lớn lên, sẽ thay địa vị của công tử. Công tử sẽ bị thất sủng. Mẹ kế sẽ tìm cách đuổi đi.”

“Họ nói thế nhưng ý cô thì sao? Tôi có thật sự tệ như thế không?”

“Công tử diễn được, nhưng chưa xuất sắc. Công tử chưa được giao cho một vai khó đến độ đòi hỏi hoàn toàn tâm sức của công tử. Công tử thể hiện tạm được ở những vai đàn ông, anh hùng và kẻ cướp. Nhưng vai trò đòi hỏi sự diễn xuất thượng thặng trong đoàn hát Kabuki phải là vai phụ nữ. Vai đào thương trước dành cho nữ nghệ sĩ nhưng sau này các đoàn Kabuki bị cấm ngặt thuê phụ nữ, chỉ giao cho những diễn viên nam thật sự có tài và có thể nhập vai.”

Kiku lặng thinh đi trước. Otoku tưởng là vị chủ trẻ đang tức giận, nhưng chỉ một lúc sau Kiku quay lại cúi đầu tạ ơn Otoku.

“Cám ơn những lời thành thật của cô. Tôi mong cô trở thành bạn tốt của tôi. Nếu có thể được xin cô đến xem tôi diễn hằng đêm và chỉ giúp tôi những chỗ tôi cần phải luyện tập thêm.”

Otoku hiểu biết tinh tường về nghệ thuật Kabuki đến độ làm Kiku ngạc nhiên. Những khi không diễn xuất, chàng thường tìm gặp Otoku để nghe nàng nói chuyện nghệ thuật. Nàng chịu khó quan sát và khi góp ý cũng rất từ tốn nên Kiku nhận ra khuyết điểm mà không giận nàng. Hai người trở nên tâm đắc như bạn thân. Sự thân thiết giữa Kiku và Otoku khiến kế mẫu của chàng không vui. Không muốn tài năng của Kiku tiến bộ, và viện cớ không muốn có chuyện tư tình giữa chủ và đầy tớ, bà đuổi việc Otoku. Kiku hết lời đính chính, rằng quan hệ giữa hai người hoàn toàn đứng đắn. Để bảo toàn danh dự cho Otoku chàng xin phép được cưới nàng làm vợ. Bố chàng cự tuyệt chuyện kết hôn cô đầy tớ. Kiku bỏ đi, thề không nhận sự giúp đỡ của bố nuôi. Kiku lang thang theo đám hát rong, cương quyết không nhờ vào tên tuổi của bố nuôi, diễn xuất nay đầu đình mai góc chợ, ngày càng sa sút.

Vào một ngày Kiku đói rách tả tơi, hoàn toàn mất niềm tin vào tài nghệ của mình, Otoku đến tìm chàng.

“Chàng không thể trở thành nghệ sĩ Kabuki thượng thặng nếu đi hát dạo như thế này. Nếu chàng không chê em nghèo hèn, xin mời chàng về nhà em để tìm cách sinh nhai và phát huy tài năng của chàng.”

Otoku đưa chàng về một hòn đảo nhỏ cách Edo chưa đến một ngày đường. Trên đảo chỉ có gia đình của Otoku. Ngoài khu gia trang, phần lớn diện tích đảo được dùng để trồng hoa cúc. Otoku sống với em trai. Ichi khoảng chừng 15 tuổi, mảnh khảnh trắng trẻo không có vẻ gì là một nhà nông nhưng lại là một người trồng cúc rất tài.

“Chị Otoku kể, anh là diễn viên Kabuki. Anh có ngỏ ý cưới chị làm vợ và vì thế mà chị bị đuổi việc còn anh thì bỏ nhà ra đi. Cả hai chị em tôi đều yêu thích môn kịch Kabuki nhưng không thể theo đuổi. Gặp nhau đây quả là duyên. Mời anh ở tạm với chúng tôi, dưỡng sức một thời gian, rèn luyện thêm tài nghệ và sau đó sẽ tìm cơ hội diễn xuất trở lại.”

Tuy mới gặp Ichi lần đầu, nhưng Kiku thấy chàng trai này có vẻ gì rất quen thuộc, như thể chàng đã gặp thiếu niên này nhưng không nhớ gặp ở đâu. Ichi vui vẻ lịch thiệp với Kiku như là bạn lâu ngày. Tuy là người trồng cúc nhưng Ichi ăn mặc rất lịch sự. Cái áo kimono của chàng bằng lụa bóng có thêu hoa cúc cả hai mặt. Loại lụa thêu của những người giàu có sang trọng thường đến xem đoàn hát Kabuki của bố Kiku.

“Cúc chỉ nở có mùa. Từ mùa xuân đến cuối mùa thu chúng tôi bận rộn với việc trồng cúc, nhưng vào mùa đông chúng tôi có nhiều thì giờ rảnh rang. Giai đoạn vất vả nhất đã gần xong. Anh có thể giúp chúng tôi tưới hoa vào sáng sớm. Thời gian còn lại trong ngày là của anh.”

Giữa mùa thu, rừng cúc trên đảo đã đến mùa khai nở. Đây không phải là loại cúc thường thấy ở chợ. Những cây cúc cao đến đầu người. Có những nụ hoa to bằng nắm tay, được trồng trong giỏ trúc. Mỗi chậu hoa chỉ có một cây cúc. Mỗi cây cúc chỉ nở một đóa hoa, dưới nụ hoa có một vòng trúc vót thật mảnh, uốn theo hình trôn ốc để đỡ cho đóa hoa không bị gãy.

“Chúng ta ở giữa đảo như thế này, ai sẽ đến đây mua cúc?” Kiku hỏi.

“Đây là loại hoa chỉ cung cấp cho các nhà vườn thượng uyển hay các bậc trưởng giả. Một số ít sẽ được dâng cúng ở các đền thờ Shinto hay chùa Phật nổi tiếng. Một vài lái buôn sẽ đi thuyền đến đây, mang theo người của họ để vận chuyển hoa. Người vận chuyển toàn là người chuyên nghiệp để hoa không bị gãy. Người mua hoa đều muốn giữ bí mật chỗ mua hoa để vườn hoa của họ thuộc loại độc nhất. Mỗi lái buôn chỉ được mua một loại cúc.”

Trên đảo có một giếng nước rất trong, dưới là cát sỏi, chung quanh miệng giếng được viền bằng những hòn đá nhẵn thín. Giếng rộng như một cái ao. Mỗi sáng Kiku nghiêng thùng gỗ gánh nước đến tưới những chậu hoa cúc. Trang trại có ba gian nhà, mỗi người ở một gian, họ lặng lẽ làm việc, Kiku ít khi gặp Ichi hay Otoku.

Một đêm trăng sáng, Kiku bỗng nghe như có tiếng hát, tiếng samisen, và tiếng phách gõ nhịp vọng lại từ cuối đảo. Men theo con đường mòn đi một đỗi chàng thấy có ánh đèn thấp thoáng. Theo ánh đèn chàng đến một ngôi nhà vọng nguyệt, đơn sơ nhưng trang nhã. Nơi đây, Ichi trang điểm lộng lẫy đang múa hát một mình. Ichi diễn vai Sumizome, một kỹ nữ chết đi và biến thành một cây anh đào để trả thù cho người tình là lãnh chúa bị kẻ thù giết chết, nàng dùng ma thuật đánh đuổi kẻ thù, lấy lại vương ấn giao cho người em trai của người yêu.

Mãi xem Ichi diễn kịch, Kiku không để ý đến người đang đàn và gõ nhịp cho Ichi chính là Otoku. Cả hai đứng dậy cúi chào Kiku. Otoku lên tiếng:

“Em biết sẽ gặp chàng ở đây. Xin cám ơn chàng đã săn sóc tưới cúc giúp hai chúng em. Chàng nghĩ gì về cách diễn của Ichi?”

“Tôi không ngờ Ichi tài hoa như thế này. Cậu thật là đáng bậc thầy của tôi. Xin thứ lỗi nếu tôi đã vô tình mạo muội hay hống hách với nhị vị mỗi khi bàn luận về nghệ thuật Kabuki.” Nhờ còn trẻ, dáng người mảnh khảnh, giọng nói chưa vỡ tiếng, nên Ichi đóng vai phụ nữ rất hợp. Cả ba người bàn chuyện nghệ thuật đến khuya khi trăng lên đến đỉnh đầu. Otoku và Ichi mời Kiku đi xem vài đóa hoa cúc nở đầu tiên.

Ở một góc rừng có một loại cúc đại đóa. Hoa bắt đầu nở vài cánh. Otoku nói:

“Dưới ánh trăng khó thấy màu thật, nhưng đây là loại cúc màu xanh và có vân như cẩm thạch.”

Ngày còn làm bảo mẫu nuôi em trai của Kiku, Otoku mặc trang phục của gia nhân, đơn sơ nhưng nhìn cũng xinh xắn. Nhưng bây giờ trong bộ kimono lụa bóng, lớp áo lót dưới kimono phủ dưới chân cũng bằng loại tơ mềm, hài thêu, tóc cài trâm, trông nàng khá uy nghi như thuộc hàng vương giả. Kiku ngay từ khi là con nuôi của ông chủ đoàn hát Kabuki đã biết thân phận của mình. Bây giờ chàng lại là người tá túc với chị em nàng, thật không còn dám nghĩ đến chuyện cưới nàng làm vợ.

Ichi kéo tay áo Kiku:

“Xin anh hãy đi với tôi, tôi sẽ chỉ anh xem mấy loại cúc tôi ưng ý nhất.”

Đây cũng là loại cúc hiếm, mỗi cánh hoa nhỏ như cọng len và dài, nở lưa thưa, trông như một con nhện khổng lồ. Loại cúc này có nhiều lớp, xen kẻ nhau một lớp màu đỏ, một lớp màu vàng. Ở một góc rừng khác có loại cúc giống như một con công màu xanh đậm. Sau đó là một loại cúc cánh mỏng như sợi tơ; mỗi đóa cúc giống một con ong khổng lồ màu vàng có râu đen mắt đen, to như một cái mâm. Mỗi khi gió thoảng qua, cúc công xanh dường như xòe đuôi múa dưới ánh trăng. Con ong vàng chập chờn như có thể bay lên bất cứ lúc nào. Còn loại cúc trắng cánh dày nhưng lại rất mịn. Mỗi đóa cúc trông giống như một cụm mây trắng. Đặc biệt loại cúc vàng có mùi thơm như rượu, đứng gần ngửi mùi hoa có thể say. Không cần trồng nhiều hoa, chỉ cần trồng loại hoa quí này là cả hai chị em có thể sống sung túc cả đời. Nhưng tại sao Otoku lại vào làm bảo mẫu của gia đình chàng. Kiku định có lúc nào thuận tiện sẽ hỏi Otoku.

Khi thấy Kiku tập lại những vở kịch cũ, Otoku đề nghị Kiku cùng tập với Ichi một vở kịch mới do nàng soạn lại từ một vở kịch cổ của mấy trăm năm trước. Otoku xem, hướng dẫn, và phê bình. Ichi và Kiku thay phiên nhau, khi thì đóng vai nam, khi thì vai nữ. Cả Otoku và Ichi đều bắt chàng phải hứa. Khi nào còn ở trên đảo tập kịch với hai chị em nàng, thì không được uống rượu, ngoại trừ khi hai chị em nàng mời bằng chính rượu của Otoku. Otoku có ủ rượu hoa cúc, loại đặc biệt trên đảo. Mỗi khi Kiku bực dọc vì không thể nhập vào vai phụ nữ, chén rượu cúc làm chàng thấy lâng lâng, người như nhẹ nhàng hơn, tay chân bớt phần nào lóng cóng hơn. Có khi rượu làm chàng có cảm tưởng như mình biến thành đàn bà. Suốt thời gian ở đảo, Kiku không một lần cảm thấy sự thôi thúc của tình dục.

Kiku không biết mình đã trải qua mấy mùa hoa cúc. Chàng yên tâm để hết thì giờ vào việc tập kịch. Otoku và Ichi cứ thỉnh thoảng lại đưa ra thêm một vở kịch mới và bảo chàng đọc thêm thơ của các thiền sư. Otoku đôi ba lần dùng quạt gõ vào vai chàng nhắc nhở:

“Chuyện bắt chước thái độ của người phụ nữ tuy quan trọng nhưng không phải là cốt yếu. Chàng phải đặt mình vào chỗ của nhân vật, hiểu tâm lý nhân vật, lý do nào làm họ đau đớn. Cảm được nỗi đau của nhân vật thì những cái múa, cái cúi đầu, cái vung tay, che mặt của chàng sẽ biểu lộ được tâm hồn phụ nữ. Mỗi bước đi dáng đứng của người đàn bà là một điệu múa. Bây giờ em dạy chàng điệu múa, nhưng về sau chàng hãy tự nghĩ ra điệu múa để biểu lộ tình cảm trong lòng chàng.”

Vào lúc đầu một mùa xuân, Otoku mời Kiku và Ichi đến gian nhà của nàng. “Tài nghệ của hai người đã chín muồi. Xin hãy gia nhập thế cuộc để thử xem tài năng của hai người hơn xưa đến mức độ nào.” Trong nhà nàng có căn phòng nhỏ chứa rất nhiều hòm rương cũ kỹ. Bên trong rương là  rất nhiều gấm vóc lụa là và rất nhiều vật dụng như son phấn và đồ trang sức dành cho nghệ sĩ Kabuki. Otoku đưa Ichi và Kiku qua sông, thuê lừa thuê ngựa, thuê thêm tùy tùng lập thành một đoàn kịch diễn rong. Ichi nghe từ người qua lại, kể lại với Kiku:

“Đoàn Kabuki của bố anh đang diễn ở một thành phố gần đây. Chúng ta hãy đến xem họ diễn như thế nào và tạo cơ hội để phô trương tài nghệ của chúng ta.”

“Ichi. Tôi đã thề không dựa vào danh tiếng của cha tôi, cũng như không nhờ ông giúp đỡ.”

“Ai bảo với anh chúng ta sẽ cầu cạnh bố anh? Anh không tin rằng chúng ta có đủ tài để tự tỏa hương thơm sao?”

Đoàn Kabuki lưu diễn này do chú của Kiku điều động. Họ lưu diễn với mục đích tuyển mộ thêm nghệ sĩ có tài nhưng chưa nổi tiếng đồng thời quảng bá danh tiếng của đoàn. Chẳng khó khăn gì, Ichi và Kiku tìm ra ngay nơi ăn nhậu đám nghệ sĩ Kabuki. Tự giới thiệu mình là người bán rượu cúc Ichi mang rượu ra mời, nhưng tuyệt nhiên không mời Kiku cũng như không uống giọt nào. Kiku vì đã hứa với Otoku và Ichi nên không cũng giữ ý không hề nếm một giọt rượu. Chỉ vài chén rượu đám diễn viên đều gật gù say nên cả hai kiếu từ ra về. Sau đó Ichi và Kiku đến tìm trưởng đoàn kịch xin được làm diễn viên. Để thử tài hai người ông chú cho phép hai người trình diễn bất cứ vở kịch nào họ thích. Ichi chọn vở kịch Sakura Sumizome. Kiku đóng vai Sumizome khi nàng còn là kỹ nữ. Và Ichi đóng vai Sumizome khi nàng dùng ma thuật đánh kẻ thù rồi sau đó biến thành cây anh đào. Lúc Ichi biến thành cây anh đào, Kiku tưởng như mình say rượu trông gà hóa cuốc vì Ichi hóa thành khói và cây anh đào không biết bằng cách nào hiện lừng lững trên sân khấu. Ông chủ đoàn kịch hết lời khen ngợi hai người.

“Tôi sẽ dành cho hai cậu một đặc ân chưa bao giờ dành cho đoàn hát rong. Đêm nay các cậu sẽ diễn vở kịch này để đám diễn viên của tôi được nghỉ ngơi một bữa. Đoạn kịch này hơi ngắn, nên nếu hai cậu có thêm vở kịch nào nữa tôi sẽ cho diễn luôn. Nếu khán giả hài lòng, chúng tôi sẽ thu hai cậu vào làm diễn viên chính.” Ông không nói thật nhưng Kiku và Ichi đều biết là đám nghệ sĩ trong đoàn hát của ông đã say rượu, ngủ như chết cả ngày trời không ai đánh thức được. Đêm đó Kiku và Ichi diễn thêm một vở kịch mới soạn của Otoku. Vở kịch có tên là “Đóa Hoa Cúc Cuối Cùng.”

Vở kịch này nói về cô đầy tớ tên là Otoku, vì yêu công tử con của ông bầu gánh Kabuki nàng bị đuổi việc. Nàng về quê trồng cúc. Anh công tử đi diễn kịch rong trở nên nghèo đói muốn bỏ nghề. Nàng theo làm vợ, giúp đỡ và khuyến khích chồng tiếp tục theo nghề. Lúc nào nàng cũng thương yêu hầu hạ chồng ngay cả khi chồng nàng nhậu nhẹt say sưa, có lúc đánh đập nàng. Khi chồng thành công nàng vẫn không được nhà chồng chấp nhận. Để chồng được theo đuổi nghệ thuật đến nơi đến chốn nàng ở lại quê nhà. Những năm vất vả nghèo khổ khiến nàng lâm trọng bệnh. Chồng nàng vinh qui về làng, trống nhạc huyên náo ngay dưới cửa sổ nhà nàng, vừa lúc nàng trút hơi thở cuối cùng. Otoku đã khéo léo dùng một một ít chi tiết trong đời mình rồi biến nó thành một bi kịch. Khi diễn vai Otoku, Kiku nhận ra thân phận đàn bà đã bị ngược đãi trong xã hội của chàng. Phụ nữ đứng mũi chịu sào, gồng gánh buôn bán nuôi chồng và nuôi con nhưng không được biết đến công ơn. Sự hy sinh thầm lặng của Otoku khiến chàng cảm động vì thế Kiku diễn vai này thật xuất sắc, nhất là khi nhân vật Otoku trút hơi thở cuối cùng, chung quanh nàng thật vắng lặng, ngoài sân trời bắt đầu trở lạnh trong sân chỉ còn một đóa cúc ủ rủ sắp tàn. Chàng nguyện với lòng khi trở thành chủ đoàn kịch chàng sẽ thu nhận nữ nghệ sĩ vì chàng tin là họ có thể diễn vai này tốt hơn chàng. Đó là chuyện xa vời, nhưng trước mắt chàng hy vọng mình có thể cầu hôn với Otoku sau buổi diễn thành công này.

Ông chú của Kiku vui mừng vì tiếng đồn tài nghệ của Kiku và Ichi khiến người đến xem chật cả nhà hát. Ông càng vui mừng hơn khi Kiku thú thật chàng là con nuôi của Goro Onoe, chàng trang điểm khéo quá nên ông không nhận ra. Ngày xưa Kiku giận bố bỏ nhà ra đi thề chỉ trở lại sau khi thành nghệ sĩ Kabuki thật sự.

“Nghệ thuật diễn xuất của cháu đã trở nên vượt trội, không có người nào trong đám diễn viên của chú có thể sánh kịp với cháu. Có lẽ cuộc đời với những năm tháng nổi trôi vất vả của cháu khiến cho cháu nhạy cảm hơn nên diễn tả tình cảm sâu sắc hơn. Chú tin rằng bố cháu sẽ rất hài lòng.”

Vài ngày sau, khi đoàn lưu diễn sắp sửa dọn đi nơi khác, Ichi đến gặp chàng ở phòng trọ mang theo bình rượu hoa cúc.

“Đã đến lúc chúng ta chia tay nhau.”

“Cậu không cùng đi diễn với tôi à? Nghệ thuật Kabuki sẽ bị thiệt thòi nếu thiếu một diễn viên như cậu.”

“Công việc của tôi là trồng hoa cúc. Tôi chỉ vâng lời chị Otoku theo hỗ trợ anh thôi.”

“Tôi có một vài điều thắc mắc từ lâu, nếu không có gì quá đáng xin cậu giải thích dùm tôi. Xem chừng cậu không phải là dân trồng trọt bởi vì cậu phong lưu công tử thế kia. Otoku xem chừng cũng là dòng trâm anh thế phiệt, tài nghệ và hiểu biết hơn người. Tôi thật không xứng đáng để cầu hôn với nàng. Hai chị em cậu là ai, sao lại giúp tôi hết lòng hết sức, đến nơi đến chốn như thế?”

“Anh không nhận ra tôi sao?”

“Tôi dường như đã gặp cậu ở đâu đó, ngờ ngợ mãi nhưng không nhớ ra. Tôi ngỡ là gặp cậu đến xem diễn tuồng.”

“Anh còn nhớ ngày đầu tiên, chị Otoku rượt theo con mèo để lấy lại một con búp bê nam không?”

“Có chứ. Tôi vẫn tự hỏi vì sao một người giàu có, xinh đẹp hiểu biết tường tận về nghệ thuật Kabuki như Otoku lại làm bảo mẫu trong nhà tôi.”

Otoku lấy bình rượu cúc, rót cho mỗi người một chén.

“Trước khi ra về, tôi mời anh một chén rượu đặc biệt của dòng họ tôi nhưng xin đừng uống vội, hãy để tôi kể anh nghe câu chuyện về gia đình tôi. Bà tổ của chúng tôi là Izumo no Okuni. Bà sáng chế ra một điệu vũ mới và một nhạc cụ lạ. Lúc đầu bà chỉ trình diễn ở những dòng sông đã cạn nước, dùng đáy sông làm sân khấu. Dần dần nghệ thuật của bà ăn khách, bà tổ chức thành đoàn Kabuki và chỉ thu nhận phụ nữ. Để làm mất danh tiếng của bà, người ta cài vào đoàn nghệ thuật của bà những cô gái điếm, và dùng đó để làm lý do bắt giải tán đoàn kịch của bà. Từ đó phụ nữ bị cấm tiệt không cho tham dự vào các đoàn Kabuki. Bà tôi cương quyết khôi phục địa vị diễn viên cho phụ nữ nhưng bất cứ phụ nữ nào theo bà cũng bị bỏ tù hay giết đi. Bà truyền nghề cho con cháu. Mỗi chúng tôi trước khi trưởng thành có cuộc sống riêng đều phải học cho đến khi có thể trình diễn Kabuki. Phụ nữ phải học viết kịch và phê bình kịch bản. Otoku thông minh nhất dòng họ và cũng bướng bỉnh nhất. Chị cương quyết xuống trần gian, và thề không về nếu không thành công. Vâng, chúng tôi không phải là người trần gian. Chúng tôi ở một cõi khác, không phải là thiên đàng hay địa ngục mà là ở một thời gian khác và không gian khác. Để giúp chị, tôi trốn theo Otoku. Tôi tự tin có thể giúp chị vì tôi có tài nuôi trồng cây cỏ. Bất cứ loại cây cỏ nào tôi cũng có thể biến nó thành khổng lồ hay tí hon. Tôi có thể biến cây cỏ thành chất lỏng như nước hay rượu, cũng như thành hơi. Tôi cũng có thể biến chất lỏng và chất hơi của cây cỏ thành hiện thực. Mà thôi những chuyện này chẳng liên quan với anh. Otoku chọn gia đình anh vì đó là gia đình có đoàn kịch Kabuki. Chẳng may con mèo nhà anh ngoạm phải tôi, chị tôi sợ nó xé tôi tan xác nên rượt theo. Trả ơn anh cứu mạng nên chúng tôi quyết định giúp anh thành công trong nghệ thuật Kabuki. Tôi không ở lại làm diễn viên vì tôi có thể diễn lúc nào tôi muốn theo ý của tôi mà không cần phải vâng lời một ông chủ nào cả. Nơi tôi ở, chúng tôi không theo đuổi nghệ thuật như một cách sinh sống hay để nổi danh. Nghệ thuật nơi chúng tôi ở chỉ để làm phong phú tâm hồn, một trò chơi phong lưu tao nhã thôi.

“Tại sao không phải đào hay lan mà lại trồng hoa cúc?” Kiku hỏi.

“Bởi vì duyên anh đã cứu tôi, Và Kiku, tên anh nghĩa là hoa cúc.” Ichi trả lời.

“À quên, mỗi lần muốn cậu bé em trai anh ngủ say để chị có thể xem kịch, Otoku đã cho cậu bé một vài giọt rượu. Chúng tôi yêu cầu anh không được uống rượu, vì rượu có tác động rất mạnh lên chúng tôi. Tôi bị biến thành con búp bê bằng vải cũng chỉ vì uống phải rượu của trần gian. Sắp đến lúc chia tay, xin anh đừng lo, một tí rượu cúc của Otoku làm ra không có hại cho chúng ta đâu. Bình rượu cúc này có thể giúp chúng ta gặp lại nhau, và anh có thể gặp lại Otoku. Nhớ là với bình rượu cúc này anh phải làm thế này thế này. . .”

Ichi cầm chung rượu uống phân nửa. Sau đó cậu ta nằm lăn trên đất, ngủ say sưa. Theo đúng lời dặn, Kiku đổ nốt phần còn lại lên người Ichi. Ichi biến thành một đóa cúc trắng to như cụm mây và trong như thủy tinh. Đóa cúc từ từ bốc hơi rồi biến mất. Kiku không uống chén rượu Ichi rót cho chàng, rót rượu trở lại vào bình, mang đem cất.

Khi đạt đến đỉnh cao của danh vọng, Kiku vận động với Shogun, người yêu thích tài nghệ của chàng, đổi luật, cho phép phụ nữ được trình diễn. Tuyên bố bỏ nghề, Kiku tìm đường trở lại hòn đảo ngày xưa để trồng cúc. Ba gian trại trước kia chỉ còn lại ba căn chòi mục nát. Cái giếng nước ngày xưa như cái ao giờ thu nhỏ lại như một tấm gương soi mặt trên bàn trang điểm của nghệ sĩ. Một đêm trăng sáng, trong giấc ngủ Kiku mơ hồ nghe tiếng hát, tiếng đàn samíen, và tiếng phách. Đi về hướng cuối đảo không thấy gì chàng lang thang ra giếng. Vầng trăng như soi gương. Nhìn theo vầng trăng trong giếng chàng nhìn thấy một cõi không gian và thời gian khác. Và Otoku nhìn chàng mỉm cười:

“Em quay về xin lỗi bố vì nhận ra em không thể thành công một mình nếu không có sự giúp đỡ của những người đàn ông trong gia đình em. Nhờ công của chàng, em thực hiện được nguyện vọng của bà tổ, nay phụ nữ đã được phép diễn trong đoàn Kabuki. Cảm động vì tấm lòng chàng yêu mến. Em xin tặng chàng mấy chậu cúc để gây giống. Chúng sẽ không được to và đẹp như cúc do Ichi trồng, nhưng có thể tự chống bệnh và không cần nhiều nước. Giếng nước càng dùng càng có nhiều nước. Chúng ta không thể là vợ chồng vì em ở cõi khác và thời gian nơi em ở cũng khác. Tính ra em hơn chàng vài trăm hay cả ngàn tuổi.”

Quay trở lại rừng cúc, chàng nhìn thấy cây hoa cúc ngọc thạch. Nhớ lời Ichi dặn, chàng lấy bình rượu cúc rót một chút rượu tưới lên cây cúc. Cây cúc héo rũ ra sau đó bốc hơi. Còn lại dưới đáy chậu cúc là một con búp bê mặc áo lụa đắt tiền. Cho phần rượu còn lại lên con búp bê, con búp bê đổi màu trong suốt rồi dần dần lớn lên hiện thành Otoku bằng xương bằng thịt.

Nguyễn Thị Hải Hà

14 thoughts on “Đóa hoa cúc cuối cùng”

    1. Trước kia cô học Việt Văn nhưng năm 75 cô ra nước ngoài không thể tiếp tục học văn chương vì trở ngại ngôn ngữ đành đi học kỹ sư.

  1. Hà ơi, câu chuyện dã tưởng, hay và đưa mình đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, khiến mình lạc vào thế giới huyền ảo nào đó không có thực… lạ quá! Những cái này ở đâu vậy Hà?

    1. Tuy là chuyện phóng tác nhưng Hà đã dùng óc tưởng tượng của mình rất nhiều. Phim “The Story of the last Chrysanthemums” của đạo diễn Kenji Mizoguchi Hà mượn ở thư viện gần nhà. The Chrysanthemum Spirit của Osamu Dazai mình mượn ở thư viện thành phố Newark nơi mình làm việc. Mình mượn cốt truyện của phim nhưng viết thêm phần kết cục ngược hẳn kết thúc của phim. Mình mượn một chi tiết trong truyện của Dazai về các vị tiên (hay thần hoặc là ma) cúc là rót rượu vào là tiên biến thành hơi bay mất. Dazai cũng mượn cốt truyện từ huyền thoại của xứ ông. Còn những chi tiết khác trong truyện của Hà, như con mèo tha con búp bê, vườn hoa cúc đủ loại, tiên biến thành búp bê, búp bê biến thành tiên thành người, đều là do Hà hư cấu.

      Cám ơn Quế Trân đã đọc. Mình viết rất nhiều công nhưng ít được người đọc. Có Quế Trân đọc mình cảm động lắm.

      1. Hà có thể cho mình biết do đâu Hà thấy và ghé thăm trang website của mình không? Hay có ai giới thiệu mình với Hà?
        Thân mến DTQT

        1. Không có ai giới thiệu cả. Mình không nhớ chắc chắn, nhưng thói quen của mình là đọc ở Reader. Ở cuối của mỗi bài, wordpress thường khi giới thiệu những bài liên hệ. Đôi khi Hà bấm vào những link cũ trong phần Status để coi bài nào được người ta đọc, từ đó Hà tìm hiểu thêm khuynh hướng người đọc mình để viết có thể thu hút độc giả hơn. Thế, chăm chỉ đến thế. Và cũng bằng cách đó Hà tìm ra những người viết hợp với khuynh hướng đọc và viết của Hà, phụ nữ viết cho phụ nữ đọc, những tâm tình uất ức của người phụ nữ nói riêng và người Việt nói chung. Chúng mình ở hải ngoại lâu lăm, tâm lý rất khác người Việt trong nước, giới già khác giới trẻ, Hà luôn tìm cách tìm hiểu thị trường đọc và viết để có thể viết hay hơn, hợp thời, hợp tình hợp cảnh hơn. Và đó là cách Hà tìm ra Quế Trân.

  2. Tuyệt vời! Sương Lam rất yêu hoa cúc cho nên thấy tựa đề “Đoá hoa cúc cuối cùng”, SL bèn đọc một lèo.
    Đọc xong SL phải thành thật cảm phục tài viết văn của Hải Hà vừa viết chuyện phóng tác vừa hư cấu quá hay lại ngấm ngầm đề cao phụ nữ. Hay thật!
    Thật là một duyên may cho SL được quen biết nhà văn Hải Hà, dù hơi muộn. Bây giờ SL thích “Chuyện Bâng Quơ” của Bà Tám vừa ngắn gọn, vừa được xem hình đẹp do Bà Tám chụp.
    Xin vui lòng cho biết lý do vì sao nhà văn Nguyễn Thị Hải Hà lại biến thành Bà Tám? Smile?

    Chúc an vui.

    Sương Lam

    1. Cám ơn chị SL. Hà vui thấy chị ghé chơi. Thật tình khi lấy tên “Bà Tám” Hà chẳng nghĩ gì xa xôi. Chỉ không muốn người tình cờ đọc blog này biết chủ nhân blog là ai. Cũng có vài người thắc mắc, tại sao dùng chữ “Bà Tám” vì chữ này thường bị gắn cho cái nghĩa là người đàn bà ngồi lê đôi mách. Hà nghĩ rằng, viết văn, từ ngày xưa, cũng chỉ là thuật lại một câu chuyện của mình, hay của ai đó chung quanh mình, ngoài xã hội. Chuyện có khi vui khi buồn. Chuyện có thể dùng để kể lại tin tức, người quen ai còn ai mất, ai sinh con đẻ cháu, ai được thăng quan tiến chức, những chuyện này có thể kết nối tình thân, tương quan trong xã hội, và dĩ nhiên cũng có thể biến thành những chuyện không hay. Nhưng tóm lại, dù có ý tốt hay không, khởi đầu, nó vẫn là những chuyện “ngồi lê đôi mách.” Hà không có ý bôi nhọ chuyện viết văn, nhưng hiện lúc này thì cảm thấy thiếu chữ để diễn đạt cái hành động viết văn. Ngoài ra, má của Hà, các cháu bên chồng của bà gọi bà là “thím Tám.” Má Hà là người hiền lành dễ thương không phải cái hình ảnh của người đàn bà ngồi lê đôi mách dữ dằn. Hà cũng có người chị dâu, thứ Tám trong gia đình, được yêu mến thân thiết gọi là “má Tám.” Người ta thường bảo khi mình viết văn, thì cái vô thức (subconscious) thường trồi lên một cách không ngờ. Có lẽ cái hình ảnh “thím Tám” của má Hà, và “má Tám” của người chị dâu, xuất hiện trong lúc Hà đang tìm cái tên cho một người ham viết văn nhưng chưa nổi tiếng, và từ đó Nguyễn Thị Hải Hà trở thành Bà Tám.

      1. Lời giải thích danh xưng “Bà Tám” của Hải Hà thật dễ thương. SL hình dung ra được một Bà Tám thật thà hiền lành, chân chất, giản dị như má của bà Tám và chị dâu của bà.
        Hôm nay là Father’s Day thôi thì cứ vui mình, vui người là vui rồi. Smile!
        Sương Lam

Leave a comment